Hà Khánh Quân
Yêu, được yêu là tuyệt đỉnh của hạnh phúc.
Thất tình là nét đẹp tuyệt vời của tình yêu.
Mỗi đời người, có thể, ai cũng được chiêm ngưỡng nét đẹp này của chính mình.
Thất tình trở thành nguồn chất liệu sinh động của thi ca.
Tôi lẩm cẩm muốn làm thơ thất tình mà không thành. Khó, không khó. Dễ không dễ. Tất cả tùy thuộc vào tính trung trực của tình yêu. Tiếng nói của trái tim vốn khó nghe, càng khó nghe hơn khi phải lặp lại.
Với những người làm thơ, tôi nghĩ, họ được thất tình hơn là bị thất tình. Từ đầu thập niên 70, năm tôi 29 tuổi, tôi đã nhận ra chuyện thất tình quả là không dễ dàng. Không yêu, không được yêu lấy gì để thất tình ?
Vì cũng bày đặt làm thơ, tôi tưởng tượng, hư cấu đủ thứ chuyện, vay những hình ảnh chung chung qua các đời tình thi nhân, mượn cả điển tích xa xưa. Và sau hết, tôi thử “Tập Làm Gã Thất Tình” (…áo vắt vai | tóc không buồn chải | tôi tập tôi | làm gã thất tình… RHĐR), để cuối cùng đành thú thực ” thôi, tôi chỉ đùa tôi đấy chứ | tập thất tình chứ đâu được thất tình”.
Thất tình là chuyện khó, nhưng kho tàng thơ tình Việt Nam, thất tình luôn tồn tại và phát triển qua mọi thời đại. Thơ tình yêu nam nữ, nếu không viết về chuyện thất tình, sẽ mất đi hơn nửa thi vị. Thất tình cũng giúp nhà thơ tạo nên đẳng cấp trong thơ tình; một số trường hợp đưa đến thuận lợi yêu đương trong đời thường.
Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân đã vô cùng hạnh phúc được yêu và yêu. Đồng thời chị cũng tỏa sáng trong thi ca qua những điệp khúc thất tình vô tận.
Chào đón bạn đọc đến thăm thi phẩm thứ hai của mình, Đừng Trôi Nữa Tình Yêu Mang Phận Cỏ, Đinh Thị Thu Vân mở lòng trong nhịp điệu lục bát chân truyền:
gối đầu lên chân em đi
khép ngoan anh nhé rèm mi lặng buồn
em lần khuy áo mà thương
sâu trong lồng ngực anh dường như đau…
gánh nơi sợi tóc phai màu
bao nhiêu bạc bẽo và bao phũ phàng?
nghiêng lòng gởi chiếc hôn sang
bao nhiêu ấm đủ xua tan rã rời?
hôn ru…mà mắt cay rồi
bao nhiêu năm vắng lạc loài phận nhau
muộn màng…mai dẫu về đâu
cũng xin còn phút ngả đầu mênh mang…
là dăm ba phút lỡ làng
em ru anh, để ru oan đời mình!
(Ru Oan – Đừng Trôi Nữa Tình Yêu Mang Phận Cỏ – trang 7)
Thiết tha, hiện thực trong tình yêu là điểm thứ nhất, nhà thơ bày tỏ lòng mình như trình diện một nhân cách. Lời mời gọi trực tiếp, đã rất khác với một Thúy Kiều của cụ Tiên Điền, nhưng thật hơn, nồng nàn hơn. Hình ảnh của tình yêu cụ thể hơn. Và tuyệt vời ở cốt cách lãng mạn, đoan chính vẫn sáng nét. Cử chỉ đi đôi với tình cảm bộc lộ một cách linh hoạt. Không e dè nhưng chẳng sỗ sàng. Tất cả thật hợp lý hợp tình cho một cặp đôi đang yêu nhau. Lời nhắc nhở, lời mời gọi, thấp thoáng một chút gì van nài lẫn ra lệnh.
