Trịnh Công Sơn – Bài ca dài cho thân phận con người

Posted: 30/03/2015 in Tùy Bút / Tản Văn / Ký Sự, Đặng Châu Long
Thẻ:

Đặng Châu Long

trinh_cong_son
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001)

Giòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn có số phận thật trớ trêu. Nó như một vòng nguyệt quế vinh quang và đầy gai sắc nhọn. Cả hai miền, trừ người dân, đều không muốn nói tới những bài hát này. Từ quyển Ca khúc Da Vàng khai mào một giòng nhạc nóng bỏng thiêu cháy con tim những thanh niên trong lòng cuộc chiến, đến quyển Kinh Việt Nam đã là một bước chuyển dài. Từ một khát khao bình yên được khơi dậy tháng 5 năm 1968, con tim mọi người miền Nam đã theo dõi từng bước chuyển biến của hội nghị Paris với lòng chờ đợi một viễn cảnh hòa bình.

Cuối năm 1968, Trịnh Công Sơn ra đời quyển Kinh Việt Nam, không lâu sau, nhóm Luân Hoán, Lê Vĩnh Thọ và Phạm Thế Mỹ ra mắt tập thơ nhạc Hòa bình ơi hãy đến, chưa kể đến những nhạc sĩ mọi nơi cũng góp tiếng hân hoan của mình cùng tia sáng yếu ớt của bình minh chưa ló dạng.

Phận số của quyển nhạc Kinh Việt Nam không suôn sẻ như quyển Ca khúc da vàng. Sự ra mắt dù vẫn được đón tiếp trọng hậu, nhưng cách phổ biến vẫn còn hạn hẹp bởi cuộc sống mọi nơi đang còn chưa ổn định sau trận hồng thủy tết Mậu Thân, một cơn kinh hoàng máu lửa trải đều cho cả nông thôn và thành thị.

Cầm quyển Kinh Việt Nam trên tay, chúng tôi đã bồi hồi xúc động. Không như những gì nhiều người nghĩ và biết đến những bài ca trong tập này như: Dân ta vẫn sống, Dựng lại nhà dựng lại người, Sao mắt mẹ chưa vui, Hành ca, Đồng dao hòa bình, Ta thấy gì đêm nay… Tập nhạc này có chia thành 2 phần. Phần thứ nhất là Phụ khúc da vàng. Chỉ với 2 bài Hát trên những xác người và Bài ca dành cho những xác người. Phần thứ hai có tên là Kinh Hòa Bình gồm những bài vẽ ra viễn ảnh ngày vui đất nước, trong niềm vui nghẹn trào hân hoan có đọng quá nhiều nỗi niềm còn sót lại

Bao nhiêu năm chờ đã héo hon
Bàn chân hôm nay mạnh bước
Tôi lên đường với anh
Ta đi xây lại ruộng vườn
Mặt trời nào rực sáng trong con tim
Hoà bình nào vừa bay về trong gió lớn
Rừng núi ơi ta đi dựng lại con đường Việt Nam

(Dân ta vẫn sống)

Kinh Việt Nam vẫn như một tên chung cho những bài kinh khổ từ thân phận, từ khổ đau và ngay cả nỗi niềm hân hoan về một hòa bình mờ ảo cuối chân mây. Bây giờ tôi không nghe ai nhắc đến sự sắp đặt này. Hai bài phụ khúc đầy ấn tượng mùa xuân lửa đỏ dường như có số phận riêng, những bi thảm cực cùng trong chiến tranh không còn dễ phơi bày.

Chúng tôi đã hát tất cả những bài trong phần Kinh Hòa Bình giữa ánh lửa bập bùng trong đêm họp bạn Thanh Niên Hồng Thập Tự toàn quốc tổ chức tại Đồi Lasan Nhatrang giữa năm 1969. các đoàn khác trong nước nghe và cho biết đây là lần đầu tiên nghe hết các bản nhạc của quyển nhạc này. Những bài hát nghe ra nỗi chờ của bài Chờ nhìn quê hương sáng chói, bài Ngày mai đây bình yên, đến niềm vui dựng lại quê hương:

Ta cùng lên đường
Đi xây lại tình thương
Lòng mẹ ta xưa kia bao la như Thái Bình Dương
Những đứa con là sông
Mừng hôm nay xoá hết căm hờn
Mượn phù sa đắp trên điêu tàn
Lòng nhân ái lên nụ hồng.

