Võ Đình và nét màu sắc không

Posted: 31/05/2012 in Không Hư - Hoàng Quốc Bảo, Tùy Bút / Tản Văn / Ký Sự
Thẻ:

Không Hư – Hoàng Quốc Bảo


Lửa Tuệ Võ Đình (1933-2009) – hình LaiHồng

Tôi ngồi lặng giữa đêm, không biết là bao lâu nữa, sau khi đọc tin trên internet, một người bạn tài hoa đã qua đời. Võ Đình. Không còn nữa. Anh ra đi chiều 31 tháng 5, 2009 tại nhà riêng ở Florida. Gió im sững, không gian đặc sánh lại. Hai chân bắt tréo trên toạ cụ, bồ đoàn, tôi cố điềm tĩnh, giữ cho thân xác được vững chãi và duy trì cho hơi thở khỏi hụt hẫng. Đời sống, Vô thường. Vẫn biết, mà sao nghe như có tiếng sóng ở trong lòng.

Tôi quen Võ Đình từ ngày thực hiện bộ băng nhạc và sách Tịnh Tâm Khúc, 1984. Xin anh vẽ cho những bức tranh Thuỷ Mặc. Sau đó chỉ gặp anh đôi lần mà sao lòng thầm quý kính. Làng Hồng bên Pháp đã hụt nhau. Anh sang năm trưóc – 1984; năm sau tôi mới sang -1985. Nghe tăng thân trong làng thuật lại, chú Võ Đình sang đây là đi sục xạo, hỏi thăm tìm chú, ai là Hoàng Quốc Bảo? ai là Hoàng Quốc Bảo? , khiến tôi nghe mà cảm động. Cái tình văn nghệ vốn thế, khi không mà đã quý nhau. Kiểu Đinh Hùng và Phạm Đình Chương, Chưa gặp em tôi đã nghĩ rằng, có nàng thiếu nữ đẹp như trăng…

So với anh, tôi là kẻ hậu sinh, vẫn thường muộn màng, trong bất kỳ trận cuộc thế nhân nào. Đâu đến cuối năm 1985 anh lần dò giang hồ sang Cali thăm bạn hữu. Và chúng tôi được dịp tương phùng, ngồi với nhau, tại gian nhà trọ của anh em Văn Học. Đêm xuống, có chủ nhân Nguyễn Mộng Giác; có Phạm Quốc Bảo; Hoàng Khởi Phong; anh chàng Thi sĩ lêu khêu Nguyễn Tất Nhiên; có Thăng Long Văn sĩ Vũ Huy Quang; Định Nguyên; Bùi Vĩnh Phúc; lão ngoan đồng Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, chủ nhân nhà xuất bản Văn Nghệ… và những ai nữa không nhớ hết… Lan man hết chuyện văn nghệ, sang chuyện quê hương xa cách nghìn trùng.

Đêm ấy, tháng 10 gì đó, mưa thánh thót ngoài trời, tôi đứng dậy vào bếp Nguyễn Mộng Giác, làm tửu nô, hâm vò rượu Mai Quế Lộ, rót ra từng chung nhỏ, mời thân hữu. Về sau này mỗi lần nói với nhau qua điện thoại, anh thường cả tiếng cười thân mật: Hà hà.. ông muốn phạt tôi bao nhiêu chung rượu? Nửa chừng cuộc rượu, anh đứng dậy vào phòng lão ngoan đồng Từ Mẫn lấy mấy tờ giấy trắng, cây bút chì rồi ra lặng im ngồi hý hoáy. Một phút đưa cho tôi, một phút nữa đưa cho Nguyễn Tất Nhiên. Chỉ 2 bức rồi cất bút. Bức tốc họa ấy tôi còn giữ và yêu quý vô cùng, tiếc không cho vào tuyển tập Tịnh Tâm Khúc được, vì đã phát hành năm trước rồi.

Cuối tháng anh về lại miền đông. Thạch Lũng (Stonevale) đã ngập tuyết. Trong thư gửi sang cho các bạn, anh kể giữa nỗi nhớ nhung gọi dậy giang hồ, đã lội tuyết ngập đến đầu gối từ nhà ra xưởng vẽ sau trang trại, phết những nét thuỷ mặc lên cuộn giấy dài, làm thơ, viết tràn tâm tình vào đấy rồi cuốn lại gửi sang cho chúng tôi. Qua những nét ấn tượng, Thạch Lũng một màu tuyết xoá, cái thân người nhỏ nhoi đạp tuyết mà đi, chỉ như một chấm đen di động. Và bỗng ngang đầu, vụt cánh chim qua. Ngay giữa cái âm thanh vỗ cánh ấy, là bức hoạ này. Mong níu kéo điều gì? thời gian chăng? Chẳng phải. Chỉ cốt hiển lộ cái thực tại đấy thôi.

Nhận được, chúng tôi hẹn nhau, mỗi người viết đôi dòng, thơ thẩn, rồi đăng cả lên Báo mùa xuân đó, và gửi sang làm món quà ấm áp cho anh.

Tôi chỉ làm bài thơ nhỏ góp mặt cùng thân hữu, cho Võ Đình. Tuần sau, anh gửi riêng cho tôi bức họa Thuỷ mặc đắc ý, vì biết tôi yêu tranh thủy mặc, cuộn tròn trong 1 hộp ống dài. Bức tranh màu acrylic, khổ 24X18 trên giấy, minh hoạ mấy câu thơ nhỏ nhoi kia của tôi. Bức họa được tôi phất lên khung gấm, kiểu tranh cuộn Trung Hoa, thả treo lên bức tường ngay giữa tiền sảnh từ đó đến nay.

Thế mà 24 năm rồi. Bao nhiêu là biến đổi. Người đi kẻ ở ngậm ngùi.

Bài thơ vỏn vẹn 6 câu, tranh minh hoạ bằng 3 câu cuối:

Người về Thạch Lũng nhớ nhau
Tuyết sương vô ngại, nét màu Sắc Không
Quê hương thăm thẳm đôi lòng

Đông-Tây ngăn nổi vết Hồng chim bay?
Nhiệm màu là tuyết sương rơi…
Cánh hoa Mai nở, vấn người tịnh tâm…
(Và ghi chú: Hoàng Quốc Bảo.)

Trong tranh, những cánh mai rất nhạt, không nở trên cành theo ý thơ, mà anh cố tình vẽ rơi trên nền tuyết trắng. Mai cũng là tên trên giấy tờ căn cước anh, hình ảnh nhắc đến ý tứ trong bài thơ Đình tiền tạc dạ của Thiền sư Mãn Giác đời Lý, biểu trưng cho thực tại mà mỗi đạo gia, thiền sư đều gắng gìn giữ: Mùa xuân miên viễn. Chắc chắn anh phải biết rất rõ điều đó. Nhưng tại sao Võ Đình lại cố tình vẽ kiểu hoa tàn rơi.. lên tuyết như thế, tôi không có chỗ hội. Bản tính khiêm cung của Võ Đình chăng? càng chẳng khế hợp với nghệ thuật. Cho đến giờ vẫn là 1 nghi vấn nằm hoài trong lòng tôi.

Anh lại chuyên khắc mộc bản, đa số nghệ phẩm tôi được xem, phần lớn là những hình tượng chim Hộc chim Hồng, hay cánh Bằng lướt gió. Như những biểu tượng trên trống đồng VN. Cánh chim trong bức họa Nét Màu Sắc Không, dường như đang soải cánh ngược bão giông, quay về tây, như những tâm hồn tha hương chúng ta, đứng từ bờ biển nào của nước Mỹ, cũng ngoái đầu như vậy. Phải hiểu: Về Phương Đông… Sau này lại trùng hợp ngẫu nhiên với tên Lai Hồng, người bạn cuối đời của Võ Đình.

Lai Hồng, cái tên như một định mệnh? Nét khởi đầu trong sự nghiệp hội họa? Cái hạ bút lông trên nền khung trắng, khai một tịch luân trong cuộc đời, đủ đậm, từ thuở chàng mới mười lăm, nàng chỉ mười ba trăng non vừa biết thẹn. Thế mà thoắt chia lìa. Hai năm sau, trăng tròn ai xẻ làm đôi. Hai năm sau Võ Đình ôm nửa mảnh trăng dấn thân vào bão tuyết trời Tây lúc 17, 18 tuổi, từ đó vẽ hoài một vòng Không tịch, nhạt nhoà, chẳng bao giờ tròn trịa. Hơn 60 năm phù vân lãng đãng, sương mù sóng dục trùng khơi, Không luân kia hoá thân thành cánh chim Hồng lúc nào, mỏi mòn hoài ngoảnh cổ về cố hương, nơi khởi đầu lấp lánh nửa mảnh trăng mười sáu. Vì thế dường như ta chưa thấy bức họa nào Võ Đình vẽ đủ đôi chim Hồng. Giả có, cũng chỉ là huyễn mộng.

