P. Kim Long
Ngôn ngữ trên thế giới đều thuộc một trong hai phạm trù: văn tự biểu ý (ideograph) và văn tự biểu âm (phonetic script).
VĂN TỰ BIỂU Ý
Văn tự tượng hình (hieroglyph) là những ký hiệu biểu ý (ideographic symbols) mà mỗi ký tự đơn (ký tự gốc) hay kép (ký tự gốc kết hợp với một ký tự nào đó) đều không đánh vần được mà tự nó có một ý nghĩa riêng biệt, song khi được ghép lại sẽ mang ý nghĩa khác với ký tự nguyên thủy (tức trước khi được kết hợp). Văn tự biểu ý được xếp vào hệ thống phi ngữ âm. Song đặc điểm chung vẫn là để nói lên bất kỳ sự vật hữu hình và vô hình. Do vậy, một từ này, không cần đọc lên, vẫn mang nhiều nghĩa.
Với văn tự biểu âm thì một chữ (từ) chỉ nói lên một vài ý nghĩa, thí dụ chữ “sáng” thường chỉ có vài ba nghĩa (có ánh sáng, tươi nhạt, dễ hiểu); nhưng với văn tự biểu ý thì một chữ (từ) có thể có nhiều nghĩa, thí dụ chữ “minh” 明 (míng) mà chữ này là sự ghép của 2 ký tự “nhật” 日 (rí = mặt trời) và “nguyệt” 月 (yuè = mặt trăng) mà người Việt đọc theo âm Hán Việt là “minh” có rất nhiều nghĩa: sáng, soi sáng, làm rạng rỡ (như trong câu 大 學 之 道 在 明 明 德 “Đại học chi đạo, tại minh minh đức” trong cổ thư Đại Học).
Chữ Hán (Nho), chữ Nôm… là văn tự thuộc loại biểu ý đã dùng bốn cách chính sau đây để cấu tạo (coinage) thành hàng vạn chữ khác nhau.
1.1. Tượng hình (象 形)- Ký tự, nét bút hoặc ký hiệu có hình dạng gần giống với vật được mô tả. Thí dụ: chữ “điền” 田 (tián = ruộng nương), “khẩu”口 (kǒu = cái miệng, mồm miệng)…
1.2. Chỉ sự (指 事) – Nét vẽ hay ký hiệu dùng để biểu thị một sự kiện hay ý tưởng mà bút viết không sao biểu thị được. Thí dụ: chữ “nhất” 一 (yī = một, một cái), “nhị” 二 (èr = hai, hai cái)…
1.3. Hội ý (會 意) – Ghép một hay nhiều hình vẽ, ký hiệu để tạo thành một chữ mới. Thí dụ ghép 2 chữ “mộc” 木 (mù = cây, cây cối) để thành chữ “lâm” 林 (lín = rừng, rừng núi, lâm nghiệp)…
1.4. Hình thanh (形 聲) – Kết hợp ký hiệu tượng hình với ký tự có âm vận để tạo nên một chữ mới; đây là sự kết hợp của biểu âm và biểu ý. Thí dụ: chữ “văn” 文 (wén = văn, nét vẽ, văn hóa, văn chương) có thể ghép với vài ba ký tự khác mà vẫn được đọc là “văn” (wén); điển hình như chữ “văn” 炆 (wén = hầm, ninh – được ghép với chữ “hỏa” 火 huǒ = lửa), chữ “văn” 蚊 (wén = con muỗi – được ghép với chữ “trùng” 虫 chóng = con sâu, con trùng)… Sự cấu tạo theo hình thanh chiếm tới 80% trong tổng số chữ Hán.
Dù rằng cấu trúc chữ Hán (ngay cả chỉ ở 1 chữ thôi) cũng mang nặng dấu ấn siêu hình vì đã chuyển tải ba yếu tố Thiên (trời), Địa (đất) và Nhân (người, hoàn cảnh) vào trong cách cấu tạo chữ (coinage) để chỉ mối tương quan khắng khít giữa con người và ngoại giới. Do vậy, hiện nay một số học giả ngoại quốc thường đề cao cách sáng tạo chữ Hán và cho rằng đó là một văn tự siêu việt cần được phổ biến để thay thế cho Quốc tế ngữ (Espéranto). Riêng tại Việt Nam, nhà giáo nhân dân Cao Xuân Hạo đã từng đề nghị phải dùng Hán ngữ thay vì Anh ngữ vì chỉ Hán ngữ mới giúp chúng ta học tập nhanh chóng và dễ tiếp cận được tri thức nhân loại. Giáo sư Cao Xuân Hạo đã ca tụng tính ưu việt của chữ Hán: mau chóng làm tăng tiến kiến thức và tri thức cho người học, học 1 sẽ biết 10 vì mỗi từ trong Hán ngữ có nhiều nghĩa khác nhau, do đó, ngôn ngữ trong tương lai có thể chỉ là chữ Hán. Tôi xin tạm trích lược như sau: “… Năm 1978, một nhóm ngữ học Mỹ quyết định làm một cuộc thí nghiệm. Họ mở một số lớp gồm toàn trẻ em khuyết tật mắc chứng alexia và dạy chương trình tiểu học cho chúng bằng chữ Hán (xin bạn đọc hiểu đúng cho: dĩ nhiên các em ấy học tiếng Anh và học các môn khác bằng tiếng Anh, nhưng các từ tiếng Anh được viết bằng chữ Hán. Chẳng hạn, câu He came to a high mountain được viết bằng sáu chữ Hán là 他 到 及 一 高 山 (Tha đáo cập nhất cao sơn). Sau năm đầu, các em đọc và viết được 1.600 từ đơn, và về khả năng hấp thu tri thức, chúng tỏ ra không đần độn chút nào, mà kết quả học tập của chúng lại có phần trội hơn các em học tiểu học bằng chữ ABC.” (Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt của Cao Xuân Hạo, nhà xuất bản Trẻ 2001, trang 101).
Theo Giáo sư, thì bệnh “alexia” (không đọc được chữ) và bệnh “dyslexia” (mất khả năng đọc chữ) là chứng bệnh nhi khoa, thường bị xếp vào loại “khuyết tật” hay “thiểu năng trí tuệ” và chiếm khoảng 0,2% số trẻ em ở lứa tuổi nhi đồng bậc tiểu học. Qua kết quả của công trình trên, người ta mới hay rằng “những em này chẳng phải có khuyết tật gì, chẳng qua trong trí não của chúng hình như công năng của bán cầu não bên phải (tri giác tổng hợp) trội hơn công năng bán cầu não bên trái (tri giác phân tích) cho nên chỉ nhận dạng được chữ Hán, vốn có hình thể đặc trưng rất rõ, mà không tách được các từ ra từng âm tố – từng chữ cái. Để hiểu rõ hơn hiện tượng này, ta hãy xét qua cơ chế của việc đọc chữ. Khi đọc, người biết chữ thành thục không hề đánh vần mà họ nhận ra các từ qua diện mạo chung của chúng, không khác gì ta nhận ra một vật, một người quen không phải bằng cách lần lượt nhận ra từng chi tiết (mắt, rồi mũi, rồi miệng, rồi tai…) mà nhận ra ngay tức khắc toàn thể diện mạo của vật hay người đó. Do đó, lối học thông qua “đánh vần” là một cách làm sai trái ngay từ nguyên lý. Bây giờ trên thế giới không còn mấy nơi dùng cách học này nữa” (sách đã dẫn, trang 101).
Những lời trích dẫn của Giáo sư Cao Xuân Hạo quả rất mơ hồ và có vẻ hàm hồ (… năm 1978, một nhóm ngữ học Mỹ quyết định làm một cuộc thí nghiệm…) vì chúng ta không biết tên của nhóm nghiên cứu, tên giáo sư đã chủ trì và tên nhà tài trợ, địa điểm nghiên cứu… làm chúng ta khó chấp nhận những ý kiến trên. Chỉ với hai thuật ngữ Y khoa là “alexia” và “dyslexia” mà tôi cũng đã phải tham khảo 3 cuốn từ điển để tránh ngộ nhận.
1. International English-Chinese Dictionary chủ biên là Trương Phương Kiệt, nhà xuất bản Hoa Văn Đồ Thư, ấn hành năm 53 Trung Hoa Dân quốc, tức năm 1963. Chữ “alexia” được giải thích tại trang 83 là “thất độc chứng” (chứng bệnh không đọc được chữ); chữ “dyslexia” tại trang 834 là “độc tự khốn nan” (khó khăn khi phải đọc chữ).