(Dựng lại nhà, dựng lại người)

Tìm lại đôi tay cho mẹ về thăm lúa
Họp chợ đêm nay chi chị gánh em gồng
Tìm lại con đê cho một bầy em bé
Tìm làng tre xanh cho làng mạc miền quê
Tìm lại thanh xuân cho chị hồng đôi má
Tìm lại đôi vai em về gánh xuân nồng
Tìm lại thơ ngây cho một bầy em bé
Tìm lại đôi chân cho người lính trở về

(Đôi mắt nào mở ra)

Bài hát khác lại nghe ra nỗi ngậm ngùi:

Ðêm nay hòa bình tôi muốn nghe
Lời nói âm u trên đường về của mẹ
Ðiệu hát hoang vu trên phố sáng của anh
Giọng cười em thơ âm thầm từ thềm vắng
Chị hát nghẹn ngào bên nôi ấm của con

Ðêm nay hòa bình tôi muốn đi
Tìm thấy em thơ trong nụ cười của chị
Tìm thấy me xưa trên môi nín của cha
Tìm gặp tên anh trong tình người vợ góa
Tìm thấy bạn bè trong nỗi nhớ của ta

(Sao mắt mẹ chưa vui)

Cùng sự rộn ràng hòa vui:

Ta đã thấy gì trong đêm nay
Cờ bay trăm ngọn cờ bay
Đường phố hôm nay sáng rực đèn
Sáng rực đèn trong làng trong xóm
Người đi như nước qua đê
Mặt đất ưu tư đã mở nụ cười
Hàng cây xanh thay áo mới
Người bước bước nhanh như rừng đi tới

(Ta thấy gì đêm nay)

Hai mươi năm hận thù đã qua
Hôm nay thấy mặt người đổi mới
Ta yêu trời ta yêu ta ta yêu em
Ta yêu nắng hòa bình vừa đến
Hai mươi năm hận thù đã qua
Hôm nay thấy từng giòng nước mắt
Trôi êm đềm trong tim cha trong tim em
Trong tim bé hiền hòa

(Đồng dao hòa bình)

Trong lời mở của tập bài hát, Trịnh Công Sơn viết: “Kinh Việt Nam là những tiếng kêu thương thống thiết, khởi từ một thực trạng máu xương. Kinh Việt Nam cũng là lòng mơ ước về một rạng đông cho đêm tối dài lâu nầy..” Những lời đầu tiên này đã gom tất cả những bài hát viết về quê hương thân phận và hoài bão của người dân thời chiến vào chung một lời kinh, Kinh Việt Nam dù trong quyển này tiếng kêu thương thống thiết đó chỉ có hai bài: Hát trên những xác ngườiBài ca dành cho những xác người

Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh
Chị vỗ tay hoan hô hòa bình
Người vỗ tay cho thêm thù hận
Người vỗ tay xa dần ăn năn
.
(Hát trên những xác người)

Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai

(Bài ca dành cho những xác người)

Từ những bài ca đầu tiên như tuyên ngôn phản kháng chiến tranh, Ca khúc Da vàng mãi là những bài ca mộc mạc nhất của thân phận quê hương, lúc con mắt người nhạc sĩ thấm đẫm nỗi đau thương của những người quanh mình. Đỉnh cao là hai bài ca khai mào cho quyển Kinh Việt Nam.

Khi ca khúc Phụ khúc da vàng ra đời, dù vẫn là những hình ảnh của một chứng nhân, nhưng đã gợn chút chua chát, ngán ngẫm sau khi tận mắt chứng kiến tang thương từng ngày qua trên chính miền đất chôn nhau cắt rún của mình. Trịnh Công Sơn đã chua chát viết sau thất vọng cay đắng về niềm tin trót gởi gắm vào Kinh Hòa Bình: “Tôi không còn muốn nhắc nhở đến lòng nhân đạo và lương tâm con người. Những tiếng đó chỉ còn gợi lên cho những kẻ khốn cùng nơi đây hình ảnh của tên lang băm và phu đám tang.”