“Gối đầu lên chân em đi”. Bức họa thật rõ nét, người nằm, kẻ ngồi, một chân co một chân duỗi. Mái tóc tình nhân hẳn đang là một đám mây đi lạc từ bầu trời xuống. Nâng niu vỗ về người tình, không chỉ nghịch với dòng mây có hồn kia, mà còn âu yếm phả hương tay, vào vồng ngực nồng ấm sau khuy áo. Hưởng hạnh phúc tình yêu, đạt đến đỉnh lim dim “khép hàng mi lặng buồn” tình nhân của nhà thơ quả thật đã đến trọn vẹn cảm xúc sung sướng. Tác giả của chúng ta, thời khắc thần tiên ấy ra sao ? Chắc chắn nàng đang thưởng ngoạn những cọng tóc giàu thời gian, liên tưởng nhiều điều và luận đến những “phũ phàng”. “bạc bẽo” của cuộc sống để nhớ nhung, thương xót. Tình yêu của tác giả, người nữ trong thơ, tinh khiết “nghiêng lòng” cho chiếc hôn sâu hơn, đậm hơn, cùng những nghĩa cử vỗ về lẫn che chở. Trong tình yêu, hình như người nữ luôn sẵn có thêm một tình mẹ. Nỗi cay đắng chia xa, được bù đắp tuyệt hảo bằng chân tình, khi được hội ngộ chốc lát. Gần để nhìn nhận sự cách biệt sẽ xa hơn. Gần để thấm cái thân phận “lỡ làng” oan trái. Gần để xin chỉ một phút “ngả đầu lên tình”. Tình yêu của Đinh Thị Thu Vân đã đến ngút nỗi buồn lấp lánh. Bài thơ quả khó viết hay hơn. Hình ảnh, ngôn từ, chất liệu, tứ thơ… mọi yếu tố của thi ca, tác giả đều vận chuyển hài hòa, đầy đủ, cộng thêm sự chân thật ăn nằm cùng tình tiết, giúp bài thơ thành hình tốt đẹp. Tình của Thu Vân, hoặc tình của ai đó trong bài thơ không còn ranh giới chủ thể. Người đọc chỉ giữ lại trong lòng điệu buồn trôi miên man với không ngớt những ái ngại, san sẻ. Bài thơ đã được tác giả cho mang tên rất chính xác, rất xứng đáng “Ru Oan”.
Tôi chưa được đọc tập thơ đầu tay, “Thay Cho Lời Hát Ru Anh”, của Đinh Thị Thu Vân. Tôi làm bạn đọc của chị qua nhà thơ Cao Thoại Châu, hình như vậy. Ông nhà thơ họ Cao này, luôn tinh mắt nhận ra những hạt ngọc. Nhờ trải trang Vuông Chiếu, người bạn thân tình lâu nay, thỉnh thoảng giới thiệu một khuôn mặt thơ kỳ vĩ.
Trong cuộc sống chúng ta hiện tại. Một điều nghịch lý đang hiện hữu. Thi ca gần như xuống chân hơn những bộ môn khác, từ hải ngoại cũng như trong nước. Nhưng mức độ người làm thơ tăng vọt. Số lượng thơ thành ấn bản in cũng gia tăng. Đâu mấy người bán được thơ. Việc kinh doanh vần điệu này tại hải ngoại như đã cáo chung. Người làm thơ ở xứ người tăng lên vì hai điều kiện. Một: buồn, ngồi không, không có gì giải trí. Hai: rủng rỉnh ít tiền không biết mua gì, tốt nhất nên mua một danh thơ! Trong nước hy vọng khác đi ít nhiều. Nhưng qua những lời rao quảng cáo, tôi có chút ít nghi ngờ sự tiêu thụ văn hoá phẩm này.
Trở lại cùng “thơ mang phận cỏ” xin mừng nhà thơ Đinh Thị Thu Vân có núm lòng thứ hai, sau mười năm trình làng đứa con thứ nhất.
Cầm một trăm lẻ sáu trang giấy, khổ gần như vuông, nhẹ hẫng, nhưng tôi thấy được nỗi lòng của một người bạn thơ chưa được gặp mặt, thật nặng tình. Nhìn nét chữ chị đề tặng, rắn rỏi bay bướm, rõ là một tâm hồn phóng khoáng, thành đạt. Cảm nhận này không qua lớp bói toán. Tôi cũng ngắm ảnh chụp chân dung chị khá lâu. Phát hiện có nhiều nét buồn. Những nét này không đến từ đời sống vật chất; mà bày ra một nội dung giàu ưu tư trong yêu thương. Không phải căn cứ vào thơ chị để có cái kết luận hàm hồ này. Lẽ ra tôi cần vẽ tỉ mỉ hơn. Dù đúng phần nào hay sai toàn bộ, tôi cũng không ngại làm mất lòng chị. Một người dùng trái tim để làm thơ đâu dễ gì trách cứ ai. Dù sao cũng xin lỗi chị, bằng cách hết lòng đọc tiếp, những bài thơ trong thi phẩm chị gởi cho, và giới thiệu ít nhiều đến các bạn chưa có thi phẩm quí này.
