Archive for the ‘Khổng thị Thanh-Hương’ Category

Khổng thị Thanh-Hương

Thời tiết còn đang Đông. Hơn sáu giờ mà trời vẫn còn âm u vì thần Thái Dương lười chưa muốn dậy. Thiếu ánh nắng, vạn vật còn đẫm mình trong sương. Co ro, người cũng lạnh theo. Tôi quấn khăn quàng cổ, khoác thêm chiếc áo ấm rồi cùng người bạn đời ra khỏi nhà, đón ngày mới.

Lộ trình đi bộ sáng nay là đi về hướng biển. Từ nhà tới đó chỉ qua một con dốc ngắn, băng qua con đường tên Old Mamalahoa, đi bộ một quãng thì tới Quốc lộ 11. Sau khi băng qua Quốc lộ này là tới con đường có tên Mill. Biển cách đó không xa.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương


White bird
Theresa Khong

Tổ chức Y Tế Toàn Cầu cho biết vì tiếng xe cộ mà 340 triệu người Tây Âu (ngang ngửa với dân số Hoa Kỳ) mất đi một triệu năm sống lành mạnh. Bên cạnh đó, tiếng động lấy đi giấc ngủ an bình, làm tăng áp huyết, dẫn tới chứng ù tai cũng như nhiều chứng bệnh về tim mạch, chưa kể khiến người ta sinh gắt gỏng, mất chú ý, mất tập trung tư tưởng, mất bình an.

Phải chăng sự thanh vắng đang dần trở thành một báu vật mà các thiền sư đang mải công tìm?
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Khi các tin tức, dù nhuộm màu bi quan tối xám nhưng không liên quan tới thân nhân, bạn hữu, thì người ta cũng thương cảm cho những cảnh đời nghiệt ngã, nhưng rồi sẽ chóng quên như mẩu quảng cáo trên truyền hình. Tuy nhiên, khi nghe tin người thân đối diện với những chuyện chẳng lành, thì những xúc động thoáng qua ban đầu sẽ tăng cường độ, như lửa đốt trong lòng.

Tôi đó. Từ sáng hôm Thứ Hai, khi hay tin có những đám cháy rừng khởi đi từ Silverado, một làng có di tích lịch sử tại quận Cam, nổi tiếng có nhiều mỏ bạc trong thế kỷ 19, đã lan dần tới gần các thành phố có đông dân cư kế cận, khiến tôi bồn chồn lo lắng. Tôi gọi điện thoại hỏi thăm gia đình bạn hữu, vì gia đình chồng tôi, gia đình tôi, nhiều bạn hữu của chúng tôi ở gần lộ trình của lửa. Có người đã di tản ngay tối hôm đó. Có người đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết để khi cảnh sát ra lệnh thì sẽ phải lập tức rời nhà để đi đến một nơi an toàn hơn.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Hạnh phúc như đôi chim uyên, tung bay ngập trời nắng ấm.
Hạnh phúc như sương ban mai, long lanh đậu cành lá thắm.

(Nguyễn Ánh 9)

Nguyễn Ánh 9, tác giả bài “Buồn Ơi Chào Mi” đã ghép hai chữ “hạnh phúc” vào “đôi chim uyên”, vào “sương ban mai”. Với tôi, hạnh phúc là bất chợt thấy một mảnh cầu vồng trên nền trời sau một đêm bão bùng dông tố, hay gặp lại người thân sau cả năm xa cách, hoặc thấy đứa con lần đầu, sau chín tháng cưu mang … Nếu ví từng khoảnh khắc hạnh phúc là một hột ngọc của chuỗi đeo cổ thì ngày hôm nay, tôi có thêm vài viên đá quý.

Bên Hawaii này có một giống kiến lửa bé bằng đầu kim. Ai bị chúng cắn thì sẽ cảm thấy buốt thấu trời xanh. Vì vậy, sáng nay, khi trông thấy vài con đang bò thám thính trong nhà, tôi liền lên tiếng báo động. Những cái bẫy lập tức được tạo ra từ những miếng giấy bạc, gấp thành những nắp hộp vuông nhỏ, vừa đủ chỗ cho vài chục viên “thuốc” như hột cát. Chàng của tôi đặt những chiếc bẫy này tại những nơi đang có các vị khách-tự-động-thăm-mà-không-có-lời-mời. Chỉ trong vòng một tiếng, những viên AMDRO mời mọc lũ kiến, khiến chúng tranh nhau bò vào và tha về tổ. Hiệu quả là khi chất độc lọt vào trong tổ, họ hàng nhà kiến bảo nhau ăn, rồi cùng rủ nhau mà ra đi, chẳng còn bao giờ thấy bình minh của ngày mới. Nếu không có kính để nhìn cho rõ thì cả hai đứa đã phải khổ sở vì bị kiến lửa chích rồi, khi vô tình dẵm đôi chân trần lên trên chúng.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương
Yên Nhiên chuyển ngữ từ nguyên tác A Geisha brooch của tác giả.

Chiếc trâm cài màu đỏ nhỏ nhắn
Khép nép ẩn mình đợi chờ Nàng
Tóc nhung huyền, mặt hoa da phấn
Môi son tươi thắm nét đài trang

Lộng lẫy thanh y, đôi guốc gỗ
Thấp thoáng bên mành bóng kiều nương
Hẹn cùng ai đêm xuân ngày hạ
Cùng mê hoan say khúc nghê thường
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Chỉ mấy tuần trước đây, Đảo Lớn vẫn còn nhộn nhịp với khách viếng thăm từ khắp nơi trên thế giới đổ về.  Du thuyền ghé Vịnh Hilo ba, bốn lần một tuần.  Trên những bãi cát vàng, đen, đông đảo du khách ngâm mình trong làn nước mát và trong bầu khí hải đảo, hay tản bộ dưới hàng cây bàng cổ thụ đang thay lá.  Phố phường nhộn nhịp kẻ bán người mua.  Những buồng dừa tươi, có thể mới được chặt xuống từ đêm qua, bao giờ cũng được chiếu cố tận tình.

