Vũ Hữu Sự
Chạy vào trụ sở hợp tác xã, thấy ông Hệ chủ nhiệm đang ngồi ở bàn, bà Bản vội túm lấy, bù lu bù loa:
– Khổ thân con Huê nhà tôi quá, các ông các bà ơi. Hôm qua nó còn tung ta tung tăng, nó ăn nó chơi, nó đùa nó nghịch. Tối qua tôi còn tắm cho nó. Thế mà sáng nay nó đã chết rồi, các ông các bà ơi là các ông các bà…hu hu…hu hu hu hu…
Ông Hệ tròn mắt:
– Chết rồi? Làm sao nó chết?
– Nào tôi có biết. Sáng ra đã thấy nó chết rồi…hu hu hu hu hu…
– Chẳng may cháu nó chết, thì bà phải lên báo cáo với ủy ban, làm thủ tục khai tử, rồi về lo mai táng cho cháu, chứ sao lại đến đây?
– Không phải con tôi. Con Huê nhà tôi cơ mà.
– Sao con Huê nhà bà, rồi lại không phải con bà? Bà ăn nói lằng nhằng thế, thì chúng tôi biết đằng nào mà lần.
May quá vừa lúc ông Tèng, đội trưởng đội sản xuất số 8 của bà Bản vừa đến. Nghe vậy, ông bảo:
– Con Huê, tức là con…nghé cái nhà bà ấy. Lúc trâu mẹ mới đẻ, bà ấy gọi nó là “nghé bông nghé Huê”, rồi sau gọi nó là con Huê cho tiện, chứ không phải con gái bà ấy. Sáng nay bà ấy vừa báo cáo với tôi là nó chết. Tôi bảo bà ấy rằng phải lên báo cáo với ông chủ nhiệm, để ông ấy cho thú y đến khám.
Nghe thủng chuyện, ông Hệ tức tốc gọi cán bộ thú y rồi cùng ông Tèng xuống nhà bà Bản. Con nghé 8 tháng tuổi bị chết vẫn nằm trong chuồng, còn trâu mẹ thì đã được dắt ra ngoài. Người xúm đến đông đặc. Nhìn con nghé, không ít cái miệng phải nuốt nước bọt ừng ực. Vừa khóc, bà Bản vừa kể lể những là công chăm sóc “con Huê” ra sao, giờ nó chết thì thiệt hại thế nào. Trâu là trâu của Hợp tác xã. Nhưng những hộ được giao nuôi trâu nái mà khi trâu đẻ được nghé, thì đến khi con nghé trưởng thành, xã viên đó sẽ được Hợp tác xã trả thêm một số công điểm, quy ra thóc được chừng 2 tạ. Hai tạ thóc hồi đó là một món tài sản rất lớn. Thấy bà Bản dai mồm, ông thú y gắt:
– Bà có im đi để chúng tôi khám không nào.
Lát sau, biên bản được lập. Thú y kết luận “con Huê” chết vì bệnh nhiệt thán, phải chôn chứ không thể mổ thịt, vì bệnh này rất dễ lây sang đàn trâu bò đang sống. Ông Tèng được lệnh tức tốc điều 4 xã viên khiêng “con Huê” ra bãi tha ma đầu làng chôn, dưới sự giám sát của cán bộ thú y. Khi “con Huê” được khiêng đi, bà Bản còn vừa khóc vừa chạy theo níu lại, còn ông Hệ thì căn dặn ông thú y:
– Phải đào sâu, rắc vôi bột rồi chôn chặt, nghe chưa.
Nhìn “con Huê” bị lôi đi, anh Nồi tiếc đứt ruột. Đắn đo một lát, anh bảo con đi gọi mấy người bạn. Lát sau, anh Tôn, anh Xuyên, anh Hành và anh Phê lần lượt đến. Nghe Nồi kể chuyện “con Huê”, cả 8 con mắt đều sáng lên. Nồi bảo:
Con nghé mới chết hồi đêm, gần trưa nay mới chôn. Nửa đêm đào về, chắc chắn thịt nó vẫn chưa có mùi. Mà có mùi chăng nữa thì cứ cho tỏi vào là bay mùi hết.
