Bạch Liên Tây Hồ

Posted: 16/10/2020 in Truyện Ngắn, Trương Đình Phượng

Trương Đình Phượng

Tây hồ sen nở rộ
Thiếu nữ má hây hồng
Tình lang sao chẳng thấy
Chim nhạn lẻ tầng không!

Sương mai bảng lảng, bên mái hiên lợp tranh vàng một nàng thiếu nữ chừng mười sáu mười bảy tuổi đang ngồi thông tâm sen. Thi thoảng gió khuẩy trêu mái tóc, nàng khẽ đưa tay vén, môi hé cười, quả là vẻ đẹp mê hồn đắm nguyệt khiến cho những đóa hoa cũng không dám bung hết sắc hương.

Vừa làm việc nàng vừa khe khẽ hát:

Nắng vàng, bướm thắm, trời xanh
Hây hây gió sớm đầu cành hoa run
Đường xa gối mỏi chân chùn
Bâng khuâng mây trắng dập dùn núi cao
Kìa ai má phấn môi đào
Khác gì một hạt mưa rào ruộng hoang
Kìa ai áo gấm huy hoàng
Rồi mai như lá giữa đàng rụng rơi
Cõi trần tựa một cuộc chơi
Chiều tàn, còn lại áo tơi nẻo sầu…

Ca dứt, cô gái ngừng tay, nhìn trời, không biết tự khi nào đôi hàng nước mắt đã chảy dài khóe mi, ngỡ như những hạt sương mai đọng trên lá sen non.

– Cái con nhỏ này, ta đã bảo bao nhiêu lần, không chịu nghe, mới tí tuổi đầu sao đã ca những khúc hát tái tê tâm can làm vậy chứ.

Một giọng nói nghiêm khắc vang lên, tiếp theo có tiếng bước chân, rồi một người đàn bà trung niên bước ra. Cô gái giật mình quay lại, vội đưa tay quệt nước mắt, khẽ cười:

– Kìa mẹ, sao mẹ cứ trách con hoài vậy.

Người đàn bà trung niên khẽ thở dài, trầm giọng:

– Nào ta có trách mắng gì con đâu chứ, chỉ là ta thấy với cái tuổi ăn chưa no nghĩ chưa tới như con thì đừng nên đa sầu đa cảm làm gì. Cuộc đời mỗi con người cũng như bông hoa dại vậy, sớm nở tối tàn, đang má phấn môi hồng đấy, chốc mắt đã hóa ra da mồi tóc bạc. Vì thế hãy sống làm sao cho tâm hồn luôn thư thái, nhẹ nhàng như gió như mây, tự do trôi dạt giữa tầng không cao rộng. Chớ để nỗi u hoài khiến dung nhan tiều tụy, trái tim nhuốm mùi tục lụy trần ai.

Cô gái đứng dậy, bước lại gần cầm tay mẹ, nũng nịu:

– Mẹ buồn cười thật đấy, cứ khuyên con không được có ý nghĩ buồn bã, thế mà lời lời mẹ nói ra cứ thấm đượm nỗi chua chát.

Người đàn bà khẽ vuốt tóc con gái, đôi mắt nhìn vào cõi xa xăm, dường như đang nhớ lại điều gì hệ trọng, bất giác lệ trào mi.

Thời gian như ngừng mạch đập, một lát, người đàn bà khẽ nói:

– Thôi thu dọn hạt sen lại đi, hôm nay chúng ta sẽ đến chơi nhà dì Ba. Dạo gần đây thằng cháu trời đánh Trương Long cứ đòi gặp mặt con đấy Bạch Liên.

Thì ra cô gái tên là Bạch Liên, tên quả đúng như người, vừa nhỏ nhắn xinh xắn, vừa mỏng manh đến mức tưởng chỉ cần chạm nhẹ cũng đủ khiến nàng tan vỡ.

Bạch Liên nghe mẹ nói, trong lòng rất vui, vội nhanh tay thu dọn rổ rá, đổ hạt sen vào túi vải gói lại, tâm sen thì cho vào lọ sành.

Cũng đã lâu nàng không đến chơi nhà dì Ba. Hồi nàng gặp Trương Long là năm hắn mười tuổi, khi ấy nàng mới lên bảy. Tuy vậy qua những ngày lưu lại nhà dì Ba, đêm đêm cùng Trương Long ngắm trăng, đuổi theo hương hoa cũng đã để lại trong tâm khảm của nàng những ấn tượng chẳng thể nào phai. Mười năm đã qua đêm nào trong giấc ngủ nàng cũng mơ thấy một cậu bé với khuôn mặt bầu bĩnh và nụ cười tươi rói, cầm tay nàng chạy qua những bụi hoa hồng.

Vừa soạn áo quần vừa suy nghĩ Bạch Liên ngồi ngẩn ngơ, mẹ nàng phải lên tiếng giục hai ban lần nàng mới bừng tỉnh, đáp vội:

– Dạ mẹ, con xong rồi đây.

Đoạn nàng đứng ngay dậy bước ra ngoài cùng mẹ, bấy giờ nắng đã lên cao, sương tan, tây hồ muôn ngàn đóa sen cuối mùa thi nhau đua sắc. Khung cảnh thật chẳng khác gì chốn thần tiên.

***

Gia trang họ Trương nằm bên bờ hồ Hoàn Kiếm, mẹ con Bạch Liên đến nơi đã vào tầm trưa.

Nhìn thấy hai mẹ con lão quản gia Trịnh Thuận vui vẻ cúi mình chào, rồi bảo tên gia nhân chạy vào báo với phu nhân cùng công tử, có khách quý ghé thăm. Tên gia nhân liền chạy đi, lát sau Trương phu nhân tất tả đi ra, miệng tuy cười chào đón mẹ con Bạch Liên, nhưng nét mặt có gì đó vương vương nỗi u uẩn.

Không thấy Trương Long ra đón mẹ con mình, Bạch Liên tò mò hỏi:

– Thưa dì Ba, Trương huynh đâu sao không thấy ra đón mẹ con con vậy?

Trương phu nhân nghe hỏi, mắt chợt rưng rưng lệ, thoáng thở dài, run run đáp:

– Tội nghiệp thằng bé, gần hai tháng nay đột nhiên trở bệnh nằm một chỗ,ta đã cho người mời năm sáu vị lang trung đến thăm bệnh nhưng ai cũng lắc đầu chẳng chuẩn đoán ra nguyên nhân.

Bạch Liên nghe nói Trương Lang bị bệnh bỗng nghe trong lòng trào dâng niềm thương cảm, lồng ngực chợt nhói lên. Nước mắt chực rơi, giục mẹ:

– Chúng ta mau vào thăm Trương huynh đi mẹ.

Bạch phu nhân nhìn Trương phu nhân nhã nhặn:

– Xin cảm phiền dì Ba dẫn đường vậy.

Trương phu nhân khẽ mỉm cười gật đầu rồi rảo gót đi trước.

Bạch Liên cùng mẹ nối bước theo, nàng không giấu nổi tâm tư bồi hồi qua những bước chân vội vã.

***

Cửa mở, mùi hồ tiêu và sả ám đặc căn phòng, thoang thoảng dư âm của mùi hương nhu và ngải cứu. Có lẽ Trương Long mới được bọn nô tì cho xông thuốc xong. Sau cánh rèm gấm màu đỏ vẳng ra tiếng thở đều đều.

Bạch Liên những muốn lao ngay đến giở cánh rèm xem tình hình của Trương Long hiện thời nhưng còn e ngại dì và mẹ quở trách, đành đứng chôn chân mà tâm tư cứ như sóng dậy.

Bạch phu nhân khẽ thở, chép miệng:

– Chắc thằng bé đang mệt, nên ngủ say giấc rồi.

Đoạn quay sang Bạch Liên nhỏ giọng, nhưng vẫn không giấu vẻ nghiêm khắc:

– Chúng ta ra ngoài thôi, để Trương huynh của con nghỉ ngơi, ta sẽ dặn a hoàn bao giờ nó dậy lập tức báo con hay.

Bạch Liên cố nén dòng nước mắt đã ứ lên khóe mi, đáp:

– Vâng, thưa mẹ.

Đúng lúc ba người định quay ra thì cánh rèm hé mở, Trương Long đã ngồi dậy, giọng uể oải:

– Là… là Bạch Liên muội phải không, ta nhớ muội quá. Đừng bỏ ta mà đi như vậy chứ, hãy ở lại cùng ta có được không.

Dưới ánh sáng nhàn nhạt do căn phòng khép cửa sổ, Bạch Liên đứng nhìn đờ đẫn. So với mười năm trước dung mạo Trương Long đã khác đi nhiều. Gầy gò hơn, làn da trắng bệch như người thiếu huyết tố. Chẳng biết vì do thân đang mang bệnh hay bởi sương gió thời gian.

Chẳng chờ sự cho phép của dì và mẹ Bạch Liên lao ngay lại giường, cầm bàn tay của Trương Long xúc động nói:

– Long huynh muội đây, muội đây, huynh cảm thấy sao rồi, đỡ mệt hơn chút nào chưa?

Khuôn mặt đượm vẻ tiều tụy, đôi mắt lờ đờ, Trương Long vừa thở vừa đáp:

– Ta đỡ hơn nhiều rồi, nhưng trái tim ta lại đau nhói muôn vàn.

Bạch Liên đưa tay áo lau dòng lệ, sụt sịt:

– Ai, ai khiến trái tim huynh đau đớn làm vậy chứ?

Trương Long nước mắt dàn dụa, chảy dài xuống gò má, nghẹn ngào:

– Tất cả là tại ta, tại ta, dù biết như thế là trái đạo trời đất nhưng ta không thế điều khiển nổi tâm hồn ta được.

Trương Long càng nói càng như người mê ngủ, Trương phu nhân và mẹ con Bạch Liên càng nghe càng chẳng hiểu cớ sự như thế nào. Trương phu nhân nén nước mắt gượng nói:

– Từ khi ngã bệnh nó cứ lảm nhảm toàn những điều vô nghĩa vậy đấy.

