Chuyện viết lách

Posted: 18/09/2019 in Hồ Đình Nghiêm, Tùy Bút / Tản Văn / Ký Sự

Hồ Đình Nghiêm

Vào đôi ba thế kỷ trước, ở trời Tây ông Alexandre Dumas (con) khuyên nhủ bọn viết văn làm thơ: “Mỗi ngày nên đi bộ chừng hai giờ, mỗi đêm ngủ bảy tiếng. Ngủ một mình thôi nhé, hễ thức thì dậy liền, chớ nằm nán. Đói mới ăn, khát mới uống. Ăn uống phải từ tốn chậm rãi. Nếu hai mươi tuổi trở xuống chớ gần đàn bà, trên bốn chục cũng nên lánh xa phụ nữ…”

Để làm sáng tỏ, Charles Braibant bàn thêm: “Phải tránh ốm đau, nếu đau thì dưỡng bệnh ở đâu? An dưỡng đường thì dành cho mọi người lao động đủ mọi ngành nghề, trừ nhà văn và nghệ sĩ. Cũng tránh đừng phải chết, bởi ai chịu trả phí tổn đám táng?”

Chỉ nghe hai vị có uy tín ấy nói thôi cũng đủ chết khiếp! Nhưng đó là cả một sự thật. Bởi vào thời xa xưa nọ, các nhà văn sống tương đối thoải mái chỉ đếm được trên đầu ngón tay: Voltaire, Victor Hugo, Anatole France… kỳ dư nếu vừa đủ ăn là đã may phước. Thi nhân xem chừng chịu nhiều khổ luỵ hơn. Baudelaire từng cất lời oán than: “Sao trời sinh ta bắt làm thi sĩ!” Phương Đông, Hoàng Cảnh Nhân cất giọng cuồng ngâm trong đêm trừ tịch:

Nhữ bối hà tri ngô tự hối
Uổng phao tâm sự tác thi nhân.

(Bọn trẻ biết đâu ta hối hận
Uổng đem tâm trí để làm thơ).

Việt Nam có Tú Xương:

“Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi
Van nợ lắm khi tràn nước mắt”.

Có Nam Cao sống với một mảnh vườn trầu không. Trần Huyền Trân chui rúc trong túp lều dựng tạm trên mặt hồ, ngày làm thơ viết văn, đêm đi làm thợ chiếu phim cho một rạp cinéma. Thâm Tâm phải đóng sách cho nhà Tân Dân để kiếm tiền độ nhật… Và Vũ Trọng Phụng có khi thốt lời chua xót: “Người ta mà được ăn cơm thì sướng thật!”

Tóm gọn, cái sự viết, theo A. de Vigny là “nói với xã hội cái mình có trong lòng”. Và theo Paul Valéry: “Một cây viết, một tập giấy, chút tham vọng là đủ cho cái nghề kỳ cục ấy”.

Viết văn là nghề kỳ cục? Vì thứ nghề nghiệp kia bày ra toàn cả sạn đạo, đoạn trường, đói kém, thiệt thòi, oan trái; chưa kể tới một vài trường hợp dẫn đến cảnh thù nghịch, bị chúng bạn khinh khi. Văn hào Lỗ Tấn là người sáng suốt? Ông nói: “Xưa nay tôi chả có chuyện gì bắt buộc phải nói ra mới được. Cũng chưa hề có thứ văn chương bảo rằng không viết ra thì chịu không nổi!”

Bạn có đồng ý viết văn là một nghề kỳ cục? Hơn bốn mươi năm thử hoà mình vào sống chung cùng chữ viết, cho tới giờ này tôi vẫn còn mang đủ sự hoài nghi hệt như Từ Hải phút đầu đối mặt cùng Thuý Kiều:

“Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”

Để thưa chuyện cùng bạn, những tư liệu ở trên tôi đã vay mượn và sử dụng tới công trình nghiên cứu quý báu của học giả Nguyễn Hiến Lê cất công biên soạn khởi từ năm 1950 trở về sau. Vậy thì nghĩ cho cạn, văn chương luôn là một sự kế thừa, cốt lõi ở chỗ kẻ đi sau tự mình tách ra, cách tri ân tiền nhân đúng đắn nhất là chớ dẫm vào lối cũ của người đi trước từng khai mở.

Trong tuyển tập “Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta” gồm 45 tác giả cộng tác do cơ sở Sóng xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1974. Để trả lời câu hỏi quan niệm về truyện ngắn, nhà văn Thảo Trường cho biết: “Câu nói hay nhất là câu nói ngắn nhất. Viết truyện ngắn là dùng thứ kích thước nhỏ để dựng nên một vấn đề có khi… rất lớn”.

Nhà văn Võ Phiến trả lời: “Về phần tôi, hồi gần đây tôi thích những truyện ngắn giống như những bài thơ. Dĩ nhiên thứ thơ bằng tản văn và có ít nhiều tình tiết”.

