Trần Thị Nguyệt Mai
Tạp chí Thư Quán Bản Thảo (TQBT) ra đời vào tháng 9/2001. Năm nay là tròn 16 tuổi, với 76 số báo đã được phát hành. Một chặng đường thật dài và lắm gian nan, về tinh thần lẫn vật chất. Nhưng với quyết tâm khôi phục lại di sản văn chương miền Nam một thời lừng lẫy, nhân bản, các anh Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn cùng nhóm chủ trương đã cho ra đời những số báo mà tưởng chừng như không thể thực hiện, nhất là đối với một tạp chí không bán, không nhận quảng cáo như TQBT. Tiếp theo 71 số báo của lần sinh nhật năm ngoái, đến nay TQBT đã phát hành thêm được 5 số báo (kể cả số báo này bạn đang có trên tay).
72: Giới thiệu tạp chí Văn Học (1962 – 1975)
73: Giới thiệu tạp chí “di cư” Văn Hóa Nguyệt San (1952 – 1974)
74: Báo sinh viên và Nguyệt san Tình Thương
75: Những số báo văn học cuối cùng của miền Nam
76: Nhà văn Lữ Quỳnh
Mỗi một số báo với nội dung cực kỳ phong phú, có một không hai, đưa người đọc trở về với nền văn chương tự do, nhân bản của miền Nam trước năm 1975. Anh Trần Hoài Thư viết lại hành trình của từng tạp chí để người đọc có một cái nhìn tổng quát, giới thiệu những bài viết tiêu biểu và những “bút chiến”, nếu có, của từng thời kỳ mà hiện giờ nếu anh không nhắc, có lẽ mọi người đã quên hoặc cũng chẳng biết. Như vụ Văn Học khai chiến với Văn năm 1966, Duyên Anh làm sập tiệm “Quét Sân Đình” của Văn (TQBT số 72). Đặc biệt số báo Văn Học này có bài phỏng vấn dịch giả Nguyễn Minh Hoàng của Ngọc Bút, một thân hữu của TQBT ở VN, đã làm sáng tỏ ai thật sự là “Mõ Làng Văn” làm cho Duyên Anh nổi giận.
Ngoài ra, những hồi ức văn học thật quý giá như bài viết của Nguyễn Hoàng Lưu “Đọc ‘Cõi Đá Vàng’ của Nguyễn Thị Thanh Sâm”, Phùng Quán “Nhà tiên tri tầm cỡ đại đội” viết về nhân vật Trần trong tiểu thuyết “Cõi Đá Vàng” càng làm cho ta hiểu rõ nhân vật này hơn để càng thương cảm cho số phận của một chiến sĩ / nghệ sĩ với trái tim nhân bản không có chỗ dung thân trong guồng máy cộng sản. Và để càng xót thương hơn cho một nhân vật được nhắc đến trong truyện, là người phụ nữ yêu nước bất chấp nguy hiểm băng qua lửa đạn về với bộ đội tình nguyện làm “chị nuôi”, để phải chết thê thảm đau đớn quằn quại khi 3 mũi tên tẩm thuốc độc thử nghiệm bắn vào bụng vào ngực nhưng không chết, nên giãy giụa, la thét thảm thiết khiến người lính thi hành bản án này trong cơn hoảng loạn đã dùng “dao găm đâm tới tấp vào ngực của nạn nhân để kết thúc”. Còn gì man rợ cho bằng! Có thua chi những hình phạt thời Trung Cổ?
TQBT 73 giới thiệu Tạp Chí Văn Hóa của Bộ Giáo Dục VNCH với nhiều bài vở nghiên cứu văn hóa giá trị mà trước đây chỉ lưu hành nội bộ, không được bày bán ở các sạp báo. Với khuôn khổ tờ báo giới hạn, anh THT đã cố gắng đưa vào những bài viết giá trị mà khi tìm trên mạng hoặc không có, hoặc có nhưng thiếu sót nội dung hay tên tác giả… như Văn Hóa Đình Làng của Nguyễn Đình Thục, Giai thoại về văn học và lịch sử của Phạm-Nguyễn Du tiên sinh của Hồng Liên Lê Xuân Giáo, Lịch sử và giai thoại bưu trạm Việt Nam của Hương Giang, …
