Trần Thị LaiHồng
Tình Yêu / Love, với 28 thứ tiếng [1]
Từ thuở hồng hoang cổ đại, loài người cũng như chim muông cầm thú, dùng mọi giác quan biểu lộ yêu thương. Tay chân cánh cẳng vòi vi vây ôm ấp bồng bế vuốt ve xoa bóp nâng niu tựa má kề vai quàng vai cầm tay xoa đầu vuốt tóc vuốt vai vuốt má vuốt đùi chà bóp nặn bọp cọ cưa dìu bước nhảy múa quấn quít sát cánh bay liệng quẫy lượn sóng đôi… Mắt đăm đắm tha thiết âu yếm, liếc tình, nheo nháy bắn tín hiệu … Mũi hôn hít tìm mùi hương kể cả mùi hôi riêng …Môi miệng răng lưỡi cũng tung chưởng cười tình cầu cạnh sát sàn sạt hôn liếm rà hít bú mớm nghiến cắn la hét rít rú reo rên rỉ rù rì thỏ thẻ thủ thỉ xuýt xoa hót nịnh ca hát tưng bừng rộn rã…
Đó là chưa kể cách tỏ tình làm đẹp tô điểm hoa hòe hoa sói xanh đỏ tím vàng phồng mang phồng má trợn mắt trương lông trương cánh trương vi trương vảy xòe đuôi chổng bờm ưỡn ngực diệu võ dương oai …
Tiến xa một bước vượt trội, ngoài cách thông thường như chim đá cá trừng gà địt vịt đ… , riêng loài người còn biểu lộ tình thương yêu thanh nhã hơn qua hình tượng, vẽ trên lá trên hoa, vỏ cây thân cây, gỗ, đá, nắn tượng khắc hình … để lại trên di tích cổ vật.
Và bước tiến vượt bực là chữ viết. Tượng thanh. Tượng hình. Viết thư làm thơ, viết kịch, truyện ngắn truyện dài…. Viết để diễn đạt ý tình.
Về TÌNH YÊU, biểu lộ luyến ái đầu đời là tình yêu Mẹ, yêu Cha.
Trẻ bập bẹ tiếng thương yêu đầu đời phải phát âm môi, bật môi ra âm m, mạ, mẹ, má, mama, mom …chưa phải âm b của bầm của bu của ba hay bố, d của đẻ của dad, daddy, p của papa, t của tía hay ch của cha … và hoàn toàn không thể “tiếng đầu đời con gọi Staline !!!!!” bởi âm trộn st (blendingsound)không thể là âm đầu đời của bất cứ trẻ thơ nào trên thế giới, chẳng hề là âm đầu đời của bé người Nga, và thực sự quá xa lạ, không hề hiện diện trong ngôn từ người lớn Việt, huống hồ là trẻ vừa bập bẹ tiếng mẹ !!!!!
Sau cha mẹ là ông bà, và rồi luyến ái anh chị em, bà con cật ruột, bạn bè thân thuộc. Tình yêu nam nữ đến chậm, nhưng lại gây ảnh hưởng đậm, có khi tạo hạnh phúc nhưng hầu hết thất vọng đau buồn, nên con người thở than bày tỏ tâm tình qua văn học nghệ thuật : chuyện kể, truyện ngắn truyện dài, thơ, nhạc, phim ảnh, điêu khắc, hội họa …
Tiến xa hơn có tình yêu dành cho tha nhân, cho xã hội, cho đồng loại, cho thiên nhiên, cho muông thú, cho tổ quốc, cho nhân loại.
Tình Yêu Trong Thi Ca Miền Nam 54-75
Trong phạm vi đề tài này, trong số cả triệu triệu bài thơ của ngàn ngàn nhà thơ, riêng tôi chỉ ghi lại phần nào một số những bài thơ ca ngợi tình yêu thuở ấu thời: tình yêu đầu, và sau đó, đặc biệt tình yêu dành cho tổ quốc, cho bằng hữu, cho thiên nhiên, cho nghệ thuật, cho nhân loại. Cố nhiên sư chọn lựa mỗi người đều chủ quan theo ý thích, không nhất thiết phải là những tác giả lừng danh hay những bài thơ từng nổi tiếng.
