Cần thơ

Posted: 02/01/2019 in Hồ Đình Nghiêm, Tùy Bút / Tản Văn / Ký Sự

Hồ Đình Nghiêm

Tôi không biết làm thơ. Có viết được một đôi bài đăng báo, chị tôi đọc thấy và bảo “cái này mà gọi là thơ ư?”. Ai chỉ trích thì bụng tôi không vui nhưng khi nghe chị tôi nói, tôi buộc phải đưa tay ra sờ sau ót. Chị tôi đọc nhiều sách, yêu thơ rất mực và có một trí nhớ đáng nể. (Chị từng phê bình là văn viết của tôi có nhiều điển tích bị trích dẫn sai, liền mang sách ra đọc rõ ngọn ngành; nói có sách, mách có chứng, hết đường chối cãi). Thời nữ sinh, chị chép tay nhiều bài thơ tiền chiến trong một tập giấy xanh, lên tới hai ba cuốn, nâng niu. Chị gieo cho trí óc dại khờ tôi dạo nọ một hoài nghi: Có phải thơ là món cần thiết?

Người ta sống thở có cần tới thơ không? Cần Thơ cũng là tên gọi một thành phố mà ngày đó tôi chưa có cơ may ghé thăm qua. Khi bị đẩy ra khỏi nước, đôi khi an lành ngồi trên cuộc đất này đâm nhớ quàng xiên về chốn xưa. Ai đâu ngờ được sự vận hành của cuộc bể dâu, giá mà ngày cũ được rộng cẳng xuôi Nam, thăm thú, nhìn ngó cho thoả biết bao thành phố “gấm vóc” thì khi đã già đầu, tiếc nuối đi kèm với hối hận có vơi bớt phân nao?

Sau 1975, nhà thơ Bùi Giáng có làm ra bốn câu (viết theo trí nhớ):

“Tôi gọi Cần Thơ là cần thở
Cần Thơ ơi cần thở đến bao giờ?
Tôi gọi Bình Dương là bình dưỡng
Dượng dì ơi có thương nhớ con không?”

Vào năm 1965 an lành, tại một ngôi trường Trung học ở Cần Thơ, có một nữ sinh học lớp đệ Nhị, mang tên Lý Thị Kim Xương đã viết nên một bài thơ. Từ một cô gái (17, 18 tuổi) ẩn mặt, bài thơ “Thư Cho Anh” đã mang chị Lý Thị Kim Xương thoát khỏi Cần Thơ, vang danh ra chốn xa, kể cả hải ngoại giờ này. Tôi xin mượn nguồn từ nhà văn Trần Hoài Thư để chép lại bài thơ ấy, ra đây, chỉ thế tấm gương tự soi vào mặt mình: Học lớp đệ Nhị (lớp 11, sẽ thi Tú tài Một) tôi vẫn còn là thằng học sinh ngây thơ, nhút nhát, yêu chùng thương vụng chẳng dám biểu lộ, hổ ngươi chịu kém anh thua chị cả đoạn đường dài. Theo cảm nhận riêng tôi, bài thơ này quá tuyệt, có muốn nói khác cũng thừa bởi tự thân bài thơ mang thứ giá trị mà qua thời gian, mãi còn đó là nụ tường vi chưa phai nhạt hương mùi:

THƯ CHO ANH

anh nghĩ gì khi người ta nói yêu em?
khi trời mưa người ta đưa em đến trường
người ta bảo người ta thường hay khóc
vì em nhìn người ta quá dửng dưng

chủ nhật người ta đi xem lễ
anh nghĩ gì khi người ta ngồi gần em?
người ta đọc kinh khe khẽ
em nghe người ta đọc tên em

mai nhớ về thăm em nghe anh!
cho người ta hiểu em không sống một mình
nếu người ta yêu thì phải yêu hai đứa
(yêu em và yêu anh)

người ta yêu em anh có buồn không?
nhỡ một mai em gọi người ta bằng chồng
anh có còn yêu em không nhỉ?
(chết! người ta đang nhìn em ngoài song).

LÝ THỊ KIM XƯƠNG

Bài thơ ra đời năm 1965. Nếu vậy thì tác giả giờ này đã là tuổi hạc, tóc bạc phôi pha. Giáng Sinh vừa rồi tôi không đọc-kinh-khe-khẽ nhưng tôi có đọc tên Lý Thị Kim Xương. Tôi nghĩ, bạn làm thơ, nếu hay một vài, hậu thế sẽ có người mang ra đọc thầm. Tôi không rõ Lý Thị Kim Xương là tên thật, hay đó chỉ là bút hiệu của tác giả, dẫu sao tôi có cảm tình với danh xưng khác lạ kia.

Kim Xương sáng tác có nhiều không? Chị ra sao giờ này? Chị vẫn ngụ ở Cần Thơ? “Nếu người ta đọc tên Xương khe khẽ chị có buồn không?”.

Cần thơ? Thế kỷ trước, khi báo giấy còn sống hùng sống mạnh, người ta rất cần đến thơ. Một bài thơ là thứ xét thấy “hợp lý” nhất dùng để “điền vào khoảng trống” một trang báo. Người ta tính toán độ dài có ở câu chữ hòng “ăn” với chỗ trống kia mà chẳng thiết tới nội dung thơ ấy muốn diễn đạt về điều gì. Rẻ rúng. Tuỳ tiện. Coi thường, vô tội vạ.