Xác ta xác thù hôm nay
Rất nhiều trong hầm hố sâu
Xác ta xác thù hôm nay rất nhiều hôm nay
Rất nhiều trên từng lộ máu
Đừng buồn chi em ta như hạt bụi u sầu
Đừng làm me khóc mắt phai mầu

(Xác ta xác thù)

Trong gió bay đi tôi nghe mùa hạ về
Mùa thu chưa đến tôi nghe mùa hạ đi
Ôi những mùa mưa mùa nắng mùa rất lạ
Mùa này tôi thấy bao nhiêu áo quan về
Ngày tựa chiêm bao đêm khuya mộng mị
Ðường mòn buốt dấu hằng vạn chân đi
Mẹ già con thơ giọng người kêu la
Bờ cỏ ngu ngơ đêm khuya giật mình
Trời nồng khói súng đường mìn lô nhô
Ðoàn người đi xa qua xương thịt đỏ
Ruộng vườn nhớ quá bao nhiêu cửa nhà

(Mùa áo quan)

Hành trình Trịnh Công Sơn còn dài, còn hai tập Ta phải thấy mặt trờiNhân danh Việt Nam, nhưng nhiệt tình nóng bỏng đầu tiên đã thành nỗi ngao ngán chán chường, ca từ của bài “Nhân danh Việt nam” đã cho thấy điều đó. Một bài ca khô khốc như một cụm xương rồng đơn độc giữa miền đất lửa

Nhân danh Hòa Bình ta chống chiến tranh
Nhân danh cơm áo ta chống chiến tranh
Nhân danh xương máu ta quyết đòi Hòa Bình
Nhân danh Việt Nam ta chống chiến tranh

Nhân danh phú cường ta chống chiến tranh
Nhân danh đổ nát ta chống chiến tranh
Nhân danh mơ ước ta quyết đòi Hòa Bình
Nhân danh tình thương ta chống chiến tranh

Nhân danh Hòa Bình ta chống chiến tranh
Nhân danh cơm áo ta chống chiến tranh
Nhân danh xương máu ta quyết đòi Hòa Bình
Nhân danh Việt Nam ta chống chiến tranh

Nhân danh phú cường ta chống chiến tranh
Nhân danh đổ nát ta chống chiến tranh
Nhân danh mơ ước ta quyết đòi Hòa Bình
Nhân danh tình thương ta chống chiến tranh

(Nhân danh Việt nam)

Và tôi đã hiểu tại sao tập ca khúc Kinh Việt Nam sau này không còn chia hai phần như lần in đầu tiên, nó mất đi 2 bài ca đầu tiên viết về xác người. Bởi năm 1969, khi Nhân Bản tái bản Ca khúc Da vàng, đã gom 2 bài ca này vào đây.

Chưa có nhạc sĩ  nào ngoài Trịnh Công Sơn tạo được sức sống mãnh liệt cho giòng nhạc này đối với cộng đồng dù vẫn còn quá nhiều bàn cãi, vẫn còn những bài viết phê phán, nhưng với tôi, Trịnh Công Sơn đã làm hết sức mình rồi trong vai trò chứng nhân giữa hai làn đạn. Hãy để âm nhạc bộc lộ nỗi niềm và để sự lắng lòng chắt lọc nỗi niềm tan tác giữa khắc bạc chiến chinh.

Một người bạn, nhạc sĩ Trần Xuân Túc đã viết một câu mà mãi đến nay tôi vẫn ngậm ngùi “Dù hòa bình chỉ một chữ ký, mà ngàn năm, ngàn năm lạc loài” Trịnh Công Sơn đã thôi mơ từ khi hết chiến chinh.

Đặng Châu Long
29-03-2015
Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.