Rất nhiều thi sĩ trẻ không hề gửi thơ đăng báo, không quen biết nên chẳng được nâng đỡ, khuyến khích, giới thiệu. Nhưng họ vẫn làm thơ. Để trải lòng trên giấy, đặc biệt là những bài thơ tình. Tình đầu.
Xin giới thiệu hai bài trong tập thơ tình của một chàng trai 17, sinh tại Saigon năm 1954 sau khi gia đình di cư vào Nam, di tản sang Mỹ năm 1975, hiện cư ngụ tại Virginia. Những vần thơ trong sáng đơn giản, ghi lưu niệm gia đình, chưa hề xuất bản :
Em
nhỏ nhoi như một con kiến gió
Muốn nhìn em
tôi dùng kính hiển vi …
Em
nhỏ nhoi như là con dế trũi
Chui trong hang
Sâu lắm, làm sao tìm !
Dế không gáy
Biết nơi nao mà kiếm !
Em
nhỏ nhoi như chim trời trên biển
Cánh mong manh
Đêm biển vắng không người
Ước mơ em
về tổ ấm của anh thôi
Để từ đó
em không còn bé nhỏ …
(Bùi Sỹ Cảnh, Em Bé Hạt Tiêu)
Yêu em,
Tôi vẫn đợi chờ
Yêu em, tôi vẫn làm thơ mỗi ngày
Yêu em,
Từng phút từng giây
Yêu em, nên vẫn đắng cay một mình
Ghét em, cứ mãi lặng thinh
Ghét em để lỡ duyên tình đôi ta
Ghét em,
Ghét mới hôm qua
Ghét em,
Tôi đã thương mà chẳng hay
Yêu em cái tính làm nhây
Yêu em,
Yêu cả tính hay giận hờn
Yêu em,
nên mãi cô đơn
Yêu em trọn kiếp tôi còn vấn vương
Ghét em,
nhưng vẫn nhớ thương
Ghét em,
nhưng mỗi đêm trường vẫn mơ
Ghét em cái tính thờ ơ
Ghét em chẳng được, nên vờ không yêu
Ghét, yêu, yêu, ghét … đã nhiều
Tôi hong nhung nhớ mỗi chiều thu sang
Từ khi em bước sang ngang
Ghét hay yêu
Cũng đã mang ưu sầu
Hết rồi ! Mình đã xa nhau ….
(Bùi Sỹ Cảnh, Yêu và Ghét)
TÌNH YÊU / LOVE
Theo định của nghĩa Tự điển Roget’s, 21st Century Thesaurus do Đại học Princeton hiệu đính và ấn hành – mà cả Võ Đình và tôi rất ưa chuộng – phần concept 32, LOVE không đơn giản chỉ là tình yêu nam nữ, mà còn bao gồm cả trên 80 khái niệm. Tôi chỉ chọn affection/ cảm mến, amour/ yêu đương, appreciation/ cảm kích, attention/ ân cần, care/ chăm chút, charity/ nhân ái, consideration/ tôn kính, consolation/ an ủi, devotion/ tận tụy, fidelity/ trung tín, fondness/ luyến ái, gratitude/ biết ơn, passion/ đam mê, sentiment/ tình cảm, treasure/ kho báu.
Tôi thiên vị về quê hương Thừa Thiên, nên chủ quan tìm đọc thơ miền Trung. Mà con gái miền Trung, con gái Huế, nổi tiếng với ca dao Học trò trong Quảng ra thi/ thấy cô gái Huế chân đi không rời [2] thường được lên ngôi trong những bài thơ tỏ tình thật tha thiết thật chân thành. Bài thơ ai cũng biết là Qua Mấy Ngõ Hoa, có người nhận chính ông sáng tác lúc theo chân người viết thuở vừa vào tuổi teen chân chim lò cò, nhưng đâu đâu cũng ghi tác giả là Mường Mán. Và để xác nhận, Qua Mấy Ngõ Hoa lần đầu tiên xuất hiện lại là trên Tuần báo Tuổi Ngọc số 50 tại Saigon, đầu thập niên 1970, do Duyên Anh Vũ Mộng Long chủ trương :
Báo Tuổi Ngọc số 50, có bài Qua Mấy Ngõ Hoa [3]
Mường Mán sinh năm 1947 tại Làng Chuồn, tên tục của làng An Truyền, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên, còn biệt danh là Sao Khuê, Quỳ Lê, Ca Dao, Tiểu Kiều. Trước 75, ông là cựu phóng viên chiến trường miền Nam. Hiện còn ở Sàigòn. Ngoài thơ, Mường Mán còn viết rất nhiều truyện ngắn và hầu hết viết về Huế.