“Đừng Trôi Nữa Tình Yêu Mang Phận Cỏ”, ra đời có cõng theo bài tựa của nhà văn Trung Trung Đình. Xin chọn những câu chủ yếu:
“… Thơ với Đinh Thu Vân vừa là cứu cánh, vừa là người bạn chí cốt tâm tình. Đọc Đinh Thu Vân không thấy nàng diễn thơ, làm thơ, chơi thơ mà nàng tâm tình với thơ. Đời con người ta có đủ thứ hay ho mà thiếu thơ thì thành ra vô vị nhỉ. Thơ Đinh Thị Thu Vân không màu mè, lòe loẹt dở tỉnh dở quê mà nó giản dị gần gũi với những khoảnh khắc thơ chìm lắng tạo nên hương thơm giống như mùi thơm của hương lúa mới…” (Trung Trung Đình – trang 6)
Cùng với tựa, những trang cuối tập, nghiêm chỉnh bài bạt viết bởi nhà văn Nguyễn Đông A; thật đầy đủ trên tám trang chữ đánh máy. Nhà văn chọn hơn mươi bài để nhận định tỉ mỉ, tinh tế. và nhẹ nhàng kết lại:
“… Tập thơ gồm năm mươi mốt bài thơ vẫn là thơ viết về tình yêu, và tình yêu đau khổ, đau khổ đến tột cùng, với năm mươi mốt lần trăn trở, năm mươi một giọt ngọc lệ, tiếng nghẹn đớn đau, mà mỗi người đọc có thể cảm nhận được theo cách của mình. Thơ của cô làm đau xé lòng phụ nữ, giẫm nát tan trái tim cứng rắn của đàn ông…” (Nguyễn Đông A).
Thú thật, sau khi trích vài câu nhận xét của hai nhà văn Trung Trung Đình, Nguyễn Đông A, tôi thấy đã quá đủ để hình dung ra thơ và người thơ Đinh Thị Thu Vân. Nhưng chẳng lẽ thả rơi cái thú ba hoa ăn theo của mình. Tôi thư thái viết tiếp như thói quen, không dựa vào dàn bài, bố cục cần có cho một bài giới thiệu sách mới. Và bài viết này chỉ là những cảm nhận tùy hứng, đọc đến đâu viết đến đó.
*
“Đừng Trôi Nữa Tình Yêu Mang Phận Cỏ”. Tên gọi chung một tập thơ buồn vì tình; thi phẩm thứ hai của một cô gái sinh năm 1955 tại Mỹ Phú, Thủ Thừa, Long An. Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Tiền Giang năm 1977, cũng là năm, người đẹp bắt đầu đến với thơ văn qua cửa ngõ báo chí. Thu Vân hiện là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Chị đã nhiều năm giữ chức Tổng Biên Tập tạp chí Văn Nghệ Long An. Một tay thơ thành danh, đã nhận được nhiều giải thưởng văn học, Cụ thể: giải C cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1979. Vào các năm 1982, 1986 được giải của tạp chí Quân Đội và giải của Bộ quốc phòng (5 năm 1984- 1989).
Tên tập thơ như một lời van xin trổng trổng; đồng thời gợi nhớ đến một hình ảnh, ai cũng từng gặp trong cuộc sống: Cỏ – Cỏ có nhiều loại khác nhau. Có thể kể: cỏ tranh, cỏ lá gừng, cỏ mần trâu, cỏ lông heo, cỏ nhung Nhật Bản, cỏ lạc tiên, cỏ xuyến chi, cỏ lan chi, cỏ cú, cỏ gà … nói chung cỏ thuộc họ thực vật, với đặc tính: mong manh, nhỏ bé, xanh mướt, dễ thương, dễ ngã… nhưng có sức sống vô cùng bền bĩ. Có đất, cỏ tự mọc lên với gốc rễ của mình. Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, đã không ngần ngại ví tình yêu của mình như thân phận những loại cỏ dại. Với thể thơ không câu nệ số chữ, chị trăn trở tình mình qua hơn năm cụm thơ, mỗi cụm bốn dòng:
“tôi chẳng muốn trôi đâu, phía sông xa mờ mịt quá
làm sao mà quay lại một ngày đau
đừng đẩy đưa thêm – nhỡ rồi bạc lòng nhau
nhỡ phai mất mong manh, nhỡ nhạt nhòa sương khói
đừng đưa đẩy tôi về một phía nào lốc xoáy
đừng sóng tràn đừng gió ngã mưa nghiêng
tôi chẳng muốn trôi đâu – nhỡ mai thuyền lạc bến
muôn nẻo đời xa khuất dấu chân quen
muôn nẻo đời, có thể, một ngày quên
lòng tôi chẳng vẹn gìn, tim ráo lạnh
anh có thể, biết đâu, hồn úa quạnh
một hôm nào đáy mắt quá chông chênh!
