Nguyễn Hiền
Lão Tám ‘cô đơn’ ngồi uống trà, ngóng ra cửa có ý đợi ai. Rồi lão nghe có tiếng dép lẹp xẹp dưới bếp. Lão tính đứng dậy đi xuống coi đứa nào cả gan dám lẻn vào nhà nhưng rồi lão sực nhớ.
– Mày rình thứ gì ở sau bếp nhà tao…?, lão lên tiếng đánh động.
– …Rình rinh cái hủ gạo của chú…
– Ờ…ngon ta. Nói cho nhớ đó nghen… con. Vàng tao giấu trong hủ gạo, mai mốt mất… tao báo làng, báo xã là mày lấy, lúc đó đừng có chối nghen…con.
– Báo cho… báo. Sợ gì…Con xám mai ra trường được rồi chớ gì…?
– Tao tính mai…mà mày thấy nó thế nào?
Đứa nào…đó là Chín lùn, bạn đá gà của lão, dân đá gà hàng the, coi nước gà lên xuống, quăng chấp, lội qua lội lại kiếm tiền… chợ. Sáng hôm qua, lão Tám ‘cô đơn’ đi thăm ruộng, sẵn tạt ngang nhà nó, kêu mai xuống uống trà tính chuyện ôm con xám ra trường đá một độ chơi. Nhưng do cái tật luồn lách của dân đá gà hàng the ăn sâu trong con người nó nên thay vì đi cửa trước nó đạp rào, luồn cửa sau, vô thẳng nhà bếp coi con xám đang nhốt ở dưới.
Rồi vừa ngồi vào bàn, Chín ‘lùn’ vừa hỏi cà giỡn:
– Mai chú tính đá bao nhiêu?
– Tiền đâu mà đá cho nhiều…Tao tính đá một triệu…. Còn mày…?
Một triệu!. Chín ‘lùn’ tưởng lão Tám ‘cô đơn’ nói chơi. Nó bưng ly nước trà mà lão vừa rót đưa lên miệng nhưng không uống mà lại đặt xuống bàn, nhìn lão cười. Làm bạn gà vịt với lão lâu rồi nó còn lạ gì lão. Thường lão Tám ‘cô đơn’ chỉ đá chơi một hai trăm ngàn là cùng.
– Một triệu…Nói chơi hay nói thiệt đó…chú Tám? Chú mà dám đá một triệu con cũng dám bán nhà theo chú…
– Bộ mày nói tao không có được một triệu để đá gà…hay sao? Lão Tám ‘cô đơn’ nhướng hai con mắt lên ra bộ mặt giận.
– Ai mà dám…Tại con cảm thấy lạ…là bữa nay chú đá hơi bị nhiều…
– Lạ gì…Tết nhứt mà mậy…
Tết nhứt…gì nữa! Hết ‘mùng’ sang ‘mền’ rồi. Bữa nay đã là 14 tháng giêng. Có ma mới tin lão, Chín ‘lùn’ nghĩ bụng. Rồi cái đầu của dân đá gà hàng the chạy xà quần. Chân đá ‘sát thủ’ của con xám, chuyên trị ‘tai mắt mũi họng’ thì nó biết rồi. Còn lão Tám ‘cô đơn’ nuôi gà nòi chủ yếu để ‘bán lúa non’. Mái thì nữa đêm nữa hôm rình bán chợ, bán cho ‘nậu đón’ cho biệt tăm biệt tích vì sợ lạc dòng ra ngoài. Cồ thi bán cho dân ngoại tỉnh không bán cho xóm láng giềng gần vì sợ ‘gà nhà bôi mặt đá nhau’. Và bao giờ cũng vậy, mỗi lứa gà, lão luôn luôn giữ lại một con để chơi.
Con xám thuộc lứa gà tết. Bầy 5 con cồ nhưng chưa kịp lắt tai lắt trích, một người quen của lão ở Đắc Lắc đã xuống bắt 4 con.
