Khổng thị Thanh-Hương
Vài tháng sau khi thuê căn apartment này, hai đứa tui hỏi thử ông chủ nhà coi có thể biến nền hồ chứa nước cũ (lúc đó đang đầy sỏi và đá vụn) thành cái vườn trồng rau. Ông Ken chịu liền. Tụi tui bỏ ra mấy ngày rẩy cát, lược sỏi và đá vụn rồi ghé Home Depot mua khoảng chục bao đất, đổ vô căn vườn tí hon và bắt đầu trồng trọt.
Kêu là trồng trọt cho có vẻ nhà nông với người ta, chứ mảnh vườn sáu góc nhỏ xiú, vì mỗi góc khoảng 12 gang tay. Vậy mà hai đứa cũng trồng được gần chục loại rau khác nhau, chưa kể hai ba loại hoa nữa. Đậu đũa, dưa leo, mướp đắng và mồng tơi chen chúc trên hai giàn Adam kết bằng tre, lượm từ sân nhà. Các loại rau như Collard green, rau thơm, hoa vạn thọ, hoa gerber (Đồng Tiền), nastursium (sen cạn) củ cải trắng, cà chua, rau húng lủi, arugula (ông chủ nhà rất mê rau xà lách có vị the the này, không biết tên Việt kêu là gì). Đứa nào mạnh thì tươi tốt. Đứa nào không đủ sức dành quyền sống thì ráng cầm cự loe ngoe vài lá, vài cánh hoa rồi lặng lẽ chào thua.
Cách nay khoảng vài tuần, sau khi trời đã gần sang xuân, hai đứa nhổ những bụi rau đã già và thay đất mới. Adam vác về ba, bốn bịch đất cùng với chục gói hạt giống đủ loại rau và vài loại hột giống rau lạ từ University of Hawaii. Nhìn mảnh vườn lú nhú những cánh rau, những nụ mới, hai đứa rất vui. Hy vọng trong vài tuần sẽ được thưởng thức rau tươi từ vườn nhà, không bón phân hóa học.
Thế rồi một điều ngoài dự tính đã xẩy ra. Lý do là vì hai tuần trước, ông chủ nhà kêu người tới sơn lại mái nhà và gara (ở bên phía Đông Đảo Lớn này, vì mưa nhiều cho nên nếu có khả năng tài chánh, người ta sơn lại mái nhà thường xuyên, để tránh dột). Buổi chiều Thứ Năm, sau khi đi tình nguyện và học lớp ngôn ngữ Hạ Uy Di về, Adam đi ra coi vườn. Anh chàng thấy lá cây ớt, bụi rau thơm, chậu rau húng lủi, bụi xả … đều lấm tấm những hạt nhỏ bằng đầu kim mầu trắng. Adam tưởng vườn bị bọ phấn trắng. Tới khi dòm kỹ thì không phải là bọ mà là sơn! Sơn trắng bay như bụi từ mái nhà trên cao, phủ mọi sự trên đường được gió đưa đi, kể cả toàn bộ mảnh vườn tí hon của hai đứa. Tụi tui kêu trời. La làng cho đỡ bực, chứ có ai ở đó mà thông cảm. Thợ sơn xong chuyện đã thu dọn đồ nghề, máy bơm, thang, thùng đi về từ lâu. Chủ nhà thì đang ở trong sở.
Thế là công sức của hai đứa ra công cốc. Những lá non mới đâm chồi của cây ớt, cây húng quế, rau cải, của hoa sen cạn đành phải ngắt bỏ. Phiền một cái là không thể ngắt cùng một lúc. Làm vậy chúng sẽ rủ nhau hui nhị tì. Vài ngày hai đứa ra vườn, tỉa đi vài lá bị dính sơn. Tội nghiệp nhất là đám ong. Chúng rất ưa cây húng quế đã được trồng từ gần hai năm trước. Thân húng quế to hơn cổ chưn người đàn bà ngoài sáu mươi. Chiều cao hơn thước rưỡi. Quanh năm suốt tháng, lúc nào cũng đơm hoa mầu hoa cà. Ong rất thích tới hút mật hoa mỏng manh này rồi tha lên tổ phía đỉnh đồi nhà Ken. Khi tỉa gần như trụi lũi cây húng quế, tui luôn miệng xin lỗi gia đình nhà ong. Vài con ong cố gắng bám víu vào những cành hoa tui chưa chạm tới, như ráng hút được chút nào hay chút nấy. Hy vọng tụi ong không giận mà bỏ đi nơi khác xây tổ mới.