trời đang xanh, mình đang rất thương mình
đừng giông gió, thôi đừng xô giạt nữa
nếu như thế, nếu như thế, tôi thà tan, thà xóa
thà hư vô thà chết để đừng trôi…
hãy dừng lại đời tôi ngay khoảnh khắc đắm say người
đừng trôi nữa… sông xa mờ mịt quá
đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ
mang phận buồm… không gió để ra khơi!
nếu rũ lòng thương, xin thượng đế bớt xa xôi
hãy nghiêng xuống, hãy dừng lại đời tôi, thôi đừng tan vỡ nữa…”
(trang 52)
Bài viết buồn bã một mạch thơ, xâu chuỗi những lời thống thiết kể lễ, kêu gọi, van nài… gởi lên thượng đế, gởi đến cuộc đời, đồng thời là nói với chính mình. Cuộc sống luôn di động. Thời gian luôn đi qua. Thể xác tâm tình tùy thuộc vào vũ trụ biến hóa. Ý thức sự hèn mọn của thân phận, sự mong manh của tình yêu. Nhưng tác giả bằng lòng với những khiêm nhường đó. Nhà thơ quí cả nỗi đau của mình, sợ hãi đánh mất những nhớ nhung. Và hoài nghi cả sự thay đổi của người tình, khi bị cuốn trôi về một tương lại mờ mịt. ” trời đang xanh, mình đang rất thương mình” chẳng thể nào không thay đổi, nếu không được dừng lại. Tuy nài nĩ, nhưng ý thức được không thể, cũng như khẳng định thượng đế là sự xa vời, càng làm nổi bậc cái bất lực, cô đơn của chính mình.
Chỉ cần đọc một số đề bài của Đinh Thị Thu Vân chọn, đã có thể lờ mờ đoán chừng cái vùng bao la buồn của nhà thơ. Thử đọc bài “Phù Du ơi Phù Du Buồn Đến Nổi”
“…vạn dặm đường thương…tình yêu tàn tạ khuất
tàn tạ niềm hy vọng giữa phù du…
tháng sáu khóc giùm tôi ngàn tuyệt vọng
những lời mưa chan chứa nỗi chôn vùi
tôi ngồi đếm phù du, tôi ngồi nhớ
tôi ngồi thương người… như lần cuối thương tôi
…
tháng sáu mưa, tôi ngồi nghe cô quạnh nhắc
thôi hãy quay về
mình yêu lấy mình thôi”
Chúng ta nhận ra ngay sự cam chịu, nhưng không hề bất lực khước từ. Và cô đơn tuyệt đối lấp lánh qua những câu thơ vô cùng đẹp.Tôi không nghĩ nhà thơ nữ này bi quan. Chị quá tha thiết với cuộc sống và tình yêu. Và cũng bởi những giàu lòng này, khi chạm phải ít nhiều sai lệch với tâm tưởng của mình, đâm ra hoài nghi, rồi dùng nỗi đa cảm vốn có để trấn an, khỏa lấp. Chị tưởng tượng viễn ảnh một ngày mai không tốt đẹp như hiện tại. Đồng thời bày tỏ sự quyết tâm chấp nhận một hạnh phúc buồn vốn có sẵn có trong tầm tay:
“… em sẽ vẫn vì anh, em sẽ mãi yếu mềm
em sẽ sống cho tình yêu bơ vơ như ngọn khói
em sẽ sống, cam lòng xin đánh đổi
chất ngất tủi hờn… để nhận chút hương rơi…”
“Là Ngày Mai Đừng Vội Hôm Nay” chắc sẽ là một bài thơ thất tình, được các bạn gái cùng cảnh ngộ vô cùng yêu thích:
“… không giữ lại trên bờ mi được nữa
nước mắt em sẽ tan vỡ mai này
đành phải khóc trước nhau lần cuối
trước vô tâm người đã tặng cho người
là ngày mai, không thể hôm nay
anh đừng vội phũ phàng, đừng quay lưng lạnh lẽo
không thể hôm nay – sau mỏi mòn níu kéo
tình yêu em như gọn khói tan rồi
hãy cho em thêm được một ngày nước mắt không rơi.”
Ví như tôi là nhân vật thứ hai trong những câu thơ này, tôi sẽ biến những giọt lệ của nhà thơ, thành những nụ hoa trong bó hoa, tác giả sẽ cầm trong buổi vu qui. Vẻ óng ánh của ngôn ngữ thơ, đã làm đậm nét vết thương trong lòng người viết. Anh bạn tình của cô bạn tôi chưa quen ơi, hãy ghé đọc lại một lần và nhắm mắt. Thơ sẽ giúp anh sống lại đầy đủ kỷ niệm cuả “một chút tình không trăng gió | cũng không là vàng đá trăm năm…” Một chút ngậm ngùi muộn màng của anh cũng là một hạnh phúc của bạn tôi.
*
Yếu tố để một bài thơ nói chung, thơ tình yêu nói riêng, đến được và ở lâu trong lòng bạn đọc, trước nhất là sự chân tình. Không có điểm này, bài thơ có thể đạt ở mức viết khéo, mà không hay. Thơ của Đinh Thị Thu Vân là những lời thỏ thẻ tâm tình. Chị yêu tha thiết, chị tỏ tình nồng nàn. Trái tim mách bảo trí óc chị nên nghĩ đến những điều gì. Cuối cùng bàn tay thực hiện những những lệnh của trái tim và trí óc. Hãy nghe chị tỏ tình khi yêu:
“này mê này đắm em trao
ngất ngây này nữa, và xao xác hồn
này đây sóng mắt mềm hôn
và đây muôn nhịp tim bồn chồn rơi…
nghe run rẩy dưới chân người
anh, em đã lụy mất rồi, biết không?
rưng rưng ngàn nỗi, rưng lòng
rưng rưng từng sợi tóc chông chênh dài…
say tràn…say lả…say lơi
anh, lay lắt lắm – đừng rời xa em
đã lao đao đã đuối chìm
đã như mảnh lá tàn đêm gió lùa
lụy yêu lụy nhớ lụy chờ
lụy nao hơi thở, lụy đưa đẩy lời
anh ơi em ngã nghiêng rồi
bao nhiêu hạt máu đang rời trái tim!
em còn chi để là em…”
(Lụy – trang 58).
Thật quá đúng, khi yêu một người, mình không còn là mình. Hơn thế nữa, Đinh Thị Thu Vân đưa ra cảm nhận rất tinh tế nhưng chỉ có trong thi ca: “bao nhiêu hạt máu đang rời trái tim”.
Tình yêu là cha đẻ của những trạng thái tâm hồn: vui buồn, nhớ tiếc, hờn giận, chán nản, cam chịu… Một người biết làm thơ, thường vận dụng ngôn từ để bày tỏ những xúc cảm trên. Đinh Thị Thu Vân cũng đi con đường ấy. Nhưng chị hoàn hoàn đánh rơi bóng dáng những nụ cười. Hơi thơ của chị thường trực u uất, buồn phiền đến cùng cực. Sự chia lìa người thân yêu, có lẽ là thủ phạm đánh cắp niềm vui của người con gái giàu yêu thương. Chúng ta thử đọc đôi bài. Ở ngũ ngôn, Anh Ơi Đừng Khóc, đậm đà những tiếc nhớ trước sự chia cách. Tác giả trưng bày sự có đôi có cặp của thiên nhiên, để tô đậm nỗi cô đơn của mình. Chuyện chia lìa không thuộc lỗi về ai, nhưng tác giả vẫn tự trách không giữ được người thân yêu trong cõi sống chung.
