Trần thị LaiHồng
Cũng phương tiện nương thân đất lành, cũng vui thú tình quê, cũng lên núi cao ngộ lẽ vô thường, nhưng mỗi người thấy một cứu cánh, kẻ với tiếng cười, người với tiếng hú. Hai bài thơ/kệ đọc vào Xuân Con Rắn liên quan nhau như đan kết mà thực sự khác biệt.
Ngôn Hoài / Dược Sơn Ca
Tuyển đắc u cư hiệp dã tình
Chung niên vô tống diệc vô nghinh
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
nguyệt hạ phi vân tiếu nhất thanh
(Học sĩ Lý Cao 772-841)
Chọn chỗ đáng nương đất rắn rồng
Tình quê năm tháng mãi vui rong
Có khi lên thẳng đầu non quạnh
Dưới trăng mây đuổi vỡ cười vang
(Trần thị LaiHồng chuyển ngữ)
Ngôn Hoài thi kệ
Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình cung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
(Thiền sư Không Lộ ? – 1119)
Đất nương rồng rắn là nhà
Ngày ngày vui thú đậm đà tình quê
Khi lên đỉnh gió bốn bề
hú dài một tiếng lạnh về hư không
(Trần thị LaiHồng chuyển ngữ)
Lý Cao (772-841) là một học giả, triết gia, từng làm quan và là đệ tử tại gia của Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm (745-828) đời Đường bên Tàu. Thiền sư Duy Nghiễm sau 20 năm xuất gia tuyển đắc u cư, tức là tìm nơi tịch mịch xa lánh việc đời không đón không đưa không bầu chẳng bạn, tìm niềm vui tiêu dao ẩn dật, không giao tiếp với đời. Một hôm lên núi Thạch Đầu thiền hành, Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiêm hốt nhiên thấy mây bay hiển lộ vầng trăng, bỗng ngộ lẽ vô thường nên sảng khoái cả cười vang vang núi đồi vọng về lan động cả mười dặm dài … Trước sự sảng khoái đó, Lý Cao viết bài Dược Sơn ca mừng khen tặng.
Ba trăm năm sau – tam bách dư niên hậu – cũng cùng tâm trạng, nhưng có khác về cảm nhận, Thiền sư Không Lộ ( ? – 1119) dưới đời nhà Lý của Đại Việt, từ độ chưa đến tuổi hai mươi đã chọn đường Vô Ngôn Thiền, do ngoại duyên, trạch đắc tự nhiên đến nơi thiên nhiên đất tốt cư ngụ nhưng không ở ẩn mà nhập thế giúp đời, được Vua Lý phong làm Quốc sư. Trong hành trình tìm về bản lai diện mục, Thiền sư Không Lộ có cơ duyên lên đỉnh cô phong non cao bốn bề gió lộng.
Đỉnh cô phong là đỉnh cao trí huệ của người tu hành, thể hiện nội tâm khát vọng khám phá, sáng tạo đường lối sống giữa cuộc đời: con đường nhập thế, con đường của cư trần lạc đạo.
Thiền sư hốt nhiên trực ngộ Phật tính – minh tâm kiến tính – thấy rõ bản tâm trí huệ đạt được cứu cánh, cực kỳ sảng khoái cất tiếng hú dài lồng lộng rung động rợn lạnh thức tỉnh cả thinh không …
Đó là tiếng hú đầy uy dũng, tiếng sư tử hống, tiếng reo mừng siêu thoát của Tuệ Giác. Tiếng hú phá chấp vì ngộ đạt tự do, tìm thấy bản lai diện mục, giải phóng bản thể để nhập thế, hội nhập với thiên nhiên, với đời và đạo, trong vạn vật nhất thể.
Trần thị LaiHồng
Hoa bang Xuân Con Rắn Quý, 17 tháng 2, 2013
Nguồn: Tác giả gửi
Tài liệu tham khảo:
– Kinh Pháp Bảo Đàn Giảng Giải, Hòa thương Thích Thanh Từ
– Lục tổ Đan kinh, Hòa thượng Thích Tuyên Hóa lược giảng
– Lĩnh nam Chích Quái, Trần Thế Pháp
– vanhoaphatgiao.com.vn