Thu Phong
1.
Phong vô cùng ngạc nhiên khi thấy du hành vào thế giới này dễ dàng đến thế.
Từ nhỏ ông đã biết sau khi chết, con người sẽ lên Thiên đàng hoặc xuống Địa ngục tùy vào nghiệp báo, tu tập của từng cá nhân. Nhiều vị chân tu đã đến được hai thế giới ấy ngay khi còn ở thế gian, mô tả cảnh trí, cuộc sống và điều kiện để vào các nơi ấy. Các vị ấy cho biết có sáu cõi giới cơ bản mà chúng sinh khi chưa tu chứng đạt giải thoát, còn phải luân hồi. Đó là cõi Trời (Thiên đường), cõi A Tu La (các vị Thần), cõi người, cõi Ma Quỉ đói, cõi Súc sinh, và cõi địa ngục. Ông chỉ biết cảnh thiên đàng và địa ngục ngay trên Trần thế.
Còn thế giới Giấc Mơ, người ta đến đấy mỗi ngày. Ông cũng vậy. Nhưng tất cả đều ở lại thế giới ấy một quãng thời gian ngắn ngủi. Giấc Mơ thật kỳ ảo, đầy nghịch lý, vừa êm ái vừa dữ dội, pha trộn sướng, khổ. Đặc biệt, trong thế giới ấy đôi khi người ta có thể gặp người thân đã lìa trần mà không cần đợi đến khi chính mình ra đi.
Khi con người đạt đến sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, họ biết có thế giới Khoa Học Giả Tưởng. Những người đến được thế giới ấy mô tả nó tiến hóa hơn Trần thế gấp bội. Con người ở đấy có khả năng du hành xuyên dãy Ngân hà, điều mà con người Trần thế mơ ước và đang cố gắng thực hiện. Muốn đến được Khoa Học Giả Tưởng, người ta phải mở một cánh cửa xuyên không gian thời gian. Phong chỉ mới mon men đến gần cánh cửa ấy.
Có rất nhiều người ở đây, đủ màu da, vàng, trắng, đen; đủ tiếng nói Việt, Tàu, Anh, Đức… Một số mang mặt thú vật, hoa. Một người có khuôn mặt giống ông Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, một người giống ông Obama,Tổng thống Mỹ. Người có kuôn mặt giống Tổng thống Obama ông nhận ra ngay không phải vì vóc dáng nhỏ, màu da vàng.
Đi được một quãng, Phong thích thú nhận ra hầu hết phụ nữ ở đây đều trẻ và đẹp.
Ông cũng nhận ra ở đây, người ta tranh luận với nhau rất nhiều. Hầu hết mọi người đều chửi chính phủ của họ, bằng những từ ngữ gay gắt nhất, đôi khi rất tục tỉu.
Người ta cũng tự nhiên biểu lộ tình cảm xúc. Hỉ, nộ, ái, ố, dục, lạc, có đủ.
Đi rất lâu, qua nhiều ngả đường, Phong không thấy một cơ quan hành chánh, quân sự nào; cũng không thấy bóng dáng một người cảnh sát.
“Đây đích thực là thế giới tự do”, ông nghĩ.
Trong khi tìm những người bạn cùng đam mê văn chương chữ nghĩa, cùng lý tưởng, Phong gặp một số người mà qua diện mạo ông thấy có cảm tình. Ông mở lời chào họ với ý định làm quen; tuy nhiên, tất cả đều không đáp lại tấm lòng thân thiện, cởi mở của ông.
Chẳng bao lâu, Phong nhìn thấy Phạm. Ông gọi nhưng Phạm không trả lời.
Ngay sau đó ông gặp Dương. Cũng như Phạm, Dương thản nhiên như không quen biết ông.
Dương là lính miền Nam, như ông; còn Phạm, tuy không là lính nhưng có tư tưởng chống lại nhà cầm quyền. Cả hai khá thân với ông; ông cũng đến gần bên hai người ấy, họ không thể không nghe thấy, tại sao lại dửng dưng, Phong tự hỏi.
