Lon và chai

Posted: 05/07/2019 in Hồ Đình Nghiêm, Truyện Ngắn

Hồ Đình Nghiêm

Mỗi lần hẹn hò gặp mặt ở quán ăn, ông Hoan không quên mang bia theo. Bạn già kể cả quý bà khi đưa cay họ thảy đều mặn rượu chát, nhâm nhi, sành điệu. Thứ này “ăn” với hải sản, hiệu nọ hợp với thịt bò và nói chung “uống rượu chát rất tốt”. Vô tình, ông Hoan thành đứa nhà quê, lạc loài và mãi chung tình với anh “Tôn Thất Bia”.

Ông Hoan người Huế, chẳng dân hoàng phái, nghe bạn già đặt cho ngoại hiệu kia cũng nên ngậm cười sương sương chút vui thú. Máu ông Hoan thuộc nhóm gì? A, B hay O? Cái đó Hoan (không có g nằm đằng sau) chẳng bận tâm, chỉ biết là đổ bia vào người thì không răng cả, rứa chơ rượu chảy qua cuống họng, trôi xuống bao tử thì bỗng phừng phừng nóng nảy tợ Trương Phi, mặt đỏ hơn Quan Công và phát ngôn có đôi phần giống Tào Tháo: Phàm muốn tựu thành việc lớn trong thiên hạ trước tiên phải về nhà vấn kế vợ, vợ bảo sao cứ thế mà làm ngược lại, ắt thành công.

Một chị bảo, rượu uống thấy được phải trên ba chục bạc, tôi không rõ bia thì sao, có hét giá cao? Hoan thưa: Thua chị ạ, Công Tằng Tôn Nữ Nho Đỏ Trắng muôn đời vẫn có thế giá hơn, quý tộc hơn chàng bia nhà mình. Chị ấy hỏi tiếp: Rượu không vô lon, chỉ có bia mới vậy. Bia lon với bia chai, thứ nào ngon hơn? Hoan gãi đầu: Chị hỏi cái mới ngặt, e rằng chúng đều cá mè một lứa, Cô ca cô la cũng rứa, lon với chai cũng một nghĩa như nhau.

Anh Tĩnh, chồng chị khoanh tay ngồi kề bây chừ mới lên tiếng: Nói vậy là không đúng, giữa hai thể loại nhôm và thuỷ tinh đã có khác biệt ngay tự bản chất. Người ta thường nói “ba say chưa chai” hoặc “đẹp trai không bằng chai mặt” chứ có ai nói ba lon chưa say hoặc đẹp chai không bằng lon mặt… Vợ thúc cùi chỏ vào mạn sườn chồng: Bố thằng cu cứ bàn loạn linh tinh.

Ông Đăng, người vừa lãnh được tiền già, người thích theo dõi tin tức trong nước góp lời: Sau sự kiện tưng bừng ra mắt bộ lon Coca-Cola vừa diễn ra, bà Thu Hương cục trưởng cục văn hoá cơ sở cho hay “hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào từ Lon Việt Nam thì sẽ có rất nhiều vấn đề”. Tôi tán thành ý tưởng của bà đó, vì người mình rất quởn cứ thích vạch lá tìm sâu, cứ mặn chuyện thêm mắm dặm muối. Phải mà họ đóng chai thì đã êm, chái chài chải chại chả gây sốc đâu nhỉ?

Hoan ngó quanh: Tui thực không hiểu mô tê, nếu lon được thêm dấu thì nó biến thành chữ chi mà hoảng sợ ra rứa? Bà Nguyệt ngồi đối diện ngó Hoan như ngó con cù lần ngủ gục trong sở thú: Uống mấy lon rồi mà giả bộ say? Lờn, lớn, lỏn, lòn, lộn. Ừa, có sao đâu cà?

Không có răng mô. Hoan gật đầu với kẻ “hữu duyên thiên lý, tương phùng đối diện”: Vô trong thang máy mà thấy chị đứng lẻ loi thì tui cũng làm mặt nghiêm không táy máy tay chân cưỡng dâm các thứ. Con chim thì ta biết nó bay, con cá thì ta biết nó lội, chị Nguyệt thì ta biết có làm thơ, mà lon là gì thì đó là thứ mà ta không tài nào hiểu được.