2. The English-Chinese Dictionary (unabridged) chủ biên là Lục Cốc Tiên, nhà xuất bản Thượng Hải Trạch Văn. Chữ “alexia” tại trang 77 được giải thích là “độc tự bất năng” (không thể đọc được chữ); chữ “dyslexia” ở trang 989 được giải thích là “thống độc khốn nan” (khổ sở khi phải đọc chữ).
3. Dorland’s Illustrated Medical Dictionary, 30th edition, Saunders 2003… đã giải thích lần lượt chữ “alexia” tại trang 47 như sau: “a form of receptive aphasia in which there is a loss of the ability to understand written language as a result of cerebral lesion” (một dạng mất ngôn ngữ tiếp nhận khiến đương sự không hiểu chữ viết vì não bộ bị tổn thương); và chữ “dyslexia” tại trang 575 như sau: “inability to read, spell and write words, despite the ability to see and recognize letters; a familial disorder with autosomal dominant inheritance that occurs more frequently in males.” (không có khả năng đọc, đánh vần và viết ra chữ, mặc dù đương sự vẫn còn khả năng nhìn và nhận dạng được chữ viết; một loại rối loạn gia tộc di truyền thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn). Theo từ điển Dorland trên thì chữ “alexia” có nhiều chữ khác nhau song có cùng một nghĩa là: aphemesthesia, optical alexia, visual amnesia, visual aphasia và word blindness (trang 47).
Tất cả những từ điển trên đều xác nhận “alexia” và “dyslexia” là một căn bệnh trong não bộ vì một khi não bộ bị thương tổn thì não bộ cần phải được điều trị (bằng y dược, phẫu thuật, tế bào gốc…) chứ không thể nào dạy Hán ngữ để chữa trị được những bệnh nhi trên. Phương pháp Giáo sư Cao Xuân Hạo nói tới cũng giống như một kiểu “lang băm” (quackery) vậy.
Giáo sư Cao Xuân Hạo đã quá lời khi cho rằng chữ viết ABC được phổ biến ra toàn thế giới không phải vì đặc tính tối ưu trong ngôn ngữ học mà vì địa vị thống trị của những đế quốc chủ nghĩa ở Âu châu. Ngoài ra, Giáo sư đã cưỡng từ đoạt lý khi cho rằng “sự tiến bộ của Trung quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hương Cảng, Đại Hàn, Singapore đủ để chứng minh sự sai trái của ý nghĩa đó” (sách đã dẫn, trang 102). “Sự sai trái của ý nghĩa đó” là điều mà Giáo sư Cao Xuân Hạo dùng để ám chỉ sự bất toàn và thiếu chính xác của văn tự ABC. Hình như Giáo sư Cao Xuân Hạo đã căn cứ vào nội dung cuốn sách Le Nouveau Monde Sinisé (Thế giới Hán hóa ngày nay) của Leon Vandermeersch (nhà xuất bản Seuil, Paris, 1985) để khẳng định rằng “sở dĩ những quốc gia trên đã thành rồng vì họ vẫn dùng chữ Hán….” Giáo sư lại nói rằng chỉ riêng Việt Nam chưa thành rồng vì đã bỏ mất chữ Hán để thay bằng hệ thống ABC.
Nếu thực sự Giáo sư Cao Xuân Hạo hoàn toàn tin tưởng vào cuốn sách trên để rồi “phán” ra nhận định trên thì thật là quá ảo tưởng. Sử sách nước ta và nước Tàu thế kỷ thứ 19 (thời nhà Nguyễn và nhà Thanh) cho chúng ta thấy một sự khác biệt một trời một vực giữa một nền văn minh cơ khí (Tây phương) và một nền văn minh Hán ngữ (Đông phương). Kết quả là nước ta bị Thực dân Pháp đô hộ gần trăm năm còn nước Tàu bị Bát quốc liên quân làm cho thất điên bát đảo trong một thời gian dài; đó là không kể đã từng bị Phát Xít Nhật xâm lăng. Ngoài ra, tác giả L. Vandermeersch đã hoàn toàn sai lầm khi đưa ra nhận xét trên vì quốc gia Triều Tiên (Bắc Hàn) cũng dùng văn tự như Hàn quốc song vì sao dân Triều Tiên vẫn đói khổ, ngu muội và chậm tiến không thể sánh với người anh em cùng máu mủ là Hàn quốc? Thái Lan không dùng Hán ngữ mà lại dùng Thái ngữ (văn tự biểu ý) nhưng vì sao lại được coi là một trong bốn con rồng châu Á (trong thập niên 90)? Vì sao mấy quốc gia Đông Âu (như Ba Lan, Đông Đức, Hung, Tiệp…) trong ba thập niên từ 60 tới 90, tuy cũng dùng mẫu tự La Tinh mà sao vẫn chậm tiến và nghèo khổ hơn nước Anh và Pháp? Hoa Kỳ bắt đầu từ thế kỷ 19 đã văn minh tiến bộ vượt bậc, nhất là từ mấy thập kỷ vừa qua (kể từ thập kỷ 90) không năm nào giải thưởng Nobel (về khoa học, kỹ thuật, vật lý, hóa học, y học, kinh tế…) lại không lọt vào tay 4 hay 5 người Mỹ (tuy rất ít giải Nobel văn chương); trong khi đó thì Trung Cộng nào có ai được Nobel? Chuyện này thật quá dễ hiểu, đến trẻ nít cũng biết rõ nguyên nhân!
