Hồ Đình Nghiêm
Sự bất quá tam? Câu này không phải là định luật đúng đắn. Để đả phá nó, có vẻ khuyến khích cho việc trì chí, người ta lập luận: Thua keo này bày keo khác.
Sau ba lần “có âm mưu trốn ra nước ngoài” thất bại, đổ bể, bị tó, nhập kho. Lần thứ tư, bày keo khác, ơn trời chúng tôi vượt biển thành công. Nếu thất bại, vĩnh viễn chúng tôi không thể làm đứa mang tội danh “phản bội tổ quốc”. Đó là sáu cây vàng cuối cùng nhằm đặt vào canh bạc sau chót, cá cược luôn cả tính mạng bọt bèo vào sự rủi may. Nói theo cách của mấy anh lính “chế độ cũ”: Một xanh cỏ, hai đỏ ngực.
Vàng ở đâu ra mà lắm thế? Ờ, thì của bố mẹ vợ tôi cho. Giây mơ rễ má lòng thòng, có thể tóm gọn là trong người ông bố vợ tôi chứa tới 50% dòng máu Tàu. Từ nhỏ ông theo học trường Quang Hoa, nói tiếng Quảng Đông và đọc truyện kiếm hiệp kỳ tình giả tưởng của Kim Dung nguyên bổn. Sách truyện ông đặt mua trực tiếp từ Hồng Kông, sắp trên kệ cứ y như pho Cửu Âm Chân Kinh bí hiểm nằm trong tàng kinh các. Thời chưa vàng thau lẫn lộn, ông có cửa hiệu bán xe gắn máy Honda Yamaha nằm ngay phố chính, sau cuộc đổi đời liền hối hả đốt hết mấy bộ bí kíp kia, cơm canh khi nấu chín còn vương mùi giấy khét của “văn hoá phẩm đồi truỵ”. Ông gần như bị phế hết võ công, bầm dập tơi tả khi chiến dịch đánh tư sản mại bản diễn ra, ông “cả tin” trao cho tôi giữ một số vàng và đi đâu tôi cũng mặc chiếc áo lót đặc biệt y như thứ áo giáp chống đạn, bên trong. Ông bỏ công dạy tôi những câu đàm thoại phổ thông căn bản hòng dắt lưng, lỡ qua được xứ người mang ra mà sử dụng, “cỏn” với người Hồng Kông. Lí tù xẻn ùm xẻn dành? Ở đây có cần người làm không? Dách dật xám xập mánh dậu phàn. Một ngày ba chục bạc có bao cơm…
Cuộc hải hành kỳ quái “nghĩ không ra” mất năm ngày là tới bến bờ. Ở đó, những vị thuyền trưởng với đủ mọi phương tiện máy móc cọng với kinh nghiệm dày dặn việc đi biển đã há hốc mồm ra khi nhìn xuống chiếc ghe bé tẻo teo sắp sút mộc long ván dập dềnh như đám lục bình chứa đúng một tá con cá lòng tong ốm dơ xương bám víu tới niềm tin mong manh may nhờ rủi chịu. Người ngoại quốc không đủ ngôn từ để cắt nghĩa tình huống nọ, họ chỉ biết nói tới Chúa, bán tín bán nghi rằng đã có sự mầu nhiệm nào vừa hiện ra. Và cũng bởi quen sống trong ân sũng do đấng toàn năng bao bọc, họ biểu lộ ngay lòng thương cảm, gia ân mở rộng vòng tay tiếp đón. Liên hiệp quốc, hội Hồng Thập Tự quốc tế cùng những phái đoàn thiện nguyện liên quan đến vấn đề thuyền nhân đặt trụ sở tại Hương Cảng đã thành lập ra bốn trại tị nạn bên vùng đất Cửu Long (Kowloon) và sắp đặt chỗ tạm trú cho bọn người vừa rời xa quê mẹ vì vấn nạn chính trị. Tôi tới đất tự do vào năm 1980, theo quy định tất cả những thuyền nhân đều phải tá túc trên một chiếc xà-lan lớn neo ngòi vịnh Kowloon, xa là quần tụ nhà chọc trời lung linh ánh điện của Hong Kong (cảng thơm) gần là Cửu Long cũng lắm nhà cao cửa rộng chen chúc mọc. Tả hữu đều bày binh bố trận một thế giới lạ lẫm đầy lôi cuốn, háo hức được nhập vào để khám phá. Trời cao cũng mây trắng nõn nà chậm tan trên nền xanh, nhưng khung trời này, hôm nay dường như đẹp đẽ hơn, ngời sáng hơn vuông trời cũ đầy vân cẩu.