Bạch phu nhân ngập ngừng một lát, nói:

– Có khi nào bệnh tình của nó liên quan đến trí não chăng?

Trương phu nhân lắc đầu:

– Không phải đâu, tất cả lang trung ta mời đến đều khẳng định đầu óc nó bình thường, chỉ là tâm tư có lẽ đã gặp phải gì đó nên mới đau khổ quá mà hóa ra ngơ ngơ ngẩn ngẩn làm vậy.

Trương phu nhân dứt lời không ngăn được cảm xúc hai tay bưng mặt khóc òa lên.

Bạch phu nhân vội để tay lên vai Trương phu nhân vỗ nhè nhẹ, an ủi:

– Dì Ba hãy bình tâm lại, rồi mọi chuyện sẽ có cách giải quyết êm đẹp thôi.

Đoạn cầm tay Trương phu nhân giục:

– Thôi chúng ta ra ngoài đi, hãy để hai đứa nói chuyện cùng nhau. Cùng đầu xanh tuổi trẻ hẳn Bạch Liên sẽ điều tra ra nguyên nhân dẫn đến bệnh tình của Long nhi đấy.

Trương phu nhân gật đầu cùng Bạch phu nhân bước ra.

Căn phong chìm vào tĩnh lặng, chỉ còn tiếng nhịp đập của hai trái tim bồi hồi xúc động sau mười năm đằng đẵng cách xa.

***

Trăng như mặt ngọc lưng trời
Mà tâm người những nghẹn lời, xẻ chia
Sương buông, cây lá đầm đìa
Gió khuya lẫn tiếng não nề cỏ hoa

Đêm tĩnh lặng, ngỡ như có thể nghe rõ tiếng thở than của côn trùng, tiếng trở mình của mạch nước ẩn sâu dưới lòng đất.

Vì muốn Trương Long hít thở không khí trong lành của trời đất và vạn vật nên Bạch Liên xin phép dì Ba cho mình dẫn Trương Long ra vườn ngắm trăng, nhân tiện nàng sẽ hỏi rõ căn nguyên dẫn đến tình trang hiện thời của Trương Long. Trưa nay nàng đã gặng hỏi ba bốn lần, lần nào Trương Long cũng đáp lại toàn những câu mơ mơ hồ hồ.

Đêm nay cũng thế. Nàng hỏi:

– Trương huynh ai khiến trái tim huynh đau vậy?

Trương Long chỉ trăng ngớ ngẩn đáp:

– Kìa trăng đẹp quá, nhưng đôi mắt trăng sao u buồn làm vậy chứ!

Nàng hỏi:

– Phải chăng huynh đang buồn vì tình ái?

Trương Long nhìn những đóa hoa súng trong hồ, giọng buồn thảm:

– Kìa, hoa đẹp quá, nhưng sao hoa chóng tàn phai làm vậy chứ.

Bạch Liên cầm bàn tay Trương Long, bàn tay lạnh ngắt như băng giá, nàng nghẹn ngào:

– Sao huynh lại trở nên thế này chứ. Tại sao chứ!

Trương Long nhìn nàng, khẽ đưa tay lau nước mắt cho nàng, chầm chậm nói:

– Kìa những giọt sương đọng trên nhụy hồng long lanh quá nhưng sao lại gợi lên nhiều nỗi bi ai làm vậy.

Bạch Liên nín khóc, lặng lẽ rót một chén trà nóng, nâng lên ngang môi Trương Long, nhỏ nhẹ:

– Thôi muội không hỏi gì huynh nữa đâu, huynh mau uống chén Định Tâm Trà này đi, trà do tự tay muội xao tẩm đấy, trong này có cả tâm sen của Tây Hồ đó. Huynh uống vào sẽ bị hương vị trà gây thương nhớ cho mà xem.

Dứt lời nàng cố gượng cười. Bờ môi he hé như cánh sen sau làn sương mỏng.

Trương Long ngoan ngoãn uống hết chén trà rồi đứng dậy bước lại ngồi tựa vào lan can.

Khe khẽ hắn ngâm:

Trăng buồn buồn, cảnh buồn buồn
Kiếp người tựa cánh chuồn chuồn, thế thôi
Vừa gặp đấy, đã xa xôi
Kẻ ngàn dặm vắng, kẻ ngồi đợi mong
Ái tình không bến, long đong
Đành ôm nỗi nhớ cho lòng quặn đau…

Ngâm xong đưa tay ngắt một đóa hoa súng, ngẩn ngơ ngắm, bất giác nước mắt tuôn thành dòng.

Bạch Liên ngồi nín lặng, tâm trí nàng theo gió khuya tìm về hồi ức mười năm trước.

Mười năm trước vào một chiều chớm thu.

– Bạch Liên nè, muội thấy đóa hoa sen này có xinh xắn không, y như muội vậy đó.

Cậu bé có khuôn mặt bụ bẫm ánh mắt sáng ngời vẻ hồn nhiên vừa nói vừa đưa tay chỉ xuống hồ.

Cô bé nhìn theo ngây thơ hỏi:

– Huynh bảo đóa sen kia giống mặt muội ấy hả?

Cậu bé gật đầu. Khuôn mặt cô bé bất giác đỏ hồng lên.

Cậu bé đột ngột nắm lấy tay cô bé giục:

– Nào, mau đi theo huynh, huynh chỉ cho muội xem cái này hay lắm.

Cô bé bị cậu bé kéo đi muốn vùng ra cũng không được, đành gắng sức chạy theo cho kịp.

Đến bên một bức tường đã ám đặc màu rêu, cậu bé nói:

– Nè muội nhìn đi, có đẹp không hả.

Cô bé đưa mắt nhìn, những đám rêu đã được tỉa tót thành hình những ngôi sao. Cô bé vỗ tay reo:

– Ôi đẹp ghê đi, ai tạo nên chúng vậy, là huynh có phải không?

Cậu bé mỉm cười tự hào:

– Tất nhiên là huynh rồi.

Đoạn cậu cúi đầu thẹn thùng:

– Hôm qua ta nghe nói hôm nay muội đến chơi nhà ta, nên ta đã bỏ cả giấc ngủ trưa để ra đây tạo nên chúng làm quà tặng muội đó.

Cô bé ngước lên nhìn cậu bé, đôi mắt long lanh như hồ nước mùa thu, êm dịu, êm dịu…

Mười năm trước cũng vào một đêm trăng sáng như đêm nay.

Mọi người tề tụ ngoài vườn ngắm hoa, thưởng trà.

Trong lúc người lớn mải mê nói chuyện, cậu bé len lén lại gần xúi nhỏ vào tai cô bé:

– Nè Bạch Liên chúng ta đi tắm hương hoa nhé!

Cô bé gật đầu đồng ý. Rồi hai đứa nắm tay nhau nhanh chóng chạy đi.

Đêm dịu dàng, gió nhẹ nhàng, hương hoa quyến luyến. Trăng như dát bạc. Trần gian chẳng khác gì một tấm lụa nửa hư nửa thực với muôn màu sắc pha trộn.

Hai đứa tha thẩn qua những dãy hoa hồng. Không khí thơm nồng khiến cậu bé cứ ngỡ mùi hương như thoát ra từ người cô bé. Cô bé đưa tay ve vuốt đóa hồng mới nở, hồn nhiên nói:

– Trương huynh huynh xem nè, đóa hồng này mới tỉnh giấc đấy, trông nét mặt nó còn ngái ngủ đấy.

Cậu bé trêu:

– Nó cũng lười dậy như muội vậy đó.

Cô bé làm mặt giận:

– Chẳng thèm chơi với huynh nữa, huynh cứ bắt nạt muội hoài.

Dứt lời cô bé toan chạy đi, cậu bé vội nắm lấy tay cô bé, năn nỉ xin lỗi.

Cô bé đột ngột ngẩng lên cười xòa, lêu lêu:

– Trông huynh kìa, muội mới đùa xíu đã hoảng lên, nam nhi gì yếu đuối vậy chứ.

Cậu bé bị ghẹo thẹn đỏ mặt, quay lại giận ngược cô bé. Cậu chạy nhanh mất hút vào sau những bụi hoa cúc vàng.

Cô bé chạy theo, tìm kiếm mãi chẳng thấy, hốt hoảng kêu:

– Muội xin lỗi, tha lỗi cho muội đi mà, Trương huynh ơi, huynh ở đâu xuất hiện đi, đừng khiến muội sợ chứ.

Chỉ có tiếng gió đêm đáp lại, cô bé khóc, tiếng khóc rấm rức, tủi hờn xen lẫn ân hận.

Cô bé cứ dò dẫm theo ánh trăng, cuối cùng cô bé cũng nhìn thấy cậu bé đang đứng lặng thinh bên gốc cây bưởi, từ dưới gốc lên đến ngọn chằng chịt những sợi dây tơ hồng.

Một con bướm trắng đã chết, xác của nó treo lơ lửng trên tàng máng nhện.

Cậu bé đang khóc.

Cậu thương cảm cho cái chết của con bướm nhỏ.

Cô bé bước lại, khe khẽ cầm tay cậu bé. Cô bé cũng khóc.

Cả hai không lên tiếng, chỉ lặng lẽ nhìn vào mắt nhau rồi cũng lặng lẽ hai đứa hạ xác bướm xuống, chầm chậm dùng tay moi thành một huyệt nhỏ, đặt xác bướm vào đắp thành một nấm mộ.

Cậu bé chạy lại bụi hoa hồng ngắt những cánh hoa rải lên mộ bướm, lầm rầm khấn:

– Bướm nhỏ à, cầu mong cho linh hồn ngươi siêu thoát nhé. Hàng ngày ta sẽ ra đây thăm mộ ngươi.