Ông Đăng hết nhìn bà Nguyệt người Sài Gòn lại quay mặt sang ôn xứ Huế: Xừ Hoan nhái giọng của Bùi Giáng, vậy có biết bài thơ này của Bùi tiên sinh? Bài Tuy Nhiên:

Tuy nhiên em có mặc quần
Mà không ắt hẳn là quần thật xinh
Nếu như em chẳng mặc quần
Thì ông trời ắt càng mừng rỡ hơn
Kể ra lúc em còn bé
Mới lọt lòng ra
Trăm năm trong cõi người ta
Thì khi đó quả thật là em chưa mặc quần.

Bà Nguyệt bình phẩm: Đúng là chất giọng riêng tây của Bùi Giáng, nghe hồn nhiên đến lạ! Ông Đăng chọc: Toàn bài không nhắc chi tới lon bia lon coca nhưng lởn vởn trong đầu tôi một nguồn nước mạch suối khe.

Tĩnh xoay cốc rượu đỏ đã vơi nửa phần: Các bạn còn nhớ ngày xưa, bọn trẻ thường mang những nhãn hiệu thuốc lá ra giễu nhại? Như Salem diễn dịch thành “Sao Anh Làm Em Mệt”, như Pall Mall “Phần Anh Là Lính Mừng Anh Lên Lon”… Chữ lon nọ hợp lý quá đi chứ, chớ nên mặc quần cho nó.

Hoan mở thêm lon bia Heineken: Lon lá khác với lon bia, cũng y như bia này khác xa với bia đá. “Trăm năm bia đá cũng mòn, bia chai cũng bể chỉ còn bia ôm”. Rứa là xong om. Thành quách sụp đổ, ba vạn cũng bỏ khi uống bia mà ôm em không mặc quần.

Tĩnh nói to, có vẻ là kẻ không sợ vợ: Ở bển sướng thiệt, có nhiều thứ giải khát. Hết sờ đùi lại cầm lon, tình hình kia xúi bà Thu Hương phải cẩn tắc vô ưu thôi. Lon có mấy size, lon nhỏ lon lớn?

Vợ chàng Tĩnh ho khan: Thôi, mình gọi thức ăn đi chứ. Ở quán này có bán đồ chay không?

Ông Đăng xoay tấm thực đơn bọc nhựa trơn láng: Nếu có, hổng lẽ chị xơi mình ên? Tôi đồ chừng ở đây ai cũng thích ăn mặn. Không tin hỏi chàng Hoan đi, mắm ruốc mắm nêm mắm tôm rất hợp tình khoái khẩu khi nắm lon bia trong tay.

Bà Nguyệt thò tay tới nắm mấy ngón người thích ăn rau xanh quả tươi: Sợ chi? Ai sao ta vậy. Nán mươi ngày nữa thì tha hồ…

Hoan để ý bàn tay bà Nguyệt quá đẹp quá sáng, chắc không phải nhờ vào cái hột xoàn to khủng lanh lợi: Chị nói rứa là răng? Tha hồ chuyện chi?

Ủa… Thì tiệc mừng đám cưới của bà Lệ đó, sáu bảy món tuyệt không vắt ra một giọt nước mắm, chay toàn tập. Cô dâu Lệ cho hay, mình già rồi mà còn lên xe bông thì âu cũng nên bày tiệc toàn thức ăn chay cho lạ đời luôn thể. Bà con ở đây có ai được mời tham dự không?

Mọi người ngồi ngậm tăm, ba bốn con ruồi tỉnh bơ bay qua về không biết là ruồi đực hay ruồi cái. Chai hay lon? Hoan ngó vô màu son đỏ thắm chưa nhạt phai trên môi bà Nguyệt: Theo chỗ tui biết thành phố Mộng Lệ An mình có tới hai ba bà cùng mang tên Lệ. Bà nào cũng tri thiên mệnh trở lên, rứa thì Lệ nào còn hăm hở “võng chàng đi trước kiệu nàng theo sau”?

Nguyễn Phan Thị Lệ tư chớ còn ai trồng khoai đất này? Cớ sao sau đuôi lại thêm vô chữ tư? Ờ, cái đó do chị em quen biết họ khắc ghi công trạng, nhắc nhở rằng Lệ sang sông đã bốn lần. Đương sự thu vai rút cổ ngôn: Hy vọng là lần cuối, sự bất quá ngũ, nôm na là qua cầu rút ván sang sông đắm đò.

