Posts Tagged ‘Phan Khôi’

Phan An Sa
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Phan Khôi (6/10/1887 – 6/10/2017)


Phan Khôi (1887-1959)

Năm 1918, ra Hà Nội viết cho Nam Phong tạp chí, nửa chừng, Phan Khôi xin thôi việc, về nhà. Năm 1919 anh vào Sài Gòn, trước viết cho tờ Quốc dân diễn đàn của ông Chủ nhiệm Nguyễn Phú Khai, về sau viết cho tờ Lục tỉnh tân văn, chưa được bao lâu thì bị giải chức. Thấy con tay trắng trở về, cụ Phan Trân cha anh rất phiền lòng. Cụ đã khuyên anh không biết bao nhiều lần, rằng anh là con độc đinh, như hũ mắm treo đầu giàn, lại đã có vợ có con, ở nhà lo chí thú làm ăn, thờ phượng ông bà tổ tiên, mới là phải đạo. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, loáng một cái là hết, nào có lâu la gì. Thấy cha phiền trách, Phan Khôi nghĩ về bản thân mà ân hận: té ra anh chẳng những là thằng người không biết chiều theo đời, mà còn là đứa con không biết chiều bụng cha!
(more…)

Phan An Sa
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Phan Khôi (6/10/1887 – 6/10/2017)


Phan Khôi (1887-1959)

Chương Dân Phan Khôi với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là những người cùng thời, cùng từ cửa Khổng sân Trình bước ra, cùng phá cái nghiệp chữ Hán để theo nghề viết văn Quốc ngữ và cùng nổi tiếng lúc sinh thời với một người là nhà báo, một người là thi sĩ. Hai ông là bạn thiết, nhưng lại có số phận rất khác nhau.

Tản Đà quê Sơn Tây, sinh năm 1888, mất năm 1939 lúc mới năm mươi hai tuổi, dưới thời người Pháp còn cai trị. Sự nổi tiếng của ông lúc sinh thời, vì thế, cứ còn đó và treo trên đầu văn giới, người đời sau mỗi lần nhắc đến ông đều phải ngước lên chiêm ngắm.

Phan Khôi quê xứ Quảng, sinh năm 1887, hơn Tản Đà một tuổi, sống đến tận thời Dân chủ Cộng hòa sau khi người Pháp đã bị đuổi đi, rồi mới qua đời năm 1959, thọ bảy mươi ba tuổi. Đó cũng là lúc ông từ một nhân sĩ yêu nước bỗng chốc trở thành kẻ tội đồ, theo đó, sự nổi tiếng lúc sinh thời của ông bị vùi xuống bùn đen, nhiều chục năm sau người đời cố tình quên ông đi. Nhưng rồi đến lúc người đời lại phải nhắc đến ông, đưa ông trở lại cuộc sống bằng cách tái công bố hơn 2500 bài báo của ông trong quá khứ, chứa đầy 8000 trang sách. Sự nổi tiếng lúc sinh thời của ông, vì thế, xem ra còn được ngưỡng vọng hơn trước, mặc dù ông đã về chầu Trời hàng nửa thế kỷ nay.

Có cái số mệnh khác nhau đó là bởi giữa họ đã tồn tại hai cái tính cách khác nhau.
(more…)

Phan An Sa
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Phan Khôi (6/10/1887 – 6/10/2017)


Phan Khôi (1887-1959)

Gần sáu mươi năm nay, lớp độc giả có tuổi vẫn chưa quên chuyện hồi cuối những năm năm mươi thế kỷ trước, một số nhà nghiên cứu – hòa vào bản trường ca chống Nhân văn – Giai phẩm – đã phê phán dịch giả Phan Khôi, đại ý: ở giữa thời Dân chủ Cộng hòa, mà khi gặp một chữ Pháp có nghĩa là khoai tây, ông lại không dịch là khoai tây, mà dịch ra một cái tên nghe rất trái tai và khó chấp nhận, là khoai nhạc ngựa. Và vì ngay sau đó ông trở thành nhân vật phản diện chủ chốt trong câu chuyện Nhân văn – Giai phẩm, nên nhiều người còn ra ý phê phán nặng hơn, cho rằng: thái độ chính trị của ông đối với chính thể đương thời là thiếu nghiêm túc!

Về các khiếm khuyết trong dịch thuật có liên quan đến một dịch giả uy tín như Phan Khôi, về sau này độc giả chỉ được đọc như thế và chỉ biết như thế, không ai cất công tìm hiểu để biết tại làm sao sự thể lại ra nông nỗi ấy? Vậy là mặc nhiên chuyện đó trở thành một cái án ông phải đeo, mà rủi thay, ông thì đã trở thành người thiên cổ ngay sau đó ít lâu, nên cái án đó ông vẫn phải đeo cho tới tận bây giờ!
(more…)

Phan An Sa
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Phan Khôi (6/10/1887 – 6/10/2017)
85 năm bài thơ Tình già (1932 – 2017)


Nhà thơ Phan Khôi (1887-1959)

Tám năm trước đây – vào năm 2009 – nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân phát hiện: bài báo Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ của Phan Khôi – trong bài có đăng kèm bài thơ Tình già – lần đầu tiên được đăng trên Tập văn mùa xuân của báo Đông Tây số Tết Nhâm Thân 1932, ở Hà Nội. Cũng bài báo này và bài thơ này, nhưng bản đăng ở báo Phụ nữ tân văn số 122 ngày 10/3/1932 trong Sài Gòn, muộn hơn khoảng một tháng, lại bị Sở kiểm duyệt yêu cầu đục bỏ mất trên một trăm từ, cụ thể là bỏ hết những đoạn nào, từ nào nhắc đến bài Dân quạ đình công của Phan Khôi gắn với phong trào xin xâu, kháng thuế ở Trung Kỳ đầu năm Mậu Thân 1908 – một phong trào tự phát, bất bạo động nổi lên tại Quảng Nam, rồi như sóng trào, nhanh chóng lan ra khắp mười hai tỉnh miền Trung, bị thực dân Pháp và Nam triều đàn áp dã man – theo đó, các chiến sĩ Duy tân, gồm cả tác giả bài thơ, bị bắt, bị tù đày.
(more…)

Phan An Sa
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Phan Khôi (6/10/1887 – 6/10/2017)


Phan Khôi (1887-1959)

Tôi dõi theo…

Một buổi chiều cuối năm 2003, đang làm việc tại cơ quan thì tôi nhận được điện thoại của Lại Nguyên Ân, anh hẹn sẽ sang gặp tôi. Đây là lần đầu tiên chúng tôi biết nhau, ngồi với nhau trao đổi các việc chung quanh tập sách Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo 1928 do anh sưu tầm và biên soạn, vừa ấn hành hồi tháng sáu. Tôi bất ngờ và không giấu nổi xúc động, vì từ ngày cha tôi qua đời, gần năm mươi năm qua, tôi chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có ngày các tác phẩm đăng báo từ thời Pháp thuộc của ông lại được tái công bố. Tôi biết đâu là hơn mười năm nay Lại Nguyên Ân đã lặng lẽ làm việc đó và giờ đây tôi được cầm trên tay tập sách đầu tiên của bộ sách anh dự định làm cho đến khi nào hết mới thôi. Kết thúc buổi gặp, anh tặng tôi một bản sách còn thơm mùi mực in và đưa tận tay tôi một cái phong bì mỏng, nói là tiền nhuận bút nhà xuất bản gửi trả cho gia đình. Tôi nhận và nói lời cảm ơn, còn dặn thêm anh, rằng các tác phẩm của cha tôi đã đăng báo từ bảy mươi, tám mươi năm trước, theo luật thì chúng đã thành của chung, nên từ lần sau anh nói nhà xuất bản không phải trả nhuận bút nữa. Bữa đó về nhà tôi kể lại cho mẹ tôi nghe, chuyển tận tay bà cái phong bì đựng tiền nhuận bút của ông, bà đặt lên bàn thờ, thắp nén hương kính cáo với ông. Hôm sau, bà mở phong bì, đếm tiền, tôi nhớ đâu như là một triệu sáu, tôi dặn mẹ tôi giữ lấy khoản tiền ấy vì nó là của ông để lại cho bà.
(more…)

Phan Nam Sinh

phan_khoi
Nhà báo, nhà văn Phan Khôi (1887-1959)

Cha tôi là nhà báo – nhà văn Phan Khôi. Ông sinh ngày 6-10-1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) và mất tại Hà Nội ngày 16-1-1959, thọ 72 tuổi.

Hồi đó, phương tiện liên lạc chưa hiện đại như bây giờ nên mãi gần một ngày sau tôi mới nhận được tin. Tôi lẽo đẽo cuốc bộ từ Trường Học sinh miền Nam số 24 ở Hải Phòng, nơi tôi đang theo học, tới Trường Học sinh miền Nam số 6 cách đó hơn một cây số để báo tin cho em gái. Hai anh em tôi leo lên một chiếc xe con màu đen, chẳng biết hiệu gì, chỉ nhớ nó thấp lè tè, nhô ra. Ngồi trên xe, em tôi nghĩ gì không biết, chỉ nghe tiếng thút thít, thỉnh thoảng lại nấc lên. Còn tôi có lẽ vì là con trai và nhiều tuổi hơn, vả lại điều mất mát vừa xảy ra cho gia đình tôi tuy quá lớn nhưng không hẳn là bất ngờ nên tôi chỉ âm thầm chịu đựng và chua xót. Chua xót cho thân phận một con người, cho cuộc đời đầy sóng gió của cha tôi.
(more…)

Phan Đắc Lữ
Mấy ý kiến phát biểu nhân cuộc tọa đàm về quyển sách Nắng Được Thì Cứ Nắng của Phan An Sa ngày18 tháng 8 năm 2013.

bia_nang_duoc_thi_cu_nang

Kính thưa quý bà con tộc Phan làng Bảo An.

Kính thưa quý khách.

Trong buổi tọa đàm về quyển sách Nắng Được Thì Cứ Nắng của anh Phan An Sa hôm nay, ( 18-8-2013) tôi sẽ không bàn về tài năng, đạo đức và nhân cách của cụ Phan Khôi trong lĩnh vực báo chí và văn chương. Việc ầy để nhường cho những nhà học thuật, những nhà phê bình văn học nghệ thuật uyên bác. Ở đây tôi chỉ xin nêu ra một số hành động đàn áp và đối xử của chính quyền CS đối với những người tham gia vào phong trào NhânVăn – Giai Phẩm nói chung và với cụ Phan Khôi nói riêng.
(more…)

Nguyễn Khôi
Tặng Ts. Nguyễn Văn Hoa


Thi sĩ Phan Khôi (1887-1959)

Thi thoại là “Sách bình luận thi văn hoặc chép chuyện Thi nhân”. Đó là một dạng Phê bình thơ, xuất hiện từ đời Tống: Âu Dương Tu (1007-1072) có “Lục nhất thi thoại” cùng nổi tiếng với “Thạch Lâm thi thoại” của Diệp Mộng Đắc. Sau này sáng giá nhất là “Tùy Viên thi thoại” của Viên Mai (1716-1797).
(more…)

Thụy Khuê

Tuy không chính thức có vụ án Nam Phong, nhưng sau khi Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác bị xử tử năm 1945, tại miền Bắc, Nam Phong được coi là tờ báo của thực dân do “trùm mật thám” Louis Marty điều khiển với hai “tay sai đắc lực” Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác.
(more…)

Thụy Khuê


Phan Khôi (1887-1959)

Ảnh hưởng Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh.

Người đầu tiên Phan Khôi chịu ảnh hưởng trong nghề báo là Nguyễn Văn Vĩnh. Bởi lối viết vừa đàm vừa luận của Nguyễn Văn Vĩnh trên Đăng Cổ Tùng Báo (1908) sau này sống lại trong lối hài đàm của Phan Khôi. Hai nhân vật mà Phan Khôi đặc biệt kính trọng trong địa hạt văn học và thương mại là Nguyễn Văn Vĩnh và Bạch Thái Bưởi.
(more…)

Thụy Khuê


Phan Khôi (1887-1959)

Ngày nay một phần tác phẩm Phan Khôi đã được in lại, nhưng cuộc đời thực của ông vẫn chưa được soi tỏ. Hệ thống xuyên tạc và bôi nhọ Phan Khôi trong hơn nửa thế kỷ đã tạo cho quần chúng sự e ngại khi nhắc đến tên ông, nỗi hoài nghi về con đường tranh đấu của ông.

Chúng tôi cố gắng tìm lại cuộc đời đích thực của Phan Khôi, ưu tiên qua những điều do chính ông viết ra, lượm lặt trong các truyện ký, truyện ngắn như: Lịch sử tóc ngắn, Chuyện bà cố tôi, Bạch Thái công ty thơ ký viên, Đi học đi thi, Ông Bình Vôi, Ông Năm Chuột và bài trả lời phỏng vấn, do bà Phan Thị Nga (vợ Hoài Thanh) viết lại, năm 1936. Những tài liệu của gia đình như Phan Khôi niên biểu của Phan Cừ, Phan An (Chương Dân thi thoại, Đà Nẵng, 1996) và Nhớ cha tôi (Đà Nẵng, 2001) của Phan Thị Mỹ Khanh, về niên biểu, cũng phỏng chừng, nhiều sự kiện trước sau lẫn lộn, có chỗ viết sai. Những bài đánh Phan Khôi của Nguyễn Công Hoan, Đào Vũ… dù rất nhơ bẩn, nhưng có vài chi tiết dùng được, bởi những người này đã có dịp gần Phan Khôi trong 9 năm kháng chiến, nghe ông kể nhiều chuyện rồi xuyên tạc đi, để buộc ông tội phản quốc.
(more…)

Thụy Khuê


Phan Khôi (1887-1959)

Sau Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Khôi tiếp tục xây dựng những nền móng mới cho Việt học, bằng phương pháp độc đáo: phân tích, phê bình và phản biện, mà những người trước và sau ông cho tới nay chưa mấy ai đạt được: Phải viết lịch sử cho đúng, kể cả các chi tiết nhỏ. Phải viết tiếng Việt cho đúng từng câu, từng chữ, từng chữ cái, từng chấm, phẩy. Phải dùng từ Việt và từ Hán Việt cho thích hợp. Phải hiểu Khổng học cho đúng. Sự tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ và triết học Tây phương đi từ Thánh Kinh. Nữ quyền bắt đầu với Võ Tắc Thiên. Phan Khôi luôn luôn tìm đến nguồn cội để giải thích vấn đề. Là một nhà báo, nhưng không phải nhà báo bình thường. Là một học giả, nhưng không phải học giả cổ điển chỉ biết nghiên cứu. Phan Khôi là khuôn mặt học giả phản biện duy nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX.
(more…)

Thụy Khuê


Phan Châu Trinh (1872-1926)

Năm 1922 là năm bản lề, đánh dấu ngõ quặt của nhóm Ngũ Long: Bắt đầu về nước tranh đấu. Người đầu tiên là Nguyễn An Ninh.

Về bối cảnh chung, 1922 có một số sự kiện xẩy ra:

Hội chợ đấu xảo Marseille mở cửa ngày 16/4/1922.

Đầu năm1922, Phan Châu Trinh xuống Marseille để làm việc tại hội chợ.

Pháp cử 7 phái viên Bắc Kỳ đi dự đấu xảo. Đại diện quan trường: Tuần phủ Cao Bằng Vi Văn Định và ông huyện Phong Doanh Trần Lưu Vị; đại diện Tư vấn nghị viện: Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn; đại diện thương mại: Hoàng Kim Bảng; đại diện canh nông: Nguyễn Hữu Tiệp, và dại diện Khai Trí Tiến Đức: Phạm Quỳnh. (Phạm Quỳnh, Hành trình nhật ký, Ý Việt, Paris, 1997, trang 208).

Tháng 2/1922, Phan Châu Trinh gửi thư ngỏ cho Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 5/ 1922, Phan Châu Trinh gặp gỡ các nhà trí thức sang Pháp dự hội chợ.

Tháng 6/1922, Vua Khải Định tới Pháp. Một phong trào bài kích nhà vua nổi lên với Thất điều thư của Phan Châu Trinh (kể bảy tội của vua Khải Định) với các bài báo và vở kịch Dragon de bambou (Rồng Tre) ký tên Nguyễn Ái Quốc. Nhóm Ngũ Long đả kích vua Khải Định là lẽ tất nhiên, tuy lời lẽ có hơi quá đáng vì sự thực thì nhà vua cũng không còn quyền hành gì cả. Nhưng có hai sự kiện đáng chú ý hơn là việc:

1- Phan Châu Trinh viết bức thư ngỏ gửi Nguyễn Ái Quốc đề ngày 18/2/1922.

2- Phan Châu Trinh gặp gỡ Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh.
(more…)