Thế mà bất chợt như một trận cuồng phong dông tố, một đại dịch khởi đi từ một thành phố lớn bên Tàu, như một tấm màn đen tối ám đã và đang bao phủ lên trên địa cầu.  Tấm màn phù thủy này không phân biệt màu da, tiếng nói hay giai cấp, đã lấy đi hơn ba chục ngàn mạng sống, và gây khiếp sợ trong lòng mọi người, vì sự nhiễm bệnh tăng theo cấp lũy thừa.  Giới chức y tế tiên đoán là trong tương lai gần, sẽ không một ai có thể thoát khỏi nanh vuốt của con vật COVID-19.  Không nặng thì nhẹ.  Do đó, giới hạn gặp gỡ là một biện pháp cấp bách và cần thiết để làm chậm lại tiến trình của sự lây bệnh, hầu các nhà thương có đủ phương tiện và nhân lực để chữa trị những trường hợp nguy nan.  Bộ mặt thế giới đã hoàn toàn thay đổi, từ các sinh hoạt với tầm mức quốc tế cho đến đời sống hàng ngày của chúng tôi.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Bằng giờ năm ngoái, hàng ngàn gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chuyến viếng thăm đầy lửa khói của Nữ Thần Pele, đứng xếp hàng làm đơn xin chính phủ trợ cấp, hầu xây dựng lại cơ sở làm ăn hay nhà cửa của họ. Một trong những con đường dẫn vào khu vực bị dung nham tàn phá là Quốc lộ 132. Sau một thời gian sửa chữa, có khi phải đối phó với 700 độ F trên mặt đất, đoạn đường này đã được phép lưu thông trở lại từ tháng Mười Một năm ngoái. Chủ nhân những căn nhà hay cơ sở bị thần nữ Pele đùa chơi đã trở về chốn cũ, để xem xét tình hình. Tái xây dựng hay dời đi nơi khác. Ở lại thì ra sao Dọn đi thì sẽ đi về đâu?
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Mỗi tháng có khoảng bẩy gia đình chọn Đảo Lớn làm nơi cư ngụ thường trực, vì người dân trên đảo được tiếng là thân thiện, vì so với nhiều nơi trên thế giới, thời tiết hải đảo không có mùa đông buốt giá, và vì đất còn rộng và người còn thưa.  Đối với du khách chỉ ghé thăm đảo vài ngày hay một, hai tuần, đây quả thật là “thiên đàng hạ giới”.  Đối với những ai trở thành thường trú nhân trên đảo thì chỉ trong một thời gian ngắn, họ sẽ khám phá ra rằng thiên đàng này cũng tràn ngập hỉ nộ ái ố … như các cõi tạm khác, nhất là khi có hàng xóm tứ bề bốn phía.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Cũng thầm nhỏ lệ khóc nàng Mộng Nga.  Mộng Nga là mẹ tôi.  Cụ mới rời cõi tạm đi về miền Viễn Phúc, để tái ngộ với người bạn đời, người đã âu yếm tặng cho cụ biệt hiệu nên thơ này.

oOo

Papaikou ngày 11 tháng 12, 2018

Mẹ vô vàn thương nhớ của con,

Bốn mươi ba ngày trước, mẹ đã chấm dứt chuỗi ngày của mẹ trên trần gian này trong vòng tay thân yêu người con trai thứ.  Mãi đến hôm nay con mới bớt cảm xúc để viết thơ này gửi mẹ, dù giờ này mẹ biết hết rồi, biết từng nỗi thương nỗi nhớ của từng đứa con, đứa cháu.  Mẹ biết rõ cả những gì đã xẩy ra sáng hôm đó.

Sáng hôm 29 tháng Mười, như thường lệ, sau khi đọc các kinh sáng, con bật cell phone lên để đọc  text gửi sang từ các em và mẹ, mặc dù cả tháng trước đó, vì căn bệnh hiểm nghèo đã lấy dần đi sinh lực, mẹ đã không còn tham gia vào những trao đổi hằng ngày của chị em chúng con nữa.  Khi phone của con vừa bật lên thì con nghe những tiếng tít tít liên tục báo có text mới phát ra.  Con đoán có điều gì bất thường.  Vậy mà, khi đọc cả chục text từ các em, con thắc mắc vô cùng, như khi đọc một câu truyện ngắn mà phần mở đầu đã bị ai cắt xén.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Sau hơn bốn năm khổ công tìm kiếm, chúng tôi đã mua được hai căn nhà lớn, nhỏ (bên Hawaii này họ gọi căn nhà xây thêm là ohana) trên một mảnh đất và dọn vào căn nhà nhỏ đã một tháng. Chúng tôi định sửa sang xong rồi cho thuê căn này, sau đó, dọn vào căn nhà chính, sửa tiếp! Nhìn quanh, chưa thấy “đâu vào với đâu”, nhưng kiểm điểm lại những gì thực hiện được trong một tháng qua, tôi thấy lạc quan. Với đà này, hy vọng chúng tôi sớm có một tổ ấm như ý.