Ông Đăng mặt lộ vẻ buồn, rất ư tâm tư: Thằng cha nào hưởng lấy diễm phúc được nâng khăn sửa túi ấy? Trông người lại ngẫm đến ta, đã hai chục năm nay tôi quen với chăn đơn gối chiếc lạnh ngắt phòng the. Chẳng phải già mồm chứ tôi gần như… ăn chay trường.

Màu đỏ ở môi Nguyệt lại co giãn: Ảnh tên Trường, tình duyên gia đạo chỉ trắc trở có đôi phen. Sướng một cái là con cái họ thảy đều tự lập cả rồi. Chúng nói với hai ông bà: Kệ đi mà, nồi không nên lựa cái vung vừa khít để đậy lên. Ngủ một mình tâm thân an lạc nhưng ngủ hai mình thì vẫn sướng hơn. Chị Lệ tâm sự: Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Bọn trẻ bây giờ còn giỏi hơn quân sư ngày xưa, phận bố mẹ nên nghe theo lời con dạy.

Thế chúng có dạy là tổ chức ở nhà hàng chuyên trị chiên xào toàn rau xanh? Đã ăn chay mà mình mang theo lon bia ngó cũng không phải phép. Hoan nói. Mình chẳng được vinh dự tới chúc mừng là đúng quá rồi.

Nguyệt bảo: Nhan sắc Lệ còn mặn mà lắm, Nguyệt này như trăng bị mây che. Còn hơn tuần mà giờ này nghĩ chưa ra là nên mua thứ quà gì để mang tới? Tĩnh góp ý: Chốn này truy cho ra phương thuốc “lục giao sinh ngũ tử” thì hơi bị khó, chi bằng mua phức đi một đống Viagra. Thực tế, thực tiễn, thực dụng. Thực chất là vậy, không mạnh bề ngang cũng khoẻ bề dọc.

Họ ăn gỏi tôm thịt, cá kho tộ, bò lúc lắc và canh chua hải sản. Cưa hết hai chai rượu chát của Pháp, phần Hoan tu đúng sáu lon bia. Đã lon thì gọi là lon, của em thêm dấu chìu lòn cuộc chơi. Chớ sinh sự thêm tả tơi, sao em mãi sợ sớm mơi dập bầm? Họ gặp đông đủ lúc 8 PM, 10.30 thì ai về nhà nấy. Đứng tuổi, hiểu chút luật của vô thường, nên không ai thốt lời hò hẹn dịp khác, tới đâu hay đó, tạm thời thì nên chia tay phút này, đêm hè oi ả lặng gió, le lói trăng sao nhạt thắp trời rộng xa quê.

Nguyệt kéo Hoan lại: Cho tôi mượn đỡ bờ vai. Quỉ thật, khi không mà bị chuột rút! Chuột rút là chi? Hay tại đôi giày cao gót? Răng không mang guốc mộc như xưa, lại mát mẻ thông thoáng mấy ngón. Quỉ nà, tới hàng quán phải cho người ta điệu đàng chút đỉnh, guốc với lại dép, quên đi nha. Thằng chồng dắt con vừa nghỉ hè đi thăm bà nội ở Sa Đéc, đưa tôi về nhà giùm nghen. Chuột rút là sợi gân ở bắp chân co thắt lại. Tôi nói mượn bờ vai là do vậy, dìu đỡ tôi ra xe.

Hoan nghe lời, người ở đây vẫn luôn cổ xuý việc nịnh đầm, gọi là ga-lăng. Suy ra, nịnh đầm là đức tính tốt, ở trong nước kêu bằng “người tử tế”; phương chi “đầm” ấy đang bị đau chân. Chỉ có hạng tiểu nhân mới nhắm mắt làm ngơ. Hoan ngửi ra mùi dầu thơm chôn dấu nồng nàn ở sau cổ Nguyệt, ba cốc rượu chừng làm cho Nguyệt đỏ da thắm thịt hơn. Vú Nguyệt trung bình nhưng đó là quả bưởi mềm mại với bén nhạy việc đàn hồi.

