Phùng Thành Chủng
Lòng đầy tự tin, Phùng mang những chiếc nồi đất của y đến các quầy giới thiệu sản phẩm. Nhưng ở đâu, Phùng cũng bắt gặp những đôi mắt soi mói, nhìn từ đầu đến chân y; những vẻ mặt lạnh lùng, khinh thị nữa, sau khi lướt qua tấm danh thiếp lạ hoắc! Không ở đâu người ta để mắt đến những chiếc nồi! Cứ như thể… (!)
…Cuối cùng, thì cũng được một nơi nhận giới thiệu cho Phùng mấy cái. Sau khi biết chuyện, họ ái ngại bảo: “Tốt nhất là ông nên xoay xỏa tìm cách mà tự giới thiệu lấy. Đừng đi lại nhiều làm gì, vừa mất thì giờ, vừa tốn công vô ích! Hơn nữa, ông biết đấy, cái cửa hiệu của chúng tôi quá nhỏ…”
Phùng cảm động trước những lời thành thực ấy. Y không thể lạm dụng lòng tốt của những con người có lẽ cũng dằn vặt, cũng khốn khổ, khốn nạn chẳng kém gì y. Sượng sùng, sợ sự hiểu lầm như kẻ: “Ăn mày quen ngõ”, bằng một cử chỉ vụng về, Phùng ấp úng được mấy lời: “Cám ơn”.
“Có lẽ không còn con đường nào khác?!” Phùng nghĩ thế! Và y tìm đến một cửa hàng dập khuôn. Tiếp Phùng, là một người đàn ông béo tốt, đầy vẻ trần tục, nhưng cố làm ra cao đạo. (Sau này Phùng mới biết ông ta tên là Hùng Cường, cũng là thợ nồi đất, giúp việc kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm cho nhà khuôn. Tưởng ai, chứ cái tên Hùng Cường thì Phùng đã biết đến từ lâu, nhưng hôm nay y mới giáp mặt. Sản phẩm của ông ta cũng thường thôi! Biết, vì sự “có mặt” đến mức lạm pháp của nó trên các quầy giới thiệu sản phẩm và trên thị trường!) Vẫn lại bắt gặp cái nhìn soi mói:
– Anh hỏi ai?
Phùng lý nhí:
– Tôi có một số nồi đất, muốn bán…
Ông ta lạnh lùng:
– Xin lỗi, ở đây chúng tôi không mua. Anh thử đến các quầy giới thiệu sản phẩm hỏi xem, ở đấy họ đang cần. Nếu được là họ mua đấy!- Và như sợ cuộc tiếp xúc không mấy thích thú với Phùng có thể kéo dài, ông ta chủ động – … Thế thôi nhé!
Phùng thở dài:
– Vậy mà trước đây tôi nghĩ: “Nếu chất lượng bảo đảm, cửa hàng vẫn sẵn sàng bỏ vốn kinh doanh?”
Ông ta nhìn Phùng như một kẻ từ hành tinh khác xuống:
– Xin lỗi! Anh tên gì nhỉ, tôi chưa có hân hạnh được biết quý danh?!
Phùng chìa ra tấm danh thiếp.
Ông ta lướt qua. Trả lại. Cười cười vỗ vai Phùng:
– Trước đây thôi! Chứ bây giờ anh đi khắp cả thành phố cũng không có nhà khuôn nào nhận kinh doanh. Cũng có, nhưng đó là mấy tay đầu nậu chứ không phải nhà khuôn. Còn ai muốn thì phải bỏ vốn. Chúng tôi chỉ làm công- Ngừng một lát, ông ta tiếp-… mà không phải cứ có tiền là chúng tôi đã làm cho ngay đâu nhé!
Phùng cười chua chát:
– Khó khăn thế ạ?!
Ông ta lấp lửng:
– Khó khăn thì chẳng khó khăn, nhưng cũng không phải dễ dàng…
– Xin ông cho biết cụ thể (?!)
– Thứ nhất, để giữ uy tín cho nhà khuôn, những sản phẩm nếu xét thấy chất lượng quá yếu kém là chúng tôi không nhận. Thứ hai, nguyên tắc của chúng tôi là tránh những chi tiết, những hoa văn rắc rối, phức tạp hoặc méo mó. Tối kỵ đấy! Tóm lại là phải tròn, nhẵn… Thế thôi! Ngoài ra, nếu sản phẩm được chúng tôi đóng dấu chất lượng, chỉ phải nộp cho chúng tôi một khoản lệ phí. Nhà khuôn sẽ liên đới chịu trách nhiệm về mặt chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng. Không thì thôi! Còn sau đó, anh muốn dập ở đây hay ở đâu thì tùy. Chúng tôi không ép buộc…
Phùng rụt rè lấy ra những chiếc nồi đất kiểu, dáng khác nhau:
– Nhờ ông xem giúp!
Hùng Cường cầm lên nghiêng ngó, săm soi từng cái một. Cuối cùng, ông ta ngẩng lên cười cười nhìn Phùng. Cái cần cổ đỏ au như cổ gà chọi gật gật:
– Được! Không phải đặc sắc, nhưng được! Nhà khuôn nhận cấp dấu chất lượng sản phẩm và dập lô hàng này cho anh!
Bằng một phản xạ tự nhiên. Phùng dúm người lại như con cua trước con ếch:
– Xin ông cho biết, nếu dập, thì chi phí tất cả các khoản hết độ bao nhiêu?
– Cái đó còn tùy thuộc vào số lượng. Cũng một lần làm khuôn, nếu anh dập ít thì giá thành cao. Ngược lại, dập nhiều thì giá thành hạ…
– Bộ này của tôi gồm ba mươi cái. Nếu như dập một nghìn bộ…?
– Mười triệu!
Phùng giật thót người lắp bắp:
– Năm trăm bộ?
– Năm triệu sáu!
Phùng ngây mặt. Y đang phân vân có nên rút xuống nữa, hay chỉ rút xuống bốn trăm bộ, thì chừng như cũng đoán được sự tính toán của Phùng, Hùng Cường đã cắt ngang:
– Thế là ít lắm rồi đấy!
Phùng cố gặng:
– Mong ông thông cảm dập cho bốn trăm bộ. Tôi thiếu tiền…
Hùng Cường thản nhiên:
– Ở đây, chúng tôi không thể nhận với số lượng ít hơn…
Phùng thần mặt. Y đang cân bằng khả năng của y với số tiền mà y sẽ phải bỏ ra. Hùng Cường đã tiếp:
– Nếu anh đồng ý thì nộp tiền rồi làm hợp đồng. Không thì để khi khác. Chúng tôi rất ít thời giờ…
Phùng như bị thôi miên:
-Vâng, thôi thì nhờ ông giúp cho!
– Anh đồng ý chứ?
– Dạ!
– Năm trăm bộ?
– Vâng!- Phùng đáp như một cái máy!
oOo
Sau khi nhận đủ lô hàng năm trăm bộ nồi đất ở nhà khuôn Hùng Cường, Phùng ngỏ lời cảm ơn và lịch sự tặng lại nhà khuôn mấy bộ. Tiếp đến là những nhà khuôn khác, những quầy giới thiệu sản phẩm, mỗi nơi vài bộ. Đó là sự tế nhị trong phép xã giao để giới thiệu sản phẩm của mình với họ, và thông qua họ, giao lưu sản phẩm của mình giới thiệu với khách hàng. Cũng có nơi được biếu, trả tiền giới thiệu cho Phùng mấy bộ. Nhưng không giới thiệu và tìm cách ăn chặn để giới thiệu không mất tiền thì nhiều! Lại còn bạn thợ- thợ thật, thợ đểu, đủ các dạng, bát nháo, tạp pí lù! Rồi họ hàng thân quen, rồi anh em bạn bè, mỗi người một bộ. Tổng cộng hết hai trăm năm mươi bộ. Gửi bán vài nơi được một trăm năm mươi bộ. Còn một trăm bộ. Đến khi Hiệp hội nồi đất thành phố mời Phùng tham gia, thì những quan hệ mới trong các cuộc hội chợ, lại cho, lại tặng, lại biếu, số lượng một trăm bộ còn lại coi như là hết. Rốt cục, tính ra Phùng bị lỗ. Bỏ ra năm triệu sáu. Thu về được một triệu tư. Lỗ bốn triệu hai! Vậy mà vừa mới gặp Phùng, Hùng Cường đã bảo:
– Xin chúc mừng anh! Là những người thay mặt nhà khuôn cấp dấu chất lượng sản phẩm cho lô hàng của anh, ông chủ nhà khuôn và tôi rất phấn khởi.
Phùng ngạc nhiên:
– Có gì thế ạ?!
– Thứ nhất, được tin anh đã có chân trong Hiệp hội nồi đất của thành phố. Thứ hai, thấy những chiếc nồi đất của anh thỉnh thoảng xuất hiện trong một vài quầy giới thiệu sản phẩm. Như vậy, bây giờ không phải là năm trăm hay một nghìn, mà đã có đến năm nghìn người biết đến sản phẩm của anh…
Phùng rơi ngay vào tình trạng “tự kỷ ám thị” của những “đồng cô, bóng cậu” trước lúc lên đồng. Tất cả những so đo, tính toán trước đó- sự tác động, chi phối của hoàn cảnh thực tại – bây giờ đối với Phùng chỉ còn là “một cục vật chất” bé tí. Y buột miệng:
– Lần này tôi có một bộ, ba mươi hai cái…- Sau một phút ngập ngừng, y tiếp-… Xin ông một lời khuyên.
Hùng Cường gật gù:
– Theo kinh nghiệm của chúng tôi, dập dưới một nghìn bộ là lỗ, nghìn đến một nghìn hai trăm bộ là hoà. Trên số lượng đó mới bắt đầu có lãi. Nhưng…- Ông ta ngước lên nhìn Phùng-… lại còn phụ thuộc vấn đề là liệu anh có tiêu thụ được hay không?
