Khổng thị Thanh-Hương

Khi các tin tức, dù nhuộm màu bi quan tối xám nhưng không liên quan tới thân nhân, bạn hữu, thì người ta cũng thương cảm cho những cảnh đời nghiệt ngã, nhưng rồi sẽ chóng quên như mẩu quảng cáo trên truyền hình. Tuy nhiên, khi nghe tin người thân đối diện với những chuyện chẳng lành, thì những xúc động thoáng qua ban đầu sẽ tăng cường độ, như lửa đốt trong lòng.

Tôi đó. Từ sáng hôm Thứ Hai, khi hay tin có những đám cháy rừng khởi đi từ Silverado, một làng có di tích lịch sử tại quận Cam, nổi tiếng có nhiều mỏ bạc trong thế kỷ 19, đã lan dần tới gần các thành phố có đông dân cư kế cận, khiến tôi bồn chồn lo lắng. Tôi gọi điện thoại hỏi thăm gia đình bạn hữu, vì gia đình chồng tôi, gia đình tôi, nhiều bạn hữu của chúng tôi ở gần lộ trình của lửa. Có người đã di tản ngay tối hôm đó. Có người đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết để khi cảnh sát ra lệnh thì sẽ phải lập tức rời nhà để đi đến một nơi an toàn hơn.

Sáng hôm sau, thức giấc sớm hơn thường lệ, tôi vội bật computer lên để theo dõi diễn tiến của đám cháy. Tôi thầm mong đội binh nón đồng đã đẩy lui phần nào sự tấn công của thần lửa. Tội lắm. Đã có hai lính cứu hỏa bị phỏng rất nặng. Không biết họ có qua khỏi, vì nhiều phần trên thân thể đã bị biển lửa hung hăng đốt sém. Tôi có ác không khi cầu nguyện cho họ chết đi vì sự đau đớn quá mức? Tạ ơn Chúa, gió đã giảm tốc độ hôm Thứ Ba. Các chiếc phản lực DC-10 đã có thể cất cánh, hy vọng tắt đi sự tàn phá của thần lửa.

Nghĩ tới hơn 75 ngàn người đã phải di tản, tôi tự hỏi nếu mình ở trong trường hợp này thì sẽ đem gì đi và để lại gì. Đương nhiên, ưu tiên là những vật có giá trị tinh thần, tiền bạc không thể mua được. Tưởng đơn giản, nhưng không. Tôi có quá nhiều vật luyến lưu mà những cuốn album cồng kềnh theo tôi từ hơn 45 năm nay đứng đầu danh sách. Mặc dù chúng có giá trị tinh thần, tôi không thể nào đem theo tất cả. Xem nào, tôi nên mang theo hình xưa cũ 45 năm về trước, khi mới đặt chân tới đất này, hay hình mới hơn? Còn hình ảnh của đại gia đình, bạn hữu? Đem theo hình ai, để lại hình ai? Những thơ từ của bố mẹ, giờ là kỷ vật vì cả hai cụ đã ra đi. Các lá thơ từ thân nhân bạn hữu, giữ thơ đem tin buồn hay thơ đem tin vui? Còn phong bì với nét chữ người gửi? Những cuốn nhật ký tôi bắt đầu viết khi gặp chuyện đau lòng 32 năm về trước, tôi phải làm gì với chúng? Lúc viết những trang đầu tiên, khi mới vương mùi đau khổ, tôi viết như để trút bớt muộn phiền. Rồi không ngờ với thời gian, vài giây phút riêng cho mình hằng đêm trở thành một thói quen khó bỏ. Tối nào, nếu không viết vài hàng thì tôi cảm như thiếu vắng điều gì. Thế rồi tập này nối kết tập kia, chi chít chữ. Có chữ viết nắn nót từ tốn. Có chữ dường như đã theo nỗi niềm uất ức từ tim gan, theo ngòi bút tuôn ra, lưu lại trên giấy những dòng chữ nghuệch ngoạc, nhức nhối, tả tơi, tan tác.

Để chuẩn bị một cuộc di tản nếu có trong tương lai, tôi cần dành nhiều thì giờ soạn lại những thùng hình ảnh, nhật ký, thơ từ, giấy tờ quan trọng cũng như những món quà kỷ niệm từ người thân bạn hữu. Chỉ nghĩ tới đây mà tôi đã thấy nản chí tang bồng. Nản nhưng không thể tránh được, như cầm trong tay một cuộn len rối bời ai đó nhờ gỡ, như đứng trước bờ sa mạc cần phải vượt qua để tới mảnh đất mầu mỡ phì nhiêu. Không thể từ chối. Không thể không dẵm lên cát nóng bỏng chân.

Hơn 45 năm trước, khi gia đình tôi rời Sài Gòn ra đi, chúng tôi chỉ mang theo vài món cần thiết. Giờ, nếu phải chuẩn bị di tản vì thiên tai hay vì một lý do bất ngờ nào đó, có lẽ tôi cũng theo gương bố mẹ, chỉ mang theo vài bộ quần áo, vài tấm hình gia đình của bố mẹ, các em, con cháu và giấy tờ quan trọng, dù tôi có quá nhiều vật khó rời. Bộ ly thủy tinh sáu cái khắc hình bông huệ Tây mạ vàng, mạ bạc bà chị chồng cho khi hai con mới năm, sáu tuổi. Hai chiếc áo cưới. Chiếc áo khoác mùa Đông của Mẹ. Cuốn tập sách viết tay của Bố. Vô vàn hình ảnh. Những cuốn nhật ký đời tôi. Những bức monotype tôi sáng tác, tiêu biểu một thời khi óc sáng tạo còn bay nhảy tự do. Tấm tranh nào mang theo? Tấm nào để lại?

Khi ghi xuống những dòng này, không hiểu vì sao tôi không thấy còn quyến luyến những vật tôi không thể xa rời từ bao nhiêu năm. Có phải tôi đang chuẩn bị thu gọn đời mình? Khi nhắm mắt xuôi tay tôi có đem được gì? Hơi thở nhẹ như bấc mà tôi còn không mang theo được, nói chi đến vật chất? Nếu cần di tản, tôi đem vài bộ quần áo, một số hình ảnh đạo, tập viết tay của Bố tôi, sách kinh có chữ của Mẹ tôi, cuốn Kinh Thánh và giấy tờ quan trọng, hai máy cầm tay lưu giữ hình ảnh, bài vở và ba cặp kính, thần hộ mạng cho đôi mắt.

Đó là phần của tôi. Ngàn cuốn sách, các chén đĩa gia bảo của ông bà của chồng tôi, đem theo từ Cali, những máy móc sắm để sửa nhà … tôi không phải quan tâm tới, vì đó là chuyện của chàng.

Nếu Chúa chừa, chúng tôi sẽ trở về mà nhà cửa còn y nguyên. Mảnh đời không sang trang. Canh bạc không sang tay. Đồ đạc vẫn còn duyên ở với mình thêm một thời gian nữa, cho tới khi mình nhắm mắt xuôi tay. Ngược lại, nếu khi trở về, cả hai căn nhà thành bụi tro thì phải tự an ủi “của đi thay người”. Hy vọng hãng bảo hiểm bồi thường nhanh chóng để chúng tôi xây lại tổ ấm cho hai đứa. Có thể nhân dịp này, chúng tôi bán miếng đất rồi dọn đi nơi khác, nơi không có tiếng chó sủa ngày sủa đêm? Biết đâu chừng đó lại là một điều may.

Khổng thị Thanh-Hương
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh

Đã đóng bình luận.