Phút đầu ở trên xà-lan là chịu qua sự khử trùng. Từng toán nhân viên y tế mặc đồ bảo vệ kín bưng, đeo mặt nạ y như lính cứu hoả và họ “chữa cháy” đám tị nạn bằng cách phun vào người từng vòi thuốc trắng. Một thuyền nhân nói: Họ sợ mình mang đội ngũ chấy rận vào đất liền phá rối hay sao? Một thuyền nhân khác góp tiếng: Chấy rận mà nhằm nhò gì, chẳng qua người ta muốn triệt đi vi trùng cộng sản lỡ bám vào thân con dân xứ Việt…Dội nước lạnh sau đó, tắm táp qua loa xong đâu đó thì phát nhận lương thực. Bánh mì, paté, cá hộp, cam, táo, nho, sữa lỏng, nước suối. Hơn bốn năm qua, giờ mới có được một lần ăn giả bữa trong ê hề. Đi biển đã nôn thốc tháo tới mật xanh, bụng mãi réo sôi và khi đền đáp cho bao tử rỗng ruột, thộn vào tới tức cành hông, óc ách. Bảo ngon miệng thì không đúng, nói là ăn để sống cũng sai tuốt. Trong thực phẩm đó chứa một thứ vitamin vô giá: Tình người. Nhai trong hân hoan, nuốt trong cảm động. Gió ngoài biển thổi vào, lồng lộng tự do, thơm ngát, sướng rên mé đìu hiu.
Tuỳ thuộc vào sự lên đường, bay đến đệ tam quốc gia của những người vượt biển tới trước. Trong bốn trại ấy có chỗ nào vắng lạnh thì người đại diện Liên Hiệp Quốc sẽ đi ca-nô ra xà-lan lập danh sách đủ số để điền vào chỗ trống. Chúng tôi nằm đếm sao trên xà-lan đúng hai hôm thì được điểm mặt cho vào đất liền. Đi đâu mà vội, ghé Kho Đen ăn ở năm ba ngày vạch áo xem lưng cho người ta khám sức khoẻ tổng quát. Được phát áo quần đã qua sử dụng “thơm mùi Mỹ”, cũng áo chim cò cũng quần jeans Levi’s này nọ, “diện ngất trời” để giã biệt thứ y phục tả tơi xã hội chủ nghĩa. Không kể trại cấm, ở Kowloon có bốn trại mở: Sham Shui Po, Jubilee, Kai Tak East và Kai Tak Nord. Hai trại này nằm sát phi trường Kai Tak nên tai thường trực nghe tiếng chim sắt gầm rú của xuống, lên, đi, đến. Đặc biệt là hai trại này gần khu Kwun Tong, nơi mọc lắm hãng xưởng sẵn lòng thu nhận nhân công một chữ Quảng Đông cũng không biết bẻ đôi. Thay vì cứ Oui hoặc Yes thì đằng này cũng Hầy a. Gật đầu không quên gửi tới tài-lũ một nụ cười. Xong ngay. Hủ, hủ. Lắm khi nghe tài-lũ nói tiếng Đan Mạch: Tiểu lị lụ mụ a. Một sự nhịn chín sự lành. Ba mươi sáu kế, cười là thượng sách. Chí ùm chí a? Mụ cỏn mại li ti. Hiểu không? Chớ nói linh tinh.
Nhập trại thì đi lãnh ngay một tấm ván về kê vào giường sắt. Mỗi cái giường đặt lưng ngủ ngáy đều có đánh số, bạn phải thuộc nằm lòng dãy số ấy vì nó là căn cước của bạn, là hồ sơ thu nhỏ để người ta tiện liên lạc, địa chỉ để bạn gửi và nhận thư từ thế giới bên ngoài. Trại có bốn vị cảnh sát (A Xề) coi ngó giữ gìn trật tự, có chòi canh ở cổng vào, ra. Bạn được cấp phát đồ dùng vệ sinh cá nhân, mỗi ngày hai buổi được trao tận tay cơm hộp (ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật). Chưa gì, chân ướt chân ráo đã hưởng lấy một trong tam khoái. Đừng hòng ngồi đó mà bày đặc thụ hưởng. Bọn tớ cho đằng ấy ăn chùa trong ba ngày thôi, nhớ. Không lo xấc bấc xang bang chạy đi kiếm việc thì có đói rã họng bọn tớ cũng khoanh tay thấy chết không cứu.