Đoạn quay sang cô bé, cậu bé hỏi:

– Từ nay muội sẽ đến đây thường xuyên cùng ta ra chăm nom mộ cho bướm nhỏ chứ?

Cô bé lau nước mắt gật đầu:

– Ừ muội hứa!

Cậu bé đưa ngón tay ra, cô bé ngoắc ngón tay thay cho lời hứa.

Rồi mười năm, mười năm lạnh lùng trôi qua, mười năm mộ bướm đã mờ phai theo mưa gió, mười năm cô bé chưa lần trở lại thăm cậu bé và mộ bướm. Mười năm cậu bé lớn lên thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, nhưng mười năm đằng đẵng ấy điều gì đã xảy ra với tâm hồn của chàng trai đa sầu đa cảm khiến cho trái tim chàng phải đớn đau đến mức ngã bệnh? Chàng giận cô bé vì thất hứa chăng? Hay lớn lên sớm cảm nhận được sự vô thường của kiếp nhân sinh nên chàng đâm ra buồn bã. Hay vì không tìm thấy mộ bướm nữa nên tâm tư chàng tiếc nhớ đâm ra sầu muộn… Điều đó chỉ mình chàng biết mà thôi.

Gió khuya se sắt, Bạch Liên giật mình choàng tỉnh, mười năm phải chăng chỉ như là một giấc mộng?

Nàng khe khẽ ngâm:

Mười năm một giấc mộng dài
Giật mình, mái tóc đã cài tuyết sương
Mười năm biết mấy đoạn trường
Phân ly ai nhớ ai thương mà chờ
Mười năm, hồn những ngẩn ngơ
Sầu cao bằng núi, trăng mờ lối quen
Mười năm một kiếp cỏ hèn
Vườn hoang đom đóm thắp đèn, tìm nhau…

Đây là một bài thơ của người thôn nữ chờ đợi tình lang đến nỗi bạc cả mái đầu, cuối cùng nàng tan nát cõi lòng gục chết dưới bụi hoa hồng, loài hoa tượng trưng cho sự chung thủy trong tình yêu.

Bạch Liên mới bước qua tuổi trăng rằm, nàng cũng chưa từng trải qua những hỉ nổ ái ố của kiếp nhân sinh bé nhỏ, nhưng sao mỗi lần ngâm nga những khúc ca hay bài thơ về nỗi cắt chia ly biệt trái tim nàng bỗng cảm thấy như có mình trong đó.

Bạch Liên ngâm dứt, tay bưng chén trà nguội lạnh lên nhấp một ngụm, bỗng nghe tâm tư chua chát, lệ lại tuôn rơi.

Trương Long nhìn ánh trăng khuất sau làn mây đục, lẩm nhẩm:

Phân ly ai nhớ ai thương mà chờ…

Lẩm nhẩm hai ba lượt bỗng òa lên khóc nức nở.

Bạch Liên chạy vội lại, đặt tay lên bờ vai run rẩy của Trương Long. Nàng cứ im lặng như thế, như thế, mặc gió khuya đùa trêu tà áo mỏng manh. Đêm triền miên làn hương hoa và nỗi buồn dần đặc quánh lại.

***

Đêm dù dài mấy cũng đến lúc bình minh, cuộc gặp gỡ nào dù bao nhiêu luyến lưu rồi cũng đến khi chia biệt.

Sau một đêm ở lại nhà Trương Long sáng sớm tờ mờ Bạch Phu nhân đã giục con gái dậy, cả nhà chỉ còn có hai mẹ con, mùa này sen tây hồ đang độ hạt chín, lá sen cũng vào độ sắp tàn héo. Mẹ con bà phải về sớm để tranh thủ hứng những hạt sương còn đọng trên lá sen đem chưng cất thành một loại nước tinh khiết để khi đông đến sẽ lấy thứ nước ấy om trà.

Trà thì ai cũng biết uống thế nhưng cái việc dùng nước sương mùa thu để om trà nhằm tạo nên hương vị vô cùng độc đáo thì không phải ai cũng biết.

Một chút tâm sen, vài cánh sen khô, một nhón đọt trà đã phơi từ mùa xuân năm trước châm thêm nước sôi đun từ những hạt sương băng thanh ngọc khiết trên chiếc bếp thiết kế bằng đồng được đun bằng gỗ quế, quả thật là một thức uống khiến người ta suốt đời luyến nhớ.

Hai ngày trôi qua, Bạch Liên cứ ngỡ dài như hai thế kỷ. Sáng ngồi thông tâm sen nàng nhớ đến khuôn mặt tiều tụy của Trương Long lòng bỗng nhói đau. Trưa nàng thẫn thờ ngồi trên ghế đá ngoài vườn, mắt ngắm hoa mà tâm thì rỉ máu. Chiều trông ánh hoàng hôn dần lịm trên hồ, gió thổi khiến những cánh sen tàn run rẩy, nàng bỗng nghĩ đến sự sống của Trương Long không còn kéo dài được bao lâu chợt cảm thấy mười đầu ngón tay mình ớn lạnh. Đêm gục đầu bên lan can tòa thủy đình nàng thủ thỉ cùng vầng trăng vàng những lời khấn nguyện. Và nàng ngỡ vầng trăng đã nghe thấy lời cầu xin của nàng, trăng sẽ đem những lời của nàng truyền đến tai Ngọc Hoàng Thượng Đế và hẳn nhiên ngài sẽ đoái thương tấm chân tình của nàng mà khiến cho bệnh tình của Trương Long thuyên giảm.

Khuya nàng mệt mỏi gục xuống mặt bàn chìm đắm vào giấc ngủ. Nàng mơ thấy hai bàn tay mình đẫm máu. Là máu của Trương Long, máu từ miệng của chàng chảy ra theo những cơn ho dài bất tận.

Bạch Liên đớn đau khóc lóc, nàng kêu lên thảm thiết:

– Không, huynh không thể chết được…

Nàng choàng tỉnh, bốn bề im ắng, chỉ có tiếng sương rơi đều đều xuống những lá sen tàn.

Nghe tiếng Bạch Liên thê thiết vang lên giữa màn đêm, Bạch phu nhân lúc đó đang may áo vội buông kim chỉ chạy ra. Bà lao ngay lại chỗ con gái, cầm tay hỏi dồn:

– Sao vậy con, sao vậy, có chuyện gì khiến con hoảng loạn làm vậy.

Bạch Liên vội lau nước mắt, run run đáp:

– Không có gì đâu mẹ, con gặp ác mộng thôi.

Rồi nàng ngã vào ngực mẹ thổn thức:

– Chẳng nhẽ vận số của Trương huynh ngắn ngủi vậy sao mẹ, chẳng nhẽ chẳng còn cách nào khác để cứu sống huynh ấy ư?

Bạch phu nhân im lặng, bàn tay nhè nhẹ vuốt tóc con gái.

Lâu thật lâu cứ ngỡ hai mẹ con đã hóa thành tượng đá. Bỗng một ý nghĩ vụt qua đầu Bạch Phu nhân tựa như một luồng ánh sáng đột ngột chiếu rọi vào hang sâu tăm tối. Bà thốt lên mừng rỡ:

– Ôi ta nhớ ra rồi, bệnh tình của Long nhi có hi vọng chữa khỏi rồi con gái.

Bạch Liên vùng ngồi dậy, cầm tay mẹ hỏi dồn:

– Mẹ nói sao, mẹ đã nghĩ ra cách cứu huynh ấy rồi ư?

Bạch phu nhân vỗ vỗ lên bàn tay con gái dịu dàng nói:

– Theo như ta nhớ thì về phía tây kinh thành có một vị lang trung, sư phụ của ông ta vốn là học trò của tiên y Tuệ Tĩnh. Ta từng nghe thiên hạ đồn rằng bất cứ căn bệnh nan y nào gặp được bàn tay ông ấy đều được chữa khỏi. Ngày mai chúng ta sẽ nghỉ thu hái hạt sen đến nhà dì Ba rồi cùng nhau đi tìm gia trang của vị lang trung ấy. Biết đâu ông ấy có thể làm nên điều kỳ diệu.

Nghe mẹ nói tâm hồn Bạch Liên ngập tràn hi vọng. Nàng đổi sầu thành vui cùng mẹ trở vào nhà. Đêm nay nàng sẽ ngủ một giấc thật ngon. Trương huynh, huynh hãy đợi muộ nhé, nhất định bệnh tình của huynh sẽ được trị dứt, muội tin là như vậy. Rồi chúng ta sẽ lại cầm tay nhau đuổi theo mùi hương của hoa hồng, huynh sẽ hái đóa hoa tươi thắm nhất cài lên tóc muội còn muội sẽ hái vầng mặt trời găm vào trái tim đa sầu đa cảm của huynh để vĩnh viễn nó luôn ấm nồng niềm tin và khát vọng.

***

Dò hỏi nửa ngày trời cuối cùng mẹ con Bạch Liên cùng mẹ con Trương Long mới tìm được nơi ở của lang trung Đỗ Khứu.Thật không ngờ nơi ở của một người được gọi là thần y chỉ là hai gian nhà tranh được bao quanh bằng hàng dậu cúc tần. Một mảnh sân vừa phải được che bằng giàn mướp đơn sơ. Trong sân là mấy chiếc khung đóng bằng tre làm nơi để mẹt phơi thuốc. Nghe tiếng chó sủa một cậu bé tầm tám chín tuổi chạy ra nạt chó, rồi vội vã mở cổng lễ phép hỏi:

– Dạ thưa các vị là ai, tìm đến tệ trang có việc gì chăng ạ?

Bạch phu nhân thầm khen cậu bé lễ phép, mỉm cười hỏi:

– Cháu bé à, đây có phải nhà của thần y Đỗ Khứu chăng?

Cậu bé lắc đầu lia lịa:

– Không không phải đâu, các vị tìm nhầm chỗ rồi.