Nhìn cái vườn sơ sác vì bị trũi lá gần hết, tui phiền hết sức. Tui nói, “Nếu họ nhắc mình một tiếng thì mình đã đi mua một tấm bạt đem về phủ lên rồi!” Chưa kể chuyện sơn rơi xuống đất khu vườn. Có hại gì không khi hai đứa ăn rau, ăn ớt từ vườn này? Chưa hết, bữa đó tui còn thấy một người thợ dùng vòi nước rửa khay, rửa ống bơm sơn, rửa thùng đựng sơn ngay bên sát bên nhà, nơi tui hay liệng vỏ trái cây, vỏ trứng, rau héo, kế bên con suối, để dụ đám heo rừng xuống đó ăn rau cũ, thay vì leo lên phá phách thảm cỏ xanh tươi. Tui nghĩ thầm, dưới đó là con suối. Sơn thấm vào đất, trộn vô nước suối, đi lần ra biển, cá có chết không? Mấy ông nội này làm ăn cẩu thả thì thôi! Tui không biết vì mấy ổng không có khái niệm gì về môi trường, hay vì làm biếng mà giả lờ, nhắm mắt làm ngơ?
Sẵn đang thở ngắn, than dài, tui xin phép kể lể thêm vài điều buồn bực khổ sở trong lòng khi sống bên Đảo Lớn này, nơi mà người ta hay kêu là “Thiên đàng hạ giới”. Cái gì nhìn từ xa cũng mờ mờ ảo ảo, cũng thơ mộng, cũng đẹp như tranh. Nhưng khi dòm gần, khi sống trong thực tại của cái khung trời mờ mờ ảo ảo, thơ mộng như tranh đó thì mới khám phá ra là thiên đường và cõi tục chẳng khác gì nhau.
Điều thứ nhứt là xe cộ bên Đảo Lớn này không cần phải khám khói nhả ra từ ống pô. Người ta kêu là smoke check. Xe cũ, xe xưa từ đời ông cố ông sơ, nếu còn lết cái thân bốn bánh trên mặt lộ thì vẫn còn được phép lưu hành. Chủ những xe này tha hồ nhả khói mầu trắng, mầu xanh, mầu xám, mầu đen một cách hợp lệ, hợp pháp trên đường. Vô phước cho những ai lọt ở phía sau. Không ngày nào đi xuống phố mà hai đứa không hít vô lồng phổi một vài gà-ram khói xe! Khi nào thấy sớm, tui nhấn nút Recirculation thì đỡ khổ. Bữa nào không để ý thì lãnh đủ. Xuýt chết ngộp vì khói! Cũng may ở gần biển, có gió biển lọc một chút cho buồng phổi. Nếu không sẽ tổn thọ vì cứ phải hít thở không khí thiếu trong lành này.
Điều thứ hai liên quan đến thói quen khó sửa của bà con bên này (mặc dù họ tử tế, hay cho mình quẹo vô bãi đậu xe, khi họ đi thẳng). Tuy nhiên, họ lại hay thiếu kiên nhẫn, không đợi xe mình đi qua rồi mới lái ra đường chánh. Nhiều khi tui nổi quạu la lối om xòm. La thì chỉ tội cho cái lỗ ráy đã hơi điếc của chàng. Tại làm sao họ không đợi 30 giây – chỉ 30 giây ngắn ngủi – để cho xe mình đi qua, rồi hãy quẹo? Tại làm sao mà họ cứ cắt ngang xe mình? Nếu không chạy chậm thì đã bị họ tông vô rồi. Đồng ý là người có lỗi không phải mình. Nhưng bao nhiêu phiền toái khi tai nạn xe cộ xẩy ra. Ai muốn. Lần cuối cùng, mới đây, không nhịn được nữa, tui quài tay qua phía tay lái, nhấn còi lia lịa. Giật mình vì tiếng còi vang ra từ trong xe mà không do mình chủ động (mà do ngón tay của bà xã), chàng của tui gắt lớn, “Từ nay, cưng không được thò tay qua vô-lăng, khi không ngồi trước nó. Nguy hiểm qúa.” (Vì tài xế giật mình, sẽ có những phản ứng bất ngờ, có thể gây tai nạn.) Tui cáu qúa, cảnh cáo, “Từ nay tui hết còn lái xe với tinh thần Aloha nữa! Ai lái ẩu thì tui nhấn còi. Nếu không muốn điếc tai vì còi thì đừng ‘làm đuôi cá’ trước mặt tui!” Câu “làm đuôi cá” là từ câu faire une queue de poisson từ mấy trự Phú Lang Xa. Không nhớ nghe từ hồi nào mà nó vẫn còn dính như keo trong bộ não càng ngày càng rã như bún tầu ngâm nước nóng của tui.
Điều thiếu thơ mộng khác nữa là những cây albizia và African tulip (cây hoa sò đỏ hay vàng) đang làm hại môi trường bên Hawaii này. Từ năm 2013, thành phố bỏ tiền, bỏ công để tiêu hủy hai loại cây này. Albizia nhập cảng vào Hawaii hơn 100 năm trước vì cây mọc nhanh cho nhiều bóng mát nên được ưa chuộng, trồng khắp nơi. Ai dè, chỉ trong vòng hơn mười năm, chúng mọc như rừng, bóp nghẽn những cây thổ địa, đặc biệt là ʻō.hiʻa lehua, tiêu biểu cho Big Island. Ngoài ra, albizia còn cản gió biển thổi vô hay che mất khung cảnh thơ mộng của biển, chưa kể những khi bão lớn, cây ngã đè làm xập nhà, cản trở lưu thông vì cành dễ gẫy. African Tulip nở bông mầu đỏ, mầu cam to bằng cái chén ăn cơm, nổi bật từ những tàng lá xanh đậm. Hồi mới sang, tôi hay lấy cell phone ra chụp hình làm kỷ niệm. Cây này ở Việt Nam kêu là Phượng Hoàng, ngoài Phượng tím, Phượng đỏ. African Tulip xuất hiện lần đầu ở Đà Lạt vào năm 1965, do một người bạn của kỹ sư Lương văn Sáu tặng từ Phi Châu. Ông Sáu đã xin phép trồng cây hoa sò đỏ này tại khuôn viên chùa Quan Thế Âm, Đà lạt.