“anh ơi đừng trách
trăng xa mất rằm
em không giữ được
hẹn thề trăm năm
em không giữ mắt
sâu màu thủy chung
anh ơi đừng tiếc
ấm êm nửa chừng…
sương về với lá
sông về với xanh
tím về với nhớ
sóng không một mình !
anh ơi ngọn cỏ
chẳng đành lẻ loi
anh ơi nước mắt
vẫn chờ song đôi
mà em tội lỗi
buông rơi một người
một ngày gió rát
một ngày mây cay
anh ơi đừng khóc
em đi không đành
đất sâu lạnh buốt
rã tàn xác thân
anh ơi đừng khóc
những ngày khói nhang”
(trang 12 & 13)
Một bài khác: Tri Kỷ Ơi Anh Có Về Như Gió, ngoài mang niềm nhớ tiếc như trên, sự cách chia còn hiện rõ nỗi cam chịu như một định mệnh:
“tri kỷ ơi lòng em như lửa đốt
chôn làm sao cho kín nhớ nhung đầy
tri kỷ ơi, lẽ nào anh chẳng thấy
em đã mềm hơn nước, mảnh hơn mây…
tri kỷ ơi, đã xanh gầy nhịp thở
đã rơi rơi nghìn giọt buốt ngây hồn
tri kỷ ơi anh có về như gió
vuốt ve chiều cho ấm lại hoàng hôn?
người tri kỷ của người, nao mắt úa
mà xa xôi như thể… phải muôn trùng
tri kỷ ơi em chẳng đành dang dở nữa
dưới chân người xin bèo giạt đến mù tăm”
Nỗi thương tưởng, nhớ tiếc của nhà thơ, thật đáng thương tâm, dù điều này giúp cho kho báu thơ tình Việt Nam thêm những viên ngọc lấp lánh. Hai bài thơ cùng mang tên Nhớ dưới đây, khó có thể hoàn hảo như thế này, nếu không là người trực tiếp cảm nhận được sự bất hạnh. Các bạn lưu ý bài Nhớ thứ hai. Một điệp khúc như điên cuồng, quay quắc đến là thương:
“em nhớ quá, mà không sao hôn được
chiều đã đưa anh hun hút dấu chân rồi
em nhớ quá, mà không sao khóc được
vòm ngực nâu rộng ấm đã xa rời
em nhớ lắm, héo mòn đêm trở giấc
không làm sao vấn vít thịt da nồng
em nhớ lắm, ngỡ như vừa đánh mất
nửa phần đời ràng buộc đã nghìn năm
lặn vào máu, nên nhớ nhung màu thẵm
muôn hạt say hạt đắm cứ dâng trào
lặn vào mắt, nên mắt em màu khói
bao sợi mềm sợi yếu quyện nao nao
nhớ… và nhớ… nhớ như là cơ thể
trước ngàn phương em qùy xuống van nài
xin cả nhân gian, xin đất trời soi rọi lại
trao cho em ấp ủ ước mơ người
trao cho em dào dạt tuổi đôi mươi
anh đánh mất giữa bốn bề dâu bể
em sẽ mãi yêu anh, yêu như là có thể
lặn vào sâu trong đáy mắt muôn đời!
lặn vào nhau cho bớt nhớ anh ơi
cho lắng lại tình yêu em vần vũ quá…”
(trang 42 & 43)
Hãy chịu khó đọc lại chùm bốn câu thứ ba (lặn vào máu…). vài lần, để thấy tứ thơ và bàn tay tuyệt bút của Đinh Thị Thu Vân. Trước khi đọc tiếp các dòng “cuồng điên vì nhớ”
“anh à
em trở dậy nửa khuya
vì nhớ
nhớ quá
nhớ như sắp được hôn người!
nhớ vỡ trái tim rồi
cả người em chứa toàn nước mắt!
nhớ
nhớ
nhớ
em chỉ muốn gục trên vai anh
vùi nhớ
làm sao cho em vài tích tắc
vài tích tắc thôi mà
vài tích tắc
vùi thương trên vai xa…
chứ nhớ đến thế này…
ơi cả người em
gầy xơ
từng li ti nhớ nhớ…”
Đinh Thị Thu Vân, hình như khi yêu, chị một mực kính cẩn, tôn thờ người tình, nên thơ hờn giận một cách cụ thể gần như không có. Tôi chỉ tìm được nét hờn trách trong sự đau xót ngoài ý muốn:
“hôn em đi nhé, chiều đang trách
môi chẳng vì môi – bướm ngại vờn
tim chẳng vì tim – hoa ngượng phấn
gió ngại ngần mơn gió tha phương…
hôn em đi nhé…ngày xa cách
lòng vẫn run non nớt đợi muôn trùng
và đồi núi và rừng sâu và biển lạnh
có là gì khi khát cháy gọi chờ mong!
có là gì vạn suối với nghìn sông
em ngóng nhớ nơi góc đời lặng khuất
em ngóng nhớ…ước cận kề gang tấc
ước tơ trời nối buộc xa xăm
…em cúi xuống nghe tình yêu bật khóc
nước mắt rơi ngơ dại trước chia lìa
có nghĩa gì chưa, hay đành như bọt sóng
trao đến phai tàn…chỉ nhận lấy hư không!
trao đến phai tàn, sao có thể vô tâm
sao có thể vùi nhau tan nát chết
sao có thể đoạn đành cách biệt
góc-bể-lạc-chân-trời…sao có thể anh ơi .
hôn em nhé. Mai ta về với đất
góc bể chân trời có lẽ bớt xa xôi…”
(Những Ngày Xa).
Thú thật khi đọc toàn tập thơ buồn này tôi có nhiều nghi vấn về đời tình trong đời thường của Đinh Thị Thu Vân, nên đã gõ mấy dòng khéo léo thăm dò chị. Tôi vốn có thói quen, viết dễ dàng hơn khi biết ít nhiều tâm tình của người mình mến thích, giới thiệu. Thật hú hồn, suýt nữa tôi ba hoa bừa bãi. Dưới đây là nguyên văn của Đinh Thị Thu Vân trả lời, và cho phép tôi làm giàu thêm cho bài viết:
“Anh Luân Hoán, trong Tri Kỷ Ơi Anh Có Về Như Gió, Anh Ơi Đừng Khóc, và đa số các bài thơ của em, tất cả là những cảm xúc tan tác, tất cả đã sẵn trong con người từng đi qua bạc bẽo, không riêng cho một hình bóng nào, nó chứa rất nhiều nỗi buồn, nỗi ám ảnh từ quá khứ, hiện tại, và cả niềm bi quan dành sẵn cho những ngày sắp tới, chỉ là đôi khi mình chới với tuyệt vọng cùng cực hay đắm đuối bão bùng thì những run rẩy đã sẵn không âm ỉ nữa, nó bùng lên, bắt mình trải thành câu chữ. Người làm thơ nào cũng mong có một, ít nhất là một, một bài thơ dành riêng cho tri kỷ, dồn hết vào đó niềm trân trọng của thương yêu, em cũng khát một cái tên đề tặng trong thơ mình, nhưng chưa, chưa bao giờ, là thơ yêu đau đáu vậy nhưng em chưa có điều ấy – khi em chưa có một cái tên, có nghĩa là tất cả vẫn chỉ là những cảm xúc đẹp và cô đơn của riêng em, nó gom nhặt ngàn nỗi đau, và ngay khi yếu đuối, ngay khi biết mình lao đao, linh cảm vẫn mách với em rằng, đấy chưa phải là điều lớn lao nhất, đấy chưa phải là xương tủy của đời mình – thơ em hầu như không viết hoa, không ngày tháng, bởi với em không gì là quan trọng hết, đau là mình đau cả đời, người làm đau thì họ cũng nhẹ tênh mà đi, đâu có gì mà quan trọng, sao… nỡ quan trọng, đau là lẽ sống rồi… Em nói vậy, thật là vậy, anh có thể lấy ý, hay lấy nguyên văn cũng được, em cũng rất mong được một lần bày tỏ. “
Giờ thì tôi đã hiểu một phần nào về người bạn thơ đã quen mà chưa gặp. Thơ hay, văn xuôi cũng tuyệt như thơ. Với thi phẩm gồm 51 bài, thuần nhất một chủ đề bi ca về tình yêu. Vân viết thật đều tay, giữ được nét sáng riêng của mỗi bài, dù lặp lại những đau buồn trong tiền kiếp của Vân.
Tôi muốn viết tiếp, giới thiệu từng bài một. Nhưng xét cho cùng, nội dung thơ của Vân đủ chuyển tải niềm cảm thông đến bạn đọc nên thôi. Bù lại, tôi chép thêm dưới đây đôi ba bài, thay vì có một nhận định chung. Công việc này, hôm nay, tôi trân trọng dành cho bạn đọc, khi thưởng thức thơ Đinh Thị Thu Vân.
