Khổng thị Thanh-Hương
Bốn ngày trước khi bão nhiệt đới tên Lane tới gần Đảo Lớn, những người sợ tiếng nổ như tôi bị một phen thất kinh hồn vía.
Thông thường, chàng của tôi hay coi app này app kia để biết tin thời tiết bên Hạ Uy Di này, đặc biệt là trong mùa bão từ tháng Năm tới tháng 10. Thế mà, chàng không hề báo động sẽ có mưa to sấm sét đổ xuống nơi chúng tôi đang ở. Mặc dù những sấm sét hôm Thứ Bẩy không phải từ Lane, nhưng đối với tôi, chúng có khác gì từ một cơn bão cấp số 2 hay số 3.
Hôm đó, tôi đang chúi mũi vào cuốn ô chữ để cố moi óc tìm câu trả lời cho một câu đố thì tự dưng một luồng ánh sáng lóe lên. Tưởng đèn trên trần nhà sắp tắt như mỗi khi mưa lớn, tôi nghĩ thầm, “Mưa chưa nặng hột mà tại sao đèn trong phòng lại lấp láy như muốn tắt tới nơi?” Chưa kịp trả lời câu hỏi của chính mình thì bỗng nhiên một chuỗi những tiếng nổ long trời vang lên. Ngày xưa các cụ dùng câu “sét đánh ngang tai” để diễn tả phản ứng sững sợ kinh ngạc khi nghe tin xẩy ra ngoài sự tưởng tượng phong phú của con người. Nghe tiếng sấm, tôi giật mình đánh rơi cuốn ô chữ, rồi do phản ứng tự nhiên, dùng hai tay bịt lấy tai của mình. Quay lại nhìn chồng, tôi thấy anh chàng đang mỉm cười. Người này luôn ngưỡng mộ sự bao la hùng vĩ của trời đất và rất thích làm chứng nhân trước những chuyển động của thiên nhiên. Nguyệt thực, nhật thực, những đêm không trăng lấp lánh muôn triệu tinh tú, núi lửa, tuyết trên đỉnh Mauna Kea, sóng lớn trào vào bãi biển hay bất cứ điều gì khác thường được tiên báo từ đài khí tượng thì chàng đều muốn đến tận nơi, coi tận mắt. Tôi than, “Giời ạ, người ta sợ gần đứng tim mà ông ngồi đó cười!” Chàng trấn an, “Chỉ có sấm chớp và mưa lớn thôi. Cưng đừng lo.” Rồi nhớ lại một lần khi tôi về thăm vào nhà, giông tố bão bùng cũng đã xẩy ra, “Suốt đêm. Không thể tưởng tượng được!”
Nghe lời trấn an mà lòng yên chẳng đặng. Thần kinh tôi căng thẳng như bước trên thủy tinh vỡ, vì cứ vài phút thì những tia sét lại chớp lia chớp lịa ngoài trời, báo trước nhiều tiếng nổ sẽ theo sau. Nghe chàng đếm, “một giây, hai giây, ba giây (one-one thousand, two-one thousand, three-one thousand …) để biết khoảng cách giữa nơi phát xuất của sấm và mình, tôi cũng ngồi xuống đếm với chàng. Chợt nhớ tới giờ ăn trưa, tôi đứng lên, vừa bịt tai, vừa đi xuống bếp, để kiếm cái gì cho hai đứa ăn trưa. Chưa bao giờ tôi làm bếp cực như hôm đó, vì một tay dùng để che một tai, tay kia dùng để mở tủ lạnh, lấy thức ăn ra, bật lò!
Tôi bỗng nhớ tới hai con chó của chủ nhà. To xác như mình mà còn sợ tiếng sấm tiếng sét, hai con chó bé tí ti làm sao chịu nổi tiếng nổ như súng cà nông? Tôi tiến gần cửa sổ, hé tấm màn nhìn xuống đất. Cái thùng giấy tôi nhặt từ tiệm Cost-U-Less đem về trải hai tấm khăn lông cho hai con chó trống không trống địa. Ông chủ nhà đã cho hai con chó vô nhà. Phải vậy chứ. Ai nỡ để gia súc của mình ngoài sân, khi ngoài kia trời đất nổi cơn cơn giông tố bão bùng?
Sau một lát bịt mỏi cả tay, tôi lấy bông gòn nhét vô tai để lo cơm nước. Tới chiều, trời ngừng mưa và nắng ấm lại bao phủ vạn vật. Mây trắng trôi lãng đãng trên bầu trời trong xanh. Chim chóc từ trong các vòm cây lại rủ nhau hót liú lo, bay xẹt ngang xẹt dọc trên sân cỏ, tìm những chú sâu mới bị lộ tơ hơ từ mưa lớn. Tiếng dế như tiếng đồng hồ báo thức liên hồi, tiếng ếch coqui như tiếng hót của một loài chim lại vang lên. Vạn vật tươi vui an bình. Dường như mưa to sấm sét mấy giờ trước đã xẩy ra tại một tinh cầu xa xôi nào đó, chứ nào phải ở nơi đây.
Hai đứa lợi dụng trời quang đãng, rủ nhau đi bộ một lần nữa. Phòng xa mưa trở lại, chàng mở cóp xe lấy hai cây dù. Mỗi đứa cầm một cái. Ngày xưa một cái dù che cũng đủ. Giờ đây, mỗi đứa một cây. Có phải từ ngày ký giấy sống chung, hai đứa hết còn “romantica” (nói theo văn của cố bỉnh bút Bùi Bảo Trúc)? Dù ai người ấy cầm, mũ ai người ấy đội, hồn ai người ấy giữ!