VĂN TỰ BIỂU ÂM
Văn tự biểu âm là thứ văn tự ghép từ những ký tự phát âm gồm hai dạng: phụ âm (consonant) như ký tự b, c, d, f, đ, h, j, w, z… và nguyên âm (vowel) như ký tự a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u… Văn tự loại này được xếp vào loại hệ thống ngữ âm vì mỗi ký tự khi chưa được ghép với nhau đều không mang một ý nghĩa nào cả. Chỉ sau khi được ghép và nhất là khi được phát âm lên thì chúng ta mới biết được nghĩa của từ đó. Đại biểu của loại ngôn ngữ này là cổ ngữ La Tinh. Cách ghép nguyên âm với phụ âm (hoặc ở trước, sau, giữa…) đều tạo nên một âm và âm này đã biểu thị một khái niệm vật chất (như cây, cỏ, đồ vật, động vật…), hành động (như ăn, uống, đi, bay…), hoặc một khái niệm trừu tượng (như yêu, thương, ghét, giận, hờn…). Đa số những quốc gia nằm trong quỹ đạo của nền văn minh cổ La Mã khi xưa đều dùng 26 (hoặc thêm vài ba chữ cái nữa) chữ cái chính để ghép vần phù hợp với nhu cầu tri thức của dân bản xứ. Thí dụ, Pháp ngữ có 31 chữ cái, Anh ngữ có 26 chữ cái và sau này Quốc ngữ của Việt Nam lại có 29 chữ…
Ưu điểm của phương pháp này là: dễ học, học nhanh; ngoài ra, khi đã có khả năng đọc (phát âm được) và đã viết được thì người đó có thể hiểu được nghĩa của từ đó. Thí dụ một cháu bé biết đọc và viết chữ Quốc ngữ thì liền hiểu ngay ý nghĩa của từ đó, thí dụ chữ “máy điện toán, nhà in, khách sạn…” Tương tự như thế với những ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp… Nếu người ngoại quốc không hiểu, hoặc em bé Việt không hiểu ý nghĩa của từ đó thì có thể tra cứu trong từ điển và sau đó cũng có thể hiểu được. Tóm lại, đối với những văn tự thuộc loại này, khi nào mà ta đọc được một từ (chữ) nào thì lập tức ta có thể hiểu liền ngay nghĩa của từ (chữ) đó. Thân phụ tôi, khi xưa học Hán tự từ thuở nhỏ, nhưng tới năm 13 tuổi (năm 1915) thì triều đình nhà Nguyễn bỏ khoa thi Hương cuối cùng ở Nam Định, do vậy, Người đã phải nhảy sang học chữ Pháp trong 3 năm rồi thi đậu vào trường Bưởi. Song khi đang học trường Bưởi thì Người vẫn chưa biết đọc và viết Quốc ngữ. Ít lâu sau, vì muốn theo kịp chúng bạn, Người đã mua sách Quốc ngữ để tự học trong hơn tuần lễ và sau đó có thể đọc được truyện dịch Tam Quốc Diễn Nghĩa của cụ Nguyễn Đỗ Mục… Ngoài ra, trong thời kỳ Kháng chiến toàn quốc (1945), rất nhiều thanh niên nam nữ nông thôn đã đua nhau học vần Quốc ngữ trong hơn mươi ngày đều có thể đọc và viết được Quốc ngữ. Người Việt chúng ta thường gọi là học ABC.