Cả hai căn nhà đều cần nhiều sửa chữa. Chúng tôi định là chỉ sửa sang hay cải thiện những gì trước mắt, còn những gì chưa cần thiết thì sẽ tính sau. Điều cần cải thiện trước tiên là nạn muỗi mòng. Muỗi bay ra bay vào căn ohana này như chốn không người. Rusty, bạn của chúng tôi và cũng có nghề sửa nhà, đã bị muỗi cắn khắp mặt mày tay chân, khi gắn hệ thống nước nóng dùng năng lượng mặt trời cho cả hai căn nhà. Lúc đó, chúng tôi chưa dọn vào, vì chưa có nước nóng. Chàng và tôi không thể đoán được muỗi từ đâu ra, vì cái bồn nhựa to chứa đầy nước người bán dùng để trồng hoa súng, hoa sen (hoa thì thiếu mà lăng quăng thì nhiều) đã được Adam đổ hết ra từ mấy tuần trước. Khi nghe Rusty than thở vì bị muỗi cắn, chúng tôi đi chung quanh nhà, để tìm hiểu, thì thấy một giàn su su dầy đặc như một cánh rừng, bò kín mít cái khung nhôm không bạt cũ kỹ (loại để che nắng che mưa cho xe hơi), nằm cách cửa ra vào khoảng hơn một thước. Tôi chắc mẩm, đây đúng là giang san của bầy muỗi. Và thật vậy, mới ló đầu nhìn vào giàn su su, tôi đã nghe tiếng muỗi kêu vo ve quanh mình.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Ngày Thứ Bẩy mồng 9 tháng Hai, năm 1985, bố mẹ tôi đã được trông thấy một mảnh Thiên Đàng trong vòng hơn 20 cây số, trên Quốc Lộ 15, khúc đường đèo quanh co. Hơn 34 năm sau, ngày Thứ Năm mồng 7 tháng Ba năm nay, chàng và tôi có một kinh nghiệm tương tự, dù chỉ trong tích tắc.

Chiều hôm đó, sau khi ra khỏi lớp Hawaiian, hai đứa lái thẳng về nhà, vì thời tiết lạnh hơn thường lệ. Mọi khi, chúng tôi hay ghé Coconut Island (Đảo Dừa hay là Đảo Chữa Bệnh) để đi bộ ra ghềnh đá ngắm trời, ngắm mây, coi trẻ con phóng xuống biển từ một cái tháp xây bằng đá dung nham, trước khi nhúng đôi chân trần vào nước mát.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Những ai thường xuyên đi qua đường Kulana khi xuống phố Hilo sẽ không thể không để ý đến một cặp nam nữ xin qúa giang, với rất nhiều đồ đạc nằm ngổn ngang dưới đất.

Tôi không nhớ lần đầu cho họ đi nhờ xe xuống phố là ngày tháng nào. Chỉ biết, với thời gian gần bốn năm ở bên Đảo Lớn này, chúng tôi đã ngừng xe lại để họ “chất đồ” leo lên xe rất nhiều lần. Dùng chữ “chất đồ” không ngoa. Lần đầu chúng tôi tưởng hai người này dọn nhà. Bình thường, người qúa giang chỉ đem theo mình một hay hai cái túi. Qúa lắm thì thêm một cây đàn. Đôi nam nữ này lúc nào cũng như dọn nhà (chỉ thiếu đồ đạc bàn ghế, nồi niêu xoong chảo), khi xin qúa giang. Bao lớn, bao nhỏ ở dưới đất, chưa kể các bao khác, khoác trên vai, trên lưng.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương
Yên Nhiên chuyển ngữ từ nguyên tác Origami

Trái tim ẩn tàng

Có người nói tình yêu hiển lộ
Em lung linh khi ngó mặt chàng
Sóng lòng rộn rã âm vang
Cầm bằng như đã quy hàng, chàng ơi!

Một trang giấy báo xé rời
Hồn em mở hội bồi hồi tay nâng
Xếp từng nếp gấp lâng lâng
Trái tim bé bỏng ân cần gửi trao
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Mới đó mà mẹ tôi đã mất hơn 100 ngày.  Mới đó mà đã hơn 100 ngày!  Nỗi nhớ thương mẹ đôi khi đến bất chợt như một cánh chim bay vèo từ trên ngọn dừa xuống sân cỏ hay như những giọt mưa nhẹ như tơ trong một ngày nắng ấm.  Không phải bao giờ tôi cũng bình tĩnh và làm chủ được lòng mình.  Có khi tôi ngăn được nước mắt.  Có khi tôi chịu thua, để cho dòng lệ âm ỉ trong tim rồi trào lên từ khóe mắt, làm ướt đẫm hàng mi.  Những lúc như thế, tôi vội đi ra khỏi tầm nhìn của người chồng khác miền khác tỉnh.

Từ tháng Mười tới giờ đã trải qua mấy ngày Lễ lớn.  Lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh và chỉ còn hai hôm nữa là tới Tết Nguyên Đán.  Tết đến khi xa nhà nhớ mẹ mười phần.  Năm nay, Tết đến khi mẹ không còn trên cõi trần khiến tôi nhớ mẹ trăm lần nhiều hơn, dù có ai đã an ủi “Mẹ bao giờ cũng ở trong tim ta.”  Tôi nhớ về những cái Tết có mẹ, từ khi còn ở bên quê nhà, cho tới những ngày mừng năm mới bên quê người, hơn 40 năm qua.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Nếu có đàn ngỗng trời bay qua Đảo Lớn sáng nay, chúng sẽ ngạc nhiên khi thấy gió êm biển lặng.  Ngỗng không biết là Đảo Lớn lại một lần nữa thoát khỏi sự tàn phá của bão tố.  Nhờ hai ngọn núi cao và to nhất thế giới che chở, thông thường bão chỉ xẹt qua hù chọc nhân gian chứ ít khi nào tạt vào nghỉ chân, như Iniki năm nào.