Qua Mấy Ngõ Hoa
Chim vỗ cánh nắng phai rồi đó
Về đi thôi O nớ, chiều rồi
Ngó làm chi mây trắng xa xôi
Mắt buồn quá chao ơi là tội
Tay nhớ ai mà tay bối rối
Áo thương ai mà lồng lộng đôi tà
Ðường về nhà qua mấy ngõ hoa
Ðừng có liếc mắt nhìn hoa bướm
Có chi mô mà chân luống cuống
Cứ tà tà ta bước song đôi
Ði một mình tim sẽ mồ côi
Tóc sẽ lệch đường ngôi không đẹp
Ðể tóc rối cần chi đến kẹp
Nắng sẽ chia nghìn sợi tơ huyền
Buộc hồn O vào những cánh chim
Bay lên đỉnh hồn anh ngủ đậu
Cứ mím môi rứa là rất xấu
O cười tươi duyên dáng vô cùng
Cho anh nhìn những hạt răng xinh
Anh sẽ đổi nghìn ngày thơ dại
Mi khẽ chớp nghĩa là sắp háy
Háy nguýt đi giận dỗi càng vui
Gót chân đưa gót mộng bồi hồi
Anh chợt thấy trần gian rất chật
Không ngó anh răng nhìn xuống đất
Ðất có chi đẹp đẽ mô nờ
Theo nhau từ hôm nớ hôm tê
Anh hỏi mãi răng O không nói?
Tình im lặng là tình cao vời vợi
Hay nói ra sợ dế giun cười
Sợ phố ghen đổ lá me rơi
Sợ chân bước sai hồi tim đập
Cứ khoan thai rồi ra cũng kịp
Vạn ngày xuân chờ đón chung quanh
Vạn buổi chiều anh vẫn lang thang
Vẫn theo O về giờ tan học
Từ bốn cửa đông tây nam bắc
Tới bốn mùa xuân hạ thu đông
Theo nhau về như sáo sang sông
Như chuồn chuồn có đôi có cặp
Chim chìa vôi chuyền cành múa hát
Trên hư không ve cưới mùa hè
O có nghe suốt dọc đường về
Sỏi đá gọi tên người yêu dấu?
Hoa tầm xuân tím hoang bờ dậu
Lòng anh buồn chi lạ rứa thê
Nón nghiêng vành nắng chết đê mê
Anh mê sảng theo chiều tắt chậm
Chiều đang rụng vì tình vừa ngấm
Hai hàng cây thương nhớ mặt trời
Chiều ni về O nhớ thương ai
Chiều ni về chắc anh nhuốm bịnh
Thuyền xuôi dòng ngẩn ngơ những bến
Anh như là phố đứng trong mưa
Anh như là quế nhớ trầm xưa
Sợ một mai O qua mất bóng
Một mai rồi tháng năm sẽ lớn
O nguôi quên những thoáng trời trong
O sẽ quên có một người mong
Một kẻ đứng dọc đời trông đợi
Còn nhớ chi ngôi trường con gái
Lớp học sầu, khung cửa, giờ chơi
Cặp sách quăng mô đó mất rồi
Vì O bận tay bồng tay bế…
Chuyện hôm nay sẽ thành chuyện kể
Những lúc chiều đem nắng sang sông
O bâng khuâng nhè nhẹ hỏi lòng
Mình nhớ ai mà buồn chi lạ ? !