TÍNH ƯU VIỆT TRONG VĂN TỰ BIỂU ÂM
Thời nay thì giờ là vàng bạc nên chúng ta cần phải học và tiếp thu kiến thức cùng tri thức một cách thực nhanh vì tri thức nhân loại không có tính cách cố định và có thể thay đổi thường xuyên trong khi cuộc đời thật ngắn ngủi. Cứ lấy riêng một bộ môn Điện toán, chúng ta cũng thấy thật mênh mông. Hơn 30 năm qua đã có biết bao ngôn ngữ lập trình (programming languages): người học chưa thấu đáo Assembler thì lại có BASIC, Cobol, C, Pascal, Ada, Prolog, C+, Java… nghĩa là hiện nay có tới vài chục ngôn ngữ lập trình… Tóm lại, tri thức khoa học là bất tận và hay thay đổi còn tri thức ngôn ngữ thường cố định và ít biến động. Nhưng dù sao khi học một thứ ngôn ngữ thì chúng ta cũng nên chọn một thứ ngôn ngữ nào có thể giúp ta thâu tóm tri thức nhân loại một cách toàn diện và ngôn ngữ đó phải là dễ học. Tôi chỉ thấy Anh ngữ là tiện nhất (vì theo mẫu tự La Tinh rất giống Quốc ngữ của chúng ta) vì hiện nay già nửa dân số trên thế giới đều dùng Anh ngữ. Thế giới hiện nay là thế giới đa cực vì chẳng có quốc gia nào là siêu cường, song dân trên thế giới vẫn đua nhau học Anh ngữ vì vừa tiện lợi và học nhanh hơn bất kỳ ngôn ngữ nào: dễ học vì văn pháp đơn giản (không cầu kỳ và rắc rối như của Pháp ngữ), dễ đọc (phát âm không rắc rối như của Đức ngữ), rất uyển chuyển trong văn pháp và cách kết hợp từ để tạo ra một số từ mới trong nhu cầu (kể cả việc vay mượn một số từ ngữ ngoại lai)… Dù hệ thống Anh ngữ vẫn còn tồn tại những “bất cập” hoặc “khiếm khuyết” mà hiện nay một số nhà ngữ học Anh Mỹ đòi cải tiến vì họ nhận thấy Anh ngữ có một số chữ (từ) “viết một đằng và đọc một nẻo,” nghĩa là trái với nguyên tắc là chữ nào viết như thế nào thì phải đọc như thế đó. Thí dụ chữ “light” và “lite” phát âm giống nhau, do đó, họ đều muốn viết thành “lite” hết! Nhưng tôi thấy cách này tuy hợp lý nhưng bất tiện vì có nhiều chữ đồng âm dễ làm mọi người hiểu lầm ý nghĩa.
Trong khi đó Hán tự quả thật khó học vì Hán tự có tới vài trăm ngàn từ; tuy từ điển Khang Hy, Từ Hải, Từ Nguyên và một số từ điển Hán ngữ hiện đại … đều tìm cách loại bỏ bớt một số chữ cổ, ít dùng, hoặc nhiều chữ mà có chung một nghĩa… nhưng cuối cùng chữ Hán cũng rất khó học cho mọi người. Khi nhìn vào một chữ Hán nào đó, nếu chữ này Bạn không biết, thì Bạn cũng không biết đọc ra sao; trái với Việt ngữ, Anh ngữ, Pháp ngữ… vì Bạn có thể phát âm được, tuy không hiểu nghĩa. Vậy Bạn phải tra từ điển, song cách tra từ điển Hán ngữ cũng rất nhiêu khê. Tôi cũng đã học chữ Hán hơn chục năm trời, song sự tra từ điển Anh, Pháp… rất dễ, còn cách tra từ điển chữ Nho (Hán) quả thật rất phiền toái: nào là tra theo lối tìm bộ “thủ” (bút hoạch), tra theo lối đếm tổng số nét, tra theo lối tứ giác (Vương Vân Ngũ) và hiện nay là Pin Yin (tức là phát âm chữ Hán theo giọng Quan thoại/Bắc Kinh)… Một số người “mê Hán học” (Sinophile) lại nói rằng “nếu không biết đọc chữ Hán đó thì có thể căn cứ vào bộ “thủ” hoặc cách ghép chữ đó để đoán ra