Vài ngày trước khi bão đến, gia đình nhỏ hai người của chúng tôi cũng dự trữ nước uống, thức ăn, đồ hộp cho hai tuần.  Hôm Thứ Tư, khi ghé Farmer’s Market mua ít rau qủa, thì thấy chợ vắng như chùa bà Đanh, chỉ trừ có một người đàn bà bán hàng từ chiếc xe pickup của mình.  Vì tới hơi trễ nên ngoài bí rợ, chỉ còn lèo tèo vài nải chuối, vài trái dưa leo và vài bó warabi (một loại fern như măng tây nhưng nhớt như đậu bắp).  Chúng tôi mua một nải chuối ba đồng rồi tạt vào chợ KTA, chuẩn bị giơ cổ ra cho người ta chém.
(more…)

Mưa

Posted: 03/09/2018 in Khổng thị Thanh-Hương, Thơ

Khổng thị Thanh-Hương

Màn mưa xám trùm lên phố cũ
Mành tơ đan nghiêng ngả dọc ngang
Bôi xóa mặt người quen hóa lạ
Tay gã say vung vẩy hoang đàng

Màn nước xám phủ hồ sen tím
Bì bõm chàng cóc lội bơi chơi
Lờ lững gốc sen ngừng níu kéo
Lá cành lay động khoác áo tơi
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Bốn ngày trước khi bão nhiệt đới tên Lane tới gần Đảo Lớn, những người sợ tiếng nổ như tôi bị một phen thất kinh hồn vía.

Thông thường, chàng của tôi hay coi app này app kia để biết tin thời tiết bên Hạ Uy Di này, đặc biệt là trong mùa bão từ tháng Năm tới tháng 10. Thế mà, chàng không hề báo động sẽ có mưa to sấm sét đổ xuống nơi chúng tôi đang ở. Mặc dù những sấm sét hôm Thứ Bẩy không phải từ Lane, nhưng đối với tôi, chúng có khác gì từ một cơn bão cấp số 2 hay số 3.

Hôm đó, tôi đang chúi mũi vào cuốn ô chữ để cố moi óc tìm câu trả lời cho một câu đố thì tự dưng một luồng ánh sáng lóe lên. Tưởng đèn trên trần nhà sắp tắt như mỗi khi mưa lớn, tôi nghĩ thầm, “Mưa chưa nặng hột mà tại sao đèn trong phòng lại lấp láy như muốn tắt tới nơi?” Chưa kịp trả lời câu hỏi của chính mình thì bỗng nhiên một chuỗi những tiếng nổ long trời vang lên. Ngày xưa các cụ dùng câu “sét đánh ngang tai” để diễn tả phản ứng sững sợ kinh ngạc khi nghe tin xẩy ra ngoài sự tưởng tượng phong phú của con người. Nghe tiếng sấm, tôi giật mình đánh rơi cuốn ô chữ, rồi do phản ứng tự nhiên, dùng hai tay bịt lấy tai của mình. Quay lại nhìn chồng, tôi thấy anh chàng đang mỉm cười. Người này luôn ngưỡng mộ sự bao la hùng vĩ của trời đất và rất thích làm chứng nhân trước những chuyển động của thiên nhiên. Nguyệt thực, nhật thực, những đêm không trăng lấp lánh muôn triệu tinh tú, núi lửa, tuyết trên đỉnh Mauna Kea, sóng lớn trào vào bãi biển hay bất cứ điều gì khác thường được tiên báo từ đài khí tượng thì chàng đều muốn đến tận nơi, coi tận mắt. Tôi than, “Giời ạ, người ta sợ gần đứng tim mà ông ngồi đó cười!” Chàng trấn an, “Chỉ có sấm chớp và mưa lớn thôi. Cưng đừng lo.” Rồi nhớ lại một lần khi tôi về thăm vào nhà, giông tố bão bùng cũng đã xẩy ra, “Suốt đêm. Không thể tưởng tượng được!”
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương


Elements
Catherine Lanwagen

Theo thần thoại Hạ-Uy-Di, Kilauea là nơi cư trú của nữ thần hỏa diệm sơn Pele.  Kể từ khi hoạt động núi lửa được ghi nhận vào năm 1823, Madame Pele liên tục rời lòng đất đỏ lửa, lên cõi trần thăm dân cho biết sự tình.  Cũng như mọi lần, trước khi tái xuất hiện, thần nữ này vươn vai cựa mình.  Dưới lòng đất, nàng Pele chuyển mình.  Trên trần gian, người thế run sợ thăng cẳng thần kinh.  Hơn 600 cơn địa chấn lớn nhỏ xẩy ra trong tháng Tư.  Rồi sang tháng Năm, một cuộc động đất 5 chấm mở màn cho sự tái xuất hiện uy nghi của nàng.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Sáng hôm qua, khi hai đứa vừa đi bộ lên gần tới đỉnh đồi của con đường làng thì thấy John, người có hơn trăm cây ổi xá lị trên miếng đất sau nhà, ngừng xe lại và nói với giọng nghiêm trọng chứ không tươi cười như mọi khi, “Ông bà nên đi nhanh về nhà vì mới có báo động hỏa tiễn xuyên lục địa đang nhắm tới đây.” Tôi tưởng ông ta đùa nên cũng đùa lại, “Để tôi về kiếm cái bàn nào đó để trú”. Ông John nghiêm mặt nói là điều này thật, không phải đùa.

Trên đường về, tôi hỏi Adam là người dân ở đảo Oahu (gần Bắc Hàn hơn) và mình ở đây có bao nhiêu phút để tìm chỗ trú ẩn? Adam đoán là khoảng trên dưới 20 phút. Tuy nhiên chàng không nghĩ báo động thật vì có thể vì hệ thống báo động đang dùng đã qúa lỗi thời, từ thời Chiến Tranh Lạnh. Tuy chưa biết thật hư, tôi cũng thầm đọc kinh Ăn Năn Tội, phòng xa nếu Chúa gọi. Khi về tới nhà, quả thật trên màn ảnh của hai cái cell phones đều có câu Emergency alert: Extreme. Ballistic missile threat in bound to HI. Seek immediate shelter. This is not a drill. Tôi nhủ thầm, “Tới lúc thấy được những hàng chữ này thì mọi sự đều bình thường, chứ nếu thực sự hỏa tiễn đã rớt vô đảo thì có sự gì tồn tại được!”
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Trước khi chuẩn bị dọn sang Đảo Lớn chúng tôi có tìm hiểu sơ qua về đời sống bên hải đảo để chuẩn bị tinh thần đối phó với những bất thường. Đừng tưởng “thiên đàng hạ giới” không có vấn đề, người ta cảnh giác. Điều trước tiên tôi để ý là sự gì bằng kim loại cũng rỉ sét rất nhanh. Ngoài ra, ví da, giầy da nếu không dùng tới chỉ trong vòng vài tuần thì sẽ đóng mốc xanh rêu. Điện thì khi nào có sấm chớp, có mưa to, gió lớn thì tự ý chơi trò cút bắt. Đang gõ dở dang bài vở mà không nhớ save thì coi như những dòng chữ sẽ từ động ra đi, không để lại dấu vết.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Câu hỏi “Thứ tha có dễ?” lẩn quẩn trong đầu tôi nhiều ngày sau khi trải lòng trên giấy trắng mực đen sự thương cảm của tôi đối với một số người nữ quê tôi chịu bao thảm kịch đắng cay vì sự tàn bạo của một lũ đàn ông thua xa súc vật. Ngày hôm qua tôi đã tìm được câu trả lời.

Như thường lệ, chúng tôi tình nguyện cùng với trên dưới mười người để “làm đẹp” sân cỏ của một ngôi trường tiểu học đã bỏ hoang hơn sáu năm nay. Bên phía Đông của Đảo Lớn này, lượng mưa khoảng từ 7.850 đến 10. 271 phân mỗi năm cho nên cây cỏ mọc liên tục, không ngừng không nghỉ, không lấy giờ giải lao. Do đó, sáu năm không có người lai vãng, cỏ cao hơn đầu người, choán hết đường đi. Những cây cổ thụ không ai tỉa nên thi nhau mọc, che khuất toà nhà hai tầng, chưa kể những cây mới được trồng bởi chim trời. Khi lái xe qua khu vực này, du khách không hề hay biết sự hiện diện của Hilo Elementary School.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Hai ngàn năm trước, Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu tha lỗi cho người bẩy lần là tối đa? Chúa trả lời là phải tha 77 lần. Đối với Thiên Chúa, tha thứ không có giới hạn, nếu người ta thống hối. Tôi cố gắng theo lời Người dạy. Những lần bị oan ức không giải tỏa được hay những lần trái tim rướm máu vì bị phản bội, tôi đều tha thứ. Nhưng hiện tại có một điều quá khó với tôi.

Mấy ngày nay, sau khi đọc bài “Nước mắt, nước biển và thuyền nhân Việt” của Trần Mộng Tú, tâm hồn tôi dậy sóng. Tôi chẩy nước mắt, xót thương cho những người đàn ông đã chết bất ngờ trong đau đớn tủi hận vì không bảo vệ được người thân yêu của mình. Lòng tôi quặn đau thương cảm cho những người đàn bà con gái bị những tên ngư phủ Thái Lan, vì thú tính đã biến thành những tên thảo khấu bất lương trên biển cả. Tôi hình dung sự lo sợ kinh hoàng của những thân gái đối diện với sự hung bạo của qủy đội lớp người. Rồi tôi trách mình ghê gớm.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương


Chapel in sunlight
Theresa Khong

Hằng năm, bên Đảo Lớn, các nhà thờ, chùa chiền hay trung tâm cao niên thường dành ra một hay hai cuối tuần bán lạc-xoong để lấy tiền gây qũy. Hội Phụ nữ Phật tử tại Hilo đã tổ chức một buổi Rummage Sale hôm mồng 5 tháng Tám. Những thứ đã dùng rồi nhưng coi còn tạm được đã được bầy bán trong căn phòng chính của Hội. Riêng với quần áo, người ta quảng cáo “Năm đồng một bao!” Bạn có thể nhét bao nhiêu món vào bao cũng được, miễn là bao còn chỗ để cột lại. Tôi chọn được một số y phục cho mình, cho bà thầy và cho một cô bạn.

Về tới nhà, tôi có một buổi trình diễn thời trang bỏ túi khá lý thú. Có những chiếc áo vừa khít. Có những chiếc rộng cổ, rộng nách, rộng cả hai bên hông áo, hoặc hơi dài, cần phải sửa. Tôi đem kinh nghiệm học thêu thùa may vá ra để sửa áo. Chưa có máy may vì đồ đạc vẫn còn nằm trong nhà kho, tôi dùng kim chỉ để sửa lại những chiếc áo này. Sau khi bóp vào một bên hông áo, tôi thắt nút, lấy kéo cắt chỉ, chuẩn bị sửa hông áo bên kia. Tự dưng tôi nhớ đến những buổi học thêu thời xa xưa, gần nửa thế kỷ trước.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Người ta bảo có mới nới cũ. Thế mà trí nhớ của tôi đi ngược câu thành ngữ này. Trí nhớ tôi thủy chung với những gì nằm tận đáy rương kỷ niệm hay ở tầng cuối cùng của lớp lá vàng ướt úa của tháng năm. Trí nhớ tôi ôm cứng những gì cần phải quên và tự ý lần mò trở về những con đường cắm bảng “Không phận sự, cấm vào!” Có lẽ nhờ vậy mà tôi vẫn còn nhớ được vài đôi câu những bản nhạc tôi yêu thích từ thuở xa xưa. Như nhờ vào bàn tay của một người thợ tạc tài hoa, những dòng nhạc này vẫn còn nằm trong ký ức tôi, ký ức của một người có trí nhớ bạch tuộc, chỉ muốn ghì chặt những gì xẩy ra trong qúa khứ và hay mau quên những gì mới xẩy ra.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Vào khoảng đầu hạ cuối xuân, Trader Joe’s có bầy bán một loài hoa mà tôi yêu nhất trên đời. Như mọi lần, khi bất ngờ trông thấy Bà Chúa Các Loài Hoa tôi mê mẩn đứng nhìn những bó mẫu đơn tím, hồng đậm nhạt, nổi bật trong gian hàng hoa muôn sắc. Có bó đã nở rộ, mỹ miều, huyền ảo như xiêm y của một tiên nữ giáng trần. Có bó chưa nở, khoe với dân gian những nụ tròn trịa mũm mĩm dễ thương. Hoa đang mong đợi có ai đó ghé mắt, đem về chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiêu sa duyên dáng của mình. Cũng như mọi lần, sau khi ngắm hoa thỏa thuê, tôi dời bước chân đi nơi khác.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Đầu tháng Ba, thằng con trai út của tôi cho hay vợ nó mới sanh đứa con đầu lòng và gửi hình thằng nhỏ qua cho bà nội nó coi, cho biết mặt. Lần đầu nhìn hình thằng nhóc, tôi nhận thấy nó giống tía nó y chang. Như một bản photocopy! Cũng như khi nhìn hình một đứa trẻ sơ sinh dễ thương khác, tôi không mấy rung động. Nhủ thầm mai mốt sẽ về thăm. Thế thôi.

Rồi tôi mua vé máy bay về chơi ba tuần. Trước khi về, tôi giao hẹn với con trai và con dâu, “Mẹ ở bên hai đứa bây hai tuần đầu, tuần chót tao để dành cho bà cụ ngoại.” Như những lần khác, thằng út đón rồi đưa về nhà bà ngoại. Tới ngày về lại Hilo, thằng con lớn đưa tôi ra phi trường.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Vài tháng sau khi thuê căn apartment này, hai đứa tui hỏi thử ông chủ nhà coi có thể biến nền hồ chứa nước cũ (lúc đó đang đầy sỏi và đá vụn) thành cái vườn trồng rau. Ông Ken chịu liền. Tụi tui bỏ ra mấy ngày rẩy cát, lược sỏi và đá vụn rồi ghé Home Depot mua khoảng chục bao đất, đổ vô căn vườn tí hon và bắt đầu trồng trọt.

Kêu là trồng trọt cho có vẻ nhà nông với người ta, chứ mảnh vườn sáu góc nhỏ xiú, vì mỗi góc khoảng 12 gang tay. Vậy mà hai đứa cũng trồng được gần chục loại rau khác nhau, chưa kể hai ba loại hoa nữa. Đậu đũa, dưa leo, mướp đắng và mồng tơi chen chúc trên hai giàn Adam kết bằng tre, lượm từ sân nhà. Các loại rau như Collard green, rau thơm, hoa vạn thọ, hoa gerber (Đồng Tiền), nastursium (sen cạn) củ cải trắng, cà chua, rau húng lủi, arugula (ông chủ nhà rất mê rau xà lách có vị the the này, không biết tên Việt kêu là gì). Đứa nào mạnh thì tươi tốt. Đứa nào không đủ sức dành quyền sống thì ráng cầm cự loe ngoe vài lá, vài cánh hoa rồi lặng lẽ chào thua.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

Lòng tôi phấn khởi,
Khi nghe lời kêu gọi tổng biểu tình của linh mục Nguyễn Văn Lý,
Người đã từng bị gông cùm 15 năm,
Vì tranh đấu cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ.
Tôi nôn nóng ánh bình minh ló dạng
Để biết thêm tin tức từ quê hương.
Tôi thấy đồng bào tôi cầm cờ Ngũ Sắc Tinh Kỳ
Xuống đường tranh đấu bất bạo động cho nhân quyền và dân chủ,
Nhân ngày kỷ niệm Trường Sa, Hoàng Sa lọt vào tay Tầu cộng.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

albizia

Ngày mai là đúng hai năm chúng tôi ở bên Đảo Lớn. Ngày tháng qua nhanh khi người ta bận rộn. Ngày tháng như nhựa đường, như dung nham khi người ta dư thì giờ, hay khi người ta trông ngóng một điều gì.

Mấy tuần nay, không biết có phải vì sự thao thức chưa mua được nhà, hay tại vì sự liên lạc với gia đình tạm gián đoạn vì phôn cần sửa, tâm trạng tôi rối bời như mớ bòng bong? Đứng không yên, ngồi không yên. Cơ thể bất an. Tâm thần bất ổn. Vậy mà có lúc tôi ngồi chết trân, ngắm những giọt mưa khéo nhau trở lại biển, sau khi được vẩy bởi một chiếc cọ khổng lồ sũng nước từ trên không. Có lúc tôi lắng nghe cặp chim nhồng cãi nhau, đứa đứng trên cột điện, đứa đi đủng đỉnh dưới mặt lộ. Lâu lâu con này ngoái đầu về hướng con kia rồi “ngoé” lên vài tiếng. Y như loài người, khi bực nhau! (more…)

Khổng thị Thanh-Hương

valentine_day_posters

Hôm Thứ Ba là ngày lễ Tình Yêu, hai đứa chúng tôi trao nhau tấm thiệp có hình tim hồng tim đỏ, rồi mạnh ai nấy lo chuẩn bị để ra khỏi nhà cho đúng giờ, vì có một ngày bận rộn.

Tháng Hai là tháng có ngày Lễ Tình Yêu. Hai đứa đã vẽ xong tấm poster lớn với cùng chủ đề cho phòng ăn chánh của Viện Dưỡng Lão. Adam có khiếu kẻ chữ. Tôi chỉ là thợ sai vặt, trong đó có việc cắt giấy mầu “tự do”. Công tác chính của tôi tháng này là cắt hình trái tim và hai con nai. Dù tấm poster có mầu sắc tươi vui với vài câu dí dỏm về ngày lễ, khung cảnh viện dưỡng lão không thấy khởi sắc chút nào. Càng ngày nơi này càng buồn hiu.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

precious_feet

Thứ Bẩy ngày 22 tháng giêng năm nay là ngày tưởng niệm 44 năm Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hợp thức hóa phá thai. Lúc ấy người đứng đơn là một phụ nữ 21 tuổi tên Norma McCorvey, thuộc tiểu bang Texas. Norma đã thắng kiện sau khi xin Tòa phán quyết luật cấm phá thai của tiểu bang Texas là vi hiến. Hậu qủa vô cùng tai hại của phán quyết này là gần 53 triệu thai nhi tại Hoa Kỳ đã bị giết tức tưởi trong lòng mẹ trong vòng 38 năm qua (từ năm 1973 đến năm 2011). Nếu tính thêm số bào thai bị giết hại từ 2011 đến nay 2017, thì con số đã hơn số dân của Nam Hàn (50 triệu) rất nhiều.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

khong_thi_thanh_huong

Những ngày không tình nguyện tại Viện Dưỡng Lão, chúng tôi rủ nhau đi bộ sau khi uống xong ly cà phê. Sáng nay chàng hỏi, “Mauka hay makai/Lên núi hay xuống biển?” Rút bàn tay khỏi túi áo ấm, tôi chỉ về phía trái. Thế là hai đứa đi bộ lên phía đỉnh đồi con đường làng Ka’ie’ie. Trời mùa đông bên Đảo Lớn năm nay lạnh hơn năm ngoái, lạnh đủ để dân hải đảo giở áo ấm ra mặc. Chiếc áo len mầu đỏ có mũ tôi mang theo gần hai năm trước, nay chỉ đã xoạc vài đoạn nơi cổ áo và mầu bên ngoài đã nhạt hơn bên trong.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

bui_bao_truc_6
Nhà báo Bùi Bảo Trúc (1944-2016)

Khỏang ba giờ sáng ngày hôm nay, Thứ Sáu 30 tháng 12 năm 2016, đúng vào ngày rất đông gia đình, bạn hữu và các khán thính giả cũng như độc giả ái mộ tiễn đưa nhà văn, nhà báo Bùi Bảo Trúc về nơi an nghỉ ngàn thu thì tôi đã được mơ thấy người “một đời với chữ nghĩa”.

Vẫn còn mơ mơ màng màng, tôi cho Adam biết là I just had a dream about Bảo Lâm. Lạ thật! Từ hồi nào tới giờ, ít khi nào tôi gọi nhà văn, bỉnh bút gia Bùi Bảo Trúc là Bảo Lâm. Thế mà trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ tôi gọi ông với một tên mà tôi không hay gọi thường ngày.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

tinh_ban

Thức giấc bởi trăm tiếng chim còn ngái ngủ từ bụi cây gần nhà, không hiểu động lực nào đã đưa tâm trí tôi bước lên chuyến tầu tốc hành đi ngược về qúa khứ. Tôi chợt nhớ tới những người bạn thân đã mất dấu vì vật đổi sao dời như Nguyễn thị Tường Vi, 24 Rue de la Parcheminerie, Paris V 75005, như ThB, một người bạn tôi quen hơn 50 năm về trước, như người bạn khác, tôi thân cũng khá lâu. Rồi tự hỏi những người từng là bạn thân nhưng giờ coi mình như kẻ lạ đang làm gì giờ này, có nghĩ đến người bạn năm xưa của họ?
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

bui_bao_truc_4
Nhà báo Bùi Bảo Trúc (1944-2016)

Papaikou, ngày 18 tháng chạp năm 2016

Ông Bảo Lâm kính mến,

Sáng hôm qua, có người quen cho biết ông đã qua đời, dù chưa có tin chính thức. Tôi hy vọng đây chỉ là một tin không thật và mong sao ông vẫn còn trên cõi đời, ít nhất 10 hay mười lăm năm nữa. Tiếc thay, tin ông ra đi vĩnh viễn thật 100%. Hèn chi, trong lần cuối nghe chương trình Ngày Này Năm Xưa (NNNX) tôi nhận thấy giọng của ông có khác thường. Giờ, người nhiều tài năng đã ra đi bất ngờ và qúa sớm!!!

Trước hết, xin ông thứ lỗi cho vì đã mạo muội viết lá thơ này gửi ông, vì cho tới ngày Thứ Sáu 16 tháng 12, chúng ta chỉ gặp nhau một lần trong buổi Hoà Nhạc mừng Sinh Nhật thứ 80 của nhạc sĩ Lê văn Khoa năm nào. Hy vọng khi đọc xong lá thơ này ông sẽ nở nụ cười bao dung và tha thứ cho sự đường đột của một ngưòi ông không hề quen biết.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

gift_of_love

Khi biết chàng và tôi muốn dành ra một phần thời gian, sức lực và tài năng hạn hẹp của mình để làm việc tình nguyện bên Hilo này, Ken, người chủ nhà hiện làm cho Hilo Medical Center (HMC) cho hay là Viện Dưỡng Lão trực thuộc HMC luôn luôn cần người giúp. Ken mang về cho chúng tôi vài tờ đơn rồi đề nghị sẽ nộp dùm cho khi điền xong. Sau khi suy nghĩ, chàng và tôi quyết định thử tình nguyện tại Viện Dưỡng Lão một năm. Thắm thoát hai đứa đã đóng góp hơn 800 giờ. Mỗi Thứ Ba và Thứ Năm, từ 7:30 đến 11:30 giờ sáng, chúng tôi tới đó trang trí phòng ăn chính của Viện Dưỡng Lão theo những ngày lễ lớn.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

house_in_hilo-hawaii

Dù trở lại Hilo đã mấy tuần, đầu óc tôi vẫn còn bịn rịn quyến luyến bên kia bờ Thái Bình. Lúc thì ở bên mẹ, lúc thì bên các con, lúc thì bên các em, lúc thì bên các chú cô, bạn hữu. Một người rất vui từ hôm được choàng lên cổ vợ một vòng hoa khi nàng vừa rời khỏi con chim sắt khổng lồ chật cứng người. Chàng của tôi cười tươi như nụ Phong Lan mới nở. Lần này chàng xa vợ có ba tuần, không dài đằng đẵng như năm ngoái.

Lúc đợi lấy hành lý tôi nhớ lại buổi chiều hôm đó, tại phi trường LAX một nhân viên an ninh đã tốn thì giờ qúy báu của công để khám xét một túi xách nhỏ của tôi. Lý do là vì qua máy X-Ray họ trông thấy một điều gì vi luật. Tôi mang về một lọ trái cây có hơn 4 oz. nước đường của Trader Joe’s (bên Hilo không có tiệm này.) “Bà không thể mang theo hơn 4 oz. chất lỏng,” viên an ninh giải thích. Anh ta không hề hay biết là trong tôi có một hành lý vô hình, ngập sũng nhớ thương.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

little_italy_ny
Little Italy, New York

Từ lâu tôi vẫn mong ghé thăm thành phố nổi tiếng đông dân nhất nước Mỹ, với trên dưới 800 ngôn ngữ xử dụng.  Mãi đến năm 2000 tôi mới có dịp đặt chân tới nơi “không bao giờ ngủ” này.  Đó là nhờ một cô bạn đã từng sinh sống nhiều năm ở Bronx rủ tôi đi cùng, sẵn dịp nàng về thăm nhà và chữa bệnh.

Mọi sự gần như không có gì đáng nói, kể từ giây phút đặt chân lên máy bay bay sang Nữu Ước, cho tới ngày hôm sau, khi chúng tôi lấy subway lên Chinatown để cho nhỏ bạn châm cứu.  Ngồi trong phòng mạch một lát tôi bắt đầu cảm thấy ngứa chân, muốn đi một vòng để xem Phố Tầu bên Nữu Ước có khác gì với Phố Tầu bên miền Tây nước Mỹ.  Trước khi xuống phố cô bạn dặn dò tôi đủ điều.  Mặc dù phần lớn dân New York lịch sự, họ thường tránh nhìn người lạ.  Nói chuyện hay cười với người lạ lại càng hiếm hoi hơn.  Do đó, bạn tôi dặn đừng bắt chuyện với ai, đừng dòm ai và cũng đừng cười với ai, vân vân và vân vân.  Cô bạn còn dặn thêm là tôi phải cẩn thận đường đi lối về, vì thành phố qúa đông người, dễ bị lạc.  Tôi trấn an, “Bồ yên tâm, Hương đi vòng vòng gần đây chứ có đi đâu xa mà lạc.”  Vì biết nhau qúa lâu, nhỏ bạn lo “tổ sư đi lạc” là tôi thế nào cũng không tìm được đường về, cho nên dặn dò kỹ lắm.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

jacaranda

Năm 1976, sau đám cưới, M. và tôi không dọn ra riêng liền mà ở với bố mẹ tôi cho tới khi tôi mang bầu đứa thứ hai và sau khi ông bà dì cậu mừng sinh nhật đầu tiên của Duy thì gia đình nhỏ mới dọn ra. Với đồng lương khiêm tốn của M., chúng tôi tìm được một căn apartment một phòng ngủ, một phòng tắm. Căn này thuộc thành phố Anaheim, cùng hàng xóm với hai nàng công chúa. Một nàng mặt mày lúc nào cũng lem luốc như lọ nồi và nàng kia có nước da trắng như tuyết, chuyên lo việc nhà cửa bếp núc cho 7 chàng tiều phu thiếu chiều cao trầm trọng. Dù cho có tẩm bổ bơ sữa hằng trăm năm, bảo đảm không chàng nào cao thêm được một li ông cụ.
(more…)

Khổng thị Thanh-Hương

quilt

Khi hồi tưởng lại chuyện xưa, có người ví như giở lại cuốn sách chất chứa những chương buồn vui của đoạn đường đời đã đi qua.  Riêng tôi, khi nhớ lại những kỷ niệm vui buồn trong qúa khứ, tôi xem như ngắm lại những mảnh vải ráp nối đủ mầu, đủ sắc của tấm chăn bông đời tôi.  Có miếng thêu bằng những mũi kim giản dị, như nụ hoa dại ngoài đồng.  Có mảnh chằng chịt chi chít lằn dọc, lằn ngang hỗn độn, rối rắm như mê lộ.  Có mảnh tô điểm bởi những bông hoa xinh xắn kết bằng ren trắng, ren ngà.  Có mảnh tan tác, chỉ tuyền một mầu đen.  Dù đường đời có thênh thang hạnh phúc hay khúc khuỷu quanh co, tấm chăn này là chứng tích đời tôi.  Nâng niu trân trọng ký ức của riêng mình, tôi cất vào ngăn tủ tiềm thức, để dành.  Lâu lâu đem ra mân mê từng ô vải, lần về những thời thăm thẳm xa xưa.  Đôi khi âm thanh và hình ảnh rõ mồn một như giọt mưa rơi lộp bộp xuống cành tre, cành trúc tảng sáng hôm nay.
(more…)