Cho đến thời nhĩ thuận, trăng vơi mới đầy. Trời trong, gió lặng. Cái thời mộng hiện thành thực. Lai Hồng. Nguyệt hoá thành thơ. Chim tha rơm về tổ ấm. Như bức họa vẽ ngay trên ô cửa kính, căn nhà ở West Palm Beach, Florida.

(Ghi chú: Bài này khi viết xong, chị Lai Hồng mới kể thêm chi tiết: “Hồi Anh Võ Đình để ý tui, lúc đó Anh mới 15 và tui 13. Về sau Anh qua Pháp năm 17 tuồi mới có chuyện muốn Thầy Mẹ đến hỏi cưới tui gửi qua Pháp, nhưng gia đình tui có đại tang Bà Nội mất ngay trong nhà, và sau đó Ba tui đổi vào Phan Thiết rồi Nha Trang … và chuyện lãng vào dĩ vãng …”)


“bức hoạ Chim Về Tổ, vẽ trên kính cửa chính vào gian nhà nhỏ có khu vườn lớn đầy hoa trái Việt Nam, tại Florida, nơi anh đã an nhiên thanh thản thở hơi cuối cùng.”

Và Cái thời hạnh phúc tòng tâm bất du củ đến, định mệnh khép lại, vòng Không luân thật tròn đầy, lại ngắn ngủi quá. Chim bay về núi túi rùi…và con Tạo vẫn vô tình là thế.

Đến với đi, nhiên như Bát Nhã:

Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, nhất thiết bất dị Không.

Hay, Không tức thị Sắc, Thọ Tưởng, Hành, Thức.

(nguyên văn: Sắc bất dị Không, Không bất dị sắc. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thọ Tưởng Hành Thức diệc phục như thị)

Hoặc gọn trong Chứng Đạo Ca của ngài Huyền Giác, cuộc đời như mây nổi… chim thiêng kia từ Không mà đi, từ Không mà về:

Ngũ uẩn phù vân Không khứ lai…

Đến với đi, chỉ làm đầy 1 vòng tịch nguyệt. Hơn mười năm cũng đã đủ. Chắp đủ một vừng trăng. Mãn nguyệt. Và người Hoạ sĩ thành tựu chiếc vòng Không kia trong họa phẩm đời mình, đã mãn nguyện.

Cánh chim giang hồ Võ Đình mang theo hoài suốt một đời, ẩn hiện trong hoạ phẩm, nay đậu lại. Cùng chim về. Lai Hồng.

Cái giây phút cuối cùng ấy của anh, nếu nghe kỹ, như lời nhắn nhủ rất ngắn gọn, êm ả mà sấm sét dậy cả kiếp người:

Hồng ơi…Hồng ơi… Hồng ơi….

Ba tiếng nhủ: Quá khứ đã nhạt nhoà, tương lai thì chưa đến, chỉ là huyễn mộng và Hiện tại mỏng manh này, bất khả đắc, xin đừng nắm bắt nữa… nghe như:

Buông thôi, buông thôi, buông thôi…

Cánh Hồng trở lại, đã hoàn tất nhiệm vụ của nó, tha rơm làm tổ…và định mệnh ơi hãy thanh thản… Chim bay về núi túi rùi…

Chim thiêng dừng cánh đỗ…
Phù vân ơi mây cứ bay…

Võ Đình cũng từng đã bị dằng co trong tri thức, giữa tình tự quê cũ và văn hoá mới Âu Mỹ.

Có lần đọc đâu đó, bài anh viết về Hội Họa, tâm tình với những học trò, hoạ sĩ các thế hệ sau nói riêng, những nghệ sỹ sáng tạo tha hương chúng ta nói chung, vẫn thường hay ray rứt và bị quay quắt như thế; làm thế nào để vẽ, sáng tạo một nghệ phẩm mang được bản sắcViệt Nam, dấu ấn văn hoá Việt Nam?

Bức tranh có nhất thiết phải vẽ con trâu, cái cày? Cô thiếu nữ với chiếc áo dài tha thướt?

Con thuyền xa bến , hình bóng cô gái đứng lặng chờ mong? Hay đình, chùa miếu mạo mới đạt được hương sắc quê hương? Họa phải là họa đã. Những thứ kia chỉ là hình tướng. Thứ dành cho Thợ vẽ, không phải mục đích của Hoạ sĩ. Họa sĩ phải vẽ được sâu thẳm đằng sau cái hình tướng kia. Phảì thoát được ra ngoài hình tưóng ràng buộc ấy mà đi xa. Nghĩa là sao nắm lấy được thực tại. Đến lúc ấy thì thoả chí vẫy vùng.

Người nghệ sĩ Phật giáo, thâm trầm, biết đâu là hình tướng đâu là cứu cánh. Càng bỏ được hình tướng lại càng thâm trầm, diễm tuyệt. Thấy ra hình tướng chỉ là Vô thường.

Được thua, còn mất cũng vậy, chỉ là vô thường, hư vọng, giả trá. Cái thực tại kia mới thường hằng, vĩnh cửu. Tiêu biểu nhất như bài thơ của Thiền sư Mãn Giác nhà Lý:

Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai…
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Những ngày thầy Mãn Giác chùa VN tại Hoa kỳ còn sinh tiền, tôi hay lên Los Angeles uống mót trà thầy, nghe thầy vẫn đắc ý đọc bài dịch của HT Tâm Châu:

Xuân đi lưu lại cánh hoa rơi
Xuân tới trăm hoa nở nụ cười
Thế sự thoáng qua rồi mất biến
Đầu xanh đã điểm nét sương rồi !
Có đâu xuân lụi hoa tàn mãi
Đêm trước sân cười một nhánh mai…

Nghệ sỹ Phật giáo vẫn thấy xuân tàn hoa rụng chứ, nhưng đâu có trích lệ buồn thương?


(Tranh Thủy mạc, Nét Màu Sắc Không – Võ Đình)

Mùa xuân năm sau, tôi soạn ca khúc “Nét Màu Sắc Không”, phổ ngược từ tâm tình bức Thi Họa, cho mối duyên thân hữu tha hương vời vợi ấy, rồi có dịp thu thanh vào những năm sau đó, ở Việt Nam.

Tôi có ý định gửi 1 copy cho Võ Đình nghe, nhưng mãi đến nay… quả đã muộn màng.

Cánh chim Hồng vẫn bay mãi trên bức tranh kia, âm vang để lại còn lạnh buốt trong những nốt nhạc tha hương, chưa tan được.

Những giòng này xin gửi thay nén tâm hương đến anh.


Võ Đình và bụi tre sau vườn – hình LaiHồng

Cái vô thường của cánh Mai rụng cuối bờ tuyết trắng, nốt nhạc còn vọng âm, và tiếng đập cánh của loài chim Hồng đã vút bặt, thanh thoát ra khỏi cái cõi nhị biên của Định mệnh, Đông-Tây, Sinh-Tử lâu rồi. Xuân nào có mất đi đâu !!!

Giữa đêm, nghe lại bài hát, ngắm kỹ bức họa, tôi mỉm cười thấm thía thêm, cái nghĩa “Thường trong Vô thường” bấy lâu nay…

Hồng ơi…
Hồng ơi…
Hồng ơi…

Định chấm dứt, bỗng đâu Lão Bùi Giáng xịch tới, tà tà thơ dại ngâm nga thêm cho Võ Đình:

Đùa với Tuyết, rỡn với Vân
Một mình nhớ mãi gái trần gian xa…
Sương buổi sớm, nắng chiều tà
Trăm năm Hồng lệ có là bao nhiêu…..

Không Hư – Hoàng Quốc Bảo
Nguồn: Trần Thị LaiHồng chuyển bài; Hoàng Quốc Bảo gửi mp3 file

Mời nghe ca khúc Nét mầu sắc không – Nhạc và lời: Hoàng Quốc Bảo; Tiếng hát: Mỹ Tâm


Đã đóng bình luận.