Chim vỗ cánh nắng phai rồi đó
Về đi thôi O nớ chiều rồi
Ngó làm chi mấy trắng xa xôi
Mắt buồn quá chao ơi là tội ! …
Bài thơ Võ Đình yêu nhất của Mường Mán là một bài ít người biết hơn, in trong Đầu Gió, Tuyển tập Những Bài Thơ Thép, Văn nghệ Dân tộc xuất bản tại Saigon, 1973, tôi mang theo trong hành trang di tản trên tàu Hải quân Việt Nam Cộng hòa, tháng 4, 1975 [4]. Trong 9 khổ thơ, tình bằng hữu hào sảng khí khái Hồ Trường, mạnh hơn tình yêu vợ chồng:
Đêm Uống Rượu Một Mình Nhớ Bằng Hữu
1.- Trên đường trăng bỗng mỏi / đôi cánh vàng biệt tăm
Trong vùng thân thể gọi / máu ta cuồng trăm năm
Có không ngăn kẻ chết/ về gõ cửa đêm nay
Sao nghe lòng thê thiết/ cốc rượu vơi rồi đầy…
2.- Ngửa mặt về phương Đông/ nghe bụi mù biển Bắc
Đầu gối lên phương Tây/ nghe gươm giáo trùng vây
Ta bỗng buồn mấy thuở/ mà thanh xuân hao gầy
Có phải em là mây/ bay hoài cơn mộng dữ
Ta dập vùi cơn say/ cớ sao lòng chưa nguôi ?
3.- Đập vỡ mặt trời hồng/ đăng quang hy vọng mới
Soi gương ngắm lại đời/ thấy thịt xương biến đổi
Máu đỏ nhòa đất đen/ vẫn không đi trọn tuổi
Đoạn đường nào đến em/ vang lời ca đất hứa
Cánh cửa nào mở ra/ cho tình ta chan chứa
Hãy xích lại thật gần/ ngăn địa cầu tàn rữa
4.- Mùa Đông mưa xuống vai/ và chút hạnh phúc mọn
Hãy nối lại vòng tay/ cho tình mãi dài lâu
Hãy uống cạn đêm nay/ hết triệu ngàn vò rượu
Gọi gió nồm về đây/ ta vào chung cơn bão
Để rồi cùng ngất ngây
Để rồi ta ca hát/ quên bao hận thù này…
5.- Có phải em thường buồn/ những chiều mây quá tím
Có phải em thường nhớ/ những ngày vắng bóng chim
Giữa đất trời cô quạnh/ buồn thương rồi vô biên
6,- Tìm bỗng thấy hư không/ đêm nay reo mở hội
Lấp lánh vết sao băng/ cắn chặt răng tội lỗi
Hạnh phúc là một phút/ được gần kề bên nhau
Thì xin tan bóng tối/ môi mấp máy kinh cầu
Tháng ngày lăn dấu mỏi/ khi đời thôi còn nhau
7.- Góp lửa lại cùng đốt/ góp môi lại cùng cười
Đưa tay ra cùng nắm/ soãi chân dài cùng bơi
Chân trời xa thấp thoáng/ nắng dập dìu cơn vui
8.- Kề ngực lại cùng thở/ ghé lưng lại cùng nằm
Cất cao lời cùng hát/ chiếu chăn vùi tình thân
Rượu nồng lên men ấm/ cớ sao ta một mình !
9.- Trên đường trăng bỗng mỏi/ đôi cánh vàng biệt tăm
Trong vùng thân thể gọi/ máu ta cuồng trăm năm
Có phải em là mây/ bay hoài cơn mộng dữ
Ta dập vùi cơn say/ cớ sao lòng chưa nguôi ……
Một thi sĩ yểu mệnh của Huế là Trần Quang Long, sinh năm 1941, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, dạy học Quy Nhơn rồi Cần Thơ, bút hiệu Thảo Nguyên, Chánh Sử, Trần Hoàng Phong, Trần Hồng Triều,Cao Trần Vũ, chỉ sáng tác 56 bài thơ, 1 kịch thơ và 1 truyện ngắn. Chết trẻ vào tuổi 27, năm 1968. [5]
Cũng lẽo đẽo theo chân, Trần Quang Long có những vần thơ tha thiết quấn gót chân người đẹp thẹn thùng nghiêng nón, có thể thức mới lạ hơn Qua Mấy Ngõ Hoa của Mường Mán:
Nghiêng Nón
Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón
Chiều mùa thu mây che có nắng đâu
Nắng sẽ làm phai mái tóc xanh mầu
Sẽ làm khô làn môi em dịu ướt
Còn tia mắt anh…
Có…sao đâu mà em cúi đầu từ khước
Nếu nghiêng nón có nghĩa là từ khước
Sao mười ngón tay em bỗng cuống quýt đan nhau
Nửa vành má em bỗng thắm sắc hồng đào
Đôi chân bước anh nghe chừng sai nhịp
Gió níu tà áo em, bảo thầm “đi không kịp ,
Nhà không xa sao nàng bỗng nhanh chân ?”