Bạch Liên bước tới nở nụ cười thân thiện:

– Người thân của chị đang ốm nặng cần được cứu chữa giúp, phiền em vào báo với thần y một tiếng có được chăng?

Cậu bé càng lắc đầu liên tục:

– Em đã bảo bọn chị tìm nhầm chỗ rồi mà, chốn này làm gì có ai gọi là thần y chứ.

Bạch Liên dò hỏi:

– Nếu đây không phải nơi ở của lang trung vậy những mẹt thuốc phơi kia là thế nào?

Cậu bé nhanh nhảu đáp:

– À cha mẹ em chuyên hái thuốc đem vào kinh thành để bán đấy mà.

Bạch phu nhân, Trương phu nhân cùng Bạch Liên nghe cậu bé nói có lý bất giác đứng ngẩn ra, nghĩ rằng có thể bốn người đã tìm sai chỗ lòng dạ trăm bề rối rắm.

Trương Long mệt mỏi thốt:

– Thôi mẹ cùng dì Tư và Liên muội đừng mất công tìm kiếm lang trung nữa, số mệnh của Trương Long này vốn đã được trời xanh định đoạt phải đoản thọ dẫu có tìm được thần y cũng chỉ thế mà thôi.

Bạch phu nhân thở dài:

– Long nhi chớ nói gở miệng vậy chứ, còn nước còn tát, con đừng dễ dàng buông xuôi như thế.

Trương phu nhân nén nước mắt nói:

– Long nhi dẫu có hơi tàn lực kiệt ta cũng quyết dành lại mạng sống cho con.

Bạch Liên cầm tay Trương Long khóe mi rưng rưng, xúc động nói:

– Huynh hãy vì muội mà vui vẻ lên nhé. Niềm hi vọng sẽ tạo nên điều kỳ diệu, huynh hãy tin như vậy nhé.

Cậu bé ngẩng đầu lên, hết nhìn người này đến người kia, cuối cùng dừng lại trên khuôn mặt Trương Long một hồi lâu, chợt thốt:

– Các vị ở ngoài này chờ ta một lát.

Dứt câu chạy nhanh vào trong.

Tầm cạn nửa tuần trà cậu bé trở ra cúi mình nói:

– Xin mời các vị vào cho. Hãy nhớ ba điều, thứ nhất giữ im lặng, thứ hai không được hỏi khi chưa cần thiết, thứ ba không được đi lại tự do.

Trương phu nhân, cùng mẹ con Bạch Liên nghe cậu bé mời vào không giấu được sự vui mừng, vội vàng rảo bước, cả ba đều nghĩ, lúc nãy hẳn vì một lý do hệ trọng nào đó nên cậu bé mới giấu bọn họ đây không phải là nơi ở của thần y Đỗ Khứu.

***

Bề ngoài đã đơn sơ vào bên trong nơi ở của vị lang trung được thiên hạ gọi là thần y càng giản dị gấp bội. Cả phòng khách chỉ có một chiếc bàn tre, bốn chiếc ghế, một chiếc giường mây nho nhỏ cùng một chiếc tủ đựng thuốc và một chiếc ghế dài cũng được làm bằng tre.

Trên vách trêu một tấm lụa ghi như sau:

Mười hai loại người không chữa trị

1. Tự cho mình là cao sang
2. Bất hiếu với cha mẹ
3. Tráo trở với bằng hữu
4. Lừa dối thầy dối gạt đồng môn
5. Mượn quyền thế chà đạp dân nghèo
6. Tướng cướp
7. Gái điếm
8. Kẻ làm cha mẹ đối xử tàn ác với con cái
9. Kẻ làm anh chị mà bỏ rơi em
10. Kẻ làm em mà đối xử tệ bạc với anh chị.
11. Kẻ ngồi ngôi cao mà không lo cho nỗi khổ của bá tánh
12.Những kẻ buôn thánh bán thần, hành nghề mê tín dị đoan.

Đỗ Khứu tầm sáu mươi tuổi, tóc đã lưa thưa bạc, hai hàng ria mép chảy dài quá cằm, chòm râu chảy xuống ngang ngực, khuôn mặt nhuận hồng trông vô cùng quắc thước.

Bọn Bạch phu nhân vừa nhìn thấy lòng đã vô cùng cảm mến. Nhưng nhớ lời cậu bé dặn nên từ đầu đến cuối chỉ ngồi im không dám ho he nửa câu.

Sau một hồi bắt mạch cho Trương Long, hết nhăn mày nhíu trán, lại khe khẽ thở dài, lang trung Đỗ Khứu vuốt râu nói:

– Bệnh của công tử đây ta e là ta không thể chữa trị nổi. Trước mắt ta chỉ có thể châm một vài huyệt vị nhằm đả thông kinh mạch khiến cho cơ thể công tử bớt phần nào mỏi mệt mà thôi. Tiếp đến ta sẽ kê đơn một số loại thuốc dưỡng tâm an thần để công tử uống tạm.

Đến lúc này Trương phu nhân không thể im lặng nữa đánh bạo hỏi:

– Dám hỏi thần y thực ra thì Long nhi nhà ta mắc căn bệnh quái quỷ gì vậy.

Đỗ Khứu chậm rãi đáp:

– Bệnh do tâm sinh
Sầu do việc tạo
Muốn chữa tận gốc
Phải tìm căn nguyên

Ta nghĩ rằng muốn biết nguyên nhân dẫn đến tâm bệnh của công tử thì chính các vị là người gần gũi công tử nhất tự tìm hiểu lấy mà thôi. Nếu công tử đây không chịu tự nói ra vì sao mình nên nông nỗi ấy thì đến thần thánh cũng chẳng thể đoán ra được vậy.

Trương phu nhân vội đứng dậy xá lang trung cảm tạ:

– Đa tạ thần y đã chỉ dẫn, từ hôm nay tôi sẽ cố gắng ngày ngày ở bên chuyện trò với nó để dò hỏi xem nguyên nhân nào khiến nó trở nên như vậy.

Đỗ Khứu nhìn ra ngoài sân, mặt trời đã ngã dần về phương tây, chỉ chốc lát nữa thôi trời sẽ chuyển hẳn về chiều, vội sai cậu bé:

– Đỗ Hiếu con mau đi chuẩn bị đồ nghề để ta châm cứu cho công tử đây.

Cậu bé dạ một tiếng rồi mau chóng đi lấy hộp kim châm đem lại.

Đỗ Khứu mở hộp ra cẩn thận chọn lấy từ ba trăm sáu mươi chiếc kim ra năm chiếc cả ngắn lẫn dài.

Đoạn sai cậu bé cởi áo dài của Trương Long ra.

Bàn tay Đỗ Khứu đưa kim thoăn thoắt như con thoi.Chớp mắt đã găm đủ năm chiếc kim lên năm huyệt vị. Ngay lập tức Trương Long nhắm nghiền mắt ngồi im. Tầm xong một bữa cơm Đỗ Khứu mau chóng rút kim châm ra khỏi cơ thể bệnh nhân, Trương Long thở hắt ra một cái choàng tỉnh, mơ mơ hồ hồ nói:

– Vườn xưa còn đó người đâu nhỉ
Hoa héo, trăng gầy, dế thở than
Mây ơi chầm chậm chờ ta tí
Gửi giùm nỗi nhớ đến người xa.

Đỗ Khứu thở dài nói:

– Bệnh đã ăn quá sâu vào tâm khảm, hẳn công tử từng gặp một biến cố gì ghê gớm lắm đấy.

Bọn Trương phu nhân cùng mẹ con Bạch Liên đều ứa nước mắt.

Đỗ Khứu đứng dậy bước lại tủ thuốc kéo từng ngăn ra, mỗi ngăn bốc một ít, bốc tầm mười ngăn thì dừng lại. Gói thành bốn gói trao cho Trương phu nhân dặn dò:

– Phu nhân cầm về bảo người nhà mỗi lần sắc đổ ba bát nước đun còn nửa bát thì tắt bếp, sắc đi sắc lại tầm năm lần thì đổ đi thay mới. mỗi lần sắc thì bỏ vào bảy bảy bốn mươi chín nụ tâm sen, nếu có mấy cánh sen trắng nữa thì càng tốt.

Trương phu nhân nhận lấy luôn miệng vâng dạ, lại lựa những lời chân tình nhất mà cảm ơn rối rít.

Bạch phu nhân nhã nhặn hỏi:

– Thôi chiều cũng đã buông chẳng mấy nữa sẽ tối, xin thần y cho biết số bạc chữa trị hết bao nhiêu để ta thanh toán rồi chúng ta cũng xin cáo từ luôn.

Đỗ Khứu xua tay nói:

– Ta xưa nay trị bệnh vốn chẳng lấy tiền, xin các vị cứ tự tiện về thôi.

Đoạn trầm giọng dặn:

– Chỉ xin các vị đừng nói cho ai biết nơi ta ở.

Rồi chẳng chờ cho bọn Bạch phu nhân mở lời thắc mắc ông ta tiếp luôn:

– Trước đây ta vốn thường vân du khắp chốn để chữa bệnh cứu người nhưng sau vì gặp một sự việc ngoài ý muốn khiến cho ta chán ngán từ đó thề chẳng bao giờ rời khỏi cư xá nửa bước. Ngày ngày ta cũng chỉ cho mấy đệ tử thân tín ra ngoài thăm khám cho những dân chúng bần hàn mà thôi.

Vì thế khi nãy gặp các vị thằng bé này cứ giấu giấu giếm giếm nơi đây không phải là chốn ẩn cư của ta vậy. Tuy nhiên khi nhìn thấy sắc mặt của công tử nó biết công tử mắc chứng bệnh khá nặng nên liền chạy vào báo cho ta hay.

Đỗ Khứu nói xong quay qua xoa đầu cậu bé khen:

– Thằng bé này tuy còn nhỏ nhưng cái tâm thương con bệnh của nó cũng đáng để người ta phải nhìn nhận lắm đấy.