ý nghĩa của từ đó. Chẳng hạn với chữ 打 (dǎ) mà phiên âm Hán Việt là “đả” (đánh đập, vỡ, đánh nhau, đan bện, mở, đào, đục…) vốn được ghép bộ “thủ” 手 (shòu = tay) với chữ 丁“đinh” (dīng = người) … do vậy, nếu không đọc được và lười tra từ điển thì cứ đoán là “một cử động nào phải dùng bằng tay!” Tôi thấy thật vô lý hết sức. Tôi không nói tới chuyện người ngoại quốc học chữ Hán mà nói tới chính người Hoa khi gặp chữ 打 “đả” trên thì họ cũng phải đoán là “một động tác bằng tay!” Trái lại, với một người Anh Mỹ khi học tiếng mẹ đẻ thì khi gặp chữ “to eat” và khi họ đọc lên thì tự nhiên họ hiểu là “ăn,” hoặc người Pháp khi họ gặp chữ “manger,” nếu đọc phát âm được chữ này thì tức khắc họ hiểu được nghĩa. Tương tự như người Việt chúng ta, nếu biết đọc biết viết thì tự khắc khi đọc được chữ đó thì tự nhiên ta sẽ hiểu nghĩa. Thật dễ dàng biết bao!
Tóm lại, chữ Hán quả khó học. Khó học vì cách cấu tạo chữ rất rắc rối, luộm thuộm… Chẳng hạn, khi xưa tổ tiên người Hoa nghĩ ra chữ “minh” 明 (míng) là chữ ghép của chữ “nhật” 日 (rí = mặt trời) bên trái và chữ “nguyệt” 月 (yuè = mặt trăng) bên phải để hàm ý “sáng, sáng tỏ, rõ, công khai, sáng mắt, quang minh chính đại, hiểu…” Đây là lối “chỉ ý/hội ý” vì họ nghĩ mặt trời và mặt trăng đều soi sáng mọi vật. Nhưng tôi thấy lối này không đúng vì mặt trời và mặt trăng khi được đặt cạnh nhau làm ta nghĩ tới vấn đề “xung đột, tương tranh” hơn là vấn đề “sáng, ánh sáng.” Đúng ra, nếu muốn nói tới ánh sáng chói lọi thì tổ tiên Hoa tộc phải ghép ký tự 日 “nhật” (hoặc ở bên trái, phải, trên hay dưới) với một ký tự nào đó, nếu muốn nói tới ánh sáng mờ mờ thì ghép ký tự 月 “nguyệt” với bất kỳ ký tự nào thì may ra mới hợp lý. Tôi nhận thấy đa số chữ Hán (bộ “thủ” ghép với 1 ký tự nào đó) đều được ghép một cách gượng ép rồi người đời sau cứ phải cố sức nhớ rất phiền phức! Đó chính là lý do mà hiện nay có rất nhiều người Hoa còn mù chữ Hán, do vậy, tình trạng dân trí luôn ở mức thấp không sao tiến bộ. Trung quốc muốn tiến bộ và theo kịp trào lưu hiện đại thì cần phải cải tổ Hán ngữ. Tuy hiện nay họ đã dùng Hán ngữ giản thể (Simplified Chinese) và chỉ dùng độ 5.000 chữ thông dụng, nhưng như thế vẫn chưa đủ vì người học cũng phải mất vài năm mới học thuộc 5.000 từ đó. Chữ Hán thuộc loại “học tới đâu thì biết đến đấy,” do vậy, vẫn là một trở ngại cho sự tiếp thu tri thức. Chỉ có một cách tốt nhất là “La tinh hóa” chữ Hán mà cách đây vài chục năm đã có người Hoa đề xướng. Tất cả những chữ Hán không còn là văn tự biểu ý nữa mà phải trở thành văn tự biểu âm: phiên âm những chữ Hán đó theo cách phát âm Quan thoại/Bắc Kinh (thường được gọi là Pin Yin) rồi dùng ký tự La Tinh để ghi lại. Một khi đã dùng chữ viết ABC rồi thì mọi người đều học dễ dàng vì cứ đọc lên được chữ là tự khắc hiểu ngay ý nghĩa. Nếu muốn hoài cổ, thì họ có thể vẫn giữ chữ Hán nguyên thủy (văn tự biểu ý) bằng cách chia ra hai loại giáo dục: sơ cấp học Hán ngữ theo ABC và trung/cao cấp học Hán ngữ nguyên thủy.