Nếu nghiêng nón có nghĩa là từ khước
Sao loanh quanh em chẳng chọn đường gần ?
Em nghiêng nón để rồi về hối tiếc
Sao không đi êm như gió mùa thu
Cho chàng làm thơ, cho chàng ngẩn ngơ
Cho hoàng hôn buông trên sông thầm thì
Sao không đi thản nhiên như mình không tình ý
Cho tim chàng sẽ thắt, cho mắt chàng dâng cay
Cho đêm nay men hờn giận dâng đầy
Bên trang giấy chàng đề thơ tuyệt vọng
Mà thật ra mình đã có gì đâu
Sao thấy chàng làm má mình nóng bỏng
Em nghiêng nón khuất vào lối đầu lối rẽ
Tà áo em lưu luyến vẫy anh theo
Bước nhẹ nghe em
kẻo đọng vỡ tơ chiều
Kẻo hoàng hôn vai ngại ngùng dâng sắc tím
Anh vẫn là thư sinh đêm đêm ngào nghẹn
Nhưng em có còn là nàng tiên chưa một lần lưu luyến …
Đêm 5/8/1960
Cả hai bài thơ Qua Mấy Ngõ Hoa và Nghiêng Nón của hai thi sĩ miền Trung lẽo đẽo theo chân người đẹp gần gũi với Ngày Xưa Hoàng Thị của
Phạm Thiên Thư, một nhà thơ di cư từ Bắc vào Nam năm 1954.
Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh năm 1940 tại Lạc Viên Hải Phòng, 14 tuổi theo cha mẹ di cư vào Nam năm 1954, từng đi tu rồi hoàn tục, với quan niệm “tu theo cách riêng, tu để sống cuộc đời mình, nuôi dưỡng lối sống suy tư và trí tuệ mình”. Ông hiện sống tại Sàigòn.
Ngày Xưa Hoàng Thị sáng tác cũng khoảng thập niên 60, rất thanh thoát nhẹ nhàng, được Phạm Duy phổ nhạc và thăng hoa lên ngôi, mở đầu một cao trào thơ phổ nhạc tại miền Nam:
Ngày xưa Hoàng thị
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài …
Anh đi theo hoài
Gót giày thầm lặng
Đường chiều úa nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng
Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh tìm theo Ngọ
Dáng lau lách buồn
Tay nụ hoa thuôn
Vương bờ tóc suối
Tìm lời mở nói
Lòng sao ngập ngừng
Lòng sao rưng rưng
Như trời mây ngợp…
Hôm sau vào lớp
Nhìn em ngại ngần
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuốn vở
Thương ơi! Vạn thuở
Biết nói chi nguôi
Em mỉm môi cười
Anh mang nỗi nhớ
Hè sang phượng nở
Rồi chẳng gặp nhau…
Ơi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng hòa mau…
Tưởng đã phai màu
Đường chiều hoa cỏ
Mười năm rồi, Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng dáng đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu
Chân theo tìm nhau
Còn là vang vọng
Đời như biển động
Xóa dấu ngày qua
Tay ngắt chùm hoa
Mà thương mà nhớ …
Phố ơi! Muôn thuở
Giữ vết chân tình
Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ
Dáng ai nho nhỏ
Trong cõi xa vời.
Tình ơi!… Tình ơi!…
Như trên đã nói, bài Ngày Xưa Hoàng Thị được Phạm Duy phổ nhạc và mở đầu cho một cao trào thơ nhạc phong phú lên ngôi phối ngẫu nghệ thuật tại miền Nam, từ trước 1975 [6]. Sau đó Phạm Duy phổ nhạc một loạt thơ Nguyễn Tất Nhiên như bài Khúc Tình Buồn với tựa đề Thà Như Giọt Mưa ghi thêm tên người tên Duyên, Cô Bắc Kỳ Nho nhỏ, Em Hiền Như Ma Soeur … và vô số những bài thơ các thi sĩ khác.
Khúc Tình Buồn
1
Người từ trăm năm/về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
Người từ trăm năm
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân
nào hay đời cạn
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
Người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ
(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)
2
Thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vồi vội
trên ngọn lông măng
(người từ trăm năm
vì ta phải khổ,
(Nguyễn Tất Nhiên, Khúc Tình Buồn, 1970)
Trong số nhạc phổ thơ của Phạm Duy, đặc biệt Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định. Không ai từng sống tại miền Nam Việt Nam lại không biết bài ca nổi tiếng này:
… Phố núi cao
phố núi đầy sương
phố núi cây xanh, trời thấp thật buồn
Anh khách lạ, đi lên đi xuống
may mà có em, đời còn dễ thương …
…Em Pleiku, má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều, quanh năm mùa Đông
nên mắt em ướt, nên tóc em ướt
nên em mềm như mây chiều trong …
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên …
Vũ hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh năm 1942 tại Huế nhưng sống tại Đà Nẵng. Trước 75 là cán bộ Xây dựng Nông thôn miến Nam. Cũng mệnh yểu, mất năm 1981, mới 39 tuổi đời. Thơ đăng trên hầu hết các báo Saigon nhưng chỉ in thành sách về sau này, do bạn hữu sưu tập xuất bản sau khi thi sĩ qua đời: Còn Một Chút Gì Để Nhớ (gồm 41 bài, nxb Trẻ, Saigon, 1996); Thơ Vũ Hữu Định tập 1, Thư Ấn Quán Hoa Kỳ, 2006; Thơ Vũ Hữu Định toàn tập, Thư Ấn Quán Hoa Kỳ, 2007; Thơ Vũ Hữu Định tái bản bổ sung, gồm 123 bài, Thư Ấn Quán Hoa Kỳ, 2010 [7]
Người thơ xa quê Huế vẫn ôm tình yêu Huế, và Huế cũng như Pleiku, rất mềm không những như mây mà là lụa:
gió ướt còn bay giữa tháng giêng
phố Huế còn mây áo lụa ai mềm
mưa khói còn xanh một trời thôn Vỹ
“Huế trong lòng một người yêu em”
Huế của ngày em bên tóc xanh
con đường phượng đỏ nắng long lanh
Áo em là lụa hay em lụa
mềm cỏ đường đi dưới cổ thành
Huế của em bởi Huế của em
Con đò Thừa Phủ gái Kim Luông
Tóc sa xuống nước tay vin nón
“có một lời thơ thuở thịnh Đường”
Huế của đêm nằm đợi tiếng chuông
chuông chùa Thiên Mụ bay trong sương
tháng tư vườn nhãn thơm hương tóc
nhắm mắt mà nghe trăm nhớ thương
ba năm xa Huế anh còn nhớ
bây chừ về thăm em ở mô?
ngồi lại bên hồ xưa có bạn
“Sen khô hồ cạn” có ai chờ ?
(Chốn Cũ, Thơ Vũ Hữu Định toàn tập)
Xa thì nhớ, và tìm về. Tình yêu Vũ Hữu Định không riêng chỉ nam nữ.