Đặc biệt TQBT 74 với chủ đề Báo Sinh Viên & Nguyệt San Tình Thương, khởi đầu chỉ với một số báo “Tình Thương” do nhà văn/ bác sĩ Ngô Thế Vinh gửi tặng. Sau đó, một thân hữu đang làm việc tại một thư viện ở Florida đã giúp mượn giùm 27 số Tình Thương từ thư viện Cornell (theo cách Interlibrary loan với lệ phí khá cao cộng phí chuyên chở qua hai địa chỉ để đến được tòa soạn TQBT), anh đã thực hiện được một số báo mà chắc chắn các bác sĩ từng là sinh viên của Đại Học Y Khoa Saigon xưa đã rất bồi hồi cảm động khi cầm nó trên tay. Không bồi hồi sao được khi đọc lại bài thơ tình của cô nữ sinh 17 tuổi hoa khôi trường Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) Lý Thị Kim Xương một thời là đề tài cho các anh thích thú bàn luận đến nỗi có anh đã thuộc lòng và vẫn còn nhớ sau gần nửa thế kỷ! Thêm vào đó, TQBT còn sưu tập được ảnh chân dung của cô nữa. Hay những bài thơ nhập cuộc của Đỗ Nghê mà đến bây giờ đọc lại vẫn như còn mới toanh:
nếu các con còn nhớ
đã cùng sinh ra trong một bọc
thì hãy nghe ta
đốt hết sách vở, xé hết cờ xí đi
rồi đứng ôm nhau mà khóc
nước mắt sẽ làm tươi lại cỏ cây
nước mắt sẽ làm phì nhiêu mảnh đất
…
hãy tha thứ cho nhau – tha thứ hết
rồi nắm tay cùng gầy dựng lại quê hương
vì lỗi lầm này nào phải bởi các con
(Đỗ Nghê – Tâm Sự Lạc Long Quân)
Phải nhờ số báo này, độc giả ngày nay mới có dịp nhìn lại để thấy Tình Thương là tờ báo của những trí thức trẻ, những bác sĩ tương lai nhập cuộc và dấn thân, “đối lập” với chính quyền lúc đó vì yêu nước, chỉ trích những cái không hay để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, bằng cớ là khi ra trường các anh đã chọn những binh chủng “dữ dằn” để đầu quân, như Thủy Quân Lục Chiến (Trần Xuân Dũng, Phạm Đình Vy), Nhảy Dù (Nghiêm Sỹ Tuấn), Biệt Cách Dù (Ngô Thế Vinh), …
TQBT 75 giới thiệu những số báo văn học cuối cùng của miền Nam phát hành trong tháng 3 & 4/1975 với ba tạp chí tiêu biểu Bách Khoa, Văn và Thời Tập. Những bài phỏng vấn nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn nói về Ban Mê Thuột, Huế, Qui Nhơn, Cam Ranh và cuộc di tản đau thương, hay trang Sinh Hoạt “Ai còn ai mất…” của Thu Thủy (Võ Phiến) trên Bách Khoa, hoặc những trang Nhật Ký của Mai Thảo và mục Sinh hoạt Văn nghệ trên Văn và đặc biệt Thời Tập với Văn Chương trước tình thế mới, mục Quanh Bàn Viết với Một Lời của Dương Nghiễm Mậu; cũng như những sáng tác văn chương đi trên những số này như Cơn Sốt (Tô Loan), Ngoài Bãi (Trùng Dương), Mùa Sẽ Còn Dài (Mường Mán), Thị Trấn Cà Phê Hoa (Trần Hoài Thư), hay những bài thơ của Nh. Tay Ngàn, Tạ Hiền, Kim Tuấn, Đặng Phú Phong, Trần Dzạ Lữ, Trần Văn Nghĩa, Viên Linh, Nguyễn Đình Huy, Hồ Minh Dũng, Viễn Di, v.v… là những sưu tập rất quý khi nhìn về quá khứ. Đó là lần gần nhất (cũng đã hơn 40 năm) chúng ta còn có văn chương tự do nhân bản, người cầm bút không phải bẻ cong ngòi viết của mình, không phải “vừa viết vừa lách” để có được tác phẩm xuất bản trong nước.
Kể ra đây để thấy những tâm huyết rất lớn, những nỗ lực rất đáng trân trọng của hai anh Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn. Khi tờ báo ra đời cách đây 16 năm, các anh đã bước vào tuổi 60, đã “ê mình” trong cuộc vật lộn áo cơm ở vùng đất mới sau những tháng năm bị đầy đọa trong những trại tù cải tạo mà nhà văn Ngô Thế Vinh đã so sánh: “Không khác với các trang sách viết của Solzhenitsyn về Gulag Archipelago nhưng là Made in Vietnam, tinh vi hơn với phần học thêm được cái ác từ Trung Quốc.” (*) Nhưng các anh đã cố gắng khôi phục lại Di Sản Văn Chương Miền Nam để chứng tỏ với mọi người, trong cũng như ngoài nước, là trong 20 năm ngắn ngủi ấy miền Nam đã xây dựng được một nền văn học nhân bản, đẹp và rực rỡ như thế đó; chứ không như bên thắng cuộc đã tuyên truyền khi ra tay phần thư sau tháng 4/1975, cho đó là những sách báo phản động, đồi trụy, nọc độc, tàn dư của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ Ngụy (sic) tại miền Nam.
