Khổng thị Thanh-Hương
Vào khoảng đầu hạ cuối xuân, Trader Joe’s có bầy bán một loài hoa mà tôi yêu nhất trên đời. Như mọi lần, khi bất ngờ trông thấy Bà Chúa Các Loài Hoa tôi mê mẩn đứng nhìn những bó mẫu đơn tím, hồng đậm nhạt, nổi bật trong gian hàng hoa muôn sắc. Có bó đã nở rộ, mỹ miều, huyền ảo như xiêm y của một tiên nữ giáng trần. Có bó chưa nở, khoe với dân gian những nụ tròn trịa mũm mĩm dễ thương. Hoa đang mong đợi có ai đó ghé mắt, đem về chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiêu sa duyên dáng của mình. Cũng như mọi lần, sau khi ngắm hoa thỏa thuê, tôi dời bước chân đi nơi khác.
Đời sống có qúa nhiều thứ muốn và cần. Trước những đòi hỏi của đời sống hằng ngày tôi luôn tự hỏi: Mình có thực sự cần món này hay chỉ muốn nó trong giây lát? Dù sống trong một xã hội tiêu thụ, hiếm khi tôi có những gì tôi muốn. Cũng như những lần khác, đứng trước những mời mọc của Bà Chúa Các Loài Hoa tôi phân vân lưỡng lự. Bỏ ra bẩy đồng mà chỉ ngắm hoa được có vài ngày, rồi hoa sẽ héo, sẽ tàn, trong khi bẩy đồng đó tôi có thể dành dụm thêm để gởi về cho thân nhân hàng tháng. Vì thế, mua bó hoa mẫu đơn là một trong những điều tôi muốn, chứ không phải là điều tôi cần.
Ngay giờ phút này tôi muốn gì? Tôi muốn có một căn nhà có phòng tắm rộng rãi hơn một chút để không ai lỡ hích cùi chỏ vào ai khi đánh răng rửa mặt. Tôi muốn có một mảnh vườn trồng rau, trồng hoa. Tôi muốn sống gần mẹ, các con, các em và các cháu, đặc biệt là thằng cu Lincoln, mới được ba tháng hôm qua. Tôi muốn những người bạn và thân nhân bình phục vì đang mang những chứng bệnh hiểm nghèo. Tôi muốn những người vô gia cư có nhà cửa. Tôi muốn tự do tôn giáo tất cả mọi nơi. Tôi muốn những tệ nạn xã hội biến mất khỏi mặt đất. Tôi muốn những đứa trẻ bị bắt cóc tìm lại mái ấm gia đình. Tôi muốn những người tuyệt vọng tin vào ngày mai. Tôi muốn tội ác được ngăn chặn, những người mẹ muốn phá thai đổi ý. Tôi muốn những người trong viện dưỡng lão đang sống cô đơn lây lất ngày này qua tháng nọ có bạn bè thân nhân vào thăm thường xuyên hơn. Tôi muốn quê hương tôi có tự do dân chủ. Tôi muốn thế giới này hết chiến tranh, như nhạc sĩ Lê Hựu Hà muốn: Tôi muốn mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu. Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau …
Những gì tôi muốn có thể ghi thành một tập dầy. Tuy nhiên, dù tôi có muốn thế nào, có muốn bao nhiêu, nếu không phải ý của Bề Trên thì chẳng bao giờ thành sự được.
Tuy thế, không phải lúc nào đời sống cũng chỉ toàn những nghịch cảnh, thất vọng hay những điều ngoài dự tính. Những bất ngờ lý thú, dù nhỏ nhoi, cũng tươi thắm đủ để tô điểm những buổi chiều thiếu nắng, nhiều mưa; đủ trám vào những lỗ hổng của thất chí, phật lòng; đủ điểm trên gương mặt một nụ cười rạng rỡ. Như hôm qua, một món quà bất ngờ đã đến tay chúng tôi, một món qùa mà khi ra khỏi nhà hai đứa đã không bao giờ tưởng tưởng là mình sẽ có được.
Mấy ngày nay, Adam theo dõi cuộc hành trình 2600 dặm của chiếc thuyền buồm Fa’afaite, khởi hành từ Tahiti mười bẩy ngày trước. Fa’afaite đã tới bến Hilo hôm qua. Biết tin này, chàng của tôi háo hức muốn được trông thấy chiếc thuyền nổi tiếng này. Cũng như mười chín chiếc thuyền buồm khác cùng áp dụng cách đi biển của thời xưa, Fa’afaite chỉ dựa vào những thay đổi trong thiên nhiên như vị trí của tinh tú, sóng nhồi, hướng gió hay hướng bay của đàn chim tránh lạnh … chứ không dùng địa bàn, GPS, đồng hồ, radio, kính viễn vọng, kính lục phân, radar như những tầu bè khác. Mừng thay, trước khi sự hiểu biết về hải hành truyền thống biến mất hoàn toàn vì đà tiến bộ của khoa học, một người được coi là bậc thầy về hàng hải theo lối xưa tên là Pius Mau Piailug đã chọn mười một người trên toàn thế giới để truyền lại kinh nghiệm qúy báu của mình, những kinh nghiệm được truyền miệng từ những thế hệ đi trước.
Buổi sáng, trước khi đi công chuyện, chúng tôi muốn ghé qua vịnh Hilo để ngắm chiếc Fa’afaite mà không thấy nó đâu. Adam hỏi thăm thì được biết chiếc thuyền đang thả neo ở đằng sau bức tường xây bằng dung nham, nằm kế bãi đậu xe của các chủ tầu bè. Khi xong việc, chúng tôi đi tìm Fa’afaite một lần nữa và đúng như lời người ta chỉ, chiếc Fa’afaite đang thả neo gần bờ. Nó nhìn không khác gì những chiếc thuyền buồm hai thân khác. Một thanh niên trẻ đứng gần đó tiến gần góp chuyện. Chàng thanh niên nói tiếng Anh phảng phất giọng Pháp và tự giới thiệu là Benoit, y sĩ của Fa’afaite. Khi thấy chúng tôi tỏ vẻ muốn tìm hiểu thêm về cuộc hành trình của anh, Benoit ngỏ ý muốn mời chúng tôi lên thuyền để xem cho biết. Thật là một đề nghị đầy bất ngờ và là một hân hạnh cho chúng tôi. Adam và tôi không biết trả lời ra sao, dù trong lòng rất muốn. Tôi hỏi lại, “Anh có chắc không? Anh có hỏi ý thuyền trưởng chưa?” Anh ta qủa quyết là không có vấn đề gì, rồi quay qua một phụ nữ đang chèo chiếc kayak tới gần bờ, anh hỏi bằng tiếng Pháp, “Mình cho hai người này lên thuyền được chứ?” Cô ta gật đầu.
Khi biết được sắp lên thăm chiếc Fa’afaite, Adam quay qua tôi nói, “Ước gì mình có cái gì tặng họ.” Tôi có ý kiến là biếu họ mấy qủa đu đủ mới mua từ Farmer’s market. Thế là Adam chạy vội trở ra xe, mang theo tặng vật. Dùng chiếc kayak khi nãy, Benoit chèo tới gần chiếc bè gỗ đang đậu sát Fa’afaite và chuyển sang chiếc bè này. Sau đó, anh ta kéo sợi giây thừng to vào bờ, sợi dây dùng để đưa chiếc bè gỗ từ bờ ra chiếc Fa’afaite và ngược lại, để cho chúng tôi leo lên. Adam trèo lên trước, tôi theo sau. Đặt đôi chân xuống nước biển mát rượi đang sóng sánh bởi sự tròng trành của chiếc bè, tôi tiến gần rồi dùng hai tay nâng người, leo lên. Chỉ trong vòng vài phút, Benoit đưa chiếc bè gỗ cập sát vào chiếc Fa’aifeite. Chúng tôi bám vào một chiếc cầu thang bằng thép mà leo lên. Trên thuyền có bốn người đang bận rộn chuẩn bị nhổ neo vào sáng hôm sau, khi chiếc tầu cùng kiểu tên là Okeanos cập bến Hilo, để rồi dương buồm tiến về Honolulu, đón chiếc tầu Hokule’a, trở về sau ba năm đi vòng quanh thế giới để phổ biến việc xử dụng các phương tiện hải hành xa xưa.
Benoit chỉ cho chúng tôi coi chiếc la bàn đi biển to qúa khổ bằng gỗ, ghim chặt vào bong tầu. Chiếc la bàn ghi bằng tiếng Tahitian 32 “nhà” (houses) của những vì sao (kể cả bốn hướng Đông, Tây, Nam và Bắc). Mỗi nhà là vị trí những vì sao xuất hiện lên và biến mất trên nền trời: Nā Reo, Na Ra’I, Nanu, ‘Oio, ‘āi’a …. Tên sao và vị trí phải nhớ nằm lòng. Tôi ngước nhìn hai cột buồm và hai lá cờ chủ nhà Hawaii và cờ Tahiti phất phới bay trong gió mà trong lòng hân hoan, khó tả. Benoit ra dấu cho chúng tôi bước xuống vài bậc thang để xem nơi nghỉ ngơi của thủy thủ đoàn. Mười sáu người tổng cộng mà chỉ có vài cái giường nhỏ hẹp, vì họ phải thay phiên nhau ở trên bong tầu, giúp nhau điều khiển con thuyền tới bến. Mấy chục thùng nước uống nằm dưới sàn tầu, ngăn bởi những tấm vách để thùng nước không lăn, khi gặp sóng to gió lớn. Nhận thấy mọi người bận rộn chuẩn bị chuyển đồ đạc, lương thực và nước uống lên Fa’afaite để nhổ neo sáng hôm sau, chúng tôi cám ơn Benoit rồi xuống bè, trở lại bờ.
Được đặt chân lên chiếc Fa’afaite là một món qùa bất ngờ. Tôi ước gì có mặt trên chiếc thuyền buồm này khi thủy thủ đoàn chứng kiến bao nhiêu kỳ công của Tạo Hóa trong cuộc hành trình mười bẩy ngày, mười sáu đêm của họ. Chắc chắn ngũ quan của họ được no đầy. Tôi muốn biết họ thấy được bao nhiêu mầu xanh của biển, bao nhiêu mầu của mây. Tôi muốn nghe những tiếng họ trầm trồ khi trông thấy vầng thái dương hiện lên huy hoàng, rực rỡ trên mặt đại dương, khi thấy cầu vồng sau cơn mưa, Giải Ngân Hà hằng đêm, khi nằm trên bong tầu ngắm một vòm trời đầy những đốt sáng li ti, chiêm ngưỡng ánh trăng trên mặt biển vắng, hay cố đếm thật nhiều những cánh sao rơi. Tôi muốn nhìn những nụ cười thích thú khi họ ngắm đàn cá heo bơi đua với thuyền. Tôi muốn cùng họ nghe tiếng gió hú, tiếng sấm chớp ầm ầm, tiếng gió thổi vào cánh buồm, tiếng sóng đập vào mạn thuyền, trong những buổi biển êm sóng lặng. Tôi muốn nếm vị muối mặn trên môi. Vị muối có mặn như xoài xanh chấm muối ớt, như trái ô mai hay qủa quất, qủa chanh muối? Tôi muốn ngửi được mùi hơi nước trong không gian, khi mưa sắp tới, mùi của nắng hắt lên bong tầu những ngày nắng cháy da thịt, hay sự mát lạnh của làn sương mỏng trên má, trên môi vào buổi bình minh, khi mặt trời chưa thức giấc.
Gần như phần đông những niềm ao uớc khác, tôi chắc chắn những điều này sẽ chẳng bao giờ thành sự thật. Nghĩ lại, ao ước có trong tay một bó mẫu đơn có vẻ dễ dàng hơn nhiều. Bẩy đồng một bó mẫu đơn. Dễ đạt làm sao!
Khổng thị Thanh-Hương
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh