Trăng Đầu Núi | Gương mặt tượng đá khổ đau | Những vết cắt thăm thẳm

Posted: 17/07/2012 in Tùy Bút / Tản Văn / Ký Sự, Tiêu Dao Bảo Cự
Thẻ:

Tiêu Dao Bảo Cự


Nguyễn Đức Sơn và Tiêu Dao Bảo Cự trước nhà TDBC (2006)

Trăng Đầu Núi

Trăng Đầu Núi. Đó là tên mới tôi đặt cho Sao Trên Rừng Nguyễn Đức Sơn. Anh là một nhân vật kỳ lạ nhất mà tôi đã từng gặp. Anh luôn là đề tài nói chuyện của bạn bè và những người quen biết khi họ có dịp nhắc đến anh. Tôi quen biết anh đã hơn hai mươi năm qua khi anh và tôi cùng ở chung một thị trấn nhỏ. Thời đó tôi đã viết một truyện ngắn về anh mà bản thảo tôi vẫn còn cất giữ. Tôi viết trên cơ sở hiểu biết về anh và những gì do anh kể. Dĩ nhiên tôi viết về anh theo cách nhìn nhận của tôi.

oOo

“Thời học trung học, anh ở một thành phố biển. Anh nổi tiếng xuất sắc toàn trường về quốc văn và triết học. Những bài luận quốc văn của anh luôn được điểm mười tám trên hai mươi. Ông thầy quốc văn của anh, một nhà văn lão thành, hết sức tán thưởng và khuyến khích anh nên theo đuổi nghiệp văn. Ông tiên đoán anh sẽ thành công rực rỡ trên lãnh vực này. Thái độ của ông thầy làm anh phấn khởi rất nhiều nhưng cũng đã tạo cho anh một thói xấu: Tính kiêu ngạo. Anh đọc rất nhiều và cố hết sức chống đối, phá đổ những gì anh đã đọc được, đặc biệt ý kiến của các nhà giáo về những tác giả có trong chương trình quốc văn trung học. Buổi chiều anh thường đi miên man trên bãi cát, xuyên qua những hàng dương vắng vẻ, cố gắng moi óc tìm kiếm những luận cứ mới mẻ, những ý nghĩ độc đáo mà anh cho không ai có thể nghĩ ra được. Anh lẩm nhẩm một mình và nhiều khi nhảy cuồng lên la hét như một thằng điên lúc khám phá ra một chân lý hay giải quyết được nghi vấn đã không ngớt ám ảnh anh từ nhiều ngày tháng trước.

Năm cuối ở trung học, bắt đầu tiếp xúc với một số tác giả triết lý, anh đam mê ngay lối suy tưởng triệt để của các tác giả này. Anh đọc tất cả các sách dịch về triết lý có thể có được và miệt mài học sinh ngữ để có thể đọc trực tiếp các nguyên tác. Anh vẫn cố gắng giữ nguyên tắc chống đối lại những gì mình thu nhận được. Anh phản kháng một cách mãnh liệt và nhiều khi đến độ mù quáng hay tuyệt vọng. Bởi kiến thức lúc đó anh chưa bao nhiêu và óc lập luận chưa được vững chắc.

Do đó, anh dần dần trở nên một kẻ lập dị cô độc. Anh không muốn mình giống ai cả. Bố anh, thầy anh, bạn anh, các tác giả lớn. Anh tìm cách đạp đổ hết. Anh muốn tự mình vươn lên như một đại thụ, một ngọn thái sơn ngất trời. Anh chỉ là anh thôi và muốn bay lên chín tầng mây cao để nhìn xuống nhân gian thấp hèn phía dưới. Mọi người chung quanh lần lượt lánh xa anh vì không chịu nổi sự khinh bạc và những phê phán độc địa đầy móng vuốt anh bổ lên đầu họ. Anh càng cô độc càng trở nên kiêu ngạo. Sự thực anh chẳng cần quái gì ai cả. Anh độc hành trên con đường sạn đạo mù khơi chênh vênh của mình bằng những bước chân ngất ngưởng tự hào.

Đậu tú tài xong, anh quyết định hoàn toàn tự do theo đuổi điều mình lựa chọn. Anh sẽ đem chính đời sống mình ra thể nghiệm những gì anh suy tưởng và khám phá. Anh vào Sài gòn với hai bàn tay trắng, ghi danh ở Đại học Văn khoa và bắt đầu làm thơ gởi đăng báo. Anh vật lộn với sinh kế và miệt mài sáng tác với một niềm kiêu hãnh vô biên. Một tạp chí văn nghệ nổi tiếng nhận ra tài năng của anh. Họ đăng ngay những bài thơ anh gởi và hẹn anh đến tòa soạn nói chuyện. Anh hiên ngang bước vào lãnh vực văn nghệ. Những bài thơ đầu tiên của anh là ngôn từ trầm thống của một kẻ cô độc, kiêu bạc và tràn đầy phẫn nộ. Anh bứt tung mọi quy luật thi ca, phóng bút như những đường gươm rồ dại. Đó là điều làm anh trở nên độc đáo và được coi như một trong những kẻ tiên phong khai phá một đường hướng thi ca mới. Anh nhất định viết không giống ai. Những bài thơ của anh ngày càng tục tằn, giận dữ và ngạo mạn.

Trong lãnh vực học vấn, lòng kiêu ngạo cũng làm anh chán ngán giảng đường. Thành thực mà nói, có nhiều ông giáo sư đại học không thể nào ngửi được. Ngồi nghe các ông lảm nhảm những điều nhạt thếch bằng một giọng ấp úng vô duyên, anh ngứa ngáy cả người và chỉ muốn ném chiếc ghế vào mặt những ông thầy đó. Anh tởm luôn cả bọn sinh viên ngồi chung quanh. Giảng như vậy mà chúng cũng ngồi chăm chú ghi ghi, chép chép một cách say mê ngưỡng mộ. Thì ra mảnh bằng đã làm chúng trở nên nô lệ hèn nhát tất cả.

Có lần khi một cơn điên nổi lên, anh đã làm cho một giáo sư và bọn sinh viên xám mặt. Hôm đó anh đi dọc theo hành lang nhìn vào các phòng học. Khi đi qua phòng của lớp dự bị, anh thấy một giáo sư đang cười duyên với sinh viên. Đó là một ông thường mặc đồ lớn màu loè loẹt, đầu chải láng và xức dầu thơm. Anh ghét cay ghét đắng ông này. Anh thò đầu vào cửa hét lớn ” Bú l.” Anh thấy ông giật nẩy lên như bị điện giật, mặt tái ngắt như gà bị cắt tiết. Bọn sinh viên rú lên. Anh bỏ chạy. Bọn sinh viên túa ra vây lại. Lần đó anh suýt bị đánh và bị lôi thôi mất cả tháng với Hội đồng khoa. Họ không đuổi anh nhưng anh cũng không muốn học nữa. Anh đã quá chán những kiến thức khô cằn mòn sáo trong giảng đường. Anh muốn tự do tung trời sáng tạo.

Anh dấn thân hẳn vào nghề văn. Anh làm thơ, viết truyện ngắn cho nhiều tạp chí văn nghệ. Và nhà văn Annam quả thật khổ như chó. Anh bị điêu đứng vì nhiều chuyện hèn hạ bỉ ổi. Những đàn anh ngày trước mến tài đưa anh lên, thấy anh lên quá, bắt đầu ghen tị và tìm cách dìm anh xuống. Bài anh gởi đến nhiều khi cả mấy tháng không được đăng. Lúc đăng, họ tự ý kiểm duyệt, bỏ bớt hay sửa chữa làm tác phẩm không ra đầu ra đuôi gì cả. Một vài tạp chí bắt đầu viết bài công kích anh, công kích những điều mà trước đây chính họ hết sức thán phục và tán thưởng. Trong những buổi họp anh em văn nghệ, họ hùa nhau đả kích, bêu riếu anh, gán cho anh đủ mọi tính xấu. Nhiều lần anh suýt đánh lộn với một vài người vì giọng lưỡi đê tiện của họ.

Họ làm khó dễ anh cả về phương diện tiền bạc. Những ông chủ bút, chủ nhiệm, quản lý làm lơ hay hẹn rày hẹn mai mỗi khi anh hỏi tiền nhuận bút. Họ biết anh rất đói rách và muốn anh phải gập mình quỳ gối năn nỉ. Anh vẫn sống được vì từ trước anh vẫn theo phương pháp ăn gạo lứt muối mè của Ohsawa và tự nấu nướng lấy trên một gác nhỏ tồi tàn ở một xóm lao động. Nơi đây lúc nào cũng sặc sụa mùi hôi hám của một con kênh nước đen bẩn thỉu. Dù sao anh vẫn tiếp tục sáng tác. Đó là lẽ sống và niềm kiêu hãnh của anh. Tuy nhiên còn gì buồn khổ bằng một nhà văn đam mê sáng tạo mà không được ra mắt độc giả. Anh tìm đủ mọi cách để xuất bản tập thơ đầu tay, dưới hình thức ronéo. Nhưng vì phải nhờ vả cai thầu văn nghệ và anh làm cho y giận, dù thơ đã in xong đem bày bán, y đã thu lại và xé đốt hết cho hả tức.

Tác phẩm của anh, cuộc đời của anh ngày càng trở nên khốn đốn. Anh bị bủa vây bởi trăm điều nghiệt ngã. Anh cô đơn không cùng và tư tưởng đi dần xuống hố tuyệt vọng. Cái chết ám ảnh anh hằng đêm. Anh nằm co quắp trong bóng tối, hơi nóng mùa hè và mùi sình thối của con kinh nước đen để chiêm nghiệm về lẽ hư vô. Trần gian đã quá chật, quá thấp hèn, đê tiện đối với anh. Anh muốn vươn lên cao, bay đến cõi vô cùng của tịch diệt vĩnh cửu. Anh muốn trông thấy núi cao và vực thẳm. Anh bỏ Sài gòn, đi xe đò không vé lên một thành phố cao nguyên. Anh nhịn đói mấy ngày và tìm đến một ngọn thác. Anh nằm phục trên phiến đá ở đỉnh núi cúi đầu nhìn xuống thác nước cuồng nộ, lắng nghe tiếng gọi của vực thẳm. Anh tưởng tượng đến hình ảnh anh lao xuống hố sâu đầy đá nhọn kia cùng với những bọt nước trắng xóa. Tất cả sẽ mờ phai, tan đi và bay lên vùng mộng ảo chập chờn. Người anh run lên. Anh sung sướng và đau xót khôn cùng. Lẽ tử sinh thật tuyệt vời khổ lụy. Bao lần anh đã chuồi mình nằm vắt vẻo nửa người, dốc đầu xuống vực thẳm. Anh chỉ cần buông mấy ngón tay bám víu nhỏ nhoi vào bờ đá nhám. Anh sẽ thỏa nguyện. Nhưng anh lại trồi lên. Một niềm hối tiếc âm ỉ nào đó đã giữ anh lại với trần gian. Hai ngày sau, anh thất thểu trở về, lòng nguội lạnh như tro tàn, thân thể chỉ còn da bọc xương với đôi mắt sâu và râu ria lởm chởm.

oOo

Một ngôi chùa đã cho anh tá túc qua ngày. Từ đó định mệnh đã dẫn dắt anh qua nhiều ngôi chùa trên đất nước.

Cửa chùa lúc nào cũng rộng mở nhưng lòng sư nhiều kẻ khá hẹp hòi. Anh cám ơn vô vàn cửa Phật nhưng nhiều lúc không tiếc lời nguyền rủa. Mấy tháng sau anh được giới thiệu về dạy học tại một trường Bồ Đề ở một thành phố miền Trung. Nơi đây anh bắt đầu một cuộc đời mới với những khốn cùng mới.

Anh yêu một cô bé học trò có đôi mắt lai. Tình yêu đến với anh dễ dàng, bất ngờ và cuồng nhiệt. Anh viết những bài thơ và những lá thư tỏ tình. Anh năn nỉ, rên rỉ, hăm dọa, cuồng điên trong cuộc tình này. Không gì ngăn cản được anh, kẻ đã đứng dạng chân giữa hai bờ sinh tử. Anh sống như một ngọn lửa, khi bùng lên sẽ thiêu đốt tất cả. Nàng đã trốn chạy tình yêu thô bạo, lối tỏ tình rừng rú của anh. Tuy nhiên anh là con nhện độc đã bủa lưới trùng vây. Nàng chỉ là con mồi nhỏ bé với đôi cánh yếu ớt. Anh đã cưới được nàng. Sự thực, hoàn cảnh đã giúp anh dễ dàng đạt đến mục đích. Nàng mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện đang sống với một người bà con. Cha nàng là một người lính viễn chinh mắt xanh nào đó đã về xứ. Mẹ nàng đã mất trong chiến tranh. Kể ra như vậy anh cũng xứng đôi với nàng. Đứa con hoang của văn nghệ và đứa con hoang của chiến tranh chung sức xây tương lai dưới một mái nhà.

Nhưng họ chưa thấy được tương lai. Lấy vợ được ba tháng, anh phải đương đầu với một vấn đề mới. Giấy hoãn dịch vì lý do học vấn của anh đã hết hạn. Và anh không chấp nhận chiến tranh. Anh ghê tởm đời sống quân ngũ. Anh chỉ cần tự do, tình yêu và sáng tạo. Anh không muốn ghép mình vào khuôn khổ kỷ luật. Anh không muốn cầm súng bắn ai cả. Giết người là một hành động phi nhân và thô bỉ, dù với bất cứ lý do gì. Anh bắt đầu trốn cảnh sát và quân cảnh. Những người từ trước anh không bao giờ để ý đến bây giờ lại trở nên hết sức quan trọng. Họ ám ảnh anh cả trong những giấc mơ. Anh bắt đầu một cuộc sống bất an. Anh phải luôn nghe ngóng, quan sát mắt trước mắt sau và lủi như chuột mỗi khi di chuyển.

Thế nhưng anh vẫn bị bắt. Và anh đã trốn thoát được. Tất cả ba lần. Một lần nhờ nhan sắc của vợ anh đã làm cho gã lính gác mềm lòng. Hai lần khác do anh mạo hiểm vượt hàng rào kẽm gai bỏ chạy. Trong ba lần bị bắt này, anh đã nếm mùi quân trường và nhà giam. Một địa ngục mầu ô liu và một địa ngục mầu xám. Thà chết còn hơn. Anh tin rằng khi chết, linh hồn sẽ lang thang phiêu bạt giữa trời và đất. Đó mới là chốn đích thật cho những con người như anh.

Sau lần trốn thoát thứ ba, anh mò lên được một thị trấn miền núi. Anh lại xin tá túc ở chùa. Cửa Phật quả là nơi dung thân sau cùng cho những kẻ trốn chạy như anh. Một thời gian sau, anh viết thư nhắn vợ lên. Hai người thuê một căn nhà nhỏ và hành nghề nấu cơm tháng cho học trò và anh em lao động. Anh lo chẻ củi, gánh nước và nấu ăn. Vợ anh phụ trách dọn cơm, tiếp khách. Thị trấn nhỏ bé giá lạnh và đầy sương mù này có vẻ bình yên và ít ai chú ý đến ai. Cảnh sát và quân cảnh hình như cũng hiếm và ít hoạt động. Thật là một khung cảnh thích hợp cho anh. Dù vậy, anh vẫn luôn đề phòng. Anh chỉ đi những ngõ tắt hay băng từ vườn này sang vườn khác. Anh vẫn lủi như chuột khi thoáng thấy chiếc mũ quân cảnh từ xa hay nghe tiếng tu huýt của cảnh sát. Mắt anh đã thành thói quen láo liên quay đảo mỗi lúc ra đường. Anh hạn chế tối đa sự giao tiếp và di chuyển. Ban ngày anh làm việc ở nhà, ban đêm vào chùa viết lách và ngủ lại. Thầy trụ trì khi biết anh là một nhà văn đã có ý tốt dành cho anh một phòng nhỏ yên tĩnh phía sau dãy phòng của các chú tiểu.

Đời sống bên ngoài của anh đã tạm yên nhưng đời sống nội tâm lại bắt đầu lên cơn sốt khủng hoảng. Anh, một kẻ cùng trời phóng đãng, bây giờ phải khép mình làm một gã đầu bếp dơ dáy. Anh, một nhà văn tiền phong của thế hệ mới, đành chôn vùi tài năng sáng tạo ở xó xỉnh rừng núi này. Mỗi lần đọc những bài phê bình văn nghệ có nhắc đến anh, anh lại thấy nhói cả tim gan. Một cơn đau ngầm nổi lên suốt dọc cả hồn xác hành hạ anh không nguôi. Anh muốn thấy tên tuổi mình chói ngời trên các tạp chí văn nghệ, nhưng anh biết một số cai thầu văn nghệ ở Sài gòn không dung anh nữa. Anh khó lòng xuất hiện trên báo của họ. Anh muốn tự mình xuất bản một tờ báo. Trong hoàn cảnh này, điều đó thật là một ước muốn tuyệt vọng. Dù vậy, anh vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ý định và miệt mài sáng tác. Những sáng tác mới này phản ánh sự cùng quẫn cay đắng, đang trùng trùng vây phủ như sương mù khí đá của thị trấn heo hút này.

Nghề nấu cơm tháng của vợ chồng anh ngày càng xuống dốc. Dù đã hạ giá xuống mức rẻ mạt, khách ăn vẫn thưa thớt một cách thê thảm. Đã vậy họ không bao giờ đóng tiền đúng kỳ hạn. Đó là điều nguy nhất vì vợ chồng anh không có một chút vốn liếng nào. Anh đã viết bao nhiêu bố cáo dán lên tường, bằng đủ mọi lối hành văn, sử dụng những hình ảnh cụ thể nhất, mà vẫn không sao có hiệu quả. Thí dụ câu sau đây: “Chủ quán nghèo rớt một lúc hai ba hột mồng tơi nên xin miễn bán chịu và xin quý khách hoan hỉ đóng tiền đúng kỳ hạn”. Thực ra những người khách của anh cũng không hơn gì anh. Họ là những học sinh trung cấp đi học xa nhà ngoi ngóp đợi tiền nhà từng ngày. Họ là những phu khuân vác không kiếm được việc làm thường xuyên. Họ là những công chức tập sự đi làm đã ba bốn tháng chưa có lương… Với giá tiền rẻ mạt và muốn phổ biến phương pháp Tân dưỡng sinh Ohsawa, anh nấu cho họ ăn theo nguyên lý âm dương của phương pháp này. Anh chọn những loại rau, quả, củ có đặc tính cực dương, nấu theo cách thức đã được nghiên cứu cẩn thận. Thế nhưng hình như món ăn không hợp khẩu vị của họ, những kẻ đã quen với các món ăn thịt cá đầy dầu mỡ, tiêu ớt trần tục. Họ từ giã ngay quán của vợ chồng anh khi có số tiền kha khá trong túi.

Sự khủng hoảng tinh thần, sự thiếu thốn vật chất. Tâm trạng bất an của một kẻ sống ngoài vòng pháp luật, tất cả đã làm cho anh biến hẳn tính nết. Anh trở nên cộc cằn, thô lỗ và phê phán người khác một cách tàn độc.

Dĩ nhiên anh chỉ có thể cộc cằn, thô lỗ với vợ anh thôi. Anh đối xử với nàng một cách tàn nhẫn và chửi rủa bằng những lời tục tĩu thậm tệ nhất. Ngày trước nàng xinh đẹp óng ả biết bao nhiêu mà giờ đây tàn tạ xấu xí một cách thảm hại. Nhiều lúc anh ngạc nhiên khi nhớ ra rằng nàng mới có mười tám tuổi. Điều đó lại càng làm cho anh bất mãn hơn. Anh bất công với nàng trong đủ mọi chuyện nhưng anh không hề phản tỉnh. Anh chỉ nghĩ đến nỗi đau của riêng mình.

Ngày vợ anh sinh đứa con đầu lòng, nàng phải tự lo liệu lấy hết. Khi chuyển bụng, nàng run rẩy ôm chiếc mền rách đi bộ một mình đến nhà thương. Nàng sinh con so nên rất khó khăn và đau đớn. Các cô y tá không giúp đỡ gì cho nàng nhiều. Nàng phải tự lo cho mình và lo cho con như một con vật cái. Anh không thể đi săn sóc nàng vì trong người không có một thứ giấy tờ nào. Một ngày sau, nàng ẵm con ra về. Mặt tái xanh vì mất máu và thiếu ăn, chân đi không vững, nàng lảo đảo lê từng bước và ngã quỵ ở cổng nhà thương. Một người tài xế chạy ngang đã thương tình dừng lại chở nàng về.

Về được ba ngày, nàng gượng dậy lo cho con vì anh vụng về và không biết gì về việc săn sóc mẹ con mới sinh. Thấy nàng làm việc được, anh bắt nàng phải phụ lo cơm nước cho khách luôn vì anh không dám ra ngoài nhiều. Nàng tuân phục lệnh anh và khóc đến khản cả tiếng, không còn một giọt nước mắt. Anh không hiểu sao lúc đó anh có thể phi nhân tàn ác đến như thế. Anh như một con thú dữ bị thương đã đến bước đường cùng.

Sau khi vợ anh sinh được năm tháng, vợ chồng anh phải đóng cửa tiệm cơm tháng vì quá ế ẩm. Hai người đang bối rối lo lắng vì chưa biết làm gì để kiếm ăn và trả tiền nhà thì may có người quen đề nghị giúp đỡ. Ông ta có một lò bánh mì cũ không sử dụng và một mảnh vườn không ai trông coi nên muốn để hai người đến ở và nhân tiện coi giúp vườn. Hai người mừng rỡ nhận lời ngay. Chỗ ở mới rất thuận lợi cho anh vì biệt lập, kín đáo và có đất trồng trọt. Anh chuyển nghề nấu cơm tháng sang nghề làm vườn. Anh quyết đem sức người biến sỏi đá thành thực phẩm. Anh tận dụng từng tấc đất để trồng trọt. Anh trồng đủ mọi thứ rau trái thực dụng để có thể khỏi cần đi chợ: khoai lang, môn, các thứ đậu, su, chuối, tần ô, bồ ngót, sà lách, mướp, bí, bắp, hành, tỏi, rau răm, rau thơm, ớt, đu đủ, hà thủ ô… Anh xin hay ăn cắp giống ở những vườn anh đi qua. Từng ngày một mồ hôi anh nhỏ xuống trên mảnh đất khô cằn và cây lá mọc lên xanh tươi. Những lúc mệt nhọc, anh thường ngồi dưới một gốc chuối hay dưới một giàn đậu ngắm công trình canh tác của mình và thấy dấy lên một niềm kiêu hãnh. Anh nuôi chính anh và vợ con bằng những thứ anh trồng được. Quan niệm Tân dưỡng sinh của Ohsawa đã giúp ích rất nhiều cho một kẻ khốn khổ như anh trong việc mưu sinh. Đứa con trai anh hơn một năm chưa hề ăn thịt cá và uống sữa rất ít mà vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường. Một dược sĩ đã trố mắt ngạc nhiên khi nghe anh nói như vậy và cho rằng không thể nào tin được.

Thời gian này anh vẫn tiếp tục sáng tác đều đặn. Sáng tác là sự sống thứ hai của anh. Anh không thể nào ngừng nghỉ vì đối với anh, ngưng sáng tác là chấm dứt ý nghĩa đích thực của sự sống. Tác phẩm của anh đã chất đầy cứng một va ly. Anh liên lạc với một nhà xuất bản quen cũ ở Sài gòn. Ông giám đốc nhận lời xuất bản tác phẩm của anh và xúc tiến in tập truyện ngắn thứ nhất. Điều này làm anh vô cùng phấn khởi. Ít ra cũng còn có người biết đến tài năng của anh và anh lại có cơ hội bày tỏ với độc giả, một nhu cầu quá khẩn thiết đối với bất cứ một nhà văn nào, đặc biệt đối với một nhà văn khốn đốn như anh. Hơn nữa tiền bản quyền dù chẳng bao nhiêu nhưng cũng đủ giúp anh dự trữ gạo cho gia đình trong mấy tháng.

Anh bắt đầu giao du với một vài bạn văn và giới trí thức ở đây. Không ngờ thị trấn nhỏ bé này lại là chốn dung thân của rất nhiều tay văn nghệ và trí thức cấp tiến. Họ là những nhà văn trẻ trong quân đội, hoặc cùng hoàn cảnh như anh hay dạy ở các trường trung học. Sự tiếp xúc với những người này làm anh bớt cô độc. Tình thân chớm lên với một vài người đã an ủi anh rất nhiều. Anh khát khao gặp họ để bày tỏ và nghe họ nói. Lòng kiêu căng cố hữu của anh vẫn còn nhưng đã được mài bớt đi rất nhiều. Anh đã chịu bị phê phán và bớt cay độc đối với người khác. Sự tiếp xúc này còn có một khía cạnh nữa. Nó nung nấu lòng khát khao tự do. Anh thèm được như họ. Anh muốn đi lại, ăn ngủ bình thường như bao nhiêu người khác chứ không còn bị ám ảnh bởi sự truy nã đã làm anh luôn bất an khủng hoảng. Mỗi lần có người quen đi xa về, nhất là đi Sài gòn, anh đều đến hỏi thăm họ từng chi tiết về chuyến đi. Anh hỏi về sinh hoạt văn nghệ, về từng hiệu sách, từng góc phố, từng quán café ở Sài Gòn. Anh muốn biết. Anh muốn thấy. Anh thèm khát vô cùng những chuyến đi xa.