Bọn người Bạch Liên đều quay sang nhìn cậu bé đầy thiện cảm lẫn biết ơn.

Trương phu nhân mỉm cười nói:

– Vâng, nếu thần y đã nói vậy thì chúng tôi đây xin lãnh nhận ân tình.

Đoạn quay sang giục mẹ con Bạch Liên mau chóng ra về.

Đường chiều ngựa nản chân bon
Ngập ngừng gió cuốn, dặm mòn buồn tênh
Sông dài con nước lênh đênh
Người đi mỗi bước mông mênh nỗi niềm…

Trương phu nhân cùng mẹ con Bạch Liên ngồi trên xe ngựa tâm tư chất chứa nỗi buồn cho đến tận lúc về đến gia trang họ Trương mọi người lặng lẽ bước xuống rồi cũng lặng lẽ chia biệt.

Bạch Liên cầm tay Trương Long chẳng nỡ buông. Bạch phu nhân phải giục năm sáu lượt nàng mới chịu gạt nước mắt bước lên xe ngựa cùng mẹ trở về Tây hồ.

***

Xa nhau một thoáng ngỡ như
Ngàn năm biền biệt thực hư đôi đàng
Người đi tan nát gan vàng
Để người ở lại lỡ làng nhớ thương
Sầu như ngàn mối tơ vương
Gỡ bao giờ hết mùi hương u hoài?

Cái tâm bệnh kia của Trương Long xuất phát từ đâu? Muốn rõ nguyên nhân lại phải trở về mười năm trước.

Đêm mưa vườn nhỏ hoa tơi tả
Sáng ra chỉ thấy ngập hương tàn

Sau hôm cùng Bạch Liên chôn bướm, sáng sớm nào Trương Long cũng ra vườn thăm mộ bướm.

Buổi mai hôm ấy, sau một đêm sụt sùi mưa gió, khắp vườn xác hoa rơi rụng. Ngôi mộ bướm cũng bị nước mưa làm cho điêu tàn.

Cậu bé Trương Long ngồi xuống trước mộ bướm ngậm ngùi nói:

– Điệp nhi, điệp nhi à, thật là tội nghiệp cho linh hồn em quá đi thôi.

Nói xong nước mắt tuôn lã chã. Rồi hai tay bất chấp bùn đất dơ bẩn đắp lại mộ cho bướm trắng. Đắp đất xong lại nhặt những viên đá vương vãi trong vườn ghép vào cho chắc chắn. Đoạn lầm rầm khấn:

– Điệp nhi à, từ nay mộ em sẽ không bao giờ bị gió mưa khiến cho điêu tàn nữa đâu.

Trong lòng dâng trào một niềm hi vọng bất giác nhoẻn cười.

– Nè Trương Long.

Một giọng nói trong vắt đột ngột vang lên, Trương Long giật nảy mình ngoảnh lại.

Một cậu bé mặc bộ đồ trắng toát, khuôn mặt hồng hào đẹp tựa trăng rằm đang đứng nhìn nó mỉm cười.

“Hắn là ai vậy kìa, sao mình chưa từng gặp hắn lần nào nhỉ?”. Trương Long cố lục tìm trong trí nhớ. Nó cứ nhìn cậu bé mặt đẹp chòng chọc. Lâu thật lâu nó hỏi:

– Này bạn là ai thế?

Cậu bé mặt đẹp đáp:

– Nhà tớ ở trong khu vườn này nè.

Trương Long trố mắt, giọng đầy vẻ ngạc nhiên:

– Cậu nói gì, nhà cậu ở đây ấy hả?

Cậu bé mặt đẹp gật đầu.

Trương Long căng mắt nhìn khắp khu vườn một lượt rồi làm mặt giận nói lớn:

– Đằng ấy nói dối, tớ không thích người như vậy đâu. Tớ vào nhà đây.

Nói đoạn nó định cất bước.

Cậu bé mặt đẹp vội chạy lại gần khẩn khoản nói:

– Thật mà tớ lừa đăng ấy làm gì chứ. Tớ chính là con bướm nhỏ cậu chôn cất hôm qua đó.

Trương Long bất giác thụt lùi liên tiếp mấy bước, run rẩy hỏi:

– Vậy, vậy đằng ấy là ma bướm ư?

Cậu bé mặt đẹp thấy Trương Long tỏ vẻ sợ sệt bèn cười toáng lên, cười dứt chớp chớp làn mi cong vút nói:

– Tớ không phải ma đâu, tớ là tinh thể của bướm. Rồi sợ Trương Long chưa hiểu cậu giải thích thêm. Nghĩa là trước đây tớ ở trong thân thể của bướm rồi khi bướm chết đi thì tớ thoát ly ra ngoài hút lấy tinh khí của trời đất mà tạo thành hình hài con người, cậu hiểu chưa hả?

Từ sợ hãi phút chốc Trương Lang chuyển sang thấy vô cùng thú vị.Nó cầm tay cậu bé mặt đẹp xoay ngang xoay dọc, lại ngó thẳng vào mắt cậu bé thật lâu. Càng nhìn tâm hồn nó càng dâng lên những cảm xúc vô cùng kỳ lạ.

Cậu bé mặt đẹp cứ để tay mình trong tay Trương Lang như thế một hồi, cả hai đều cảm nhận thấy sự ấm áp từ hai cơ thể truyền sang nhau. Trời trưa dần, ánh nắng bắt đầu gay gắt, thường là vậy sau một đêm mưa nếu ngày mai nắng lên sẽ càng dữ dội và khó chịu hơn gấp bội.

Trương Long đột nhiên nói:

– Nè đằng ấy đáng yêu nhỉ?

Cậu bé mặt đẹp thoáng nghe lòng như có một dòng điện chạy qua, mặt ửng đỏ lên, cúi đầu thẹn thùng:

– Cậu khen tớ đấy hả?

Trương Long ngây thơ đáp:

– Ừ thì tại mình thấy bạn dễ mến, nhìn cũng dễ thương nữa.

– Vậy từ nay chúng ta có thể làm bạn của nhau chứ?

Cậu bé mặt đẹp dè dặt hỏi.

Trương Long ôm chầm cậu bé mặt đẹp liến thoắng:

– Dĩ nhiên là vậy rồi. Mình thật sự hạnh phúc khi có một người bạn như đằng ấy đấy. À mà đằng ấy tên gì nhỉ, để từ nay tớ còn tiện xưng hô chứ.

Cậu bé mặt đẹp đáp:

– Tên tớ là Bạch Tiểu Điệp (bướm trắng nhỏ)

Trương Long nhắc đi nhắc lại hai ba lần cái tên ấy miệng cứ xuýt xoa khen “ người đã đẹp mà tên cũng đẹp luôn”.

Nó cứ đứng ngẩn ngơ như vậy, đến khi choàng tỉnh thì Bạch Tiểu Điệp đã biến đâu mất tiêu. Trương Long gọi năm bảy lượt chỉ có tiếng gió trưa đáp lại, tâm hồn nó bất chợt buồn vu vơ.

Thời gian cứ thế trôi đi, mỗi đêm trong giấc ngủ Trương Long luôn mơ thấy hình ảnh của Bạch Tiểu Điệp, sáng sớm vừa tỉnh dậy nó đã chạy ngay ra vườn. Chẳng để nó chờ lâu chỉ chốc lát Bạch Tiểu Điệp đã xuất hiện. Hai đứa nắm tay nhau đi về phía hồ nước, cùng ngồi xuống trảng cỏ ngắm những đóa hoa súng khoe sắc. Những cánh chuồn chuồn trêu đùa sương sớm. Những cọng cọ trĩu sương đu đưa trong gió.

Bạch Tiểu Điệp ngắt một đóa xuyến chi đưa lên mũi ngửi khen:

– Hoa thơm thật đấy.

Trương Long quay sang mau miệng:

– Đâu đâu đưa mình ngửi nữa nào.

Bạch Tiểu Điệp liền đưa ngang mũi Trương Long, nó hít lấy hít để miệng rối rít khen.

Cứ thế thời gian âm thầm trôi, chớp mắt đã qua năm năm. Trương Long từ một cậu bé ngây ngô đã trưởng thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Theo sự lớn lên của cơ thể tâm hồn cậu cũng có những sự thay đổi lớn về cả cảm xúc lẫn suy nghĩ. Dĩ nhiên Bạch Tiểu Điệp cũng có những biến đổi về ngoại hình và nội tâm như Trương Long.

Năm năm gắn bó đã dần hình thành nên trong tâm hồn của cả hai một thứ tình cảm vô cùng đặc biệt và lạ kỳ.

Trước hai người chỉ gặp nhau vào buổi sáng trong vườn, sau này đêm đêm Trương Long chong đèn học Bạch Tiểu Điệp thường nhân lúc mọi người trong gia trang họ Trương không ai để ý lén đến ngoài cửa sổ gọi khẽ:

– Trương Long mở của cho ta vào chơi đi.

Trương Long mau chóng chạy lại mở cửa sổ, Bạch Tiểu Điệp nhón chân leo vào.

Thế rồi bút sách được vứt ra một xó, hai người đến bên cửa sổ ngồi ngắm trăng mà chuyện trò quên cả thời gian. Có lúc hứng lên Trương Long còn bỏ trốn khỏi phòng theo Tiểu Điệp ra vườn đêm đi dạo.