Nghe vậy, cả 4 anh gật đầu cái rụp. 10 giờ đêm hôm ấy, “con Huê” đã được moi lên đưa về nhà Nồi. Ở nhà,vợ Nồi đã đun sẵn một nồi nước lá sả to. Dội nước sôi làm lông xong, Nồi ra lệnh che kín xung quanh rồi chất rơm thui. Sợ lửa to sẽ bị lộ, họ chỉ chất từng nắm rơm nhỏ một rồi dùng quạt mo quạt. Đang thui thì Thuần, con ông Tèng, lò dò đến. Cả bọn xanh mặt, nhưng Thuần bảo:
– Đừng sợ, tôi chỉ đến xem thôi
– Tốt quá. Cậu ở đây chơi, lát nữa uống rượu với chúng tớ.
Lúc mới làm lông xong, da “con Huê” xám ngoét, thịt nhẽo nhèo, mùi tanh bốc ra khủng khiếp vì sắp đến giai đoạn phân hủy. Thế mà khi thui xong, da nó trở thành màu vàng nghệ trông rất bắt mắt, nhưng mùi tanh vẫn khá đậm. Anh Tôn bảo:
– Mùi tanh là ở gan ruột nó bốc ra đấy. Mổ nhanh lên, mang bộ lòng ra vườn mà chôn.
Anh Nồi cười:
– Dạo đi làm thủy lợi ở Thái Mỹ (một xã thuộc huyện Thái Thụy, Thái Bình) thấy con chó chết ở mương nước dễ đến 3 ngày, chúng tao vớt lên mang thui. Thịt nó cũng vàng như thế này, nhưng vẫn có mùi thum thủm. Mổ ra, ruột gan nó đã nát hết. Vứt bộ lòng đi, thịt mang ướp riềng mẻ mắm tôm, xào lên ăn vẫn chẳng làm sao. Con nghé này đã ăn thua mẹ gì. Cắt lấy miếng đùi, xào lên làm mấy chén cái đã.
Lát sau, khi anh nào anh nấy đã ngà ngà, cả bọn mới bắt tay vào mổ con nghé. Khổ nỗi nhà Nồi không có cái nong hay cái nia nào, sân đất, nền nhà cũng nền đất, không thể mổ được.Lúc đó đã hơn 1giờ đêm, mọi người đang ngủ say. Gọi hàng xóm dậy mà mượn nong hay mượn nia thì khác gì “lạy ông con ở bụi này”. Để trời sáng đi mượn thì một là thị con nghé sẽ ươn thêm, hai là cũng rất dễ bị lộ.Nhà Thuần có cái nong. Nhưng nếu bảo Thuần về lấy, chẳng may ông Tèng bố cậu mà biết thì “thôi rồi lượm ơi”. Đang bí thì Thuần hăng hái:
– Để tôi về tôi lấy nong cho.
– Nhỡ ông bà biết thì sao?
– Yên chí. Tôi có cách của tôi. Thầy bu tôi không biết đâu mà sợ
Lát sau mang nong đến,Thuần bảo Nồi:
– Thầy tôi bảo anh để phần thầy tôi một miếng.
Nghe vậy, cả 5 anh giật nẩy người như bị phỏng lửa:
– Thầy cậu biết à? Chết rồi. Ông ấy bảo vậy, là để cầm được miếng thịt làm bằng chứng, rồi ông ấy mới trị.
– Không phải vậy đâu. Tôi vào buồng lấy nong, đi rất khẽ không một tiếng động. Nhưng vừa mang nong ra đến cửa buồng thì thầy tôi bảo “mày mang nong đến cho nhà Nồi mượn phải không?” Tôi giật mình. Nghe giọng nói, tôi biết thầy tôi thức đã lâu rồi. Tôi đành nói thật. Nhưng tôi mới nói được vài câu thì thầy tôi ngắt lời, bảo rằng thầy tôi biết từ lúc các anh vác mai ra bãi tha ma cơ. Ban sáng, thầy tôi cũng định giữ con nghé lại. Con nghé hơn 1 tạ, mổ ra cầm chắc bốn chục cân thịt, chưa kể đầu, lòng, xương, đem chia đều cũng được mỗi khẩu ba bốn lạng thịt. Từ tết đến giờ, bẩy tháng trời nay có ai biết mùi thịt là gì đâu. Nhưng mà ông Hệ ông ấy chẳng ưa gì thầy tôi, nên thầy tôi sợ cất lời thì ông ấy lại lôi thôi, đành im.
Vũ Hữu Sự
Nguồn: Facebook Vũ Hữu Sự