Anh bắt đầu theo dõi tình hình qua đài phát thanh và báo chí. Dĩ nhiên nghe và đọc nhờ của chùa chứ anh không thể nào có phương tiện riêng. Tin tức về thương thuyết, hội đàm dồn dập làm anh xôn xao khắc khoải. Anh chỉ có thể thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại nếu có hòa bình, không còn cách nào khác. Hòa bình đã trở thành sinh lộ độc nhất cho đời sống anh. Chỉ có hòa bình mới mở ra cho anh cánh cửa hướng về tương lai. Chỉ có hòa bình mới cho anh cơ hội sống lại đời sống đích thực của con người. Chỉ có hòa bình mới giúp anh phát huy hết tiềm năng sáng tạo phong phú của mình. Hòa bình đã trở thành khát vọng thường trực, một ám ảnh không rời trong từng giờ từng khắc. Mỗi lần có tin tức gì đáng lạc quan, lòng anh vô cùng sôi nổi. Anh đi tìm ngay một người bạn để thảo luận. Anh cố tìm một tia sáng giữa bóng tối đang bủa vây đất nước. Anh hăm hở xây dựng một niềm tin dù nhỏ nhoi giữa cơn tuyệt vọng mỏi mòn. Anh khắc khoải chờ đợi. Anh bồng bềnh trôi nổi trên các biến cố.

Anh khám phá ra nhiều điều vô cùng đau đớn. Từ trước anh không bao giờ ngờ rằng sự thành công hay thất bại của một ứng cử viên tổng thống bên Mỹ có thể làm thay đổi sâu xa đời sống của riêng anh và phần nào đó cả dân tộc anh. Anh run sợ hay vui mừng khi biết một điều bất lợi hay tạo ưu thế cho một ứng cử viên đó. Anh theo dõi từng bước đi, từng câu tuyên bố của các nhà thương thuyết tận bên Pháp. Anh mong chờ từng phút kết quả các cuộc mật đàm. Anh lo âu về diễn biến của các cuộc đụng độ ở miền núi rừng giới tuyến hay vùng sình lầy Đồng Tháp. Tất cả đều có liên hệ đến anh. Tất cả đều gắn bó sâu xa với thân phận của một kẻ trốn tránh vô danh nơi thị trấn miền cao bé nhỏ này.

Những khám phá này nhận chìm anh vào một cơn khủng hoảng mới. Anh như một kẻ sa lầy, càng vùng vẫy càng lún sâu xuống. Anh thèm khát tự do và anh bất lực, không tìm ra lối thoát. Anh bị dằn vặt không nguôi. Anh thử trở về với những giấc mộng siêu thoát và hư vô. Anh bắt đầu đi lang thang trong rừng một cách liều lĩnh. Nhiều khi anh nhịn đói nằm dưới một tàng cây suốt ngày, đến tối mịt mới trở về. Anh muốn ngắm trời xanh, nghe chim hót, nhắm mắt ngả mình trên một thảm cỏ mượt. Anh muốn đi ra khỏi xã hội loài người đốn mạt. Anh thích bầu bạn với đồi cao, rừng cây, suối hiền, gió thoảng. Anh dựng một túp lều bằng lá cây trong rừng để đến trầm tư mỗi ngày về lẽ hư vô. Thời kỳ này anh sáng tác được nhiều bài thơ kỳ dị. Những bài thơ kết tinh nỗi khủng hoảng và cô độc vô biên mà anh đã sống trong từng hơi thở :

Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Dưới chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô.
[ Một mình đi luồn vô luồn ra trong núi ]

Anh tìm vào bầu bạn với núi rừng nhưng rốt cuộc lại lạc loài giữa núi rừng. Anh lạc loài giữa trần gian. Anh lạ lẫm ngay với chính anh. Anh đã điên rồ trong cuộc tìm kiếm nghiệt ngã.

Cả đêm ấy tôi nhảy hoài trong núi
Giữa trăng vàng mờ mịt bóng sinh linh
Trần gian vắng tôi đã về lủi thủi
Cỏ bên hồ thương cảm cũng rung rinh
Tôi nhảy mãi dù trăng sao sắp tắt
Nhảy cà tưng rồi lại nhảy cà tang
Ngại khuya hàn sương giá xuống mang mang
Run lập cập là bắt đầu khổ nhất.
[ Một mình đứng nhảy hoài trong núi chơi ]

Anh lại thấy mình đang đứng chênh vênh trên bờ vực. Không phải bờ vực tử sinh nữa. Tử sinh đã trở nên chuyện quá tầm thường. Anh phải sống, cần sống và đang sống như một con diều giấy đứt giây lảo đảo nhưng không bao giờ được rơi xuống mặt đất bao dung yên nghỉ

oOo

Anh lại bị bắt. Thật là một cú đập bất ngờ choáng váng đến tê dại. Từ gần một năm nay anh tưởng mình đã được tạm yên. Những người quen ở đây cho rằng chính quyền đã quá biết anh trốn tránh nhưng vẫn để yên vì cho rằng anh vô hại và nhất là không muốn dồn anh vào bước đường cùng sợ anh sẽ có những phản ứng bất lợi cho chế độ. Dường như đây là một chính sách chung đối với nhiều người có hoàn cảnh tương tự chứ không riêng gì anh. Qua nhiều dữ kiện và suy luận, anh đã dần dần tạm tin như thế nên bớt đề phòng. Đùng một cái, anh bị bắt.

Hình như hai gã cảnh sát đã theo dõi anh từ mấy ngày nay và tiến đến thộp cổ khi anh đi qua quãng đường vắng. Sau này anh được biết anh bị bắt vì một quyết định mới của chính quyền nhằm tảo thanh những phần tử bất hảo như đào binh, trốn quân dịch, du đãng… để ổn định xã hội trước khi bước vào một giai đoạn mới đấu tranh chính trị. Điều đau đớn nhất là anh bị bắt đúng lúc những tin tức về hòa bình đang dồn dập. Các trận chiến quy mô khốc liệt đang đi vào giai đoạn kết thúc. Những cuộc mật đàm và thương thuyết công khai đã chuyển động mạnh tới hồi kết cuộc. Niềm hy vọng đang dậy lên trong anh như ngọn lửa bùng lên sau nhiều ngày tháng âm ỉ đã bị dội một gáo nước lạnh tắt ngúm. Anh rơi hẫng vào một hố sâu muôn trượng của kinh hoàng tuyệt vọng. Anh khó lòng mô tả được xúc cảm của mình trong lúc này. Anh như ngây như dại, như điên như rồ, như mê như lẫn sau một cú va đập ghê gớm làm chấn động cả hồn lẫn xác.

Anh được đưa vào tạm giam ở Ty Cảnh sát trước khi chuyển giao cho Quân cảnh. Một ngày sau, vợ anh dò được tin xin đến thăm. Nhìn vợ con hốt hoảng khóc lóc, lần đầu tiên anh cảm thấy vô vàn thương xót. Đáng lý khi chọn lựa đời sống như anh đã sống, anh chỉ nên chịu đựng một mình. Sự lựa chọn quá đắt giá cho anh đã đành nhưng còn vô cùng khốc liệt đối với những kẻ lệ thuộc vào anh. Anh đã hành hạ, làm khổ vợ con trong những ngày qua, anh sẽ còn làm điêu đứng họ hơn trong những ngày sắp tới. Vợ anh đã có hai con và đang mang thai đứa thứ ba. Làm thế nào người đàn bà khốn khổ không có bà con thân thích đó có thể sống qua những ngày tháng tới để đợi anh về. Có lẽ địa ngục đã mở lối ra trước mặt người đàn bà và ba đứa con đã vì anh mà hệ lụy.

Anh còn lo sợ về những bản thảo anh đã sáng tác suốt bốn năm lẩn lút cùng khốn nơi xứ đày đọa này. Ôi những tác phẩm vô cùng yêu dấu. Anh đã viết bằng máu, bằng hơi thở, bằng nỗi đau thương trùng trùng vây phủ. Những tác phẩm đó một ngày kia phải ra ánh sáng. Để phô bày sự thật ghê hồn về đời sống một nhà văn của một đất nước nhược tiểu dám sống bằng cách đánh cuộc cả đời mình cho một chọn lựa dứt khoát. Một gã lính say nào đó sẽ xông vào nhà hãm hiếp vợ anh, đá tung bản thảo của anh ra đường. Một cơn hỏa hoạn bất ngờ sẽ thiêu tác phẩm của anh thành tro tàn. Nghĩ tới đó, anh nổi gai ốc khắp người, giá lạnh suốt xương da và lòng đau hơn dao cắt. Ai sẽ lo gìn giữ và tìm cách xuất bản những tác phẩm máu thịt – hơi thơ – khốn cùng đó nếu anh bị lưu đày hay chết đi. Anh lo nghĩ đến nỗi sau ba ngày những sợi tóc lơ thơ trên đầu anh đã rụng gần hết.

Dù sao anh có một niềm an ủi, đó là sự giúp đỡ của bạn bè. Trong cơn hoạn nạn anh mới thấy được tấm lòng cao quý của họ. Thực ra anh cũng không thân thiết gì với họ lắm. Có người còn không chấp nhận lập trường văn nghệ của anh nữa. Họ đều nghèo, không thế lực, có thể bị liên lụy nếu dính vào vụ anh, nhưng họ đã gom góp tiền bạc mỗi người một ít đưa cho vợ anh, chạy đôn chạy đáo chỗ này chỗ kia nhờ can thiệp và can đảm đến thăm để an ủi anh trong lúc bất hạnh. Anh không biết lấy gì để cám ơn họ. Vả lại lời nào cũng bằng thừa đối với những tấm lòng đó. Anh chỉ biết ghi khắc vẻ đẹp tuyệt vời của tình người mà từ lâu anh đã hoài nghi chối bỏ. Anh sẽ nghiệm xét lại tư tưởng của mình sau kinh nghiệm sâu sắc này.

Ngày thứ tư sau khi bị bắt, anh được chuyển giao cho quân cảnh. Anh bị nhốt chung với mấy người thượng trong một hầm đá. Đêm đó trời mưa lớn. Nước vào tứ bề. Phía trên nhỏ giọt, hai bên rịn chảy, ở dưới ngập dần lên. Anh bị ướt như chuột lột và rét buốt tới xương tủy. Mùi hôi thối do phân và nước tiểu hòa tan làm anh ngạt thở. Anh đứng co ro trên mấy chiếc lon sữa và run lập cập té xuống nước mấy lần. Mấy người thượng cũng loi nhoi lóp ngóp. Anh cảm nghiệm đến vô cùng nỗi cực nhục tàn tệ của kiếp người nô lệ. Trong một phút, anh muốn cắn lưỡi cho máu trào, hồn đứt, trả thân xác tồi tàn lại cho cát bụi. Một lần nữa, một cái gì đã giữ anh lại, như lần trước anh dốc đầu xuống vực sâu mấy năm trước. Rồi như một lằn chớp lóe sáng trong hầm sâu tù ngục, trong trí óc u mê ám chướng, trong một sát na anh giác ngộ được chân lý. Anh là kẻ thèm khát tự do, đam mê sáng tạo nhưng anh chưa hề tranh đấu để đạt được ước vọng của mình. Anh chỉ là kẻ đầu hàng, chạy trốn. Anh tự tử hay mơ hư không chỉ là những hình thức chấp nhận thua cuộc trong trận phấn đấu giữa đời. Anh để niềm tin lắt lay bám víu vào những biến chuyển thời sự bên Mỹ bên Pháp là buông xuôi trong cuộc chiến đấu giữa lòng đất nước. Anh đối xử tàn nhẫn với vợ con vì anh bị tước đoạt tự do, nhân cách, sống bằng tính ác của con vật bị săn đuổi. Anh phải chiến đấu để được sống như một con người.

Người anh bừng bừng như lửa đốt. Anh không còn thấy lạnh nữa. Những ý tưởng hào hùng chạy trong đầu anh như những luồng điện xẹt. Anh tưởng mình có thể đấm tan chiếc hầm đá kiên cố. Anh cúi xuống nâng một người thượng già lên khi ông run rẩy gục xuống vũng nước cứt đái. Anh biết rõ mình sẽ ra khỏi chốn lao tù bằng bất cứ giá nào.

Sau đó anh được đưa về nhà lao của quân khu đợi ra tòa quân sự lãnh án. Với số tiền của bạn bè giúp, anh đã tìm cách đút lót cho các gã lính gác để trốn thoát nhưng không được. Đối với chúng, tội của anh trong thời chiến quá nặng nề nên không có gã nào dám đồng lõa. Vả lại số tiền anh có cũng chẳng là bao. Tuy nhiên anh đã tâm niệm rằng anh sẽ vượt thoát bằng bất cứ giá nào.

Khi được xe đưa qua tòa án, anh đã bay ra khỏi xe như một con chim. Mấy phát súng nổ theo không làm anh hề hấn gì. Một sức mạnh bất chợt phi thường nào đó đã dồn xuống đôi chân bung mạnh ra làm anh bắn người lên cao, bám vào cổng của một ngõ hẻm. Khi chiếc xe thắng gấp lại, tiếng tu huýt ré lên, tiếng người hét lớn, tiếng chân rầm rập, anh đã mất hút vào trong con hẻm quanh co của một xóm lao động tồi tàn bẩn thỉu. Cám ơn vô vàn con ngõ đen, khung cửa hẹp của tự do tung trời.”

oOo

Trên đây là phần chính của truyện ngắn tôi viết về anh hơn hai mươi năm trước. Tôi cũng không nhớ rõ phần hư cấu chiếm bao nhiêu phần trăm, có lẽ rất ít. Chắc chắn là anh không hài lòng và cho tôi viết không đúng về anh. Nhưng tôi đã nói rõ nhiều lần là tôi viết về anh theo nhận thức của tôi, không thể nào đúng như anh nghĩ hay người khác nghĩ về anh.

Ấy là tôi đã lược bỏ một số ý vì khi đọc lại thấy quá “kinh khủng”. Không phải chỉ có tôi viết về anh mà còn nhiều người khác, thường là các bạn văn quen biết. Cuộc sống và con người của anh luôn là một đề tài hấp dẫn. Một số truyện ngắn, bài viết về anh đã được đăng báo, dù không ghi rõ tên, nhưng những người quen biết đọc nhận ra ngay. Thường phản ứng của anh khi đọc những bài đó là chửi thề và chửi tác giả một cách thậm tệ, tuy vẫn giấu ngầm một niềm kiêu hãnh.

Trong cuốn tiểu thuyết “Nửa đời nhìn lại”, tôi có viết mấy chương về anh, với tên gọi Mây Đầu Non do tôi đặt. Một tờ báo ở Mỹ đăng mấy bài thơ của anh kèm theo một chương trích trong cuốn tiểu thuyết của tôi mà họ nhận ra nhân vật chính là anh. Một vài bài giới thiệu cuốn sách của tôi cũng có phần phân tích về nhân vật mà anh là nguyên mẫu. Anh nghe nói nên có dịp lên Đà Lạt anh đến thăm tôi và hỏi về việc này. Lúc đó tôi chưa có bản sách in nên đã lấy bản thảo đọc cho anh nghe mấy chương viết về anh. Anh lặng thinh nghe và tỏ vẻ suy nghĩ nhưng chưa có phản ứng gì. Anh yêu cầu tôi khi có sách hãy tặng anh một bản hay cho mượn đọc. Tôi hứa sẵn sàng.

Tôi đã hai lần viết về anh và tôi nghĩ chắc mình sẽ còn viết nữa. Anh và tôi rất khác nhau nhưng hình như có một cái gì đó chung cùng. Có lẽ là sự cô đơn thẳm sâu khi đứng chênh vênh bên bờ vực hư vô mà anh và tôi đã từng trải nghiệm.

Gương mặt tượng đá khổ đau

Tôi đã cho Trăng đầu Núi mượn bản chính cuốn sách “Nửa đời nhìn lại” của tôi sau khi tôi có không lâu. Tôi hơi ngại cuốn sách bị thất lạc vì tôi chỉ có một cuốn duy nhất và chưa photo ra được. Tuy nhiên tôi đã hứa nên đành phải cho anh mượn.

Phải đến mấy tháng sau anh mới mang trả tôi cuốn sách. Trong thời gian đó tôi nghe nhiều người quen nói về chuyện anh và cuốn sách. Họ cho biết anh đã mang cuốn sách cho nhiều người mượn đọc và yêu cầu góp ý. Có người anh chỉ cho đọc tại chỗ những chương viết về anh rồi lấy lại ngay, có người anh cho mượn một vài ngày rồi đến lấy lại chuyển cho người khác. Anh đưa quá nhiều người đọc đến nỗi khi trả lại tôi, cuốn sách đã cũ mèm và sờn rách. Thế cũng tốt vì nhờ thế mà cuốn sách có thêm độc giả. Đối với những người anh đã cho đọc, anh đều nói ngay là tôi viết về anh không đúng, thậm chí có lúc anh còn chê về mặt nghệ thuật cuốn sách rất kém. Tôi nghe nhưng không giận vì tôi biết tính khí Trăng Đầu Núi, anh đã từng chê phần lớn mọi tác giả và tác phẩm nổi tiếng. Tôi đợi khi gặp sẽ nghe trực tiếp ý kiến của anh.

Lần nào đến thăm tôi anh cũng mang biếu một túm nhỏ trà hay café do anh tự làm từ cây chung quanh nhà. Hồi còn cùng ở với anh trong thị xã, thỉnh thoảng anh cũng mang biếu tôi một ít thức ăn Ohsawa do anh chế biến, có khi chỉ là một chén mít non luộc. Đan Tâm và tôi cũng cảm kích về chân tình của anh.

Khi tôi hỏi ý kiến Trăng Đầu Núi về cuốn sách, anh không trả lời trực tiếp mà chỉ kể lại ý kiến của những người anh đã cho mượn đọc. Phần lớn đều cho tác giả rất dũng cảm khi dám công bố một tác phẩm có nội dung phê phán đảng và nhà nước như thế, tuy mới chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ sự thật và ngạc nhiên sao tôi chưa bị xử lý. Có người nói thể loại tác phẩm không thuần nhất nhưng đọc cũng hấp dẫn. Có người nói cuốn sách không mô tả được những cảnh hoành tráng trong một bối cảnh không gian và thời gian rộng lớn, lâu dài nhưng lại đi sâu được vào những tâm cảnh tuy bé nhỏ nhưng phức tạp, tế nhị và có tính điển hình. Trăng Đầu Núi cho đó là những nhận xét sắc sảo.

Tôi gặng hỏi ý kiến của riêng anh, anh vẫn không trả lời mà chuyển sang vấn đề khác. Anh nói thà tôi chửi anh còn hơn là viết về anh không đúng, tôi đã không hiểu anh và không quan tâm đầy đủ đến anh khi đưa anh vào tác phẩm.Anh trách tôi sao trích thơ anh quá ít, chỉ có một bài ngắn loại thơ hai chữ trong khi trích những người khác quá nhiều, lại là thơ bậc thang, in tốn hết bao nhiêu trang sách. Tôi không nhịn được mỉm cười khi anh nói thêm, may ra chỉ có câu chửi thề: ” Đù mẹ, đổi mới cái c.c.” của anh là đúng. Tôi nói đây là tôi viết về Trăng Đầu Núi theo cách nhìn của riêng tôi chứ không phải là Trăng Đầu Núi tự nhìn nhận chính mình. Tôi còn chưa hiểu hết chính tôi làm sao hiểu anh đầy đủ. Vả lại đây chỉ là một nhân vật tiểu thuyết mà anh là nguyên mẫu thôi, tôi có quyền sáng tạo thêm dù thực ra với nhân vật đó tôi cũng không sáng tạo nhiều lắm.

Anh còn cho tôi biết thêm về thái độ chính trị của những người anh cho mượn đọc cuốn sách của tôi. Điều lạ là phần lớn thuộc nhiều giới tán thành thái độ phê phán nhà cầm quyền của tác giả nhưng một số ít người, lại là những người có liên quan nhiều đến chế độ cũ, chê trách tác giả xu thời, phản bội, hai mặt và có ý ganh ghét. Anh nhận xét những người đó là những người nay làm ăn được và đang có quan hệ mật thiết với những người đương quyền. Tôi cho điều đó cũng dễ hiểu vì thái độ chính trị của nhiều người đã thay đổi nhanh chóng do hoàn cảnh xã hội. Một lớp người ăn nên làm ra trong tình hình mới do cấu kết với nhà cầm quyền lại không muốn có bất cứ một xáo trộn nào và công khai ủng hộ chế độ.

Cũng còn nhiều lý do khác như sự cầu an hay do chuyển biến nhận thức mà người ta thay đổi thái độ chính trị, như trường hợp của TV. TV là người đồng cảnh ngộ với tôi và hiện đang làm việc cho một tòa soạn báo ở Sài Gòn, sau một thời gian cùng với tôi long đong tìm việc dạo nào. Trước đây tôi có tặng anh một cuốn “Nửa đời nhìn lại” của tôi cùng với một tập những bài giới thiệu, phê bình cuốn sách ở nước ngoài. Sau đó không lâu có dịp về Sài Gòn tôi đến thăm anh ở tòa soạn. Thời gian này có lẽ anh đã được tin cậy và giữ một vai trò gì đó khá quan trọng trong tòa soạn. Tôi đến gặp lúc ban biên tập đang họp, cô nhân viên trực bảo tôi ngồi đợi. Vì không có nhiều thời gian, tôi đề nghị cô nhân viên vào báo cho TV ra cho tôi gặp năm phút thôi nhưng cô ta nhất định không nghe, bảo đã có lệnh khi ban biên tập đang họp, không ai được ra vào. Tôi bực mình nên đích thân đến gõ cửa phòng họp và yêu cầu gặp TV. Mọi người trong phòng có vẻ ngỡ ngàng và hơi bực bội nhưng rồi TV cũng ra ngoài gặp tôi.

Anh đưa tôi ra quán café phía trước ngồi nói chuyện. Hỏi thăm về gia đình, anh bảo đang thu xếp đưa vợ con vào vì qua mấy năm làm việc, anh đã tích lũy được vài chục triệu và đang được cơ quan giúp mua một căn nhà trả góp. Về công việc, anh bảo làm ở đây thoải mái, tình hình tự do báo chí cũng khá cởi mở và những người làm báo cũng đang đấu tranh cho dân chủ. Về cuốn sách của tôi, anh bảo bạn bè ai viết được gì anh cũng mừng nhưng anh không thích thái độ của bọn nước ngoài về cuốn sách. Anh bảo bọn đã phản bội tổ quốc, bỏ nước mà đi không có tư cách gì để bàn chuyện đất nước. Tôi kinh ngạc trước sự thay đổi nơi anh. Tôi thử tranh luận với anh một chút nhưng vì thấy quan điểm hiện nay của chúng tôi khác nhau quá xa, nói nhiều chỉ làm đổ vỡ tình bạn nên tôi thôi tranh luận. Sự cách biệt bất ngờ có cái gì cay đắng làm chúng tôi không ai uống hết nổi ly café. Tôi chia tay TV trong nỗi buồn và nghĩ rằng có lẽ mình đã mất một người bạn. Trong sự thay đổi to lớn và gay gắt này của toàn xã hội, có thể người ta sẽ còn mất nhiều thứ nữa.

Trước khi chia tay, Trăng Đầu Núi còn nói lại ý trách tôi sao đã trích thơ anh quá ít. Tôi hiểu anh có nhu cầu bức xúc muốn công bố tác phẩm vì bao nhiêu năm qua nghe nói anh đã làm hàng ngàn bài thơ nhưng chỉ để đó. Tôi thanh minh là tôi rất muốn nhưng không làm được vì anh chỉ chép đưa tôi mấy bài trong đó có những bài không thích hợp để đưa vào tác phẩm. Còn có những bài khác rất hay anh đã đọc cho tôi nghe nhưng khi viết tôi lại không có văn bản. Kể cũng rất đáng tiếc.

Thời gian này, Trăng Đầu Núi hay lên Đà Lạt chơi và đi đây đó vì anh mới sắm được chiếc xe gắn máy. Một chiếc xe kỳ quặc hiệu Monkey gì đó, bánh nhỏ, thấp lè tè mà anh ngồi lên trông như đang ngồi bệt xuống đất. Đây là chiếc xe độc nhất vô nhị tôi đã từng thấy không biết anh đào ở đâu ra.

Tuy vậy anh rất tự hào với chiếc xe phong trần không kém gì anh. Dù sao nó vẫn hơn chiếc xe đạp cà khổ trước đây. Anh có thể đi Sài Gòn, Đà Lạt chở theo vợ và đôi khi một đến hai đứa con nhỏ. Với bộ vó cà tàng muôn thuở, chiếc bê rê đen trên đầu, khăn quàng cổ mầu nâu vắt thõng, áo len xám bạc mầu, đôi bốt đen bết bùn dưới chân, anh có thể ngự lên con ngựa sắt lùn để ngao du cho thỏa chí giang hồ. Tôi không hiểu dạo sau này vợ chồng anh làm ăn sinh sống ra sao ngoài thu nhập ít oi từ vườn trà cũ trên đồi chung quanh nhà nhưng thấy anh thỉnh thỏang đi chơi được tôi cũng mừng cho anh.

Thuở ấy, sau một thời gian sống chui lủi trốn quân dịch, đến ngày thống nhất, anh mang vợ con trở lại thị trấn miền núi cũ. Không còn ở được nơi cái lò bánh mì ngày trước, anh cùng gia đình lên núi ở một nơi không xa thị trấn lắm mà trước đây một nhà sư nổi tiếng anh quen biết đã lập ra một thiền viện nay bỏ hoang hóa. Thiền viện chẳng sót lại dấu tích gì sau cơn binh lửa, chỉ còn lại một bể chứa nước lớn đã vỡ và mấy sào trà còi cọc. Ban đầu gia đình anh ở ngay trong bể nước vỡ, chỉ cần che mấy tấm tôn làm mái là xong. Ra vào bằng lỗ chỗ vỡ, ban tối lấy miếng ván chặn lại càng an toàn giữa chốn đồi núi hoang vu. Thời gian sau anh kiếm thêm được ít cây gỗ và tôn, dựng một cái nhà sàn kiểu nửa kinh nửa thượng, tuy xấu xí nhưng cũng thoáng mát và thoải mái hơn. Tôi đã nhiều lần lên thăm anh tại nhà sàn này. Về sinh kế, vợ chồng con cái anh bắt tay khôi phục lại mấy sào trà, trồng thêm các thứ rau quả mà trước đây anh đã có kinh nghiệm, thỉnh thoảng vào sâu trong núi kiếm củi và hái sim, măng mang ra chợ bán. Hình như anh cũng được bạn bè xa gần giúp đỡ vì nhiều người yêu quý anh và ai cũng biết anh rất nghèo túng.

Điều kỳ lạ là với cuộc sống như thế, vợ chồng Trăng Đầu Núi lại rất đông con. Lâu lâu gặp lại hỏi thăm đã có thêm đứa nữa, tổng số lên đến gần chục đứa. Ấy thế mà anh chị và các con đều ăn chay trường từ bao năm nhiêu năm qua. Ai bảo ăn chay diệt dục quả là sai lầm. Bạn bè đôi lúc nói đùa về “khoản đó” anh còn mạnh hơn rất nhiều người khác.

Trong hoàn cảnh sống đó, gia đình đông con là một bi kịch lớn mà Trăng Đầu Núi dù có thừa nhận hay không cũng chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc nuôi dạy con cái. Bạn bè khi nói chuyện với nhau thường trách anh về điều này. Các con anh đều còi cọc vì suy dinh dưỡng, ăn mặc rách rưới và không đứa nào được đi học trong khi anh thông kim bác cổ, chữ nghĩa đầy mình. Mãi sau này mới có vài đứa được gởi vào chùa hay trại xã hội, được học chút ít nhưng đều bị quá tuổi so với bạn bè cùng lớp nên mặc cảm, học hành cũng chẳng ra gì.

Có thể ban đầu anh nghĩ anh và gia đình sẽ sống một cuộc sống khác thường bên ngoài xã hội, theo quan niệm riêng của mình nhưng không thể được. Vợ con anh sinh đẻ, bệnh tật anh phải đưa vào bệnh viện, con cái anh lớn phải ra đời tiếp xúc với xã hội để kiếm sống, đất anh trồng trọt bị lấn chiếm và có lần chính anh bị đập suýt bể đầu khi chống lại những kẻ lấn chiếm và sau đó vụ việc đưa ra pháp luật, anh phải vác chiếu hầu tòa… Anh là Trăng Đầu Núi nhưng lại có vợ con, gia đình nên không thể thoát ra khỏi cuộc sống xã hội. Mà dù chỉ có một mình anh sống ẩn dật trong rừng gìa như các Yogi trên đỉnh Himalaya cũng không thể được vì anh phải chịu quản lý hộ khẩu và còn tham vọng văn chương. Điều này càng làm cho bi kịch của đời anh, gia đình anh càng lớn.

Tôi chưa nói thẳng với anh nhưng tôi nghĩ cuộc sống như anh không nên có gia đình là hơn vì những người khác sẽ không vì anh mà hệ lụy. Bây giờ con anh có đứa đã lớn, bỏ đi buị đời và thề sẽ chống lại anh đến cùng dù trước đây nó hoàn toàn chịu khuất phục trước người cha kiêu ngạo và cứng rắn. Những đứa con nhỏ, vợ chồng anh nuôi không nổi phải gởi vào chùa hay cả trại xã hội. Và vợ anh, chao ôi, người phụ nữ này chắc phải chịu nhiều đau thương gấp bội lần niềm đau tư tưởng siêu hình và sáng tạo của anh.

Tôi nhớ mãi khuôn mặt chị hơn hai mươi năm trước khi tôi đến an ủi chị tại nơi ở là lò bánh mì cũ trong lần sau cùng anh bị bắt. Dù chị đã tiều tụy vì vất vả và lo lắng nhưng khuôn mặt trái xoan thon dài của chị vẫn còn nét đẹp mê hồn. Đôi môi hồng với hàm răng trắng đều, chiếc mũi thẳng thanh mảnh và đôi mắt nâu long lanh nước mắt với hàng mi dài rợp bóng liêu trai ánh lên niềm đau và nỗi tuyệt vọng làm tôi nao lòng và lặng người đến độ không sao thốt lên một lời an ủi cho ra hồn. Đó là một vẻ đẹp mong manh đang bị thương tổn và quằn quại trước những chà đạp thô bạo của một phận người.

Mấy năm sau lần tôi gặp chị trước căn nhà sàn trên núi lúc chị vừa gánh củi về, nhìn vào mắt chị tôi lại thấy nhói đau. Giữa khuôn mặt sạm đen và mái tóc rối bù cháy nắng, đôi mắt dài long lanh ngày nào đã u hoài mờ mịt nhưng lại ánh lên một nét căm hờn vẫn còn mang một vẻ đẹp hoang dã. Lần đó tôi đã gần như chạy trốn khi từ chối lời mời của anh chị ở lại dùng cơm.

Và bây giờ, chị đang ngồi trước mặt tôi lặng im nghe Trăng Đầu Núi và tôi nói chuyện khi anh chở chị đến thăm chúng tôi. Chị mặc bộ đồ cũ – với quần jean, áo sơ mi, áo khoác, khăn quàng – loại đồ mà người ta vẫn gọi là hàng sida, cùng với đôi giày sờn rách, toàn thể toát lên một gì cũ kỹ, quá thời, tàn tạ. Và khuôn mặt chị như đã hóa đá. Tôi chưa từng thấy một khuôn mặt nào như thế. Những tượng người của những nhà điêu khắc lừng danh thế giới mà tôi đã được xem chưa bao giờ làm tôi xao xuyến như khi ngắm nhìn khuôn mặt chị bây giờ. Đó là một tượng đá còn sống, một tượng đá khổ đau. Khổ đau từ trong thẳm sâu hồn xác hiển hiện lên từng lỗ chân lông, từng tế bào, từng nét nhăn, từng thớ thịt, trên đôi mắt hầu như đứng tròng, trên hàng mi dài xác xơ, trĩu nặng, trên đôi môi lạnh lẽo như đã vĩnh viễn khép lại nụ cười. Trên khuôn mặt người phụ nữ tôi đã từng quen biết hơn hai mươi năm này, vẻ đẹp liêu trai mê hồn năm xưa đã hóa thân thành nỗi đau thương cô đặc, đúc thành tượng đá thịt da, được phủ lên một lớp bụi thời gian từ thiên cổ.