Hồi con xám mới xổ lần đầu, thấy chân đá lẫm liệt, Chín ‘lùn’ đã gạ gẫm: ’Hai triệu… chú để con’. Nhưng lão lắc đầu: ‘Khi nào đá…tao kêu…’. Nói thì nói vậy nhưng mỗi lần xây xổ lão đều kêu Chín lùn theo.
Phải nói con xám xây xổ không có đối thủ. Chưa có con nào chịu nỗi nó quá một hồ. Tuy nhiên, cái ‘nghề’ quanh năm lặn lộn khắp các trường gà kiếm sống nó dư sức hiểu ‘gà đá hay chạy giỏi’ là chuyện bình thường. Gà hai triệu không bán, lại đá một triệu đương nhiên là có vấn đề nhưng Chín ‘lùn’ nghĩ mãi không ra con xám có ‘vấn đề’ gì?
Lão Tám ‘cô đơn’ thuộc lớp người xưa chơi gà dòng, chú trọng đến vảy vi, tướng tá rồi mới tới chân đá trái ngược với dân chơi gà ngày nay coi chân đá trước rồi mới nói chuyện tướng tá, vảy vi…sau. Chín lùn chấm chân đá, tin tưởng vào dòng gà của lão Tám và nhiều lần ôm ẵm, dĩ nhiên nó không lạ gì con xám. Nói về tướng lộ ra ngoài như ‘nhứt thời chân chúm thả ra, nhì thời lắc mặt, thứ ba né lòng’ con xám đã không rồi, còn nói về tướng ẩn như yểm long, lông voi, bớt lưỡi… thì càng không nữa.
‘Vấn đề của con xám là gì?’, Chín ‘lùn’ nghĩ phải tìm cách cạy miệng lão già này mới được. Nó chơi bài khích tướng.
– Đá vài trăm thôi chú…gà vịt mà…đá hay chạy giỏi là chuyện thường…Ăn không nói gì…còn thua…
– …Mày thấy gà tao ra trường có thua lần nào chưa…với lại con xám… mày mà tìm ra con nào ngủ… như con xám tao cho không mày luôn…. Cái máu háo thắng của dân chơi gà trong người của lão Tám ‘cô đơn’ trỗi dậy.
– Nó ngủ làm sao hả chú…?
– … Là gà ‘ngủ tử mị’…Mày thấy chưa?
‘Vậy mà giấu tui. Hèn chi ông đá tới một triệu…’. Chín ‘lùn’ nở nụ cười đắc thắng nhưng vẫn chưa chịu buông tha..
– Con có nghe nói chớ chưa thấy qua bao giờ…mà thiệt không chú…?
– Thiệt gì mà thiệt…tao xạo mày hồi nào…
Rồi hình như cảm thấy có lỗi với Chín ‘lùn’, lão Tám ‘cô đơn’ phân trần.
– Thiệt ra… thấy mày mê con xám tao tính nói với mày lâu rồi nhưng sợ cái miệng mày bép xép… lộ ra hư sự…
Chín ‘lùn’ đã biết cái điều mà nó muốn biết. Và cái đầu của nó tiếp tục chạy. Đầu tiên là câu hỏi ngày mai đá ở trường nào? Trường năm Lọ hay trường huyện?
Trường Năm Lọ là trường làng, một tuần chỉ đá có ngày thứ bảy, còn dân chơi gà đều là những nông dân đá chóc chen cho vui, ăn thua không mấy đồng bạc?
Còn thương hiệu ‘trường huyện’ nỗi đình nỗi đám kể từ ngày huyện cho phép một tay anh chị mở trường gà chơi công khai mỗi tuần 5 ngày. Và dân đá gà toàn là những tay máu mặt, những đại gia từ nhiều nơi đổ về coi tiền như rác, quăng chấp ăn thua bạc tỉ. Và đừng nói chi lão Tám ‘cô đơn’ kết con gà lắm cũng chỉ mót mét được một triệu để đá mà ngay cả nó, dân đá hàng the cũng không có cửa.