Theo như bài phỏng vấn gần đây trên trang văn học nghệ thuật Phạm Cao Hoàng, anh THT cho biết đã hai lần suýt chết trên đường lái xe đến thư viện Cornell vì trời bão tuyết. Và ngày đó anh còn có chị Yến, người vợ yêu quý, một trợ thủ đắc lực của chồng, ngoài nhiệm vụ nội trợ trong nhà, đã luôn giúp anh lái xe trên đường đến những thư viện Mỹ sưu tầm sách báo. Hoặc phụ anh may từng tập sách, bỏ báo vào phong bì, ghi tên người nhận, … Thế mà đã gần 5 năm nay, sau trận đột quỵ tháng 12/2012, chị đã nằm một chỗ, để anh mất đi một chỗ dựa thật cần thiết:
Vậy mà em bỏ đi xa
Bỏ ngôi nhà, bỏ buồng thờ, đèn nhang
Em đi để nhận đoạn trường
Xe lăn định mệnh, chiếc giường nghiệp oan
Hay là em chuộc giùm chồng
Như xưa Chúa đã chuộc giùm thế gian?
(Trần Hoài Thư – Vịn em)
Những bài viết của anh về chị trong thời gian này thật xót xa, cứa thấu tâm can người đọc. Như bài gần đây nhất trong TQBT 75 – tháng 6/2017, anh kể:
“Càng ngày tôi càng chạm trán với những sự thật không ngờ, hay không thể tưởng tượng nổi xảy ra cho Y… Hậu quả của bệnh “đột quị” thật khủng khiếp. Nhìn người bệnh nằm trên giường, mền drap vung vãi, chơ vơ hai cái chân khẳng khiu, tôi không thể nào không chảy nước mắt. Sao tuổi già của chúng tôi lại buồn quá đỗi như thế này. Tôi đắp lại mền trên ngực Y., sửa lại ngay ngắn tấm drap và chuẩn bị cho Y. ăn. Tôi lại bắt đầu nghe những lời nói sảng, và phải trả lời những câu hỏi đầy mê sảng đó. Với cả cõi lòng tan nát…
Ở bên giường bệnh, lòng tôi rướm máu, thì về nhà tôi lại chạm vào một hình phạt khác. Đó là nỗi cô độc rợn người, bắt tôi muốn điên khùng. Căn nhà đầy những di vật của người bệnh chẳng khác một bảo tàng viện. Chúng bao vây tôi bắt tôi phải nghĩ ngợi. Muốn nhắm mắt mà sao mắt cứ như thấy một người bệnh nằm trên giường, với tiếng la gào thất thanh khi người bệnh bị những lằn sét định mệnh bủa xuống đầu óc. Những lời nói mê sảng không còn từ cửa miệng của một con người dù cái thân thể vẫn có tứ chi vẫn có đầu mình vóc dáng con người. Những lời nói không còn có thuốc chữa trị, mê cuồng, như đánh thốc vào đầu tôi, cứa vào tim tôi. Để tôi phải ôm mặt. Tôi phải làm gì để cứu lấy Y.? Tôi phải làm gì để cứu lấy tôi?” (Trần Hoài Thư – Nửa đêm)
Ngoài ra, còn thêm căn bệnh Gout hành hạ chân anh đau nhức khủng khiếp, nhưng anh vẫn gắng nấu cơm đem vô nhà thương ngày hai lần cho chị:
Bước lên bước xuống bực thềm
Chân lê tay vịn bù đền trúc mai
Bước lên tay vịn lê giày
Bước xuống nhăn mặt mồ cha mày đồ Gout
Muốn ký phép, nghỉ giải lao
Nhưng thương bà xã không người nấu ăn
(Trần Hoài Thư – Tam cấp ở Ashbrook Nursing Home)
Và anh vẫn gắng ra TQBT đều đặn đảm nhiệm từ A đến Z công việc của một ông chủ lẫn người thợ trong khâu xuất bản và phát hành sách, với sự đồng hành của anh Phạm Văn Nhàn, người bạn cố tri hơn 50 năm nay, từ thuở hai anh là lính đóng ở Quy Nhơn với bao kỷ niệm vui buồn… Ấy là chưa kể những phụ bản đặc biệt gần đây như tập thơ Đan Tâm và tập truyện ngắn Sợi Khói Bay Vòng của Phạm Ngọc Lư, những số Văn, Thời Tập, Tình Thương, Văn Hóa Nguyệt San… khi có bạn đọc yêu cầu.
Chúc mừng TQBT vững bước trên con đường đã định, luôn được độc giả yêu thương, ủng hộ. Cầu mong hai anh “chân cứng đá mềm” vượt qua những khó khăn, trở ngại để đưa tờ báo đến với bằng hữu, với những ai còn quan tâm đến Di Sản Văn Chương Miền Nam cho những thế hệ tiếp nối…
Trần Thị Nguyệt Mai
28.7.2017
(*) Ngô Thế Vinh: Tìm lại thời gian đã mất – Tưởng nhớ một vị danh sư: Giáo sư Y khoa Phạm Biểu Tâm.
Trích Thư Quán Bản Thảo – tháng 9/2017
Nguồn: Tác giả gửi