Tôi hỏi chị vài câu nhưng chị chưa kịp trả lời thì Trăng Đầu Núi đã giành nói trước. Đó vẫn là thói quen của anh, Tôi bỗng thấy giận Trăng Đầu Núi vô cùng. Có phải vì anh, vì cuộc sống chung với anh, cuộc thử nghiệm điên rồ của một kiếp người đã làm chị trở thành như hôm nay. Tôi không nghe Trăng Đầu Núi nói nữa. Tôi hình dung ra thảm cảnh mà chị đã sống trải trong đời. Qua những gì mà tôi đã chứng kiến và chính anh chị đã kể lại cho tôi nghe. Gần mười lần sinh nở, lần đầu phải tự đi bộ đến nhà thương và tự trở về, lần tự sinh con không cần người đỡ, lần phải được khiêng từ trên núi xuống giữa đêm khuya. Một căn bệnh nan y làm chị đau vỏ óc suýt nữa lìa đời nếu không cấp cứu kịp. Nỗi đau lòng của người mẹ khi nhìn những đứa con lớn lên không giống ai lạc loài trong trường đời khắc nghiệt. Những công việc vất vả của cuộc mưu sinh rút dần sinh lực, xương thịt, vẻ đẹp trời cho. Và những xung đột triền miên với người chồng tài hoa, cao ngạo, theo đuổi một cuộc sống phi thường nhưng đầy nhọc nhằn khổ ải… Thật quá nhiều cho một kiếp người.

Tôi không dám nhìn vào khuôn-mặt-tượng-đá-khổ-đau của chị nữa. Câu chuyện văn chương, triết lý giữa Trăng Đầu Núi và tôi bỗng trở nên tẻ nhạt. Tôi chợt hiểu rằng không có gì quý hơn hạnh phúc của con người. Bất cứ điều gì, dù là chính trị, văn chương, triết lý… nếu phá vỡ hạnh phúc của con người, chỉ có thể trở thành thuốc độc dán nhãn hiệu hoa hòe để lừa bịp mà thôi.

Những vết cắt thăm thẳm

Có lẽ Trăng Đầu Núi không thích nền văn minh kỹ trị nên anh ghét các loại máy móc. Anh rất lúng túng khi gọi điện thoại. Mỗi lần đến nhà tôi có việc cần gọi, anh nhờ tôi quay số liên lạc sẵn rồi đưa điện thọai cho anh nói. Có lần anh nói với tôi anh chưa hề trông thấy cái máy vi tính. Tuy vậy từ khi sắm được cái xe gắn máy, anh đã đi lại được rất nhiều. Tôi không biết cái xe kiểu “con khỉ” thật hay anh đặt tên cho nó để có hơi hướng rừng rú thích hợp với anh. Mỗi lần lên Đà Lạt anh đều đi thăm một vòng Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh và tôi, cũng như nhiều bạn bè khác và các chùa mà anh quen biết. Anh lại có dịp kể cho tôi nghe về các cuộc tiếp xúc với người này người nọ.

Tôi chưa hiểu triết thuyết riêng của anh thế nào vì chưa bao giờ nghe anh nói rõ nhưng anh thường phê phán một số nhà tu hành nổi tiếng. Tôi biết anh thích Phật giáo nhưng lại phê phán kịch liệt các thiền sư được coi là hàng đầu trong giáo hội. Anh cho rằng tư tưởng và hành động của họ không những làm hại đến Phật giáo mà còn gây nguy cơ cho toàn thể nhân loại. Tôi rất muốn biết quan điểm của anh một cách cụ thể nhưng khi tôi hỏi, anh nói nhiều mà tôi vẫn không rõ. Dường như anh chỉ kết luận một cách khẳng quyết mà không hề chứng minh tuy tôi hiểu anh có lý do để đi đến kết luận. Có nhiều ý kiến của anh tôi không đồng tình nhưng tôi không tranh luận vì tranh luận với anh rất khó và tôi cũng không muốn làm mất hòa khí giữa anh và tôi. Chúng tôi không thân nhau nhưng đã có vài mối quan hệ đặc biệt từ mấy chục năm qua.

Ai cũng biết Trăng Đầu Núi cực kỳ kiêu ngạo nhưng những biểu hiện của anh làm cho nhiều người phải sửng sốt. Anh đã từng viết bốn lá thư phê phán một nhà văn nổi tiếng với lời lẽ thậm tệ gần như mạt sát từ tác phẩm cho đến cuộc đời và photo phổ biến rất rộng rãi. Anh lên án thái độ sống và thái độ chính trị của một số văn nghệ sĩ tên tuổi trong đó nhiều người là bạn bè của anh. Trong những ý kiến có vẻ như rất cực đoan của anh tôi vẫn thấy những phần cốt lõi rất có lý. Trong thời đại này muốn sống trung thực và cao thượng không phải là điều ai cũng có thể làm được. Người ta dựa vào thế lực, tài năng, danh tiếng của nhau để sống, để lên mặt với thiên hạ. Trăng Đầu Núi không chịu nổi điều mà anh cho là đáng kinh tởm này, nhất là trong giới văn nghệ. Điều anh nói làm người ta khó chịu, bất bình nhưng không thể không suy ngẫm. Anh đã dám sống theo cách của mình nên anh có tư cách để phê phán người khác. Dĩ nhiên người ta cũng có thể phê phán ngược lại anh.

Trăng Đầu Núi được một số bạn bè giúp đỡ, nhất là những người ở nước ngoài, nhưng thái độ của anh khi nhận rất đặc biệt. Anh cho rằng không phải anh cám ơn họ mà họ phải cám ơn anh. Một thiền sư nổi tiếng ở nước ngoài nhờ người quen về nước gởi tiền cho anh. Anh bảo không những người mang tiền đến đưa cho anh phải sướng run lên mà vị thiền sư kia khi nghe kể lại cũng phải sướng run lên mới được. Đó là anh nói với tôi và tôi không rõ anh có nói với người đưa tiền cho anh không. Nếu anh có nói và vị thiền sư kia cũng có phản ứng đúng như thế thì đây quả là một câu chuyện thiền thú vị.

Trăng Đầu Núi và tôi ít khi nói chuyện gia đình nhưng cũng có khi anh hé mở đôi điều. Tôi hiểu nỗi dằn vặt đau đớn của anh về gia đình cũng nặng nề và sâu sắc không kém gì những dằn vặt, đau đớn về những vấn đề siêu hình cũng như chính trị thời cuộc và nhân tình thế thái. Anh đã từng nói về chuyện ngộ, giải thoát nhưng tôi cho rằng anh còn nặng nợ lắm. Mối quan hệ giữa vợ chồng anh có những lúc rất căng thẳng, gần đi đến đổ vỡ. Anh cho rằng anh không thể chịu đựng nổi người phụ nữ bảo thủ và độc đoán nhưng tôi sợ rằng chính anh cũng như thế và khi mỗi người đều tự cho mình nắm được chân lý thì thật khó hòa hợp. Ai cũng có thể bảo thủ, độc đoán chứ không nhất thiết phải là người cầm quyền và người cầm quyền lại càng dễ trở nên độc tài chuyên chế. Người ta càng cực đoan trong tư tưởng càng dễ va chạm và trong mối quan hệ hôn nhân, có lẽ khó ai có thể vĩ đại trước mắt vợ, chồng mình. Anh không xác định nhưng tôi mong và tin gia đình anh không thể tan vỡ. Đã cùng trải qua bao cay đắng, khổ đau người ta bị buộc chặt vào nhau không thể chia lìa.

Những đứa con đông đảo trong hoàn cảnh luôn luôn quẩn bách đối với anh đã trở thành gánh nặng không sao kham nổi, từ tinh thần đến vật chất, từ sự bất lực của anh và phản ứng ngoài tầm kiểm soát của những đứa con khi chúng dần trưởng thành. Anh không biết đứa lớn đi bụi đời phiêu bạt phương nào. Anh biết những đứa gởi vào chùa hay trại xã hội không thể nào thích nghi hay vui sống được. Những điều anh đã biết hay không biết đều đưa tới tương lai vô định.

Trong mắt tôi gia đình anh là bi kịch của tận cùng bi kịch trong một xã hội ở đỉnh cao của bi kịch nhưng vẫn còn dồn nén chưa bùng nổ. Hình như anh đã gần sáu mươi tuổi rồi, lứa tuổi đi vào xế chiều của cuộc đời trần gian dù anh tự cho anh vẫn còn rất sung sức để sống và sáng tạo. Khuôn mặt nâu sạm của anh đầy những vết nhăn sâu mà có khi anh rất tự hào. Tôi thấy trên đó những vết cắt thăm thẳm của những trầm tư đau đớn quằn quại nhất của phận người giữa lòng một thời đại đã vang lên lời réo gọi của vực sâu hủy diệt.

Tiêu Dao Bảo Cự
Trích tác phẩm Mảnh trời xanh trên thung lũng
Nguồn: Tác giả gửi tùy bút và ảnh


Nguyễn Đức Sơn và Tiêu Dao Bảo Cự trước nhà NDS (2007)


Tiêu Dao Bảo Cự và Nguyễn Đức Sơn cùng 2 cô con gái út trên đồi Phương Bối (2007)

Đã đóng bình luận.