Ông tìm kiếm Tiến và Nguyễn, hai người bạn khác; tuy nhiên, không thấy. Họ không đến thế giới này hay do thế giới này quá rộng lớn, gần như vô giới hạn; hoặc quá đông, nghe nói đến hàng tỷ người; nên ông không thể gặp?.
Rồi Phong nhìn thấy một người gầy cao, mặc chiếc áo khoác mỏng màu xám cổ tròn, dáng đi liêu xiêu, mang bộ mặt hình một đóa hoa mà ông thích. Ông chắc đó là Đỗ.
“Đỗ! Đỗ đấy phải không?”, Phong gọi to.
Tuy nhiên, cũng như Phạm và Dương, Đỗ thản nhiên bước đi như không nghe thấy tiếng gọi của ông.
2.
Bỗng Phong nhìn thấy người phụ nữ ấy, người có tên Lá vàng, trông giống Thu, người yêu của ông. Nàng có khuôn mặt trái soan, đẹp dịu dàng, mặc áo dài màu vàng. Nàng là một trong hai người đã nói thích ông khi gặp nhau trên đường. Giờ nàng đang ở nhà, cửa rộng mở. Trước nhà có gắn tấm biển xinh xắn, ghi “Lá vàng, đến từ địa ngục”. Lá vàng là tên nàng; nhưng sao lại “đến từ địa ngục?” , Phong tự hỏi.
Ông bước vào, khẻ cúi chào nữ chủ nhân.
“Tôi xin lỗi, dường như chúng ta có gặp nhau trên đường”, Phong nói.
Người phụ nữ tên Lá vàng im lặng.
Phong thấy ngượng, nói “Tôi xin lỗi”, quay lưng bước ra.
Tiếp tục cất bước, Phong nghĩ thầm “Lạ thật! Rõ ràng là Thu, vẫn vóc dáng ấy, khuôn mặt ấy, màu áo ấy; hơn nữa lại khiến ta bất ngờ khi lên tiếng “Thích anh”. Vậy mà giờ đây nàng lại hờ hững như chưa từng gặp ta. Hay người phụ nữ này là em song sinh với nàng, chưa từng gặp ta?”.
Ngay sau đó, Phong gặp lại Đỗ, đang ở nhà có gắn tấm biển ghi “Đỗ”. “Thì ra ở đây, nhà nào cũng có một tấm biển ghi tên chủ nhân”, Phong nghĩ.
Nhớ lại thái độ của người phụ nữ có tên Lá vàng, Phong đứng trước nhà lên tiếng chào hỏi:
“Tôi tên Phong, xin phép anh Đỗ cho tôi được vào nhà”
Đỗ mừng rỡ, gật đầu: “Vâng, rất sẳn lòng chào đón Phong”.
Dù Đỗ mang khuôn mặt khác thường, một đóa hoa (thực ra loài hoa hoang dã ấy không lạ với Phong và Đỗ vốn yêu loài hoa ấy). Phong nhận ra giọng nói đầm ấm, cử chỉ thân thiện nhẹ nhàng quen thuộc của bạn. Vẫn trong chiếc áo khoác mỏng, màu sậm, luôn gắn chặt vào thân thể gầy guộc, liêu xiêu. Phong nhận xét so với lúc ở thế giới Trần thế, Đỗ gầy hơn, tuy nhiên thần thái sáng sủa hơn.
“Chắc Phong cũng thấy mọi người ở thế giới này đều rất thoải mái, khỏe khoắn về tinh thần. Thế giới này không có sự sợ hãi. Ở đây, người ta tự do phê phán, chỉ trích bất cứ ai, bất cứ thể chế nào, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn.”
“Tôi đã gặp rất nhiều người Trung quốc, người Nga, Venezuela”, Phong nói.
“Cũng có nhiều người Iran, Bắc Triều Tiên, Cu ba, Lào. Và dĩ nhiên, người Việt, như chúng mình” Đỗ nói, rồi thêm, “Ở đây người ta bộc lộ cảm xúc thật, không giấu diếm, che đậy.”
“Như nhà thơ Trần Dần đã viết”, Phong nói.
Đỗ cho biết ông đến thế giới này vài năm trước.