Cuối cùng xin gởi nơi đây lời cầu chúc cô thi sĩ mọi sự lành. Sớm có một tên thân yêu để đề tặng. Tập thơ kế tiếp của Vân, hy vọng là những tiếng reo vui của hạnh phúc.
Hà Khánh Quân
25 & 26.9.2016
Nguồn: Tác giả gửi
Phần thơ trích thêm:
HỒN EM THEO NÉN NHANG RỜI SẼ ĐAU
thôi anh đừng tiếc ngày xưa
câu thơ em viết buồn xa xót buồn
đã vời vợi một thời thương
đã xô giạt mất trời sương khói rồi!
một mai…em khuất xa đời
câu thơ ở lại bên người gối chăn
câu thơ cầm sắt keo sơn
thay em ru tiếp lời dang dở nào…
anh đừng xót, anh đừng đau
em đi, chẳng trách gì nhau, chẳng đành
chỉ là thương những dụm dành
đã không còn kịp trao anh kiếp này!
không còn em nữa, ngày mai
mây giăng mưa phủ, đêm đầy nỗi đêm
em làm sao để ru yên
thì thôi anh cố mà quên lỡ làng
cố mà qua những đoạn trường
không còn em nữa – nắng sương ngậm ngùi
anh đừng khóc buổi chơi vơi
hồn em theo nén nhang rời sẽ đau
bỏ anh lại với dãi dầu
hồn em đến vạn kiếp sau còn buồn…
*
TRÁI TIM RAO BÁN
có thể
rồi sẽ đến một ngày
em phải xót xa
xót xa
đem trái tim mình
rao bán
một ngày
mù khơi hạnh phúc
biền biệt tình yêu
còn lại trái tim biết đớn đau – niềm kiêu hãnh cuối cùng
rồi em sẽ phũ phàng
rao bán
một ngày
mõi mòn trong ảo vọng
em sẽ đem bán đi trái tim mình
không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng !
chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại !
một chút tình
cho bớt chông chênh…
*
CÓ AI BUỒN VỚI TÔI KHÔNG
có ai buồn với tôi không
hắt hiu ngàn gió thổi mông lung chiều
rạc rời hương sắc thương yêu
dường như nhung nhớ thoáng rêu phong rồi
dường như người chớm quên người
dường như đêm bớt đầy vơi… xoáy lòng
có ai buồn với tôi không
tàn tro lạc mất, còn mong đợi gì !
này ai…buồn với tôi đi
lẻ loi đã đợi ôm ghì rỗng không
hắt hiu ngàn gió mông lung
có ai buồn với tôi trong kiếp này ?
*
THƠ VIẾT THAY NGƯỜI
anh không thể yêu em hơn được nữa
không thể cận kề đêm, không thể ấm êm ngày
không thể tình sâu, không thể nào nghĩa nặng
đã cuối cuộc đời, quang gánh đã đầy vai…
em đừng ước, thôi đừng mơ khắc khoải
đừng vẹn lòng son sắt đợi ngày mai
những câu thơ, những câu thơ anh trả lại cho người
em đừng khóc, đừng sâu thêm đáy mắt.
em đừng khóc, đời ta không thể khác
anh trở về gìn giữ khoảng trời riêng
anh trở về…đau đớn lặng vào tim
đành tạ lỗi trước lòng em tan nát !
đành tạ lỗi trước tình yêu đánh mất
trước vô tâm anh trút xuống vai người…
*
BIẾT ĐÂU CÒN LÚC CÔ ĐƠN
anh ơi nắng gió quanh đời
em không chia được, thương rời rạc thương
chỉ là phơ phất lời suông
chỉ là như khói như sương lững lờ
em không chia được buồn xưa
những đêm thảng thốt, những mùa bão giông
tay anh em chẳng được cầm
bước chân ngày đó bận lầm lỡ trôi…
giờ thuyền không thể ra khơi
quẩn quanh cánh gió chiều ơi nao lòng
bốn bề biển bốn bề sông
bốn bề xô đẩy…em không cách gì!
không đành bèo bọt trôi đi
lòng em gối trúc mành mây giữ gìn
xa xôi anh dẫu vô tình
biết đâu còn lúc quay nhìn xốn xang…
biết đâu còn lúc cô đơn
đôi ba phút nhớ…mà san sớt về!
Đinh Thị Thu Vân