Phùng chưa biết trả lời ra sao, vì điều đó đối với y quả thật là nan giải. Hùng Cường đã tiếp:
– Thôi! Trước mắt theo tôi, lần này anh dập lấy một nghìn bộ…
Phùng đã mất hết khả năng tự chủ:
-Vâng! Nhờ ông lo giúp!
Quả đúng như lời Hùng Cường nói, lô hàng một nghìn bộ nồi đất lần này, mặc dù lại cho, lại tặng, lại biếu (số lượng cũng chẳng kém gì lần trước) nhưng số còn lại đã “kéo” đủ cho Phùng hoà vốn.
Như ăn phải “bùa mê, thuốc lú”, Phùng ra nhà khuôn gặp Hùng Cường:
– Ông giúp tôi “lô” thứ ba. Lần này bốn mươi hai cái, số lượng một ngàn năm trăm bộ.
Xem xong hàng mẫu, Hùng Cường bớt lại bảy cái và khuyên Phùng dập lấy hai nghìn bộ. Ông ta động viên khích lệ Phùng và hứa sẽ môi giới nhờ tiêu thụ giúp.
Nhưng lần này, sau khi nhận số nồi đất từ nhà khuôn về được mấy tháng thì Phùng ngã bệnh. Y bị lao lực- kết quả của sự làm việc quá sức. Lần cuối cùng Phùng gặp Hùng Cường là lần, cực chẳng đã, Phùng gắng gượng ra để hỏi số tiền năm trăm bộ nồi đất Hùng Cường nhận bán hộ về lấy tiền mua thuốc. Nhưng ra đến nơi, Phùng thấy tất cả năm trăm bộ vẫn còn đánh đống ở góc phòng làm việc của Hùng Cường! Hình như cũng đọc được những suy nghĩ của Phùng, sau khi Phùng đứng dậy cáo từ ra về, tiễn Phùng ra cửa, Hùng Cường buông một câu:
– “Nghề chơi cũng lắm công phu…”
Sau chuyến đó trở về, Phùng quỵ hẳn. Y ho ra toàn máu tươi. Kém bồi dưỡng lại không có tiền thuốc thang. Phùng suy sụp nhanh chóng. Những phút cuối cùng trước khi hấp hối, Phùng chợt nhận ra những năm tháng đẹp nhất của đời y chính là những năm tháng y đi tìm kiểu, dáng, chất liệu cho những chiếc nồi đất của mình. Nhưng, để có được những chiếc nồi đất ấy…! Phùng mỉm cười chua chát với ý nghĩ: “May mà y còn là… một… thằng đàn ông!”
oOo
Sau khi Phùng mất, trong dân gian bỗng nhiên người ta truyền tụng về một đặc tính của những chiếc nồi đất của Phùng. Ấy là vào những đêm trời trong, trăng sáng, lấy một ít nước mưa giữa trời đổ vào nồi, “phơi” trên cao, ở những nơi trăng dãi. Sau đó chờ khi trăng lặn, lấy xuống dùng, ngoài xoa, trong uống, có thể chữa được chứng tâm thần hoảng loạn hoặc trì bế, hoặc hoang tưởng. Ngoài ra, nếu duy trì thường xuyên, đều đặn mỗi ngày một lần, nước đó còn có tác dụng bồi dưỡng khí chất, giúp phần nâng cao tuổi thọ. Vì thế, người ta đặt cho những chiếc nồi đất của Phùng cái tên là nồi “Tĩnh tâm”. Có một điều không ai ngờ và cũng thật là mỉa mai: Chính những chiếc nồi đất ấy đã làm Phùng khốn khổ, khốn nạn khi còn sống và là một trong những nguyên nhân rút ngắn cuộc sống của Phùng “Sinh ư nghệ, tử ư nghệ”, cho đến khi chết, Phùng vẫn không hề hay biết giá trị của những chiếc nồi đất của mình!
Nhân dịp này, những tay “chợ đen”, cả những kẻ đố kỵ và ghen ghét với Phùng khi Phùng còn sống, đua nhau giới thiệu và quảng cáo ầm ĩ những chiếc nồi đất của Phùng trên các quầy giới thiệu sản phẩm và trên thị trường. Nghe đâu, kiếm chác được cũng kha khá…!
Riêng Hùng Cường bất ngờ mở một phòng trưng bày những chiếc nồi đất của Phùng mà theo ông ta, đó là những chiếc nồi lúc sinh thời Phùng chưa công bố, làm thợ nồi đất và tất cả những ai quan tâm đến nồi đất đều phải sửng sốt. Khỏi phải nói, việc làm này đã nâng cao uy tín của ông ta trong giới hâm mộ nồi đất như thế nào! Chỉ có điều, đó chính là những chiếc nồi đất của Phùng mà trước đây ông ta đã loại ra, coi là phế thải…
oOo
… Trên mộ Phùng, bây giờ người ta thấy mấy dòng chữ được chạm, khắc trang trọng trên phiến đá xanh dựng làm mộ chí: “Nơi an nghỉ của một con người tài hoa mà bạc phận: Phùng- nghệ sĩ nồi đất!”.
Phùng Thành Chủng
Nguồn: Tác giả gửi