Em là em, mà em cũng là Huế, bởi Em là quê hương:
Dù không em hò hẹn ta vẫn về
xe qua cầu An Cựu
nhìn con sông huyền thoại nắng đục mưa trong
trải rộng lòng mấy con đường cũ
ngày có em đi lại bao lần
Dù không em hò hẹn ta vẫn về
để gặp mặt con đường Bến Ngự
chiều qua Nam giao gió hồn cảnh cũ
bước về Phủ Cam một nỗi lòng đau
ta một mình ngồi lại Bến Văn Lâu
thả ý xuôi dòng Hương về Bạch Hổ
Em là Huế
một con đường có nhớ
một khoảng vườn xanh còn đọng bóng tình
chiều vô Đại Nội
ta tìm em giữa hai hàng lá tối
ngồi bơ vơ đếm cấp thâm cung
Em, hoàng thành xưa – Em, vườn Ngự Uyển
nắng rũ lao xao về giữa tịch nhiên
Dù không em hò hẹn ta vẫn về
để gặp những ngày trí nhớ
thời gian không làm bỡ ngỡ
ta ngồi ôm tùnh cũ khắc trên cây
tìm cọng cỏ em mgắt lần ta gọi
Dù không em hò hẹn ta vẫn phải về
Qua mấy đỉnh đèo
tâm sự nhiêu khê
xe vun vút
mà lòng ta bước chậm
trí nhớ đưa ta về con đường lá ấm
có trái mù u lăn lóc dưới chân
có gió mùa Thu thổi tóc
có lời nói phải nghe bằng mắt
ôi những ngày xưa còn với vô cùng
ta đang bước trong đời em của Huế
dừng lại soi gương nhớ mặt trên cầu
Ta đã về – Em có gọi ta đâu
nước vẫn chảy như nỗi sầu, em ạ !
(Về Với Huế, Thơ Vũ Hữu Định Toàn Tập)
Một thi sĩ khác cũng quê Thừa Thiên với cái tên nói lên gốc gác các mệ: Vĩnh Liêm. Sinh năm 1944 tại miền Tây Nam Việt, có thơ đăng trên nhiều báo chí Saigon thập niên 60-70, có nhiều tập thơ và truyện, kể cả tiếng Việt lẫn tiéng Anh, hiện cư ngụ tại tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, và có báo điện tử bắng hai thứ tiếng. [8]
Vĩnh Liêm đã xuất bản Thơ Vĩnh Liêm tại Saigon, 1974. Có 1 tập thơ và 2 tập truyện ngắn chưa xuất bản thì bị Cộng sản thiêu hủy. Sang Mỹ, ông in Tỵ Nạn Trường Ca 1 và 2, Bi Ca Người Vươt Biển, 1980; Gã Tỵ Nạn, 1986;
Vô Thủy Vô Chung, 2006, và Bi Ca Người Vượt Biển 2, 2008, bằng cả Anh lẫn Việt.
Tôi thích bài thơ tình của Vĩnh Liêm đem yêu thương vào miền Nam với tâm tình đậm đặc hình ảnh quê hương:
Đăng quang cho Bình Dương
Khi tôi đến với em
nụ cười dịu hiền trên môi
bước chân tôi thong thả
dạo trong vườn tình ái thơm tho
Em dấu nụ cười dưới ánh mặt trời
Mùa mưa nào chợt tới
tôi choàng khăn thắm làm cờ
tặng em tuổi thanh xuân đắc thắng
Khi tôi đến với em
mẹ hiền bó gối với hai dòng lệ chảy dài không dứt
đàn bò trố mắt nhìn bụi mù
em thì cúi mặt
Tôi lang thang trong vườn tình ái
gài bẫy chim khuyên xin tiếng hót ngợi khen
tiếng nói con người mất dần uy lực
tôi giật mình tìm kiếm niềm tin
Khi tôi đến với em
Mẹ Việt Nam sẹo đầy thi thể
bom đạn cày bừa thành thửa ruộng hoang
em ca hoài bài hương ca vô tận
ngày tháng đong đầy số kiếp lang thang…
Tên tuổi em đi vào lịch sử
bọn phi nhân lập chiến khu Đ
trên xác thân em ngà ngọc
– tình thương dân tộc hãy tìm về !
Khi tôi đến với em
tương lai vừa mọc nhánh
tuổi cây khô cũng sắp trở mình
hy vọng nào mở ngỏ
đón nhận ánh bình minh
Em bắt đầu làm duyên tuổi muộn
Ấp Mới mừng em tặng phẩm bình an
dân ấp không còn chạy giặc
dù nghèo vẫn sống an nhàn…
Khi tôi đến với em
lần cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp
vòng tay hạnh phúc đón tiếp nồng nàn
Tôi nhìn em mãn nguyện
hãnh diện vô ngần !
