Lê Quang Thông
Bấy giờ vào khoảng một vài tháng trước khi vào năm học mới 1975-1976. Cả trường đang rộn ràng thi đua lập thành tích chào mừng năm học đầu tiên sau ngày giải phóng, như nội dung tấm băng giăng ngang cổng.
Lập thành tích bao gồm nhiều việc, tuỳ theo sáng kiến của từng lớp. Loanh quanh có những chuyện vệ sinh phòng ốc, trồng hoa trước phòng học, đi tràm trên núi Truồi về nấu dầu… Nói chung có một lớp làm là các lớp khác làm theo. Sáng kiến chết yểu, nhưng không sao, lại biến thành phong trào.
Không khí cuối năm học 74-75 hay đúng ra cuối năm không học, thay vì rộn ràng tổng kết, liên hoan chia tay nghỉ hè, lại rầm rập quang gánh, cuốc xẻng lao vào lao động.
Học trò cấp 3 dĩ nhiên là vui. Tuổi mới lớn, hồn nhiên vui tươi, gần gũi bạn bè hằng ngày, chắc chắn sống hấp dẫn hơn thui thủi ở nhà, đối diện với bao thực tế của đời sống buổi giao thời mà các em chưa chia được với cha mẹ phần gánh vác.
Chỉ có các thầy cô không dấu được vẻ lo âu. Mọi nơi đang ở trong một đợt biên chế mới. Nôm na là xét ai sẽ được tiếp tục dạy, ai sẽ bị cho nghỉ việc.
Hai chữ Lưu dung được dùng lần đầu. Nôm na là được giữ lại để dùng hay dung thứ…Nhiều suy diễn. Lối chiết tự này ngày càng phổ biến nhất là trong thời kỳ đầu, xuất hiện nhiều danh từ kỳ bí, từ đám thầy cô giáo từ bên kia vĩ tuyến 17 đem vào.
Những từ ghép, những từ nhập cảng từ Trung Quốc từ hồi Cải cách Ruộng đất…nói chung những từ mà người nói có thể chứng tỏ vị trí của mình, có lẽ vì vậy mà mau thông dụng.
Nhiều người muốn cho mau hoà đồng bằng cách đổi ra mang dép râu, đội nón cối nhưng coi bộ miễn cưỡng, không giống người mới mà càng xa rời bạn bè cũ vì cách đổi màu quá nhanh của mình.
Vong hồn thầy Trần văn Thông, Hiệu trưởng trường tư thục Mê linh nơi cầu Kho rèn. Thầy vẫn Veston cà vạt như ngày xưa. Mỗi lúc gặp, thầy nói đùa:
– Tụi nó nói tau diện như con đĩ
Dáng người thầy vẫn hào hoa, rất Tây, với những bộ costume màu mỡ gà, màu xanh da trời…nhẹ nhàng, rất thích hợp với thời tiết Huế và với tuổi thầy …
Mọi sinh hoạt diễn ra trong một không khí ngột ngạt. Mọi người cân nhắc từng lời nói. Làm sao, cho ai sao mình vậy. Không thiếu, không thừa. Thiếu thì sợ bị đánh giá tiêu cực. Thừa quá lại e rằng mình nịnh nọt, có vẻ hèn hạ, thiếu tư cách, anh em bạn bè cười chê.
Nói chung, mọi người không biết phải làm gì, cứ để cuốn theo chiều gió rồi tới đâu tính tới đó.
Hơn chục thầy, cô giáo chia nhau ở trong một vài phòng học, thư viện. Giường ngủ là hai cái bàn học sinh kê sát nhau. Cơm chiều, tối do chị Nhơn, làm việc trong trường từ trước 75, nấu.
Gạo xã cho. Các cô thầy đến trường lúc này, chưa nhận lương hay một trợ cấp nào. Cứ hết gạo là xã xuất ra vài bao cho trường, thức ăn thì phải đóng thêm mỗi người vài đồng. Chẳng cao lương mỹ vị gì. Canh rau, cá kho, dưa chuối, dưa vỏ sắn…nhưng ăn ngon miệng không biết vì sao.
Lúc này đã bắt đầu có cảm giác thèm ăn, dù mới thiếu mà chưa đói. Buổi sáng, nhiều thầy cô vẫn đi về chợ Lộc An ăn quà sáng. Áo quần vẫn tươm tất. Vẫn cười nói vui vẻ dù trong lòng lo âu, chờ đợi hồi hộp đợt lưu dung, sẽ tới trước ngày khai giảng năm học mới.
Đùng một cái, tin bác Đô nhận giấy nghỉ việc.
Thoạt đầu chị Nhơn biết, vì bác tìm chị tính toán chuyện ăn uống. Và chị Nhơn biết thì mọi người đều biết. Bác Đô cắt cơm sau tối hôm qua, và tính tiền ăn tháng này thiếu thừa, đâu vào đấy. Chưa hết, bác còn cho chị cái mền mỏng, vì bác không về đây nữa. Chúng tôi bàng hoàng. Vì sao lại bác Đô?.
Người này thì thầm với người kia. Không khí hoang mang bao trùm. Có người lo đến lượt mình. Có người biểu lộ phớt tỉnh, đến đâu hay đó. Có người phác họa tương lai gần, nếu như bác Đô mình sẽ làm gì kiếm sống. Ai cũng thắc mắc vì sao bác Đô lại bị cho nghỉ dạy nhưng chẳng biết hỏi ai. Đương sự đã lên Huế hồi sáng sớm.
Bác Đô khoảng trên 50, vẫn độc thân, là một người dạy kỳ cựu ở đây, nghe nói từ hồi trường Bán công Truồi bên mé Bắc cầu Truồi mới mở. Gọi là Bác, vì dù mới hơn 50 mà xem đã già lắm trước đám thầy cô giáo, phần đông mới ra trường một hai năm.
Bác là trung tâm đùa vui của đám thầy cô đó, hằng đêm tụ tập ngồi quanh cột cờ “tam cua rùa luộc”. Cụm từ này để chỉ việc nói chuyện phiếm, trên trời dưới đất, không biết ai bày ra, từ bao giờ, lần hồi trở nên thông dụng. Tối nào các thầy cô cũng ngồi quanh cột cờ, tam cua rùa luộc trước khi đi ngủ.
Những đề tài quanh bác được đa số góp ý tếu, để mà cười cho vui theo những câu trả lời lúng túng của bác.
Ví dụ bác sẽ chọn cái gì giữa một bên một gói tiền lớn, một bên là o Vân bán bún dưới chợ Lộc an. Hay giục bác đi ngủ khi ai cũng biết chắc nồi chè đậu xanh đã nấu do mấy cô, và sẽ múc ra cho mọi người thưởng thức với trăng rằm rất sáng đêm nay. Bác tìm cách chống chế. Và mỗi câu trả lời của bác, là một trận cười cho đám thầy cô trẻ.
Đại loại như thế. Bác Đô không làm mất lòng ai, được đồng nghiệp nể trọng. Xuất thân là một Cử nhân Pháp văn thập niên 1950, không lập gia đình, sống bằng nghề dạy giờ môn Pháp văn quanh các trường ở Huế. Bác hoà nhã với mọi người, ít bày tỏ nóng giận. Không biết vì sao bị cho nghỉ việc đột ngột, trước đợt xét lưu dung các thầy, cô giáo miền nam.
Bác Đô đi, nhưng nỗi lo âu lưu dung lại đến gần trực diện. Một thời gian dài mọi người sống không thoải mái lắm trong một không khí đe dọa đè nặng.
Rồi thêm một đợt các giáo viên chi viện từ miền Bắc vào. Không xác định, nhưng họ là những khuôn mẫu mới trong nhà trường, trong lối sống. Không chia phe, nhưng mặc nhiên trong trường có người thân thiện với những người mới, có người giữ khoảng cách, và bây giờ phải cẩn thận ngay với chính bạn bè, vì thời buổi không biết tin ai.
Trước ngày khai giảng năm học mới, có một đợt học chính trị tập trung ở trường Quốc học. Một buổi chiều, tình cờ gặp lại anh cán bộ phòng tổ chức Ty Giáo dục, mà thời gian trước khi về trường, tôi có làm ở Phòng Thông tin ở Ty, hay uống trà, hút thuốc lào với nhau. Anh mừng rỡ hỏi thăm và chuyện trò thân mật. Gặp lúc anh cao hứng nhận xét về đời sống giáo viên ở Huế, tôi cũng tình thiệt hỏi chuyện bác Đô. Anh kéo tôi ra một góc vắng và nói nhỏ:
– Chuyện ông Đô dài lắm và các anh trên Tỉnh có chỉ thị không được lưu dung. Ông Đô là kẻ phản quốc.
Tôi há hốc mồm, ngạc nhiên quá sức:
– Có chuyện đó sao? Tôi chưa hề nghe chính ông Đô hay anh em trong trường nói bao giờ.
Anh tiếp:
– Trong thời chiến tranh, ông Đô cùng hai chiến sĩ khác dẫn một sĩ quan tù binh Pháp từ mặt trận khu 5 ra Bắc. Giữa đường ông Đô chuốc rượu cho hai chiến sĩ đó say mèm, rồi cùng tên Pháp trốn về thành. Hai chiến sĩ đó khai báo với đơn vị như thế khi về trình diện đã làm sổng tù. Một đồng chí, hiện nằm trong Uỷ ban Tỉnh, xưa hoạt động trong vùng đơn vị đó đóng, biết rõ chuyện này.
Rồi đến giờ tập trung nghe giảng về “Ba dòng thác cách mạng”. Tôi ngồi nghe mà trong đầu không biết bao nhiêu suy nghĩ. Một câu chuyện từ 30 năm trước mà mức độ khả tín cần phải xét kỹ, sao dễ dàng đưa tới quyết định cho một đời người. Tin vào khai báo của hai người lính? Tin vào vị ở trong Tỉnh ủy? Đã có điều tra xét xử nào vụ sổng tù cách đây cả mấy chục năm chưa?
Ôi! không có computer, không kỹ thuật hiện đại, mà những bộ nhớ của con người siêu việt quá sức.
Từ đó tôi không gặp lại bác Đô lần nào nữa. Nghe nói bác tá túc trong một cái miếu nhỏ giữa chợ An cựu, sống nhờ hảo tâm của dân buôn bán ngoài chợ bữa đói, bữa no. Rồi bác mất trong một mùa đông một hai năm sau đó. Bác chết lạnh cóng trên nền miếu và người ta phát hiện vào một buổi sáng họp chợ.
Tôi nhớ bác Đô qua một bài viết của một người học trò cũ viết về các Thầy Cô, nhân ngày 20.11, mà người bạn đồng nghiệp gởi đọc, vì có vài đoạn rất dễ thương nhắc đến tôi.
Người học trò viết về suốt thời đi học Trung học. Từ lúc học trường Bán công, nằm bên bờ sông Truồi, bờ bên kia đóng một căn cứ Mỹ. Trò nhớ thầy Đô, buổi sáng khi vào lớp hay nói hai câu:
– Mỹ đi rồi Mỹ lại về. Trực thăng lên xuống bốn bề bụi bay.
Bất giác tôi hát vu vơ câu “buồn cho một kiếp người” trong bài “Buồn vương màu áo” của nhạc sĩ Ngọc Trọng. Trong hồi ức về bác Đô, gọi cho đúng là Buồn vương nhà giáo.
Lê Quang Thông
Frankfurt, Germany
Nguồn: Tác giả gửi