Phong hỏi Đỗ có ý định ở luôn nơi này.
“Dù càng ngày càng chán Đà Lạt, mình không muốn rời bỏ nơi ấy.”
Phong biết tại sao bạn có ý nghĩ ấy. Ở Trần thế , Đỗ là một dịch giả, cư ngụ Đà Lạt. Từ khi quen Đỗ, Phong có thêm hứng thú mỗi khi đến Đà Lạt, thành phố cao nguyên xinh đẹp và thơ mộng, đầy thông, hoa, thác, nhiều sương mù.
“Đà Lạt như một cô gái cao nguyên xinh xắn, trinh trắng, hồn nhiên. Từ khi rơi vào tay quân Cách mạng ngu dốt, thô lỗ, và hung bạo, cô gái ấy bị vùi dập, rách nát thân xác, rã rời linh hồn”, Đỗ nói, thái độ gay gắt nhưng giọng nói nhẹ nhàng. Đó là thói quen của Đỗ.
Im lặng một lát, Đỗ nói thêm: “Nhiều người yêu Đà Lạt, đã lên tiếng; tuy nhiên, tiếng nói ấy như gió thoảng, mây bay.”
Phong không kìm chế sự phẫn nộ. Ông to tiếng: “Suốt mấy chục năm nay, người dân đã lên tiếng nhưng Nhà cầm quyền như kẻ điếc, không nghe thấy. Bạo quyền không những bịt miệng dân mà còn đánh đập, bắt bớ, đày ải dân mà họ xưng tụng là chủ nhân của họ”.
Đỗ đặt tay lên vai Phong, nói từ tốn:
“Nhưng không ai ở luôn ở đây. Đây chỉ là cõi tạm”, ngừng một lát, Đỗ nói tiếp, “cũng như trần gian vậy thôi.”
“Ừ, như trần gian, không đến từ đâu, không đi về đâu, chỉ ở nơi này một thời gian”, Phong gật đầu.
“Như Osho”
“Ừ như Osho”
Tình cờ nhìn ra đường, Phong bắt gặp rất nhiều người đang nhìn vào họ.
3.
Lá vàng không phải là tên thật của cô ấy. Cô ấy có diện mạo giống Thu với gương mặt trái soan, mắt đẹp u hoài, mũi miệng xinh xắn, vóc dáng cân đối. Cô toát lên vẻ dịu dàng đến nỗi người gặp gỡ không thể không thấy, nghĩ khác. Cô bảo đến từ đia ngục có nghĩa là nơi cô trải qua ở Trần thế không khác chi địa ngục; nếu thế, hoàn cảnh cô tương tự hoàn cảnh Thu.
Lá vàng, Lá vàng…
Phải rồi, Lá vàng chỉ có vào mùa Thu, cô ấy chính là Thu!
Phong tự nhủ sẽ trở lại nhà Lá vàng.
4.
Về nhà, Phong ngạc nhiên trông thấy Lá vàng đang ở nhà mình.
“Truyện anh viết hay quá! Em rất thích!”
Phong mừng rỡ. Đúng là nàng, là Thu, người yêu của ông.
“Thu nhận ra anh ngay khi nhìn thấy anh. Thu lên tiếng “thích anh” để chúng ta có thể gặp nhau”
“Tôi cũng nhận ra cô, nhưng vì mới đến thế giới này…”
“Em biết.”
Phong nhận thấy Thu có da có thịt hơn, tươi tắn hơn, tuy đôi mắt vẫn chứa đựng cả bể u sầu.
Thu kể chuyện trốn nhà chồng, tìm cách đến thế giới này và thời gian đã qua của nàng ở đây.
Phong cho Thu biết mình vẫn chưa chia tay với vợ, vì khi hai đứa con gái trưởng thành, một đứa có mang với bạn của bạn trai đã chết, một đứa đánh nhau với chồng mê đỏ den, rượu chè.