Sẵn trớn, tui kể tội luôn cái chuyện ăn cắp vặt ở đây. Từ hồi ở bên hải đảo này tới giờ, tui nghe người này người kia kêu mất đồ làm vườn, mất trái cây đã chín mà chưa kịp cắt xuống, mất máy phát điện, mất dê, mất heo rừng (đã bẫy được, còn ở trong bẫy, vì khổ chủ chưa có giờ tới mang về mần thịt!) Nạn nhơn mới đây nhứt là hàng xóm đối diện. Hôm đó cũng là một ngày Chủ Nhật. Hai đứa mới đi tình nguyện dọn cỏ cho ngôi trường Tiểu học về thì nghe tiếng gõ cửa. Tụi tui ngạc nhiên hết sức vì ngoài chủ nhà ra, ai vào đây? Ken thì ít khi nào gõ cửa, vì ông này tự trọng, không tự tiện gõ cửa khi cần gì, mà liên lạc qua điện thoại. Nếu người lạ thì tại sao hai con cẩu im ru bà rù? Tui tiến ra mở cửa thì thấy Gizelle, bà hàng xóm bên kia đường. Tui nghĩ bụng mới gặp bả lúc lái qua nhà bả khoảng nửa tiếng trước, bộ bả đã nhớ mình, muốn qua tán dóc rồi? Chưa kịp hỏi thăm thì Gizelle hỏi tui có thấy ai lạ lảng vảng mấy lâu nay trên con đường làng? Tui nghĩ thầm, hai đứa ở trong phòng này, lâu lâu có nghe tiếng xe chạy qua, nhưng đâu có giờ mà đứng ra cửa sổ dòm coi ai mới lái qua. Tui trả lời là tui không để ý. Bà hàng xóm lúc đó mới cho hay là bả tính cắt cỏ thì cái máy cắt cỏ đã không cánh mà bay từ đời nào! Tui luôn miệng nói “I am so sorry!” vì muốn chia cái buồn mất đồ với bà hàng xóm. Tui hỏi “Bà biết mất hồi nào không?” Bả nói không biết, vì chắc mẩm an toàn vì nó nằm trong nhà kho, cao hơn mặt đường gần hai thước. Ai dè, đứa ma gà nào đó đã ngắm nghé cái xe cắt cỏ có động cơ (loại lái phom phom như xe hơi), cho nên đã nhờ bạn bè hay về nhà lái cái xe pickup hạng nặng tới nhà kho của người ta, de cái đuôi xe vô, rồi cùng hai hay ba trự khác bê bổng “chiến lợi phẩm” lên xe, lái về nhà mình.
Tui hết ý kiến. Làm sao kẻ này có thể ngủ ngon với nhiều mộng đẹp khi biết có người đã vì hành động gian trái của mình mà đã không dọn được sân trước sân sau? Có người, vì mình mà phải bó tay nhìn cỏ mọc liên tu bất tận, chứ không như loài người, có được ngày nghỉ cuối tuần. Vì hành động phi pháp, phi nhân, phi đường xa của mình mà một gia đình đã phải bỏ tiền ra mua một máy cắt cỏ khác. Cũng may, Gizelle có mua bảo hiểm của người thuê nhà. Trong vòng 24 tiếng, hãng bảo hiểm Allstate chuyển tiền vào chương mục của vợ chồng Gizelle một số tiền tương đương với một John Deere mới toanh. Cái này tui quảng cáo không công cho “Qúy vị trong tay người tử tế/You’re in good hands” đó nhe. Hèn chi, trước nhiều nhà cắm bảng “Private property. No trespassing”. Bảng cắm thì cắm, trộm muốn vô thì có chó canh nhà cũng vẫn mất của. Gizelle có con chó bự gấp năm lần hai con Chi-hua-hua của chủ nhà. Thế mà mất vẫn hoàn mất.
Nói tóm lại, đời sống ở đâu cũng có những hỉ nộ ái ố, có đẹp tốt, có xấu xa. Hồi ở bên đất liền gia đình nhỏ của tui đã được quân gian chiếu cố ba lần tại ba căn apartment khác nhau. Một cái tivi mới, một cái máy may cũ và một máy CD player mới và một cái xe đạp mới chạy được có vài lần. Vườn rau bị lấm sơn, những lần bị mất đồ hay bị tài xế lái ẩu cũng chỉ là những kinh nghiệm giúp tui học thêm về chữ “nhẫn”.
Khổng thị Thanh-Hương
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh