Rốp rẽng

Posted: 28/12/2020 in Ngọc Cân - trấy Tiểu Đợi, Truyện Ngắn

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Giờ bận rộn buổi sáng của cantin xong, chỉ còn vài lao động trại ngồi phì phèo. Tứ khoá ngăn kéo, bước ra ngoài hút thuốc, nhìn mông lung. Toàn trại không thấy bóng người. Trại không có cây lớn, mương chia từng khu, từng khu lán. Đằng xa kia, sân hai bên có hai con gà. Tư vừa trở lại quầy, tính mở ngăn kéo. Hai công an bảo vệ trại xộc vô, một người nói to với Tư:

– Tư, bàn giao tiền bạc. Đi làm việc.

– Cái gì dữ dzậy mấy anh! Giỡn phải hôn?

Nhìn sắc mặt cán bộ:

– Làm việc? gì nữa cán bộ!

– Phải có vụ việc mới làm việc. Rốp rẻng lên!

– Dữ hôn. Ba mươi giây.

Người nữ trại viên phục vụ phía trước cúi người lách vô đứng kế Tư. Từ trong bếp cantin thêm hai người con gái bước ra giúp đếm tiền, ghi sổ cộng trừ. Mấy tay lao động trại vội quay người, làm như không để ý, nghe “làm việc” là ớn ba sườn muốn bỏ đi, nhưng đi là lạnh cẳng lộ liễu. Hai cán bộ mắc nhìn lom lóm thân trên của mấy con nữ hình sự.

– Rồi, xong. Đầy đủ hết nhe mấy em.

– Lên văn phòng trại.

Tư tưng tưng trước, hai bảo vệ lững thững theo sau. Văn phòng trại không có bảng tên, một khu rộng nhiều nhà cho cán bộ ăn ngủ. Tất cả cán bộ đều từ Thành phố xuống. Vườn rau xanh trải rộng chung quanh. Họ đưa Tư, mà họ biết có người kêu “Tư cầu chữ Y”, vô một phòng biểu ngồi chờ đó.

Trại nằm kề kinh xáng. Trào Cộng hoà, xáng hút bùn cho sâu cho rộng, thổi hết lên để tấp nên giữa kinh và trại là bờ đất cao hơn ba thước, chưn đế ngang không biết bao lớn mà còn chừa thêm một khoảng đất bằng mới tới mép kinh, nội mặt trên rộng cũng đã ba thước, là con đê dài thòng từ ngoài sông cái chạy thẳng về miệt Tân An. Nhìn ra đê, mặt tiền trại cở năm trăm thước, bề sâu vô tới đồng cỏ năng cũng cở đó, nhưng tính tới vọng gác ngoài đồng thì cả cây số. Không có hàng rào.

Doanh trại, văn phòng trấn mé đông, cách một khoảng đất rộng là một nhà dài dọc bên trong bờ đê; căn đầu hồi phía văn phòng là cantin, căn kế là nữ hình sự, kế là kho bo bo, bột mì, mì lát khô (kho gạo nằm trong khu bộ chỉ huy); phần còn lại của nhà -vách ngang hông- là chỗ xếp củi và bếp tập thể nấu cho trại viên hình sự.

Cách một khoảng, cũng dọc đê là lán nam hình sự, nằm xéo trên đê là vọng gác, cao, nhìn hiền như chòi canh phòng cháy. Bẻ góc là lán nữ vượt biển, một đầu hồi hướng ra đồng. Lọt lòng giữa các nhà, lán đã thành chữ U này là nam vượt biển trong hai lán, đâu với lán nữ nhưng cách mương.

Tư nhìn quanh, biết là đang ngồi trong một phòng của nhà kho. Tư từng vác gạo nhập kho này, từng lên lãnh gạo lãnh đạo bồi dưỡng bếp tập thể. Tự kiểm điểm tiền sử hình sự thấy không còn gì để phải làm việc, tội tình gì cũng đã được quyết định khi họ đi càn đêm đó ở xóm rồi. Tư muốn đi tiểu nhưng không có cán bộ thì biết đếm số với ai.

Trưởng trại đặt trước mặt Tư tờ giấy và cây viết Bic:

– Tự khai đi.

– Dạ… chú Ba, em đâu biết khai gì.

– Mày giả ngộ ha Tư.

– Dạ đâu có!

– Tao muốn trại này như đại gia đình. Tao coi mày như con cháu. Có khai ra thì tao mới giúp đở mày được. Tao không để mấy cán bộ kia lấy cung, tụi nó thế nào cũng hợp tai mày…không chừng còn…

– Cái gì nghe ghê dzậy chú Ba, công chuyện tốt đẹp đâu vô đó hết mà chú. Chú coi lại sổ riêng đi.

– Mày mà tham ô thì trung sĩ xữ lý chớ cần gì tới tao.

Tư xanh mặt, linh tính không tốt.

– Mày có bầu phải không?

– Dạ cho em ra ngoài, nói mắc cỡ: mắc tiểu quá.

Cuộc đấu trí giữa đại uý trưởng trại từng nằm Côn đảo và Tư cầu chữ Y từng nằm Công an Thành phố Hồ chí Minh dài mấy tiếng. Tư bước về cantin cằm bạnh, mặt đỏ gay như đang vác bao gạo chỉ xanh trên lưng. Mấy nữ kia im thin thít, đứng dồn lại với nhau. Tư tới trước mặt một ông đang uống cà phê:

– ĐM! Trâu cột ghét trâu ăn. Châm cho xin điếu coi.

Ra ngồi bờ hè phì khói ngó mông lung, tất cả vắng lặng không việc gì xảy ra, hai con gà lúc thúc đằng kia; lao động ngoài vài tiếng mới về tới, lao động trong còn lòng vòng quanh bộ chỉ huy. Tư không biết rồi đây họ cho làm gì, làm gì mình.

Đội rau xanh cực nhứt là múc cứt ngoài cầu tiêu lộ thiên pha loãng tưới rau, còn đốt cỏ lấy tro để bón hay gánh nước tưới thì thường thôi. Lên được tổ trưởng còn có cơ hội “xoay sở” được cho đi phép mấy ngày về chợ Kim Biên xuất tiền túi mua phân hoá học, hột giống. Thu hoạch được gì nộp tất lên bếp cán bộ. Mánh ba cọng già, trái đèo về ăn, có thể êm.

Đội đào kinh, lên liếp, đắp nền là lao động nặng. Thiện nghệ mới thủ leng, xẻng xắn đất, còn toàn là hứng cả khối đất bùn ướt to cở cái dê-non, bưng vác lên đi đắp nền. Về tới trại từ đầu xuống chân là một khối bùn đi động. Không có nữ trong đội này.

Đội cuốc lật xả phèn loanh quanh trên những liếp lên từ trước chờ đất hoai, chơi toàn cuốc, rựa. Rựa chặt loại cây hợp phèn đã cao ngang đầu gối. Cứ đi hàng ngang thẳng lưng bổ xuống, gạc nhẹ nhấc lên bổ xuống tới mương kế. Mưa rửa hết phèn mới trồng trọt.

Đội trồng khóm, khoai mì; làm cỏ, thu hoạch; chịu gai góc nhưng là lao động nhẹ, thường toàn nữ. Đất trồng khóm chưa ra quá xa trại. Mỗi khi có trại viên mới nhập trai, xuất quân mấy lần đầu đi ngang, mấy cô bất kể hình sự hay vượt biển đều hô rần rần “EM MỚI ! EM MỚI!”.

Tối tối họp giao ban, cán bộ kiểm điểm chỉ tiêu, phê bình kết quả trong ngày, bố trí thay đổi nhân lực. Khi cần làm nhà, rút người các đội thành đội mộc. Nhà mới nằm vòng ngoài, nghe đâu có chục gia đình Việt kiều chạy nạn từ Campuchia. Nữ hình sự đâu hơn tá, bốn cô cắt thường trực phục vụ cantin.

Tư chắc chắn là không còn được làm cantin, tối mới biết ngày mai sẽ lao động đội nào. Có thể chỉ loanh quanh trong trại. Hai lý do: một là vì Tư đã xác nhận có bầu thì dù muốn phạt tội quan hệ bất chính, dâm ô cũng không bất nhân đì Tư ra lội sình vác đất, hai là vì Tư không chịu khai tên tác giả thì người ta sẽ muốn giữ trong tầm mắt theo dõi, canh để “phá án”. Ăn quen bén mùi thế nào chúng cũng mò tới nhau. Tư nhìn cái bộ ông trại trưởng, những câu ông xoáy nên nghĩ vậy. Ngoài đối tượng chính là mấy tay hình sự nấu bếp tập thể do điều kiến địa lý, giờ giấc (mỗi sáng, 4 giờ khi trời còn tối đen, mấy tay đó đếm số báo cáo xuất từ lán mình qua bếp nổi lửa, bếp chỉ cách đám nữ hình sự ngăn kho và củi), biết đâu nhằm một cái gai nào đó trong khung cán bộ.

Các đội về tới trại, nam đổ xuống kinh tắm rửa, nữ về chỗ tắm gần lán nữ vượt biển che chắn cho có. Trên bờ kinh cả trăm thước rải đầy cuốc, xẻng, leng, rựa; áo quần thì bận theo người xuống xả bùn, mồ hôi, phèn chua. Cũng một lần như vầy mà lệnh trại khẩn cấp từ trên mặt đê loan xuống “Tất cả, TẤT CẢ! Bơi hết qua bờ bên kia ém trong ruộng bắp dưới đê, RỐP RẺNG RỐP RẺNG, có LỆNH mới được về”. Tù mà có lệnh mới được quay về. Sau mới biết có phái đoàn Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tham quan, tới bằng mấy ca-nô. Mãi vui cười kịch bản tiếu lâm đang diễn, tù vượt biển cũng như tù hình sự quên sứ mạng cố hữu là vượt trại. Có thì giờ đào sâu mấy thầy còn đưa giả thuyết là trại đang nuôi “gà” để nhận tiền Cao ủy. Mình là “tị nạn Campuchia”.

– Tao nghe tụi lao động trại nói con Tư cầu chữ Y có bầu.

– Tin vịt. Cách ly như vầy, cấm liên hệ, đi đâu cũng đếm số. ĐM mày nhớ không “Mỗi ngày đi cầu tiêu MỘT lần, chủ Nhật nào có thăm nuôi được đi cầu HAI lần. Xuất ra khỏi lán, khỏi đội, khỏi lao động là phải đếm số báo cáo tổ đội, cán bộ”.

– Nhìn quanh đi, làm sao mần ăn đây? chỗ nào? lúc nào? Trong võ lâm không có công phu nào gọi là Cách không nhất dương chỉ.

– Biết đâu em có bầu mình ên.

– Mày nói thần thoại. Phải nói khoa học: mình nói không thể được là vì mình nghĩ theo không gian 3 chiều, mày có nghe nói chiều thứ tư bao giờ chưa. Biết đâu trong chiều thứ tư thì đi lại thoải mái, muốn lót ổ chỗ nào chẳng được.

– Dóc, chiều thứ tư là “thời gian” đó ông nội.

– Thì chiều thứ năm, thứ sáu…
……

– Nghe nói em nhứt định không khai. “Có làm có chịu, đẻ ra tui nuôi, Tư cầu chữ Y này rành luật giang hồ mà.”

– Nể thiệt. Ông thần nước mặn nào đó có phước. Nói tên ra chúng khệnh chết chắc. Trâu cột ghét trâu ăn. Đứa nhỏ chưa đẻ mồ côi cha oan không.

– Coi chừng nhe tụi bây, chúng giăng lưới mà mình lạng quạng là được hỏi thăm sức khỏe đó.

– …

– …

Thuở đời nay ở chốn “nước sông công tù” mà cứ hễ đụng chuyện lớn nhỏ gì cũng “rốp rẻng”. Cán bộ nó hô “rốp rẻng” thông cảm được, mình làm lẹ để nó nghỉ sớm. Đằng này tổ đội cũng bắt tổ viên làm nhanh, tổ viên với nhau cũng hô “rốp rẽng” mới kỳ. Mấy người chịu quan sát, đêm nằm gác tay mới ra được một lý giải: đầu tiên phải là cán bộ, có lợi mà, khi ngôn ra “…rẻng” – dấu hỏi- thì nghe như sấm sét, cụt, oai; kế là mấy tay hình sự, có hai lý do, đám tổ đội bắt chước cán bộ, đồng hoá với cung cách, cho cán bộ thấy mình sốt sắng hoàn thành nhiệm vụ được giao; hình sự quần chúng bị hối thì bực, sau mới ngộ ra là đằng nào cũng phải làm, hô “rốp rẻng” để hè nhau làm, xem ra dễ làm hơn, “rốp rẻng” lúc này nghe như thần chú đánh thức bắp thịt, tuy nở nang gồ ghề nhưng thiếu chất uể oải vì không thăm nuôi; còn đám vượt biên thì hô cho dzui, còn gì sung sướng cho bằng được thăm nuôi đầy đủ còn hơn cơm ăn ở nhà, lao động chân tay là thứ dân thành phố thường thiếu, coi như thể dục. Họ nói “… rẽng” ưỡn ra như dấu ngã, dục dã thì cũng có nhưng nghe cho wuỡn ra, vui đời lao động cưởng bách, ngon nữa thì đáp “ba mươi giây”, vừa chấp hành vừa hoá giải.

Cơm nước xong, tù vô nhà núp nắng. Ai ngủ thì ngủ, ai nhớ nhà thì ngồi nhìn qua cửa sổ. Bên lán kia có ai cũng bần thần nhìn qua thì đá lông nheo. Xa không thấy lông nheo, thì ra đấu tay, ra dấu miệng, cười nhe răng. Ai coi tổ đội, cán bộ như cục cức mới dám ca một, hai câu vọng cổ. Trưa nào hai dãy cửa sổ cũng chen đầy những khuôn mặt bần thần nhớ nhà.

Đợt chuyển trại từ Bến Sắn Tây Ninh về đây là một cuộc hành quân lớn. Trung uý chấp pháp, hai A công an, áp tải 3 C tù vượt biển đi xe tải chạy xuyên Thành phố về miền Tây, thêm chuyến mấy chiếc đò máy. Ở rừng chồi miền Đông đất liền đất; tù nuôi gà, chó thả rong; cuộc sống không ngăn cách, giống như kiểu “kinh tế mới” mà công an Thành phố muốn o ép trại viên đem vợ con lên định cư vĩnh viễn, trại viên nam nữ kết đôi trong túp lều tranh. Dưng không chuyển trại, cấm mang theo kim khí (dao, rựa, phảng, cuốc, xẻng) thì không biết đi đâu, tới nơi lấy gì mà làm. Dưng không bỏ kế hoạch xây dựng kinh tế vùng mật khu.

Ngoài mấy con mần thịt nhậu hết; có một gà trống và hai gà mái được mang theo. Không may một trong mấy chiếc đò máy bị dân miền Đông không rành, ùa xuống đạp một bên, lật. Con gà mái đang ấp trứng trong rổ, được ôm kín trong lòng, chết đuối.

Anh gà trống bên đội nữ, chị mái bên nam, cả hai đứa đều trổ mã, anh thì to cao, mồng đỏ mỏ vàng, lông lục tía, cái đuôi như cầu vồng, chị thì không cao lắm nhưng vừa thon vừa nở, lông lưng xếp đều như ngói, màu gạch pha nâu mượt, đùi chắc, lông tơ mịn, hươm hươm vàng như mỡ (gà).

Không ai quan sát được lúc con gà trống đứng mổ lên mổ xuống như kiếm ăn, nó đã gởi tín hiệu gì qua nền đất lán nam vượt biển. May ra có chủ nó, một trong những cái đầu lóng ngóng đầy mấy ô cửa nhỏ, mới hiểu nó. Hai lán nam nữ bắt đầu để ý khi nó làm như vô tình lùi sát vách lá.

Đột nhiên nó phóng thật nhanh theo trục thẳng góc với con mương biên giới. Tất cả hai lán “Ồ…” chưa dứt, nó đã tới mé mương, hết phi đạo, với gia tốc vô tiền khoáng hậu đó, thân nó tung lên không, hai cánh quật quật như trời làm giông bão, vận tốc đột nhiên chậm lại để đám nam nhìn qua cửa sổ thấy được hai mắt nó khép như sợ rớt xuống nước, cùng lúc hai cánh dang rộng, ngừng quạt, đáp xuống. Đã qua hết mương. Tuyệt kỹ! có tiếng vổ tay và tiếng thán phục.

Tất cả âm thanh chợt tắt ngúm. Chàng lấy lại vận tốc chạy thẳng tới. Con mái như chờ sẵn, chàng túm gáy nàng, thượng đài, đạp rung rung.

Âm thanh oà vỡ khắp thế giới, từ cantin qua hình sự đến tất cả vượt biển, nhớ nhà hay không.

Con mái đứng dậy vươn cổ, mổ đất kiếm ăn. Trống phóng ngược về, phi đạo không đủ dài, cũng tung cũng quật nhưng thần tượng đã sa cánh, dập thân vô bờ, trên mực nước hơn gang tay, ngả ngang xuống mương.

Thế gian sững sờ. Cánh đập, chân bươn, mõ kêu ác ác, leo được lên bờ. Chủ nó chạy vòng cửa trước ra tới đầu hồi thấy nó đã đứng rủ cánh, cô ấy chạy như nó đã phóng, ôm nó lên đi ngược vô lán.

Thêm một tràng pháo tay tứ phía. Tay nào đó thọc tay vô miệng tuýt tuýt, đám con gái thấy gà mình đại công cáo thành, rút quân an toàn, rống như lên đồng. Khoa học gia nào đó la “chiều thứ tư đó mấy ông”.

Có tiếng Tư cầu chữ Y vọng từ phía cantin “RỐP RẼNG RỐP RẼNG, Ừa, dzậy đó!”.

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi
Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.