Tóm lại, tôi hoàn toàn phản bác ý kiến của Giáo sư Cao Xuân Hạo. Đối với tôi, Hán ngữ rất khó học: nhược điểm duy nhất là người học phải học rất nhiều chữ (từ) mới có thể hiểu nổi câu văn. Chẳng hạn, trong một câu có mươi từ thì muốn hiểu phải biết ít nhất độ 8 từ trong đó; rất khác xa với Anh hay Pháp ngữ vì chỉ cần hiểu vài ba từ chính trong câu là ta có thể đoán được ý nghĩa của câu văn. Nguyên nhân là do cách cấu tạo từ quá rườm rà và không hợp lý: những danh từ riêng (nhân danh, địa danh…) đều không viết hoa làm người đọc không nhận định được ngay; ngoài ra, một số nhân danh và địa danh ngày nay lại toàn là những phiên âm từ tiếng ngoại quốc làm người đọc phải bứt râu vặn óc để hiểu nghĩa. Thí dụ: nhà tình học Kinsey (1894-1956) được gọi là Kim Tây 金 西 (Jin Xī), triết gia Henri Bergson (1859-1941) được gọi là Bách Cách Sâm 柏 格 森 (Bǎi Gé Sēn)… Ngoài ra, một số tên Âu dược hoặc hóa chất… cũng được phiên âm từ tiếng ngoại quốc. Thí dụ: “aspirin” được gọi là 阿 可 匹 林 “a khả thất lâm” (a kě pǐ lín), “hormone” được gọi là 荷 你 蒙 “hà nhĩ mông” (hè nǐ mēng)… làm khó khăn cho độc giả… Trong khi đó thì Anh ngữ, Pháp ngữ đã viết hoa những nhân danh và địa danh, do vậy, khi đọc tới thì chúng ta có thể biết ngay những chữ này có công dụng làm chủ từ, túc từ hay bổ túc từ… trong câu và chúng ta không cần phải tra từ điển nữa. Do những lý do nêu trên, ngôn ngữ chính thức thứ hai sau tiếng mẹ đẻ vẫn phải là Anh ngữ. Tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng Bruce Sterling đã từng nói rằng “không một ai trên hành tinh này được quyền sở hữu Anh ngữ. Tất cả mọi người đều có thể tham gia vào quá trình hình thành Anh ngữ hoặc bằng cách này hay cách khác để Anh ngữ ngày càng phát triển thêm. Anh ngữ là một tài sản công cộng mang tính toàn cầu.”
Hán ngữ chỉ mang tính cách thống trị của một sắc tộc là người Hoa và vài ba quốc gia đã từng mượn tạm Hán tự làm văn tự của mình. Trái lại, Anh ngữ hiện mang tính thống trị đa quốc gia và đa chủng tộc.
Tóm lại, Anh ngữ sẽ thống trị thế giới ngôn ngữ nhân loại, không phải vì tính ưu việt (dễ học, giản dị, tiện lợi…) mà vì nó “vốn mang mầm mống thống trị”: bất kỳ quốc gia nào cũng có người học Anh ngữ. Anh ngữ được ví như một trạm kiểm soát mà bất kỳ ai muốn đi vào vương quốc tri thức nhân loại (cổ và kim) cũng đều phải đi qua.
Theo thiển ý, để theo kịp thời đại Công nghệ Thông tin, ngoài tiếng mẹ đẻ, chúng ta cần phải học Anh ngữ vốn có tính toàn cầu (tất cả những cổ thư trên thế giới cũng như những công trình văn hóa, văn học, phát minh, nghệ thuật…. đương đại đều đã dần dần được biên dịch sang Anh ngữ), kế đó là một sinh ngữ thứ hai, có thể là Pháp ngữ (nếu muốn tìm hiểu văn chương và nghệ thuật), Đức ngữ (nếu muốn tìm hiểu triết học, và văn minh cơ giới), Tây Ban Nha (nếu muốn du lịch vài nước ở châu Âu và khắp Trung và Nam Mỹ), còn Hán ngữ (chỉ để khảo cứu và viết sách về văn hóa cổ của Hán tộc).
Saigon, ngày 11.11.2018
P. Kim Long
Nguồn: Tác giả gửi