Ra ngoài kiếm việc, trước tiên bạn phải có tấm ảnh nhỏ để dán vào cái thẻ vàng có con mộc đóng lên cùng chữ ký của ông trại trưởng chứng nhận người trong ảnh là dân tị nạn ở trong trại này được phép ra ngoài kiếm cơm. Cổng trại sẽ đóng vào lúc 9 giờ tối, nội bất xuất ngoại bất nhập.
Rất dễ chịu, giấy tờ tuỳ thân của một mạng người chỉ vin vào một vuông giấy bé nhỏ thua tờ giấy bạc, kể cả bạc giả. Cũng không thèm bọc nhựa làm gì cho thêm rắc rối cuộc đời. Dễ chịu chuyện khác là khi người ta ra giới hạn chỉ trong vòng ba ngày thôi, điều đó ngầm cho hay rằng kiếm ra việc làm cũng dễ như ăn ớt. Nào có chi nhiêu khê. Tôi kè được một đứa thanh niên biết nói chút chút “cỏn xỉu xỉu” kết giao làm bạn đồng minh đi tìm một mặt trận để đánh đấm thử xem nội lực sau cuộc hải hành còn được bao phần hoả hầu. Chả cần phỏng vấn lôi thôi, hai đứa lạc hồn đi vào một tiệm làm bánh ngọt mang thương hiệu Maxim’s nằm ở khu Mong Kok và được giao một đống khuôn bánh cao ngập đầu, luôn cong lưng mà kỳ cọ rửa sạch bơ đường bột cháy khét với nước nóng, nóng thua những giọt mồ hôi vừa chảy đẫm mặt mày. Trong hãng xưởng có lắp đặt bốn cái camera, thằng cai hẳn đã quan sát lính mới nên giờ cơm trưa quá bộ tới hỏi thăm sức khoẻ. Andy Chou biết tôi là duỵt nàm dành, người Việt Nam nên đương sự dùng “dính mãnh” để gỡ rối chút ngôn ngữ bất đồng. Tiếng Anh tôi chứa một bồ nhưng bồ ấy bị thủng ruột, nhớ chữ nào ngôn chữ ấy, chắp vá nhưng “no star where”. Chiếc cầu lỏng lẻo cũng thông thương được đôi bờ. Tôi bảo vì tôi là người tị nạn, không thể có được mọi giấy má cần thiết lận lưng để ra nhà băng đổi tấm ngân phiếu, vì vậy xin vui lòng trao cho tôi tiền tươi. Mít-tơ Chou nói ô kê, không thành vấn đề. Du muốn nhận hàng tuần hay đợi tới hai tuần như thiên hạ? Tuỳ vào tấm thạnh tình của ông, nhưng thưa thiệt là tôi muốn có chút đỉnh dính túi để lỡ ra đường đạp bể bánh tráng có tiền đền, len ken ít xu đặng bước lên xe buýt, sáng “dậm” cốc cà phê, mua bao Marlboro “xực dín”. Andy Chou moi túi quần đưa tôi ba chục bạc. Tôi trông lên gương mặt sáng bóng kiểu tài tử màn ảnh Hồng Kông lòng va nỗi cảm động, suýt vọt miệng: Sinh ra ta là cha mẹ ta mà người rộng lòng với ta chính là ngươi vậy!