Quẹo phải sau khi ra khỏi cổng là đi về phía nghĩa trang và vài nhà hàng xóm. Tới con suối nhỏ gần nhà, chúng tôi ngừng lại coi mực nước cao thấp. Nước đã rút về biển nên mực nước đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, những bụi cỏ nơi bờ suối đã bị lượng nước mưa đè nằm bẹp xuống đất, chưa đứng lên như trước. Những cành cây, những lá chuối khô theo nước từ trên nguồn, vướng lại tại những cây mọc bên bờ. Sỏi đá, lá cây, ổi dại mầu vàng tươi bị gió lớn làm rơi rụng đầy mặt lộ. Nhìn những tang chứng này, chúng tôi hình dung mưa to gió lớn đến đâu.
Nhân dịp này chàng của tôi nhắc lại bài học “phải làm gì khi gặp mưa lũ?” Tôi trả lời là khi nước ngập đường thì phải bình tĩnh và ngừng xe lại. Chàng khen. Bình tĩnh trong mọi cảnh huống là điều quan trọng nhất để sống sót. Tôi nói là biết vậy, nhưng không biết tới lúc đó, có bình tĩnh được hay không, hay là vì qúa sợ hãi mà đứng tim mà chết. Chàng không thích tôi bỏ cuộc sớm và đe là nếu tôi có mệnh hệ gì thì sẽ đi tới tận chân trời tím để tìm tôi. Nói vậy chứ bản năng sinh tồn của con người bao giờ cũng mạnh, ai mà không muốn sống. Tôi hỏi chàng là ở trong xe có cái gì nằng nặng như cái búa, ví dụ như một cây tạ nhỏ, để phòng xa khi lỡ lái vô chỗ nước ngập, tôi còn có cái để đập cửa kính xe mà chui ra.
Nói chuyện về an toàn trên thủy lộ một hồi, chúng tôi đổi đề tài, vì nhắc tới chuyện người đi trước, kẻ đi sau sao mà qúa bi quan tối ám. Không biết có ai nghĩ giống tụi tôi? Đứa nào cũng muốn “đi” trước, không đứa nào muốn “đi” sau. Đi sau để một mình phấn đấu trên đường đời đầy chông gai, thử thách. Đi sau để đối diện với nỗi cô đơn cùng cực, để thấy nơi góc phố, con đường, chỗ ngồi … chốn nào cũng thấy bóng người xưa giờ đã khuất. Chịu sao thấu.
Khi đi qua căn nhà có cái cổng đồng khắc hình hai cành tre ôm nhau, nay đã bị oxy hóa và biến thành mầu xanh lá cây nên tăng phần mỹ thuật, tôi hỏi lại tên của gia đình mới dọn vô, vì chưa gặp họ. Hôm nọ người thanh niên trẻ và vợ con có ghé qua làm quen, nhưng vì bữa đó, tôi không theo chàng ra cổng gặp họ, khi hai con T-Tay và Bo sủa như cháy nhà khi thấy người lạ. Gia đình này gồm có cha mẹ và ba đứa con, một gái, hai trai sinh đôi, mới dọn từ Munich sang “để thay đổi không khí”. Chao ơi, dọn một cú từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương, xa gần 8000 dặm, với văn hóa, ngôn ngữ và bao nhiêu điều khác biệt! Tôi yên tâm khi biết được đứa con gái bắt đầu vào lớp Một, hai đứa sinh đôi lớp Mẫu Giáo. Trẻ con như miếng bọt biển, mọi sự dù mới mẻ và lạ lẫm đến đâu cũng sẽ thấm rất nhanh.
Gõ tới đây, tôi nhìn ra ngoài trời. Trời đang mưa lâm râm. Mưa dịu dàng, mưa hiền hòa chứ không hùng hổ dữ dội như mấy ngày trước (với màn phụ diễn của sấm sét). Tôi cúi xuống, tiếp tục gõ đoạn kết bài tùy bút, ghi lại một kinh nghiệm mới bên Đảo Lớn. Ở bên này đã hơn ba năm, chúng tôi đã chứng kiến nhiều sắc thái của mưa gió, mầu trời và tiếng suối: mưa rơi với nhiều cường độ khác nhau: mưa lất phất trước nhà trong khi trời nắng chang chang phía sau; mưa trên biển trong khi cầu vồng bẩy màu hiện lên lộng lẫy trên rặng núi; mưa to đẩy trôi xa những đôi dép ngoài vườn. Gió thì có lúc như hơi thở của nàng tiên, lay nhẹ những cành tre, cành trúc. Có lúc bẻ oằn, giật phăng những lá dừa đổi mầu thời gian đang sũng nước, rồi quăng chúng xuống mặt đất không tiếc không thương. Mầu trời có lúc xanh bập bềnh mây trắng, có lúc chỉ tuyền một mầu khói nhang, hòa lằn ranh phân chia trời và biển làm một. Tiếng nước róc rách từ con suối bên hông nhà có lúc thẹn thùng như tiếng người con gái mới lớn, khi ầm ầm như tiếng người mẹ quát con. Thứ Bẩy vừa rồi tôi đã sống một kinh nghiệm mới bên Hạ Uy Di. Chưa bao giờ tôi nghe sấm chớp dữ dội như thế. Hôm đó chỉ là một ngày mưa có sấm, có sét. Hôm đó chàng Lane chưa đến. Hiện giờ, Lane đang ở cách xa Đảo Lớn khoảng 300 dặm về phía Đông, vận tốc gió có thể lên đến 155 dặm một giờ. Ai nấy chuẩn bị gồng mình đón bão.
Khổng thị Thanh-Hương
Nguồn: Tác giả gửi