Có một lần Tiểu Điệp rủ Trương Long trèo tường ra ngoài xem phố xá nhiệt náo. Tất nhiên Trương Long gật đầu cái rụp. Bấy lâu ở trong trang chẳng khác gì kẻ bị cầm tù, đêm đó Trương Long cùng Tiểu Điệp vui chơi quên luôn cả ý nghĩ trở về. Khắp mọi ngả đường lầu hồng gác tía, đèn chăng hoa kết, dòng người qua lại nườm nượp, chỗ này người ta diễn trò, chỗ kia người ta bày hàng bán, nào đồ trang sức, nào món ăn đêm, nào kẹo bánh…

Khuya sương buông không khí chuyển mùi u lạnh, Tiểu Điệp dẫn Trương Long đến bên hồ Hoàn Kiếm, hai người ngồi xuống trảng cỏ ngắm những con đò dập dềnh trên sóng nước, ánh đèn hắt ra từ những con đò chẳng khác gì trăm ngàn đôi mắt. Khung cảnh bỗng đẹp lạ thường. Trương Long mệt mỏi ngã đầu vào vai Bạch Tiểu Điêp thiu thiu. Trong giấc ngủ mơ màng hắn nghe có tiếng nói thật khẽ:

– Trương Long à, có khi nào ngươi thật sự quan tâm đến ta chưa vậy, trong trái tim ngươi ngoài tình bằng hữu chi giao còn có điều gì khác với ta chăng?

Trương Long nghe tiếng mình đáp trong mơ màng:

– Ý ngươi là sao vậy? Chẳng nhẽ giữa chúng ta còn có thứ tình cảm gì ngoài bằng hữu được ư?

Thoáng có tiếng thở dài trầm uất, rồi giọng Tiểu Điệp vang lên mỏng như tơ:

– Nếu ta nói rằng ta yêu ngươi thì ngươi có ghét bỏ ta không, ngươi có xem ta là một thằng điên chăng?

Trương Long giật mình ngồi ngay dậy, hắn nhìn chằm chằm vào mặt Tiểu Điệp, dưới ánh sáng của vầng trăng sắp ngủ hắn chỉ thấy một bầu trời lạnh lùng vô cảm xúc trên gương mặt Tiểu Điệp. Hăn tự hỏi “ Có lẽ nào những gì ta nghe lúc nãy chỉ là mơ? Tâm trí ta hồ đồ quá mất rồi chăng?”

Hắn tính cất lời hỏi Tiểu Điệp nhưng chẳng dám, đành đứng lên giục:

– Về thôi, giờ này hẳn toàn trang đã ngủ hết rồi.

Tiểu Điệp đứng dậy đáp:

– Ừ về thôi.

Tiểu Điệp chạy thật nhanh, Trương Long ráng hết sức đuổi theo, kêu oai oái:

– Ê chờ ta với chứ, ngươi tính để ta chết vì kiệt hơi đấy hả?

Tiểu Điệp không thèm đáp lại càng chạy mau hơn. Thoáng trong làn gió khuya một hạt gì buốt lạnh bay vào má Trương Long…

Năm Trương Long mười bảy tuổi, một hôm đang ngồi đọc sách cùng Tiểu Điệp ngoài thủy đình, lúc đó hắn dừng đọc ngẩng đầu lên vô tình nhìn thấy Tiểu Điệp đang ngồi tựa vào lan can, tay vân vê một đóa bạch trà, dưới vầng trăng khuôn mặt Tiểu Điệp bỗng đẹp vô cùng,chẳng khác gì đóa trà đang khoe sắc trên tay hắn.

Trong một thoáng tâm hồn Trương Long bỗng như có muôn ngàn con sóng dồn lên, hắn nhìn Tiểu Điệp đến ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Rồi trong vô thức hắn buông sách bước lại ngồi xuống cạnh Tiểu Điệp, rồi cũng như vô thức hắn nói:

– Đẹp quá, cho ta hôn một cái có được không?

Tiểu Điệp giật mình ngẩng lên, ú ớ hỏi:

– Hả ngươi nói gì, hôn gì cơ.

Lúc ấy không hiểu vì sự xui khiến nào Trương Long đáp:

– Dĩ nhiên là hôn ngươi rồi.

Tiểu Điệp như không tin vào tai mình hắn ấp úng hỏi lại:

– Ngươi, ngươi xin được, hôn…hôn ta hả?

Trương Long gật đầu:

– Ừ!

Và chẳng đợi sự cho phép của đối phương Trương Long đưa tay nâng khuôn mặt đỏ rần của Tiểu Điệp lên khẽ khàng đặt vào môi một nụ hôn. Đóa bạch trà trên tay Tiểu Điệp rơi xuống hồ, mấy con cá trạng nguyên thi nhau rỉa, chốc lát đóa bạch trà đã tan nát.

Thời gian như ngừng lại, vạn vật cũng như chẳng còn chuyển động nữa. Tòa thủy đình phút chốc bỗng biến thành một chốn thần tiên ảo cảnh nào đó. Một cảm giác vừa lạ lẫm vừa đê mê xâm chiếm tâm hồn Trương Long lẫn Tiểu Điệp. Thật lâu cả hai choàng tỉnh rời nhau ra. Trương Long vung tay giáng cho mình một tát, luôn miệng nói:

– Ta thật hồ đồ quá sức mà, xin lỗi ngươi nhé Tiểu Điệp, nãy ta thấy đóa bạch trà đẹp quá nên định xin ngươi đưa nó cho ta hôn một cái, vậy mà không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào ta lại đi hôn ngươi.

Bỗng nhiên một nỗi buồn như núi đè lên ngực Tiểu Điệp. Hắn bất giác đưa tay đè lên ngực áo. Lòng hắn nhói đau. Lúc nãy bị Trương Long cưỡng hôn thật sự tâm hồn hắn nghĩ gì, sung sướng, ngạc nhiên, thẹn thùng, hi vọng…là gì chính hắn cũng không hiểu. Nhưng giờ đây khi nghe Trương Long nói nụ hôn ấy lẽ ra hắn dành cho đóa bạch trà Tiểu Điệp mới hiểu rằng khi đang chìm đắm trong nụ hôn ấy bản thân hắn đã hạnh phúc đến dường nào, và lúc đó càng hạnh phúc bao nhiêu thì khi biết rằng sự ngọt ngào kia không phải dành cho mình trái tim hắn lại càng chua chát đắng cay gấp ngàn vạn lần.

Tiểu Điệp nhìn nhành liễu ven hồ, khẽ đáp:

– Không sao mà, ta biết ngươi chỉ trêu đùa ta thôi.

Dứt lời hắn nghe bờ môi mình mằn mặn.

***

Năm Trương Long mười chín tuổi, bấy giờ Tiểu Điệp không còn xuất hiện thường xuyên nữa. Chỉ khi nào đêm rằm hắn mới đến.

Cũng trong những ngày không gặp nhau ấy, trái tim Trương Long bỗng trống rỗng muôn phần. Đêm đêm giấc ngủ của hắn chẳng hề được yên yên ổn ổn. Hết gặp giấc mơ buồn chán này lại gặp ác mộng đáng sợ khác. Có đêm hắn mơ thấy Tiểu Điệp gieo mình xuống một vực thẳm sâu hun hút, trước khi lao xuống Tiểu Điệp đưa ánh mắt u uất nhìn hắn nói “ Vĩnh biệt, người mà ta mãi mãi yêu thương”, Trương Long hoảng hốt lao lại giơ tay ra nhưng chỉ nắm vào không khí mà thôi. Hắn ngồi gục xuống ôm mặt khóc nức nở vừa khóc hắn vừa hét lớn “ Tiểu Điệp à, ngươi đừng chết, ta chấp nhận tình cảm của ngươi.Đừng bỏ ta mà đi như thế”.

Trương Long vùng dậy, căn phòng ngập tràn nỗi lạnh lùng, bơ vơ. Hắn thấy tâm tư hắn đầy thống khổ.

Hắn tự hỏi lòng hắn, lẽ nào tình cảm mà hắn đối với Tiểu Điệp không đơn thuần chỉ là thứ tình cảm bằng hữu. Có lẽ nào giữa hai người đàn ông với nhau lại có thể phát sinh cái thứ tình cảm khiến cho tâm trí phải nghĩ đến việc muốn ân ân ái ái hay sao? Liệu rằng điều đó có là quá sai trái với lẽ thường mà trời đất không thể dung thứ không?

Tự hỏi chán chê rồi cũng tự hắn trả lời hắn rằng, có lẽ vì sự gần gũi lâu ngày với Tiểu Điệp thêm việc hắn không có bạn bè nên tâm thần hắn bất ổn sinh ra những ý nghĩ lệch lạc mà thôi.

Nhưng cho đến một đêm cách đây hai tháng trước khi tiết hạ nhường chỗ cho mùa thu, vầng trăng hao khuyết, sương nhạt mơ màng, Trương Long đang ngồi uống trà bên hồ Uyển Mộng thì Tiểu Điệp đến. Trương Long vui vẻ nói:

– Nào mau lại đây thưởng tràn ngắm cảnh cùng ta.

Tiểu Điệp bước lại lặng lẽ ngồi xuống.

Trương Long tiếp:

– Sắp giao mùa không khí u trầm quá khiến tâm tư con người dễ nảy sinh cảm xúc muộn phiền, nãy ta mới nghĩ ra một bài thơ để ta đọc ngươi nghe.

Đoạn hắn nhấp ngụm trà rồi lim dim mắt ngâm:

Sẽ sàng gió giỡn làn mây
Trăng lơ lửng mộng người say đêm trầm
Hoa dìu dịu sương lâm châm
Bờ hoang tiếng dế rỉ rầm niềm riêng
Thủy đình một mái nghiêng nghiêng
Cạn vò rượu ngỡ lạc miền huyễn hư…

Ngâm dứt nhìn Tiểu Điệp hỏi:

– Thế nào ngươi nghe có lọt tai không?

Tiểu Điệp đáp, giọng buồn buồn:

– Ừ cũng hay.

Nghe giọng Tiểu Điệp khác hẳn ngày thường Trương Long nghiêm túc hỏi:

– Nè sao đêm nay ngươi có vẻ chán chường như thế, có chuyện gì sao?

Tiểu Điệp quay nhìn ra hồ, đưa tay hứng ánh trăng ốm yếu.

– Trương Long này, đêm nay ta tới đây là để giã biệt ngươi, từ ngay mai chúng ta sẽ chẳng bao giờ còn được gặp nhau nữa đâu.