Rồi Chín ‘lùn’ sực nhớ tới thằng Thắng ‘công tử’, con quan gì đó ở huyện, ăn thua một độ gà hàng trăm triệu, thường nhờ nó tìm gà hay mua giùm. Nó nghĩ hay là nói với lão Tám bán con gà cho thằng đó rồi theo nó đá. Và nếu đúng như lời lão Tám ‘cô đơn’ nói thì gà ‘ngủ tử mị’ giá phải nằm ở hàng chục triệu trở lên.
Thấy Chín ‘lùn’ ngồi im không nói không rằng, lão Tám ‘cô đơn’ tưởng nó giận.
– Hồi nhỏ thấy tướng tá của nó tao chê…nhưng một lần tình cờ bắt gà đi bán, tao thấy nó ngủ…Hồi ông già tao còn sống, ổng nói ‘dòng gà này lâu lâu ra con có gà ‘ngủ tử mị’. Từ đó đến nay mấy chục năm rồi…
Nhưng Chín ‘lùn’ đâu có nghe lão nói, trong đầu nó bây giờ chỉ xuất hiện có một chữ tiền. Nó chưa biết kêu giá con xám bao nhiêu? Nó cũng không biết lão Tám ‘cô đơn’ có chịu bán không? Rồi nó nghĩ ai lại không ham tiền, phải thử mới biết.
– Chú Tám nè…con nghĩ nếu đúng là gà ‘ngủ tử mị’ giá phải trên chục triệu…Chú biết rồi con cũng đâu có tiền nhiều để đá…Với lại đá trường Năm Lọ làm gì có tiền triệu để ăn còn lỡ như hư hao có phải uổng con gà không?
Rồi Chín ‘lùn’ bồi thêm: “Coi bán được thì bán…kiếm chút đỉnh tiền phòng thân…phòng khi ốm đau, bệnh hoạn…đấm đá không bao nhiêu…tiếc gì con gà… ”.
Chín ‘lùn’ đã đánh trúng yếu huyệt của lão Tám ‘cô đơn’. Chuyện gà vit, những bài học trận mạc ‘gà ăn về rồi bỏ’ không phải là lão không biết mà còn nếm trái đắng. Hay gặp hay, dở gặp dở. Lão nhớ tới con gà mồng sen (mồng giống như một bông sen) ‘ngủ tử mị’ của ông già lão, nhớ tới độ gà mà cả trường gà đứng tim theo dõi. Hồi đó, xưa lắm rồi, cái thời lão còn trai trẻ, không có nhiều trường gà như bây giờ nên gà hay gà dở ra sao ai cũng biết. Con mồng sen ăn 5 độ tiếng tăm lừng lẫy, bứt lông ra bất phước làm sao gặp lại con tía ‘yểm long’ đứng trường mà cha con lão đã né lúc còn tơ, nhưng giờ đã đổi chủ. Oan gia ngõ hẹp. Vừa tầm xứng chạng. Tiền độ tới hai ngàn bạc (hai ngàn hồi đó to lắm). Trong khi bên chủ kê con tía trụ một mình thì nghe tin con mồng sen ra trường, cả một làng của lão kéo nhau đi coi đi góp nhóp lại mới đủ.
Đá gà hồi đó đơn thuần chỉ là thú vui, một trò chơi giải trí vào những ngày đầu xuân năm mới, những ngày lễ lộc hoặc vào những ngày chủ nhật chủ yếu tranh hơn thua về đòn đá, tiếng tăm của dòng gà hơn là tiền bạc nên luật lệ thoáng hơn bây giờ nhiều. Thường hai con gà sau khi thành độ, hai bên chủ kê bắt đầu tiến hành các công đoạn như khớp chỉ mỏ trên, cho ăn cơm, cho uống nước rồi làm nước gà. Còn chủ trường, ngoài bổn phận cung cấp đầy đủ cơm nước cho gà còn có một nhiệm vụ quan trọng hơn, đó là canh hồ nước.