Em, với nụ cười hứa hẹn
với mùa Xuân khoe sắc trong hồn
Hẹn ngày mai giã từ cuộc chiến
tôi xin về làm … “chú rể Bình dương”
(Vĩnh Liêm, Đăng quang cho Bình Dương, Đầu Gió, tuyển tập những bài thơ thép, nxb Văn Nghệ Dân tộc, 1973, ấn hành để tặng các chiến sĩ VNCH)
Tình yêu dành cho quê hương đất nước không ai không mang trong lòng, nhất là những người lính chiến, bên cạnh những thường tình nam nữ.
Tranh Vũ Thái Hòa : Chanson d’Amour/ Tình khúc [9]
Bài thơ dưới đây của Vũ Thái Hòa tặng các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa bảo vệ sông Vàm Cỏ, cũng đăng trong Tuyển tập Đầu Gió tôi mang theo lúc di tản trên tàu Hải quân tháng Tư, 1975. Vũ Thái Hòa gốc Nam Định, viết nhạc, vẽ tranh, làm thơ … hiện cư ngụ tại Troyes, Pháp.
Bài Tình Cho Sông Vàm Cỏ
Ối! Sung sướng!
Ôi sung sướng !
những buồn tủi đã tan biến
những muộn phiền cũng chằng còn
khi ta dã yêu nàng
Vàm Cỏ ơi! Vàm Cỏ ơi!
Và ta cũng biết
nàng đã yêu ta
Vàm Cỏ ơi! Vàm Cỏ ơi!
Không còn gì đẹp bằng
khi nàng ôm ta trong lòng
thì thầm tình tứ
– Em yêu anh!
Không còn gì sung sướng bằng
nàng cho ta tận hưởng
những ngon ngọt – những đê mê
trên da thịt nàng…
Vàm Cỏ ơi! Vàm Cỏ ơi!
– Anh yêu em!
Vàm Cỏ ơi!
Anh yêu em
Anh hy sinh cho em tất cả
Dù anh phải gục ngã
Vì em là của anh
Vàm Cỏ ơi!
Vàm Cỏ ơi!
Chìm đắm trong thơ văn ướt át, tưởng cũng nên chuyển trí sang toán học khô khan, để thay đổi không khí, như trong những chương trình đại nhạc hội cần chen hài kịch.
Mời quý bạn đọc góp phần tìm hiểu về một phương trình TÌNH YÊU.
Cardioid (đường hình tim)
Phương trình trong hệ tọa độ Descarte:
(x2 + y2 – 2ax)2 = 4a2(x2 + y2)
Trong tọa độ cực:
r = 2a(1 + cos(theta))
Đường cardioid, được đặt tên bởi de Castillon trong bài báo có tên Philosophical Transactions of the Royal Society, 1741. Đường này sẽ được vẽ khi quay một điểm nằm trên một đường tròn tiếp xúc ngoài một đường tròn khác cùng bán kính, và chỉ có một đỉnh nhọn [10].
Trần thị LaiHồng
Hoa bang, tháng 9, 2012
Nguồn: Tác giả gửi bài và tranh
Chú thích và trích dẫn:
[1] 28 từ ngữ Tình Yêu, www.lovelovemedo.com
[2] Ca dao miền Trung, Võ Đình ghi dưới tranh croquis vẽ Cô Gái Huế, 1948
[3] Bìa báo Tuổi Ngọc
[4]Đầu Gió, Tuyển tập Những Bài Thơ Thép, Văn nghệ Dân tộc, Nha Chiến tranh Tâm lý VNCH xuất bản, Saigon, 1973
[5]Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, tập I, Thư Ấn quán xuất bản, Hoa Kỳ, 2009. Tập 2, 2010
[6]Nghiêng Nón của Trần Quang Long, www.chutluulai.net
[7]Vũ Hữu Định toàn tập (tái bản và bổ sung), Thư Ấn quán Hoa Kỳ, 2010
[8]Vĩnh Liêm blog www.vinhliem.tripod.com/
[9] Tranh Chanson d’Amour của Vũ Thái Hòa, http://arts-vuthaihoa.blogspot.com/2009/09/18-peinture-d-art-par-vu-thai-hoa-tranh.html
[10]Philosophical Transactions of the Royal Society A, 1741