Tôi chỉ nhặt ra hai câu trả lời trên vì tôi rất mực đồng cảm với nhị vị. Cũng Võ Phiến, trong cuốn “Tiểu Luận” của ông do Văn Nghệ xuất bản năm 1988 ở California, phần viết về văn sĩ William Faulkner, Võ Phiến cóp nhặt các câu nói của văn hào có tiếng là dụng văn tối tăm khó hiểu. Đây là một trong các lời tâm sự: “Tôi là một nhà nông. Đời tôi là cuộc đời của một điền chủ, một người nuôi ngựa, trồng trọt, đi gieo hạt. Tôi khởi sự viết vì tôi thấy thích thú, viết sau khi công việc đồng áng hoàn tất đâu ra đó… Tôi là một thi sĩ bị thất bại. Có thể là các tiểu thuyết gia đầu tiên đều muốn làm thơ, thấy rằng mình không làm được mới thử viết truyện ngắn, đây là loại khó khăn chỉ đứng sau thi ca. Viết truyện ngắn cũng hỏng luôn, rốt cuộc họ mới quay ra viết tiểu thuyết”. Ông pha trò: “Dù là gì thì nghệ sĩ quả là hạng người luôn bị ma quỷ xúi giục”.

Tôi lại đồng tình, một lần nữa. Bởi thi ca là món khó nuốt, một thể loại chắt lọc chữ rốt ráo, cô đọng. Ý tưởng, không gian, thời gian, hình ảnh… có trong một bài thơ ngắn, nếu muốn diễn đạt bằng văn xuôi sẽ là tràng giang đại hải, mà chưa chắc đã nói được điều thi ca muốn thổ lộ.

Trong 45 tác giả góp mặt ở tuyển tập “Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta” có Nguyễn Đức Sơn với truyện ngắn “Ý Tưởng Chiều Tà”. – Quan niệm của tôi về truyện ngắn? Không có. Tóm tắt cái quan niệm ấy? Làm sao được? Tuy nhiên tôi có chút ý kiến này: Trong tất cả các ngành nghệ thuật dùng chữ viết, chỉ có thơ ca là có trong trời đất. Còn tất cả truyện ngắn, truyện dài, kịch… may ra mới đạt tới cái gì sâu thẳm và cao vời.

Chúng ta nghe vậy và cũng chỉ biết có vậy, xưa nay chúng ta biết Nguyễn Đức Sơn là một nhà thơ. Thơ ông có nhiều bài hay, tôi mạn phép trích dẫn một đôi bài được sáng tác sau 1975:

kinh nghiệm riêng

Mần thơ giống hệt bửa củi
Nhưng nói ra nhiều người sẽ tủi
Nên mặc quần đùi đứng khom lưng
Có gì rớt vô ta dễ phủi.

nhắn

Đời sau người có thương ta
Từ lâu xuống lỗ làm ma mất rồi
Đường xa thôi miễn bồi hồi
Mả hoang nhảy đại lên ngồi đi cha.

Và một bài rất ngắn, chỉ có năm (5) chữ. Năm chữ cô đọng rốt ráo, thần sầu. Năm chữ nặng tợ ngàn cân. Bài thơ mang tên:

cho mà xem

Đừng đụng em
Em đẻ.

Bài thơ có thể là vô tựa khi biến từ 5 chữ sang 8 chữ:

Đừng đụng em
Em đẻ
Cho mà xem.

Nhưng như thế cái cái vía cái thần “cho mà xem” đã mất hiển linh. Nguyễn Đức Sơn chẳng hề ưa lý sự dài dòng. Ông từng có bài “Tất Cả Đều Trật Lất”:

Nếu không có quỷ ma
Khó bề thấy được Phật
Đó là sự thật của Trái Đất
Nhưng nghĩ cho cùng
Tất cả đều trật lất.

Có thể tôi đang viết về một thứ gần như trật lất. (Không chừng Từ Hải cũng thẩm định sai về hoàn cảnh Thuý Kiều?) Chuyện gần nhất là nhà xuất bản Văn Học Press của anh Trịnh Y Thư điều hành vừa phát hành hai (2) tác phẩm: “Chỉ Là Đồ Chơi” tạp bút của Trịnh Y Thư (tái bản). Và “Ngôn Ngữ Xanh” thi tập của Nguyễn Thị Khánh Minh. Trong email, anh Trịnh Y Thư cho hay là dự tính sẽ ra mắt hai cuốn sách vào đầu tháng mười (10) tới đây. Anh viết một câu nghe luống những ngậm ngùi: “Bởi vì sách in ra không biết làm gì khác hơn là ký tặng và bắt bạn bè đọc”.

Mỗi ngày nên đi bộ khoảng hai tiếng. Đêm ngủ đủ bảy tiếng, nếu trên 20 mà đã có vợ thì tháng khoảng ba lần chung đụng. Ăn tiền hưu mà có bồ nhí thì nên liệu cơm gắp mắm tháng chỉ chấm mút một lần. Tránh ốm đau, tốt nhất là gắng sống tới 85 tuổi đời, để xem thử chuyện văn chương nó thay đổi đến ngang đâu. Liệu bạn viết truyện có ai còn để mắt vào đọc? Quê hương chốn cũ sắp rơi vào tay Tầu Cộng rồi ư?

Tôi đang chờ đợi một nhà văn lão thành lên tiếng cảnh báo như kiểu ngày xưa bên phương Tây lên giọng chỉ bày nhưng nào thấy. Thôi thì nhại theo Trịnh Y Thư: Tất cả “Chỉ Là Đồ Chơi” cho nó lành vậy!

Hồ Đình Nghiêm
Nguồn: Tác giả gửi

Đã đóng bình luận.