Trương Long đứng phắt dậy hốt hoảng:

– Hả ngươi nói gì, ngươi đến để nói lời giã biệt ta ư? Ngươi định đi về đâu? Chẳng phải ngươi chỉ là tinh thể của bướm trắng ư?

Tiểu Điệp vẫn không quay lại, giọng xa xôi:

– Ta chính xác là linh hồn của bướm trắng tạo thành, nhưng bao lâu nay ở cạnh người lại hấp thụ thêm rất nhiều linh khí của cõi chúng sinh nên hiện thời ta đã thật sự mang hình hài một con người có xương có thịt lẫn tâm hồn.

Trương Long ngồi phịch xuống ghế, buồn bã:

– Nếu vậy thì ngươi phải càng ở lại đây chứ?

Tiểu Điệp đáp:

– Những ý nghĩ của ta về ngươi đã đi trái cái đạo của đất trời, trái với luân thường của cõi thế cho nên Thiên đình đã cử ngươi xuống khiển trách ta, bắt ta phải rời xa ngươi vĩnh viễn, ta không thế làm trái ý trời được, và nếu ta còn cưỡng cầu ở lại cạnh ngươi sẽ khiến ngươi gặp tai họa.

Dứt lời Tiểu Điệp đứng dậy, vẫn không dám nhìn Trương Long, vội vã bước xuống khỏi thủy đình. Tâm trí Trương Long vô cùng hỗn loạn, hắn ngồi chết trân trên ghế, lòng dạ ngập tràn giá băng lẫn đau khổ.

Từ xa lời của Tiểu Điệp vẳng lại theo nhịp gió não nùng:

Gặp nhau là mộng
Xa nhau là thực
Người ở ta đi
Gió đêm rưng rức

Không thể tiễn nhau
Mênh mênh sầu muộn
Về đâu về đâu
Mảnh tình dang dở

Ta đi người ở
Vĩnh viễn cách chia
Biết người có nhớ
Để ta hoài thương

Từng thu da diết
Chỉ mình ta biết
Lòng ta đớn đau
Hồn ta rối nhàu

Vĩnh viễn không gặp
Tình tựa khói sương
Ngậm ngùi đoạn trường
Mình ta lẻ bước…

Trương Long vùng dậy chạy theo, gọi lớn:

– Tiểu Điệp, Tiểu Điệp ta có điều cần nói với ngươi…

Tiểu Điệp, Tiểu Điệp ta…

ta thật sự…yêu ngươi…

Tiếng gọi vô vọng của hắn chìm hẳn vào màn tối mênh mông, trên trời những đám mây u ám đã bóp chết vầng trăng hi vọng…

***

Sau khi uống hết một bát thuốc Trương Long được Bạch Liên nhè nhẹ đỡ nằm xuống gối, chốc lát hắn đã ngủ say.

Bên ngoài đêm đã buông dày, cảnh vật yên tĩnh tưởng có thế nghe thất cả tiếng thở của hạt sương.

Ba hôm nay Bạch Liên rời ngôi nhà tranh bên Tây Hồ đến ở hẳn Trương gia trang để chăm sóc Trương Long.

Thu đã cạn sen tây hồ cũng đã chết hết giờ nơi đó chỉ còn những ngọn gió cô độc tha thướt trên mặt hồ đìu hiu.

Tâm sen tuy đắng nhưng lại có thể giúp cho con người an an tĩnh tĩnh tinh thần, tình không sắc màu không mùi vị lại khiến trái tim con người ngập tràn đắng cay thống khổ.

Đêm qua trong một thoáng nửa mê nửa tỉnh Trương Long đã đem tâm sự thầm kín của huynh ấy thổ lộ cùng Bạch Liên. Nàng không trách huynh ấy, nàng chỉ thấy đồng cảm và xót xa cho mối tình oan ngang trái của huynh ấy với Tiểu Điệp mà thôi.

Còn nàng thì sao? Trái tim nàng thật sự có đang bình thường không hay nó đã và đang vỡ vụn thành ngàn ngàn mảnh đớn đau hờn tủi?

Nếu suốt mười năm qua nàng thường xuyên đến chơi Trương gia trang thì liệu giữa nàng và Trương Long có trở nên cách xa vời vợi như bây giờ? Liệu giữa hai người có nảy sinh thứ tình cảm trân quý nhất con loài người hay chăng?

Nàng cũng chẳng dám chắc chắn điều ấy.

Bạch Liên tựa đầu lên tay nhìn ra ngoài, vườn đêm thoang thoảng hương hoa, ánh trăng nhu mì soi trên những tán lá. Nàng tự nhủ “ có lẽ tạo hóa vốn đã trao cho huynh ấy một tâm hồn chỉ biết rung động bởi người cùng giới tính, bới thế dù ta có ở bên huynh ấy mỗi phút mỗi giây thì cái tình huynh ấy dành cho ta cũng chỉ ở mức huynh muội mà thôi”. Càng nghĩ nàng càng thấy ruột gan bời rối, nước mắt ứa ra lúc này chẳng hay.

– Tiểu Điệp, Tiểu Điệp chờ ta với, sao ngươi đi nhanh thế chứ!

Tiếng Trương Long nói nhảm trong giấc ngủ đã đưa Bạch Liên trở về thực tại.

Nàng vội chạy tới đắp lại chăn cho hắn. Gió đêm luồn qua song cửa khiến căn phòng chờn chợn mùi lạnh lẽo, Bạch Liên vội khép cửa sổ lại.

Ngọn đèn cầy lắt lay chiếu lên khuôn mặt xanh xao của Trương Long, Bạch Liên nhè nhẹ vuốt má hắn, lẩm bẩm:

– Huynh cố gắng lên nhé, khi huynh khỏe lại muội sẽ đưa huynh đi tìm Tiểu Điệp. Rồi hai huynh hãy bỏ trốn cùng nhau đến một nơi thật xa cách rời nhân thế và cùng hưởng hạnh phúc vĩnh viễn ở đó nhé.

Không biết Trương Long có nghe và hiểu những gì Bạch Liên nói hay không nhưng môi hắn khẽ mấp máy, đầu hơi rung rung. Bạch Liên mỉm cười tiếp:

– Vậy là chúng ta nhất thống nhé.

Dứt lời nước mắt nàng đã tuôn đầy má.

***

Giữa hạ, tây hồ sen nở rộ.

Buổi sáng sương như tấm áo choàng khắp mặt hồ.

Bạch Liên khuôn mặt tiều tụy ngồi tựa lan can.

Cuối cùng thì Trương Long cũng đã toại nguyện.

Dạo ấy sau khi uống xong mấy thang thuốc của thần y Đỗ Khứu bệnh tình của Trương Long đã có chuyển biến tốt. Đêm đó nàng dẫn hắn ra hoa viên chơi.

Đêm đó vầng trăng sáng vô cùng. Những đóa bạch trà cũng lung linh chưa từng thấy.

Nàng và Trương Long đang trò chuyện bỗng từ xa một người đi đến. Người chưa tới gần Trương Long đã đứng bật dậy sung sướng reo:

– Tiểu Điệp, Tiểu Điệp quả nhiên là ngươi.

Lời chưa dứt hắn đã rời khỏi bàn chạy đi.

Trương Long ôm chầm lấy Tiểu Điệp mà hôn mà hít, rồi khóc òa lên.

Tiểu Điệp vỗ nhè nhẹ lên lưng Trương Long nói:

– Kìa sao ngươi lại như một đứa bé thế.

Trương Long nức nở:

– Tiểu Điệp à, ta nhớ ngươi, ta nhớ ngươi vô cùng ngươi có biết không, từ nay đừng bỏ ta mà đi nữa nhé, ta sẽ đón nhận mọi tình cảm của ngươi, ta hứa sẽ không bao giờ buông tay ngươi, chỉ cần có ngươi ở bên thì đối với ta mọi thứ trên đời này đều không còn gì quan trọng nữa.

Ánh mắt Tiểu Điệp cũng rưng rưng, toàn thân hắn run lên, nghẹn ngào:

– Cuối cùng ngươi cũng chấp nhận tấm chân ái của ta sao? Đây là sự thật không phải do ta nằm mơ chứ?

Trương Long gật đầu liên hồi:

– Thật, thật mà không phải ngươi mơ đâu. Ta yêu ngươi, ta yêu ngươi nhiều lắm đấy Tiểu Điệp.

Tiểu Điệp xúc động nói:

– Cảm ơn ngươi đã chấp nhận tình cảm của ta.

Trương Long vui vẻ hỏi:

– Sao ngươi có thể trở lại với ta được thế.

Tiểu Điệp đáp:

– Trong những ngày ta xa ngươi lòng ta muôn vàn đớn đau sầu nhớ, đến mức ta nghĩ ta sẽ chết. Thế rồi sự chân tình của ta đối với ngươi cũng cảm động đến trời xanh, Ngọc Đế cử người xuống báo với ta rằng, từ nay ta đã thật sự là con người nên ta có thể tự do lựa chọn tình yêu cho mình như mọi chúng sinh ở cõi nhân gian.

Trương Long nắm tay Tiểu Điệp sung sướng nói:

– Tốt quá rồi, vậy là từ nay chẳng ai có thể khiến chúng ta ngăn cách nữa, đúng không?

Tiểu Điệp khẽ gật đầu rồi nâng mặt Trương Lang lên và đặt vào môi hắn một nụ hôn, một nụ hôn chất chứa biết bao là hờn giận đớn đau, nhớ mong…

Bạch Liên chứng kiến cảnh ấy trái tim như có ngàn vạn mũi dao đâm vào.

Nàng biết nàng thật sự ích kỷ nhưng biết làm sao được, ái tình luôn là vậy, dù có cố đến mấy con người ta cũng khó có thể chấp nhận mỉm để nhìn người mình yêu thương hạnh phúc trong vòng tay kẻ khác.