Hồ nước được tính bằng một phân ba cây nhang, nghĩa là một cây nhang được chia ra làm ba, mỗi một phần ba cây nhang gọi là một hồ. Riêng hồ đầu, chủ trường còn phân thêm ra làm ba phần và một phần ba đầu tiên được gọi là hồ cổng hay hồ tiền phòng trường hợp có những con gà sau khi giao tống được mấy cái hoặc vừa mới vô kèo đã bỏ chạy hay còn gọi là ‘rót’. Nếu gà bỏ chạy trong hồ cổng thì chủ kê không phải thua tiền.
Và đúng là ‘kỳ phùng đich thủ’, thả gà, con mồng sen và con tía ‘yểm long’ không tống ngay mà đứng thủ thế soi vảy nhau rất kỷ. Rồi sau vài đòn tống thăm dò sức lực của đối phương, hai con gà mới thực sự tranh nhau đòn đá, trả treo từng miếng đánh mà cho tới tận bây giờ lão Tám ‘cô đơn’ vẫn không quên.
Một độ gà kéo dài tới hơn 6 nhang. Đá từ trưa tới gần xẩm tối. Và đến lúc ai cũng nghĩ chắc huề nhưng hình như hai con gà không nghĩ như vậy và muốn kết thúc trận đấu. Và đến đầu hồ nước nhang thứ 6, vừa mới thả gà, con tía đá xông lên đá liền 3 cái khiến con mồng sen lên tiếng chạy vát, tưởng là chạy luôn nhưng không ngờ nó quay đầu lại tung một đòn đá quyết định. Không biết nó đá trúng chỗ nào mà con tía ngã một cái rật, lăn ra chết. Còn con mồng sen ăn về, 3 ngày sau cũng chịu chung số phận giống như con tía.
Lão Tám ‘cô đơn’ ngẫm nghĩ, Chín ‘lùn’ nói nghe cũng có lý. Số tiền hơn chục triệu đối với một lão nông như lão chợ búa cá mắm đều trông vào bầy gà nòi ‘bán lúa non’ và hai sào ruộng do nhà nước cấp là quá lớn, dành dụm cả đời chưa chắc đã có. Nhưng nghĩ đến dòng gà ‘ngủ tử mị’, lão lại thấy không đành.
Lão cắc ca cắc củm nuôi con xám, thức khuya dậy sớm lo cho nó chỉ mong đến ngày nó ra trường. Với cái đầu thuần nông, lão nghĩ đơn giản, có bao nhiêu đá bao nhiêu miễn là thấy chân đá của con xám. Nhưng gợi ý của Chín ‘lùn’ làm đảo lộn mọi dự tính, đặt lão trước câu hỏi: ‘Tiền hay là coi chân đá?’.
– Vậy…mày tính sao…?
– Bán…lấy tiền… cho ấm…túi. Chú nghĩ thử coi, ra trường Năm Lọ đá một triệu đâu phải dễ rồi còn tiền xâu, và cho người này người nọ theo rốt cuộc ăn được bao nhiêu còn lỡ như bị quẹt đui mắt có phải là mất cả chục triệu không? Bán là thượng sách, lấy tiền bỏ túi cho chắc cú…
Chín ‘lùn’ nói một hơi, thấy lão Tám ‘cô đơn’ rót nước trà uống liên tục, nó hiểu lão đã chịu.
– Để con gọi cho thằng bạn…
Chín ‘lùn’ vừa nói vừa móc cái di động ra rồi đứng lên đi dần ra ngõ. Nó nhớ Thắng ‘công tử’ từng mua con gà ăn độ tại trường với giá ba chục triệu, so với chân đá con xám thua xa, đó là còn chưa kể đến bửu tích ‘ngủ tử mị’. Rồi nó quyết định, kêu Thắng ‘công tử’ cũng giá đó nhưng ngắt lại cho nó mười triệu còn phần lão Tám ‘cô đơn’ hai chục, nó nghĩ chắc lão mừng tới…’vấp té’.
Con xám cáp với con ô của một đại gia ở ngoài Bắc. Gà đi xe con. Mười ngày sau, Chín ‘lùn’ đi đá về, nói nó kiếm được mấy triệu, kể lại.