Thế kỷ này, hôm nay, khi nhà nhà đều hứng thú với thế giới ảo, ai ai cũng có facebook, người ta có còn cần thơ hay chúng sinh cần thở? Ai đó đã chụp lại một vuông giấy mà bề mặt ghi ra thứ nội dung “đáng sợ” rồi post lên (nguyên văn): “Thằng Nguyễn Văn Mít. Nếu mày không trả nợ. Tụi tao sẽ tag thơ vô phây búc của mày”. Trong cõi hỗn mang đó, rõ ràng thơ đã trở thành một thứ vũ khí lợi hại mang ra để đe nẹt, cảnh báo, dằn mặt con nợ. Hơn cả thư rơi, thư nặc danh, black mail, thơ nào khác gì đao, kiếm, a-xít, kim tiêm có nhiễm bệnh sida? Không phải vô tình, Bùi Chí Vinh từng viết nên:

“Mới đầu ta định làm thơ
Sau cùng nghĩ lại giặt đồ hay hơn”.

Lao động tay chân có khi mà thiết thực, “hay hơn” ngồi động não dệt nên vần điệu. Để thu hút số đông, giờ này người làm thơ “chịu khó” lùng sục trên mạng cố tìm lấy được một tấm ảnh “mát mẻ”, chụp hình một cô bé phơi bày da thịt hở hang xem đó là thứ phụ kiện cần thiết, minh hoạ, cộng hưởng với tấc lòng của thi nhơn.

Một quan chức có quyền thế ở Việt Nam phán: “Thơ trên phây búc toàn cả thơ rác”. Lời ông ta đã gây ra sự phẫn nộ lây lan trong cộng đồng nhiễu nhương ấy mặc dù ở Việt Nam người ta vẫn truyền khẩu câu:

Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Rượu chè thì được nhớ đừng tặng thơ.

Chao ôi, nghe luống những ngậm ngùi! Giá mà có ai rộng lượng tặng tôi một bài thơ tựa như “Thư Cho Anh” của Lý Thị Kim Xương thì thằng tôi sẽ bỏ thói rượu chè, sẽ trân quý thơ, xem món quà nọ là vô giá, sống bỏ bụng chết mang theo. Ở phương Tây nói chung, tất cả những người sinh hoạt trong lãnh vực sáng tác nghệ thuật đều có chung một nhận định, rằng nên sắp hạng thi ca là thứ đứng hàng đầu. Ví dụ như lời tâm sự của nhà văn William Faulkner: “Tôi là một thi sĩ thất bại. Có thể là các tiểu thuyết gia đầu tiên đều muốn làm thơ, thấy rằng mình không làm được rồi mới thử viết truyện ngắn, là món khó khăn đứng sau thơ. Viết truyện ngắn cũng hỏng luôn, rốt cuộc họ mới quay ra viết tiểu thuyết”.

Tuổi học trò đã vuột trôi, đến tuổi nhi nhĩ thuận tôi cũng chẳng làm được một bài thơ cho ra hồn. Tôi nghĩ đến chị tôi, về lời cảnh báo không sai trật mà chị từng nhận xét, ngầm khuyên nhủ tôi đừng làm thơ nữa. Tôi cũng nhớ tới ông Mao Trạch Đông: Các đồng chí cứ ca ngợi chế độ cho nhiều vào, thế nào trong hằng hà ức triệu các sáng tác kia cũng nhặt ra được một bài thơ hay, chí ít.

Năm mới, nhà nước phía bên kia biển sẽ ban hành luật an ninh mạng. Nó thành lập để thế cho một cái còng, một gọng kìm hầu siết chặt, ngăn ngừa những lời lẽ phản động, bêu rếu nói xấu chế độ. Nếu nó hoá thân là một cái chổi thì nó không tài nào quét sạch “thơ rác”. Biết đâu, khi bà con chí thú tạo ra rác, bà con quên đi phần nào thứ hiện thực trái ngang đang diễn ra thường nhật chứa lắm thương đau. Xã hội nhờ “rác” mà làm nguội, tạm lắng bớt những oan ức, thôi diễn ra cảnh xuống đường biểu tình ra yêu sách dân chủ này nọ. Hãy để bà con vùi đầu sống trong thế giới ảo, nơi họ được làm vua không ngai.

Người ta yêu thơ anh có buồn không?
Nhỡ một mai người ta xem Thơ là thứ cần thở
Bình Dương thiếu dưỡng khí thơ bỏ trốn
Em thôi làm thơ anh mừng vui chăng?
Chủ nhật người ta đi xem lễ
Nghe tiếng nguyện cầu đất nước bình yên.

Thức trên gọi là tức cảnh sinh tình, mang thơ Lý Thị Kim Xương ra nhào nặn lại. Điều này chẳng hay ho gì, bạn chớ nên làm loài ốc mượn hồn. Bạn nên tự tạo ra được một cái vỏ bọc, chữ dùng trong nước kêu bằng “gây được thương hiệu riêng”. Tôi yêu hai câu của Hồ Dzếnh, bởi trước sau, nó luôn hợp với tâm cảm tôi mang:

Mộng tàn nước chảy mây trôi
Tôi lui hồn lại nhưng đời đã xa.

Hồ Đình Nghiêm
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh

Đã đóng bình luận.