Nguyên Huệ
“Nếu nhờ tọa thiền mà ngươi trở thành Phật…”
Câu viết bỏ lửng trong bức tranh “Ếch” của Sengai Gibon đã từng làm tôi mỉm cười cho sự hóm hỉnh lặng lẽ rất “thiền” của ông.
Sengai Gibon (1750–1837), thiền sư lỗi lạc của Nhật Bản, là họa sĩ nổi tiếng với những bức họa đơn giản, mộc mạc đậm đà thiền vị, pha nét hài hước luôn mang một thông điệp. Trong kho tàng tranh của ông, có hai bức nổi tiếng được nói nhiều đến là bức “Universe” vẽ hình tròn, tam giác và vuông nối vào nhau, và bức “Ếch” với câu “Nếu nhờ tọa thiền mà ngươi trở thành Phật…. Bức “Ếch” được người xem liên tưởng đến câu đáp trả của ếch “Tôi chỉ là con ếch bé nhỏ, nhưng nếu quả thật vậy, tôi đã là Phật từ lâu”.
Ai đã từng thấy một người ngồi thiền và một con ếch ngồi đều phải thừa nhận hai hình ảnh không khác gì nhau. Ếch ngồi bất động, luôn tỉnh thức và khi thấy bất kỳ vật gì xuất hiện mà ăn được thì lập tức tóm ngay trong nháy mắt, có thể xem như nó có một trực giác vô cùng bén nhạy. Nhưng rồi ếch vẫn luôn là ếch. Câu viết lửng lơ của thiền sư Sengai vừa hài hước pha lẫn mỉa mai cùng lời nhắn nhủ, “thấy vậy nhưng không phải vậy”, vì ý nghĩa ẩn chứa đằng sau.
Không ít người vẫn nghĩ rằng “tọa thiền” hay “Zazen” được coi là một kỹ thuật để đạt đến trạng thái “không suy nghĩ”. Nhưng như vậy có nghĩa “tọa thiền” là một trạng thái nhất định của tâm trí có thể đạt được bằng thao tác, kỹ thuật hay phương pháp.
Tọa thiền là một trong những phương thức thực hành “thiền định”. Bắt đầu trước hết là tư thế về cơ thể, ngồi bất động như một “ngọn núi” với chân chéo nhau gọi là “kiết già” hay “bán già”. Sau đó mới điều khiển tâm trí bằng cách đếm hơi thở hay chú tâm đến một ý nghĩ hay cảm giác nhất định. Nói cách khác gồm có “kiết già” cộng với “thiền định”. Tư thế “ngồi” như vậy trở thành một phương tiện để tâm trí đạt đến kết quả tốt nhất trong thực hành “thiền” chứ bản thân nó không phải là mục tiêu cần đến. Trong thực hành thiền này dễ dàng đưa con người đi vào tâm thái nhị nguyên, thân ngồi làm vật chứa – tâm thiền định làm nội dung, cơ thể ngồi trong khi tâm trí làm việc khác. Con người đã quên đi điều nhấn mạnh của thiền là “bất nhị”, toàn bộ trong “một” và đoạn đường cuối cùng để đi đến giác ngộ đó là Tuệ. Đến đây có thể hiểu phần nào nội dung của bức tranh “Ếch”.
Có lẽ việc thực hành thiền định trong truyền thống Phật giáo là trọn vẹn và đầy đủ hơn cả với mục đích dẫn dắt con người ra khỏi vô minh và đau khổ để đạt đến tâm thái “ngộ”, một sự trực nhận chân lý không có sự phân biệt giữa “người – vật nhận thức” (nhân – vật bất nhị). Thiền định trong chiều hướng này là một hoạt động tâm trí trong bất kỳ trạng thái nào của cơ thể, đi, đứng, nằm, ngồi…trên con đường bao gồm Giới, Định, Tuệ. Nỗ lực mài dũa tư duy ý thức với tư tưởng giải thoát con người ra khỏi tham, sân, si, sẽ cho con người một trực giác bén nhạy dễ dàng tiếp cận với bến bờ giác ngộ mà trong đạo Phật gọi là Tuệ Giác.
Một cung thủ, giương cung, lắp tên, kéo cung, nhắm về hồng tâm và buông cung. Thời gian trôi, hơi thở ấy, thế đứng ấy, cây cung, mũi tên, hồng tâm và tâm trí của cung thủ không còn cách biệt, tâm – thân – vật là một và bách phát bách trúng, trực giác đã cho họ biết đâu là đường dẫn của tên đến hồng tâm. Đây là thiền trong nghệ thuật bắn cung. Cũng như thuyết Tương Đối của Einstein ra đời trước khi được kiểm chứng bằng thực nghiệm, và nhiều phát minh khác của con người đã đến từ trực giác trước khi chứng minh được bằng lý thuyết. Hay gần gũi hơn, tại sao thơ văn của Nhất Hạnh, Tuệ Sĩ hay ca từ của Trịnh Công Sơn thâm sâu thấm vào lòng người đã đến từ đâu, phải chăng từ trực giác? Một cách khác, tất cả đều xuất phát từ thiền định, nhưng vô tình không ai hay?
Nếu bây giờ tất cả những mục tiêu như: hồng tâm, thuyết tương đối, các phát minh, lời thơ, văn, nhạc… được thay thế bằng duy nhất chữ một “BI” thi điều gì sẽ đến? Ta đã tìm thấy Phật.
Trong sự hóm hỉnh của Sengai, ta thử hiểu ngược lại ý của ông trên bức tranh: “Để trở thành Phật, ngồi thiền, con người là ếch”.
Nguyên Huệ
Nguồn: Khung Cửa Hẹp