– Thằng Thắng ôm về nhấp chân lại…Nó chịu con xám quá. Con ô chấp từ… ngoài giỏ. Ô ‘lông voi’. Cáp rồi mới biết. Nó ăn hai độ, độ đầu đâu ở Lạng Sơn, còn độ hai ở Tuy Hòa. Gà liên tỉnh mà, họ sợ mất ăn…chấp hỗn. Từ chục bảy, chục sáu rồi xuống chục năm…liền. Tiền ra như nước. Vừa mới thả gà, tống mấy cái, con ô đã chấp hết giá… xuống còn chục bốn… Bọn thằng Thắng bợ hết…Con ô nhậm như tép, đá đủ mỏ. Kiềng, mé, sỏ ngang…Gà có độ biết liền. Con xám sanh thế. Nó không ra mặt đá như lúc xây xổ mà mà kèo sát, bợ đá vai, phá cái cốt. Mỗi lần đá trúng, con ô ‘lông voi’ nhảy dựng lên, chao gà, nhờ đó mà nó giảm đòn. Rồi con xám lên đá đồng và chấp lại. Gà lên xuống từng nhịp. Chấp qua chấp lại. Bên nào cũng có nước ăn nước thua. Tiền tỉ mà. Cả hai bên đều xanh máu mặt. Đến đầu hồ 5, mới cho nước vào, con ô đá dữ quá, nó đá con xám lên tiếng mấy lần nhưng đá mấy con xám chịu mấy cho tới gần cuối hồ nước, nó tung một đòn đá, con ô kêu ‘áo’ một tiếng…rồi quay đầu….Lúc đó con ô ‘lông voi’ đã chấp xuống còn chục một…Nhiều người cháy túi… Thằng Thắng nghe đâu ăn cả tỉ. Con xám ẵm ra nhốt ngoài giỏ một đỗi mới gục…
Kể xong, Chín ‘lùn’ móc túi đưa lão Tám ‘cô đơn’ 5 triệu: “Thằng Thắng gửi chú uống nước…nó dặn mai mốt chú có con nào hay để dành cho nó…”
Lão Tám ‘cô đơn’ vừa ngồi nghe vừa vuốt ve cái xác con xám đã ngã sang màu bầm tím với vô số vết thương từ đầu đến cổ buồn buồn nhớ tới cái chết của con mồng sen. Lão đồ rằng, đó là cái nghiệp của gà ‘ngủ tử mị’, trả nợ cho chủ trước khi chết. Con xám ăn đòn nhiều quá, biết mình sức cùng lực cạn nhưng không chịu khuất phục mà thu hết tàn lực ra một đòn quyết định…hạ gục con ô ‘lông voi’.
Lão Tám ‘cô đơn’ nghĩ xa nghĩ gần. Lão nghĩ tới cái tên ‘ngủ tử mị’. Có nuôi được con gà ‘ngủ tử mị’ mới biết. Sách tướng gà cho rằng tên gà ‘ngủ tử mị’ được đăt căn cứ theo cái dáng ngủ sãi dài như chết nhưng theo lão thì không phải như vậy mà cái ý nghĩa của nó nằm ở chỗ ‘giả chết’ khi thua đòn đối thủ để chờ đợi thời cơ. Và hơn thế nữa, gà ‘ngủ tử mị’ hơn mọi con gà có bửu tích khác là thà chết chớ không chịu đầu hàng, khuất phục.
Đời cha lão có con mồng sen đến đời lão có con xám. Rồi lão nghĩ tới cái thân già hiu quạnh, lỡ nữa đêm nữa hôm trúng gió…không biết sống chết ngày nào. Lão không muốn dòng gà ‘ngủ tử mị’ bị tuyệt dòng. Lão muốn dân chơi gà đời sau khi nhắc tới gà ‘ngủ tử mị’ là nhắc tới sự kiên cường, bất khuất của dòng gà này. Lão quay sang Chín ‘lùn’:
– Mai mốt rảnh…mày xuống bắt con mái nhánh về giữ chơi…một lứa với con xám…mới đẻ trứng so…”
Nguyễn Hiền
Nguồn: Tác giả gửi