Tôi viết thư gửi về cố hương tường trình mọi đường đi nước bước cho nhạc phụ hay. Lối tới nhà bưu điện cũng được “tứ hải giai huynh đệ” trong xưởng làm bánh chỉ bày cặn kẽ, họ hiểu thấu tâm trạng của một đứa cực chẳng đã phải rứt ruột bỏ nhà đi xa, ta thà chịu hành xác phương bắc còn hơn bị tra tấn tinh thần ở phương nam. Mật độ dân số Kowloon chen chúc non triệu rưỡi người, một số không ít đi chui từ Đại lục nên họ hiểu thế nào là đắng cay khi sống với chế độ cộng sản. Đã có một hai bà đứng tuổi khi đi làm chịu khó bới theo cho tôi ít thức ăn “cây nhà lá vườn”. Tố chề, tố chề. Cảm ơn, cảm ơn. Ùm cảnh diêu a bành dậu. Không có gì, bằng hữu ạ. Đón nhận, nhai lấy, nuốt xuống với nước mắt chảy ngược vào trong. Tôi tự suy diễn, không hiểu do đâu từ Hong Kong biến ra thành Hương Cảng, mà hương cảng chính là một hải cảng đầy hương thơm. Lòng người ở đây ăm ắp nhân hậu, đầy thơm thảo.
Bên ngoài phơi phới lồng lộng là thế nhưng bên trong trại tị nạn tù túng lại luôn diễn ra cảnh cơm không lành canh không ngọt gà cùng một mẹ mãi hoài đá nhau. Vẫn chưa lấp được lằn ranh Bắc Nam, vẫn định phận hai nhà rõ rệt. Gần nửa số thuyền nhân tới chốn này đều đến từ Hải Phòng hoặc những vùng phụ cận ở “ngoài ta”, chiều chiều thay vì ra đứng ngõ sau họ ngồi phanh ngực áo bên hàng rào lưới sắt ôm chiếc radio cassette mới tậu mở nghe đài phát thanh từ Hà Nội inh ỏi tuyên truyền giọng chua như giấm. Đêm tối thì thanh niên xăm trổ đầy mình tụ tập bày trò cờ bạc ăn tiền, sát phạt vang rân chả ngán mấy ông cảnh sát Hồng Kông chí tình nhắc nhở chớ bày ra tệ nạn ấy. Con sâu làm rầu nồi canh và như vậy người ra đi từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, đa số là Đà Nẵng đã ngứa mắt phản ứng. Bên thua cuộc vẫn lai hoàn là bên thua cuộc. Ban đầu chỉ thi triển quyền cước, về sau mang Đồ Long đao với Ỷ Thiên kiếm ra chém nhau tận tình. Mấy anh Đà Nẵng bào chữa cho sự lép vế: Tâm tính mình hiền lành hơn vì được giáo dục kỹ, trong khi họ là dân giang hồ thứ thiệt giết người không cau mặt, thôi thì đành bó tay, sợ làm lớn chuyện thì sinh ra trở ngại việc đi định cư. Máu người phương nam lại hơn một lần đổ xuống trên đất tạm dung. Chính quyền sở tại can thiệp, họ cô lập băng đảng phương bắc lại. Họ nhìn ra chân tướng ai là kẻ bàng môn tả đạo.
Phái đoàn Mỹ luôn cứng rắn việc thu nhận người đi định cư: Chúng tôi không mặn mà gì các anh xuất xứ từ phía bắc, chỉ ưu tiên giải quyết hồ sơ của “đồng bào” miền nam thôi. Dân Hải Phòng (đại diện đám người phương Bắc) ở trại tị nạn lâu hơn cả. Bị sàng lọc và những nước chứa chấp họ chỉ có Anh quốc là rộng lòng, hoặc mấy quốc gia khỉ ho cò gáy ở Bắc Âu. Bạn có tưởng tượng ra không, ở một vài khách sạn người ta đã cất công đi dán những tấm hình trong nhà vệ sinh bày cách đi đại tiện cho đúng cách, chớ nên leo lên bàn toạ với tư thế quen ngồi ở hố xí tập thể. Bày cách tắm nên kéo tấm màn ny-lông ngăn nước tràn ra thảm. Và in hàng chữ tiếng Việt to đùng: Xin đừng lấy khăn tắm và xà phòng làm của riêng. Nói bỏ lỗi, người Việt phương Nam thấy thế nghe luống những tẽn tò, tủi hổ, quê một cục và rất đau lòng khi sinh hoạt với đám người lạc hậu kia.
