Lê Quang Thông
Tấm hồng nhan đem bôi lấm xoá nhoà.
Làm bệ rạc cho hòa con mắt tục.
(Con mẹ Mốc, Nguyễn Khuyến, bản Nôm)
Tháng Giêng tôi được tin nhắn về Rạch Sỏi. Chuyến đi được tính trong vài ngày tới. Tôi được cô Sáu đặc biệt dặn dò, đưa anh Dư đi cẩn thận. Tin nhắn qua Thiết, người liên lạc giữa cô Sáu và tôi. Cô Sáu, người tổ chức chuyến đi, là một người mưu lược và đi lại với công an Rạch Giá đã qua nhiều chuyến.
Còn anh Dư, một sĩ quan Hải quân VNCH không trình diện cải tạo, được một người bạn ba mẹ tôi giới thiệu, sẽ lái tàu cho chuyến này.
Chúng tôi ra bến xe Petrus Ký, lấy xe đò đi Rạch Giá. Xe đậu chính ở Xa cảng miền Tây. Chổ này đã là một nơi nguy hiểm cho những ai yếu bóng vía. Công an chìm rãi đầy và hỏi giấy tuỳ thân bất cứ ai, mà chúng thấy khả nghi. Vì thế theo những người rành lộ trình này khuyên, cứ đợi ở Ngã Bảy, xe vô lấy thêm khách, nhảy lên là an toàn. Chúng tôi về đến Lộ Tẻ, Long Xuyên đã chiều, và đi bộ từ ngả ba Rạch Giá- Rạch Sỏi vô bến đò Rạch Sỏi khi trời bắt đầu nhá nhem tối.
Lạ lẫm, chúng tôi tới đây lần đầu và không dám hỏi ai. Tôi nghe những người đi buôn chuyến cùng xe trên Sài Gòn về, nói với nhau, tối nay ngủ lại nơi bến đò Rạch Sỏi, mai đi Tân Châu, Hồng Ngự. Tôi và anh Dư nhập vào đám mấy chị đi buôn, xách giùm họ vài cái giỏ nặng, và trò chuyện luôn miệng để ghi nhớ tên địa phương, kinh rạch, và các vùng miền lạ hoắc. Chừng đi hết khoảng đường vô bến đò Rạch Sỏi, tôi đã sắp xếp xong nơi chốn mình sẽ đi, hợp lý.
Tôi nhắc với anh Dư. Anh em mình là dân Huế, đi kinh tế mới trong Miệt Thứ, tuốt tới Thứ Mười Một. Tháng này đi vòng vòng kiếm việc làm thêm chút tiền. Tối nay ngủ lại ở Rạch Sỏi, đợi tàu đò mai đi Long Mỹ, Ngan Dừa. Nghe nói trên đó nhiều việc cần người.
Anh Dư, người Huế, ít nói, cao ráo và đen điu, không có vẽ là một sĩ quan cũ, nếu không có chú thím Duyên, bạn của ba mẹ tôi giới thiệu, thì cũng khó tin. Thím Duyên là người đọc ra nghi ngờ trong mắt tôi hôm gặp mặt, thím đã thì thào bên tai:
– Anh Dư đóng vai Mẹ Mốc đó cháu.
Tôi nhớ ra mấy câu trong bài Mẹ Mốc của Nguyễn Khuyến. Đôi khi thấy anh ngơ ngác, phản ứng chậm, tôi không tránh khỏi ý nghĩ, anh thành Mẹ Mốc thật rồi, sau khi phải đóng vai mẹ Mốc thường xuyên và quá lâu trong đời sống.
Lúc này tôi cũng đang là một thứ Mẹ Mốc ở Trung tâm Dịch thuật. Bỏ Huế chạy vô Sài Gòn, gặp lúc Sài Gòn đang nới vòng tay đón chuyên viên, trí thức… các nơi bỏ nhiệm sở. Chủ trương, nghe đâu của ông Kiệt. Nghe nói ổng đưa những Chuyên viên Kinh tế, Ngân hàng, Bác sĩ… đang giam trong các trại giam người vượt biển, về làm việc trở lại ở các cơ quan, bệnh viện cũ, với cam kết ở lại phục vụ. Những việc này như một loạt các biện pháp của chế độ mới, nhằm ngăn chận phong trào vượt biển lên đến cao điểm.
Tôi nhận giấy chứng nhận, để tạm trú hợp lệ: một vấn đề gay go trong thời buổi gay go. Tôi được xác nhận là thành viên của Trung tâm Dịch thuật, trực thuộc Thành ủy Sài Gòn và điều này có nghĩa là trí thức đang được Thành ủy giúp đở dưới mắt các ông Công An khu vực. Tôi và vợ con được ở yên không bị hạch hỏi.
Ở Trung tâm Dịch thuật tôi làm một thành viên ngoan ngoãn, chấp hành sinh hoạt nghiêm túc. Công việc được phân phối mỗi đợt chừng mươi tờ DIN A4, dịch đủ tiền uống cà phê. Sau một thời gian, Tổ chúng tôi giao hết cho một bác lớn tuổi, và chúng tôi chạy chợ trời thuốc Tây, hay làm bất cứ việc gì kiếm ra tiền.
Bây giờ cả hai Mẹ Mốc đang đi vô bến đò, trên con đường củ đậu, củ khoai lổm chổm. Những tấm bảng chỉ đường rất rõ ràng. Lối vào bến đò và Trung tâm Giáo dục Cầu Ván nằm đối xứng nhau hai bên trục lộ. Trung tâm Giáo dục hay Giam Dân, không biết nghĩa nào hai chữ viết tắt.
Sau đó tôi nghe thiên hạ nói. Sở dĩ nhiều bảng chỉ đường là để cho dân Sài Gòn về thăm nuôi thân nhân vượt biển bị bắt. Trại Cầu Ván có chừng vài ngàn người đang bị tạm giữ. Việc thăm nuôi, lo lót bảo lãnh thân nhân là một nguồn lợi lớn, nên phải chỉ rõ ràng đường đi. Trời lại mưa lâm râm. Mấy chị buôn chuyến bắt đầu thân thiện, coi như may mắn khi gặp chúng tôi. Nếu không, đám giỏ xách lỉnh kỉnh này cũng gay go mang, vác. Chúng tôi vào hết trong quán cuối, phía tay phải đường xuống bến. Quán không rộng, nhưng sau dãy bàn ăn uống, có một khoảng cỡ hai chiếc chiếu lớn, cho dân đợi tàu, lỡ chuyến, ngủ qua đêm.
Chúng tôi ăn hai dĩa cơm, uống cà phê đá, và trãi khăn nằm góc trong cùng. Tôi thấy bóng Thiết dáo dác ngoài quán vội vàng dặn anh Dư nằm yên, tôi đi gặp Thiết. Thiết cho biết cô Sáu đang gặp rắc rối, vì Công an địa phương bắt giữ một số người trong chuyến, và giao cho Công an tỉnh. Cô Sáu bị đòi thêm vàng để chuộc ra. Bao nhiêu Thiết không nói, nhưng chỉ biết cô Sáu có ba hôm để lo cho xong. Nếu không xong, chuyến đi sẽ bị hủy vì không có người đở lưng. Thiết cũng không thể ém chúng tôi ở đâu cả, vì bể ổ tùm lum. Thiết cho lần hẹn tiếp vào sáng sớm 3 ngày sau đó ở quán cà phê và bida ở dưới chân cầu Quay trên đường vào Rạch Giá.
Tôi trở về bến đò vì ngại lâu quá anh Dư lo. Quả thực khi chun vô nằm kế bên, anh Dư run đến nỗi tấm phên lá cọ dừa cứ kêu rèn rẹt vì một tay anh gác lên. Tôi biết anh Dư nhát gan, và quyết định chủ động trong mọi việc. Tôi không kể chi tiết những gì Thiết nói mà chỉ nói nhỏ là người về chưa đủ, sẽ có tin mỗi ngày.
Buổi sáng tôi nằm nướng cho đến khi tàu đò Long Mỹ, Ngan Dừa rời bến, mới vùng dậy hô hoán lên mình trễ chuyến, và chờ sáng mai. Tôi tính hôm nay sẽ đi bộ lên phía cầu Quay, nhìn qua vị trí quán cà phê có bàn bida mà Thiết hẹn. Sau đó sẽ đi tới bến xe Kiên Giang. Quanh quất đâu đó đến chiều trở về lại bến đò Rạch Sỏi, ngủ đêm lại quán cũ, nơi mà ai cũng biết hai anh em người nước Huế, sáng nay lỡ tàu đò đi Long Mỹ vì ngủ say.
Anh Dư có vẽ tỉnh táo hẵn. Tin tưởng ở tôi, anh lẵng lặng đi, không nói chuyện nhiều. Dưới chân cầu Quay có một dãy hàng quán dọc theo mé sông. Đúng là có duy nhất một quán cà phê có bàn bida. Chúng tôi ăn sáng một người một đĩa xôi và uống cà phê. Tôi có thì giờ quan sát sinh hoạt trong quán và ngoài đường. Xe lam, xe lô, xe thổ mộ chạy đều qua trước mặt quán. Có chiếc lên dốc quẹo trái vào thành phố Rạch Giá. Có chiếc qua cầu Quay chạy về hướng Lộ Tẻ, Rạch Sỏi.
Chừng gần 11 giờ, tôi và anh Dư đi vào thành phố Rạch Giá. Chúng tôi đi bộ vì chỉ định đi chừng nửa đường, tới bến xe Kiên Giang, kiếm gì ăn trưa trễ ở đó và chiều xuống đi bộ tà tà về lại bến đò Rạch Sỏi.
Bến xe Kiên Giang khá lớn, đủ các tuyến đường từ Rạch Giá đi Long Xuyên, Cần Thơ, Sài Gòn…Xe buýt lớn đậu hàng chục chiếc, không khí náo nhiệt, hàng quán khắp nơi. Chúng tôi cảm thấy dễ chịu, vô danh trong đám đông, và tận hưởng một đĩa cơm với mực nhồi thịt múc rất hào phóng thêm một ly trà đá lớn.
Chúng tôi đi trở lại Rạch Sỏi khi tắt nắng. Trời đổ mưa như hôm qua. Trùm áo mưa poncho, chúng tôi đi thong thả trên đường lộ vắng người. Tôi đã mua sẵn mấy củ sắn cho bửa tối. Tới ngả ba rẽ vô Rạch Sỏi chúng tôi sẽ nhai sắn, và về quán ở bến đò, chỉ cần một xị rượu với một dĩa mồi gì đó là y chang dân qua đêm đợi tàu đò. Xị rượu, dân ở đây gọi là mùng. Uống say, như treo mùng, mới ngủ được với bầy muỗi vo ve.
Nhờ một xị mùng tôi đặt lưng xuống đã ngủ như chết. Đến khoảng hai giờ sáng, chó sủa và người đi rầm rập. Rồi có tiếng đập cửa, hay đúng hơn là những tấm lá dừa, ngày chống lên làm quán buôn bán, đêm sập xuống thành cửa. Tiếng hối thúc “Mở cửa, kiểm tra hộ khẩu!” tiếng chó sủa, ánh đèn pin quét qua lại vào từng góc trong quán.
Chúng tôi ngồi dậy với mấy chị con buôn. Ai mắt cũng nheo nheo dưới ánh đèn sáng loá. Anh Dư run cằm cặp. Tôi phải đè tay anh dưới bắp chân cho vách phên khỏi kêu rèn rẹt. Họ bắt đầu xét giấy từng người.
Đến phiên chúng tôi. Tôi đưa hai cái chứng minh nhân dân và khai dân Huế, vô đi kinh tế mới trên Miệt Thứ. Một tay trung niên hỏi lui hỏi tới ngày sanh, nguyên quán và so với thẻ chứng minh. Xác định đúng với giấy tờ và cả hai mang họ Lê đúng là anh em, hắn bắt đầu xoay qua hỏi đi đâu, làm gì. Tôi thưa, trên kinh tế mới vừa xong vụ sắn, chúng tôi đi lên trên Hồng Ngự cuốc ruộng, vì ngồi không, không có đồng nào. Tôi nói một loại giọng Huế đặc sệt, quê mùa khó nghe, làm bực mình tên đang hỏi. Hắn nhìn qua hai anh em một lượt từ đầu đến chân, và chưởi thề:
– Đụ má! Không hiểu mấy thằng nước Huế nói cái gì.
Cả toán kéo nhau đi. Mấy chị buôn chuyến đã nằm xuống. Tôi kéo anh Dư, ra dấu tiếp tục giấc ngủ. Nhưng làm sao ngủ được phải tính chuyện cho ngày mai. Còn đến hai ngày hai đêm nữa mới gặp Thiết lại. Tính sao đây. Chắc chắn không nán lại bến đò được thêm đêm nào nữa.
Gần sáng bà chủ quán dậy sửa soạn nồi xôi, son bún, cà phê… bán buổi mai. Tôi lăng xăng múc nước, trở củi cho bếp cháy đượm, vừa làm vừa chuyện trò với bà chủ đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Bà nói chuyện dân ngoài Trung vô đây nhiều, cực khổ vì không hợp thủy thổ, đau ốm hay về chữa ở ông thầy Nước Lạnh trên Lộ Tẻ. Họ trãi chiếu nằm dưới bóng cây đầy vườn nhà ông thầy, có khi mươi ngày nửa tháng. Mỗi người nhận một số thứ tự. Mỗi sáng chờ kêu số vô cho ông thầy làm phép và nhận một chai nước lạnh để điều trị. Vì vậy người ta gọi là ông thầy Nước Lạnh.
Có nhiều người lành bệnh nên tiếng đồn lan xa. Bởi vậy có lúc có cả trăm người trong vườn nhà ông thầy. Sinh hoạt do nhóm đệ tử thân cận của ông thầy tổ chức. Thuốc, là nước lạnh, lấy từ cái giếng xưa sau vườn. Ôi! đúng là quý nhân phò. Cái miệng tía lia của tôi có lúc được việc. Bà chủ quán thấy tôi siêng năng, pha cho ly cà phê. Tôi uống cạn ngon lành vì vừa tìm ra một nơi tá túc cho hai đêm sắp tới.
Sáng trưng, tàu đò đi Long Mỹ, Ngan Dừa tới báo từng quán, đón khách lúc 8 giờ và 9 giờ khởi hành. Chúng tôi có thì giờ cà phê, chuyện trò với nhóm buôn chuyến và nghe thêm một số thông tin về việc chữa bệnh trong sân nhà ông thầy Nước lạnh. Tôi kéo anh Dư rời quán lúc 8 giờ đi xuống bến, lấy cớ mua vé tàu đò và đi luồn qua mé sau lên chợ Rạch Sỏi. Từ ngả ba chúng tôi lên xe lam đi Long Xuyên. Tôi nói cho anh Dư biết kế hoạch ngày hôm nay.
Không phải dễ thuyết phục anh Dư phải làm bệnh nhân và tôi dẫn anh từ trên Miệt Thứ về nhờ thầy. Anh Dư đồng ý vườn nhà thầy Nước Lạnh là chổ trú đêm nay, đêm mai an toàn. Đến sáng mốt hẹn với Thiết ở cầu Quay, đêm đó ra khơi, thì quá ăn khớp. Nhưng anh Dư bệnh gì. Rắn cắn, trặc chân, vẹo lưng…đều không được vì phải có vết thương, phải uốn éo ngoại hình cho thích hợp. Những điều đó quá khó cho anh Dư. Tôi có thể uốn éo cong queo, thậm chí á khẩu ú ớ, làm như bị chạy độc vì rắn cắn, nhưng lấy ai mềm dẽo đối đáp khi tình huống thay đổi. Chỉ có bệnh lên cơn sốt về đêm, la hét, vùng vẫy, đập phá y như ma nhập hơn cả nửa năm rồi. Bệnh này coi bộ thích hợp với khổ người ốm yếu, vàng vọt, ngơ ngác… của anh Dư. Cuối cùng anh Dư cũng không thấy có chọn lựa nào khác. Cuộc khám xét hồi hôm làm anh ớn chuyến đi này. Thôi đành nhắm mắt theo…tôi.
Xe lam đi ngang nhà ông thầy. Có vài người xuống và lên. Tôi có dịp quan sát ngôi nhà nằm tuốt trong xa, ngõ vào từ đường lộ dài hun hút và cây cối hai bên um tùm. Sân nhà ngăn cách với Lộ Tẻ một hàng rào cao và dày cây bông cẩn. Trong sân đông người nhưng rất trật tự lớp lang. Có mấy thanh niên áo đà, vấn khăn, như mấy ông đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đi lui tới điều động công việc. Như vậy tạm ổn với kế hoạch. Chúng tôi sẽ lòng vòng trên ngã ba Long Xuyên, đến chiều đi xe lam về hướng Rạch Giá, và sẽ xuống ngang ông thầy Nước Lạnh, xin vào chữa bệnh cho anh Dư.
Khi tôi dìu anh Dư vào sân nhà thầy Nước Lạnh thì trời vừa nhá nhem. Sau khi ghi tên họ người bệnh, người chăm sóc và khai bệnh trạng, chúng tôi được xếp ngủ dưới lán gổ, nằm mé bên phải nhà thầy. Lán gổ này rộng mênh mông, như là xưởng đóng ghe, tàu không hoạt động nữa. Có khoảng đâu vài người treo võng hay trải chiếu nằm trên các bộ ván. Ván dựng đầy ở cuối lán, có thể lấy xài. Tạm yên.
Nửa đêm anh Dư ú ớ và chuẩn bị lên cơn như tôi dặn. Tôi đã nhúng chiếc khăn đẫm nước lạnh và ngồi xỗm trên bụng anh Dư, tay đè chân kẹp và một tay lau đầu cổ liên hồi. Mặt mày anh Dư đỏ rần, ướt đẫm và giảm la hét lần đến xuội lơ, nằm im. Lần lên cơn đầu tiên kéo dài chừng nửa giờ. Công nhận anh Dư diễn xuất sắc. Anh vùng vẫy la hét dữ dằn đến độ những người trong lán chạy tới, bàn khiêng lên nhà trên cho thầy chữa. Tôi phải trấn an họ, chuyện này xảy ra như cơm bửa, đã hơn nửa năm nay rồi. Tôi đã khai hết chiều nay và đã nhận số, ngày mai vô khám. Mọi người bớt hiếu kỳ và từ từ về chổ mình.
Anh Dư ngủ ngon và bắt đầu ngáy. Tôi trằn trọc với kế hoạch cho ngày mai. Chuyện lên khám và khai bệnh để ở lại được vài hôm trong nhà thầy xem như qua được. Tối mai thêm một đêm an toàn. Chỉ còn nghĩ đến cách ra khỏi nhà thầy vào sáng mốt, để đi lên cầu Quay gặp Thiết. Ngày mai dẫn anh Dư lên thầy khám, phải dò la thêm một số chuyện chưa rõ ràng.
Tôi ngủ thiếp đi và mơ thấy mình đang ở giữa biển buổi sáng. Ghe lướt sóng và nước vỗ nhè nhẹ vào mạn thuyền. Biển êm nên tiếng vỗ bẹp bẹp không lớn. Hồi lâu tôi thấy chân trái mình tê cứng. Tôi vùng dậy rút chân thì té ra đang bị anh Dư gát. Anh trở mình nói lảm nhảm và run bần bật. Tay anh để trên tấm lá dừa ở góc lán. Từ đây vẳng ra tiếng sóng vỗ trong giấc mơ của tôi.
Ngủ đi anh Dư. Sáng mai ráng ngơ ngác như Mẹ Mốc thứ thiệt khi thầy khám và tối đến, diễn tuồng sốt nửa đêm lần sau cùng. Cầu cho chuyến này thuận buồm xuôi gió, anh em mình sẽ không đóng tuồng nữa. Hy vọng sẽ sống một cuộc đời của chính mình, không cần phải dưới vai này, vai khác như trên sân khấu.
Lê Quang Thông
Frankfurt, Germany, 7/2020
Nguồn: Tác giả gửi