Bao lâu dồn nén che giấu cảm xúc nhưng lúc ấy tình cảm trong tâm hồn nàng chẳng khác gì dòng sông cuộn sóng, đớn đau, chua xót và nước mắt cứ thi nhau trào dâng, Bạch Liên cắm đầu chạy một mạch ra khỏi cổng Trương gia trang, rồi cứ thế nàng chạy mãi, chạy mãi, mặc gió đêm quất từng trận vào cơ thể mong manh.

Hai hôm sau mẹ con Bạch Liên nhận được tin báo từ Trương gia trang, Trương Long đã bỏ đi, hắn để lại một lá thư lời lời đẫm lệ, hắn bảo hắn đã tìm thấy ý nghĩa thật sự của đời hắn, hắn phải ra đi để trái tim của hắn không chết thêm lần nữa. Hắn thật sự xin lỗi mẹ hắn, xin lỗi tất cả mọi người thân thiết và những người sống tại Trương gia trang. Hắn cũng không quên gửi lời cảm ơn sự săn sóc của Bạch Liên dành cho hắn.

Hắn hứa rồi hắn sẽ trở về khi mọi sự bình yên.

Nhận được tin Bạch Liên không hề cảm thấy buồn, nàng chỉ thấy tâm tư muôn trùng trống trải.

Từ hôm ấy trở đi nàng trở nên lầm lầm lì lì, lặng lẽ vào ra như chiếc bóng vô hồn.

Bạch phu nhân gặng hỏi:

– Phải chăng con có biết chuyện Long nhi nó đi đâu?

Bạch Liên chỉ lắc đầu.

Ngày thứ chín trôi qua, sang ngày thứ mười Bạch Liên đột ngột bảo mẹ:

– Mẹ, mẹ có tin vào cái thứ ái tình cùng giới tính không?

Bạch phun nhân buông rơi chén trà, bà ngồi chết trân hồi lâu mới run run hỏi:

– Con đang nói về ai vậy?

Bạch Liên đáp:

– Là chuyện của Long huynh đó mẹ.

Rồi nàng chậm rãi kể.

Thời gian ngỡ như đang đông đặc lại. Tây Hồ nhuốm sắc tiêu điều. Trong phút chốc tất cả trở nên tĩnh lặng tột cùng.

Toàn thân Bạch Phu nhân run lên như trúng gió. Chuyện của nhiều năm trước vùn vụt hiện về trong tâm trí của bà.

Tại sao trên cõi thế nhân này lại có thể tồn tại cái thứ tình yêu trớ trêu đến như vậy?

Chính cái thứ tình yêu oan nghiệt ấy đã cướp đi người chồng bà rất mực thương yêu, nó cũng cướp đi người cha của Bạch Liên để con bé vĩnh viễn không nhìn thấy mặt cha. Để rồi suốt bấy nhiêu năm nó luôn nghĩ nó là đứa bé được sinh ra bởi sự lẫm lỗi của mẹ nó.

Nó làm sao biết được tất cả là tại cha nó, chính cha nó đã bỏ rơi mẹ con nó để chạy theo một người đàn ông!

Nhưng làm sao bà có thể kể cho nó nghe cha nó là một kẻ bị người đời gọi là tên bệnh hoạn chứ?

Nén nước mắt vào tận đáy lòng, Bạch phu nhân gượng cười:

– Chuyện ấy cũng bình thường thôi con gái, tình yêu mà, đâu có phân biệt giống loài hay giới tính đâu.

Bạch Liên ngã vào ngực mẹ, nàng nói trong vô thức:

– Con đã hiểu ra rồi mẹ ạ, con sẽ chẳng còn trách giận Long huynh nữa, từ nay con sẽ cố sống thật vui mẹ ạ. Con sẽ không đi đâu hết, con sẽ vĩnh viễn ở lại Tây Hồ này cùng mẹ, cho đến khi chết đi con sẽ hóa thành một đóa sen giữa lòng Tây Hồ.

Bạch Phu nhân khẽ vuốt tóc con gái:

– Ừ, mẹ con ta sẽ cùng nhau hái sen, bóc hạt, sẽ cùng nhau sống những ngày yên yên ổn ổn.

Bà nói những lời chứa chan hi vọng mà bờ mi nước mắt cứ tuôn dòng dòng.

***

Kiếp người sao quá mong manh
Khác gì chiếc lá lìa cành bay đi
Gặp gỡ chi để phân ly
Kẻ xa muôn dặm kẻ về bơ vơ
Nhớ thương lòng những ngẩn ngơ
Canh trường vò võ bạc phơ mái đầu
Thà như nước chảy chân cầu
Chẳng bao giờ thấm đượm màu lẻ loi…

Bạch Liên não nề ngâm, ngâm dứt nàng uể oải đứng dậy bước lên chiếc cầu gỗ bắc trên Tây Hồ.

Hương sen thoảng thoảng mặt hồ
Sương như làn khói mịt mờ quẩn quanh

Dưới ánh chiều hôm Bạch Liên nhìn thấy giữa muôn ngàn đóa sen đang nở rộ nổi bật lên một đóa sen trắng ngần. Từ đóa sen trắng ấy toát ra một làn hơi lạnh lẽo. Mơ mơ hồ hồ nàng đưa tay định hái đóa sen trắng, bỗng nàng mất đà hai tay chơi với, nàng hét lớn:

– Mẹ, mẹ ơi !

Tiếng của nàng chìm vào cõi thinh lặng vô biên.

Sen Tây Hồ càng nở rộ hơn dưới màn sương chiều.

Những cánh chim nối nhau bay về chốn xa xôi. Cuối chân trời từng đám mây xám xoắn vào nhau.

Mùa hạ vẫn đẹp đến đau đớn.

***

Mười năm như dòng sông không ngừng chảy, mười năm bao biến đổi, mười năm sen Tây Hồ hết tàn tạ lại xanh tươi. Mười năm chiều chiều bên mái hiên lợp tranh vàng một người đàn bà trung niên vò võ ngồi giữa muôn trùng quạnh vắng thông tâm từng hạt sen.

Đứa con gái duy nhất của người đàn bà ấy đã rũ tàn theo những cánh sen. Mười năm bà vẫn luôn nghe thấy tiếng nức nở văng vẳng trên mặt Tây Hồ mỗi khi trời đất sắp nói lời giã từ tiết hạ. Tiếng nức nở của một trái tim tan vỡ vì mối tình tuyệt vọng.

Chiều nay, Tây Hồ có hai người ghé thăm. Đó là hai người đàn ông. Họ nắm tay nhau đứng trên chiếc cầu gỗ, lặng lẽ nhìn xa xăm, rồi họ âm thầm thả những cánh sen khô xuống hồ.

Một người nói:

– Bạch Liên cuối cùng ta cũng trở về rồi. Sao muội không chờ ta chứ?

Một người ngậm ngùi nói:

– Cô nương Bạch Liên ta vĩnh viễn nợ cô một lời cảm tạ, nếu không có bàn tay cô chăm sóc có lẽ ta đã không còn cơ hội gặp lại Trương Long, và mối chân ái của bọn ta hẳn đã trở thành tro tàn khói tạ.

Hai người đàn ông quay mặt nhìn sâu vào mắt nhau. Im lặng. Im lặng.

Họ không cần nói điều gì cả. Mười năm ở bên nhau trong hoàn cảnh trốn chạy họ đã hiểu tấm chân tình họ dành cho nhau đậm sâu như thế nào, với họ giờ đây mọi lời nói đều trở nên thừa thãi.

Mặt trời sắp lặn nhỏ từng giọt vàng vọt xuống Tây Hồ, giữa muôn ngàn đóa sen tàn bỗng sáng rực lên một đóa Bạch Liên, gió chợt thổi, một làn hương nồng nàn phút chốc bao phủ không gian.

Người đàn bà trung niên chậm chậm đứng dậy bê rá hạt sen bước đi, miệng khe khẽ hát:

Kiếp người như một cuộc chơi
Niềm vui chưa vẹn đã rơi rụng sầu
Hỏi trời đâu lẽ nông sâu
Trăm năm sao chỉ một màu dở dang
Âm dương cách biệt đôi đàng
Bao nhiêu thương nhớ lỡ làng bấy nhiêu

Tiếng hát như những mũi dao xuyên qua màn chiều dần tắt, mênh mông những nỗi niềm ấm ức.

Trương Đình Phượng

(*) Hồ Tây trước đây còn có các tên gọi khác như Đầm Xác Cáo, Hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành thủ đô Hà Nội, nằm ở quận Tây Hồ. Hồ có diện tích hơn 500 ha với chu vi là khoảng 14,8 km [2]. Sách Tây Hồ chí ghi rằng, Hồ Tây có từ thời Hùng Vương, bấy giờ nơi đây là một bến nằm giáp sông Hồng thuộc động Lâm Ấp, nên được gọi là bến Lâm Ấp thuộc thôn Long Đỗ. Ở vào thời Hai Bà Trưng bến này ăn thông với sông Hồng, bao bọc quanh hồ là rừng cây gồm nhiều loại thực vật chính như tre ngà, bàng, lim, lau sậy, gỗ tầm… Cùng một số loài thú quý hiếm sinh tồn [3]. Ngoài ra, xung quanh bờ hồ còn có sự xuất hiện của các hang động vừa và nhỏ, bờ phía Tây có Già La Động (nay là Quán La thuộc phường Xuân La), bờ phía Đông có Nha Lâm Động (nay là phố Yên Ninh, Hòe Nhai), bờ phía Nam có Bình Sa Động (thời Lý đổi là Giáp Cơ Xá nay thuộc quận Hoàn Kiếm). Cư dân sinh sống ở đây rất thưa thớt, họ sống chủ yếu bằng nghề săn bắt thú rừng, tôm, cua, cá và trồng tỉa cây cối [trích WIKIPEDIA]

Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.