Dạo đó chưa đẻ ra đạo luật dẫn độ nhưng có đôi lần bà con Hong Kong đi biểu tình ôn hoà trước cổng trại, chừng hai ba chục người ra yêu sách là Liên Hiệp Quốc phải trích ngân sách ra để nuôi người tị nạn, ngăn họ không được ra ngoài nhanh tay đi cướp mất công ăn việc làm khiến chúng tôi bị thất nghiệp. Hãy cố trút bỏ gánh nặng ấy đi, sớm chừng nào hay chừng đó. Người Việt đừng làm phiền chúng tôi nữa.
Tôi tạm trú ở Cửu Long Hồng Kông đúng 16 tháng, thay đổi việc làm bốn lần: Tiệm bánh ngọt xong đổi qua thợ tiện ngồi khoan bản lề, rồi nhảy vào xưởng sản xuất quần áo jeans chỉ lo việc đứng máy đóng mấy hạt nút đồng vào đúng vị trí và cuối cùng được tờ báo Hope nằm ở trại Sham Shui Po thu nhận, giao việc trình bày dàn trang, minh hoạ phụ bản sao cho mát con mắt. Báo Hy Vọng in ba ngôn ngữ: Anh, Việt, Tàu phát hành để giúp người tị nạn có được món ăn tinh thần do cơ quan Caritas đảm trách. Boss của tôi gồm hai quý bà, một quý ông đều là dân Ăn-lê từ giã gia đình chốn sương mù để sang xứ nhiệt đới vui vẻ đi vác ngà voi. Toà soạn có gắn máy lạnh, công việc nhàn hạ và do vậy thời gian đó tôi viết được năm (5) cái truyện ngắn, thuần chỉ tả nỗi nhớ nhà và ngầm mang ơn tấm lòng khoan dung độ lượng của tha nhân đất mới.
Vượt biển lên bờ Hồng Kông năm 1980, thấm thoát mà đã 39 năm. Già tuổi ngang với một giấc mộng triền miên không thành tựu, chốn chào đời đã từ bỏ vẫn chưa le lói một đổi thay. 39 năm, cũng có nghĩa là người kiệt xuất mang tên Joshua Wong chưa thể chào đời (anh ta mới có 22 tuổi) để làm ngôi sao sáng, thủ lãnh phong trào biểu tình ở Hong Kong, rầm rộ và đồng lòng đi trên những con đường mà năm xưa tôi từng có lần lạc bước. Hai mươi hai tuổi, có tưởng tượng ra không? Là phát ngôn viên thay mặt cho hơn một triệu người Hồng Kông dõng dạc tuyên bố hôm 19/6 là chúng tôi quyết chống luật dẫn độ (Extradition Law) đồng thời cũng yêu cầu bà Carrie Lam, đặc khu trưởng Hong Kong từ chức. Người dân Hong Kong không chấp nhận sống với chế độ độc đoán, chà đạp nhân quyền từ nhà nước Bắc Kinh.
Tôi thích Hong Kong, chí ít thì tôi từng mang ơn họ một lần trong đời, khó phai. Ở đây, nếu tìm về phương Đông, tôi sẽ không đi Việt Nam mà lặn lội tìm về Cảng Thơm. Sẽ ngồi lại chiếc xe buýt màu đỏ hai tầng mang số 1A chạy suốt con đường Argyle lưu nhiều kỷ niệm. Đi từ Kwun Tong sang Ma Tau Wai. Đi từ khu Mong Kok đến tận cùng là Tsim Sha Tsui (Kim sao chổi) hoa lệ. Nếu còn dây dưa những bất ưng khiến người dân Hong Kong hăm hở đi biểu tình để đòi hỏi, xin hãy cho tôi nhập vào dòng chảy chẳng đứt đoạn ấy. Chống bọn lãnh tụ Việt Nam hay chế độ hiện hành của Tập Cận Bình thì cũng một nghĩa như nhau. Ác đức bất nhân thì cũng một lò mà ra.
Tôi thích Hong Kong. Tôi lục được từ cuốn album cũ một tấm ảnh chụp ở trại tị nạn Jubilee vào năm 1980 để làm bằng chứng. Tôi mong ước cho người Hong Kong đạt được thắng lợi cuối. Tiếng nói của tự do thì mãi còn đó, bất diệt. Người xứ tôi có biết gân cổ lên để hát bè thứ điệp khúc Freedom mà Joshua Wong vừa khởi xướng?
Hồ Đình Nghiêm
Nguồn: Tác giả gửi