Thắt dây an toàn, cái băng đen kia làm nổi rõ những nhịp đập của con tim phập phồng trên đôi gò bồng đảo (chữ của bà Hồ Xuân Hương). Lạch đào nguyên hẳn là chửa thông? Nguyệt chép miệng: Tiếc là rượu ít quá, chưa đủ để mang mình tới cơn say. Ngoài rượu ra, mình vin vào thứ gì để say? Hoan nói: Bia. Không chai thì lon. Quỷ nà. Tình yêu vụng trộm cũng khiến mình say vậy, đảo điên, hờn thiên giận địa. Bộ chưa từng sống qua cảm giác kỳ thú ấy sao? Vừa căng thẳng, vừa mê muội. Vừa cố cưỡng vừa buông xuôi. Thêm bốn cái đèn đỏ nữa là tới nhà mình rồi. Nhớ không lầm là trong tủ lạnh còn vài lon bia. Xin tự tay khui mở để hậu tạ việc cho quá giang.

Qua sông hồi nào mà dùng chữ quá giang? Nguyệt trả lời Hoan liền khi: Ờ, sao tự dưng nghe trong người ẩm thấp những lượng sóng xô về bờ bãi hoang vu. Hoan nhìn qua gương mặt đọng nhiều bóng tối, thỉnh thoảng sáng lên những bóng điện đường vụt chiếu: Nhà thơ ra khác, chữ nghĩa nghe êm tai rất mực. Sao lại thả hổ về rừng, để cho ổng tự do đi về chốn nhiều cạm bẫy nọ? Ổng đi thăm mẹ già, ổng quen ai đó ở Hà Nội, ổng nói em an tâm ở nhà, để anh cà khịa thằng đó nó đứng ra chịu trách nhiệm việc in cho em một tập thơ. Bút hiệu là Cổ Nguyệt, xời, nghe được quá đi chứ.

Theo tay chỉ của trăng xưa, Hoan cho xe chạy lên vuông xi-măng trước căn nhà cửa đóng then cài đèn đóm tối thui. Chân cẳng đã êm chưa? Chưa, sao hôm nay nó làm trận dằng dai lâu mà chưa chịu rút đi. Điệu này chắc phải nhờ tới chai dầu nóng. Dầu nóng họ không vô lon đâu nghen. Thử tưởng tượng lon khuynh diệp, lon nhị thiên đường… Hoan tiếp lời, mới nghe qua đã thấy nóng. Quỉ nà. Nguyệt nói, buông tay khỏi bờ vai thằng nịnh đầm để xỏ chìa khoá vô ổ, vặn hai vòng cả trên lẫn dưới gắn ở cánh cửa lầu son gác tía.

Phòng vệ sinh ở chỗ mô? Cuối hành lang, quẹo trái. Kỳ cục, vô nhà người ta việc đầu tiên là đi thăm ngay chỗ kín đáo! Hoan vừa đi vừa cởi thắt lưng quần: Không biết nạp rượu thì răng chớ chơi vài lon bia là sinh ra mắc đái. Cửa chưa đóng, Hoan nghe vọng giọng Nguyệt: Trời nực ghê, thế nào đêm nay trời cũng đổ mưa. Và nhà thơ Cổ Nguyệt hát tiếp: Trời không mưa em cũng lạy trời mưa…

Hoan nhìn xuống dòng nước vàng sủi bọt, tay mân mê cho “nó” khỏi bắn nhầm mục tiêu. Rồi mình sẽ rửa qua loa năm ngón, mình sẽ nắm lon bia, mình sẽ cầm chai dầu thoa dịu dàng lên vùng da thịt bị chuột rút ở bắp chân Nguyệt, mình sẽ tự nguyện đi lấn chiếm vào đặc khu, hình như cỏ ở Thủ Thiêm đang tới hồi khô hạn. Mấy ông quan ở bển từng lập ngôn: Thời cơ đã đến, không nhanh tay cướp đi thì đợi tới bao giờ? Nếu Nguyệt là cây quế thì ta có đóng vai thằng mán thằng mường để leo, âu cũng nên hả dạ vậy. Nhằm nhò chi ba việc lẻ tẻ.

Sấm chớp đì đùng. Trời cầm lon cô ca cô la đổ nước xuống liên hồi kỳ trận. Nếu tức giông lâu, mút mùa lệ thuỷ sẽ sinh ra hồ chứa mưa vậy!

Hồ Đình Nghiêm
Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.