Phong gặp Thu khi hai người đều đã có gia đình. Thu lấy chồng vì áp lực gia đình. Không may, nàng lấy phải một người hung bạo hay ghen, giam hãm nàng như một tù nhân. Còn Phong, trong lúc chán đời, gặp một phụ nữ có đôi mắt đẹp và nụ cười quyến rũ nên đã “cưới liền tay”, không biết mình là kẻ đã “vì yêu một ánh mắt, một nụ cười mà cưới nguyên một người đàn bà” – như có người đã nói. Vợ Phong là một phụ nữ nóng nảy, quá quắt, mê nhảy nhót bỏ bê nhà cửa, chồng con. Khi ông lên tiếng, cô đuổi ông ra khỏi nhà. Ông tạm lánh ở nhà người em bà con; sau đó vợ ông tìm đến nói vì hai con còn bé nên tha thứ, ông cũng vì hai con đồng ý quay về nhà. Cả hai thỏa thuận tạm thời ly thân nhưng vẫn ở chung nhà cho đến khi con trưởng thành.
Phong và Thu thường bí mật gặp nhau, chỉ để nhìn nhau, nghe nhau nói. Tuy cả hai đều khao khát chạm vào nhau nhưng không dám. Một lần Thu bị em gái của chồng bắt gặp đi cùng Phong. Thu bị chồng mắng chửi, đánh đập tàn nhẫn.
Thu không rõ mình là nguyên nhân khiến chồng ngoại tình hay anh ta ngoại tình từ trước, tuy nhiên anh ta không đồng ý ly dị, đánh mắng cô thường xuyên. Thu cũng chịu sự nguyền rủa của gia đình nhà chồng, của láng giềng.
Tuy ở Trần thế gặp nhau khi cả hai đã có gia đình, trước đó Phong đã gặp Thu ở thế giới Văn Chương vào một đêm Giáng Sinh, trong một thời gian vừa đủ để thấy nàng chính là người phụ nữ lý tưởng của đời mình: xinh đẹp, dịu dàng, chu đáo. Nhưng không ai có thể ở mãi trong thế giới ấy, dù người bước được vào thế giới ấy có toàn quyền định đoạt đời mình và vận mệnh kẻ khác: quyền sinh sát, ban phát hạnh phúc hay khổ đau, quyền của Thượng đế. Vì vậy, Phong đã phải sớm chia tay Thu. Ở nơi ấy không có Ông Tơ, Bà Nguyệt cùng sợi chỉ hồng.
Gặp lại nhau trong thế giới này, Phong đã ngoài 50, tóc đã hoa râm; còn Thu thì đã hơn 40.
Tình yêu của họ đã lớn, đã hơn 10 năm. Tình yêu ấy không được gia đình hai bên, không được xã hội, pháp luật Trần thế nhìn nhận; nhưng tất cả những thứ ấy chỉ cản trở họ đến với nhau chứ không hề ngăn cản được tình yêu của họ.
Thu muốn thoát khỏi địa ngục Còn Phong, muốn tìm một nơi đáng sống hơn.
“Em ước gì có thể sống ở đây mãi mãi”.
“Ở đây chúng ta được tự do”
Thu âu yếm: “Em yêu anh”
Phong đáp lại: “Anh yêu em”
5.
Nhiều ngày qua, Phong đến nhà Thu mà không thấy nàng, chỉ nghe lời nàng, lời ông nói với nhau, âm vang khắp nhà.
Ông tự hỏi nàng đã đi đâu.
Tìm kiếm Thu, Phong vẫn thấy nàng, khi thì nơi này, khi nơi kia. “Có nghĩa nàng vẫn còn trong thế giới này”, Phong vui mừng nhận ra điều ấy. Rồi ông nghĩ: “Không, nàng không thể trở lại Trần thế! Nàng không muốn quay về địa ngục.”
Phong cũng không thấy nàng ở nhà ông sau những chuyến du hành đây đó, Ông chỉ nghe thấy lời ông, lời nàng âm vang khắp nhà.
Ông mong gặp nàng ở nhà nàng hơn ở nhà ông. Ông nghĩ chỗ của nàng an toàn hơn.
Rồi Phong vui mừng thấy Thu xuất hiện ở nhà nàng.
“Thời gian qua Thu đã ở đâu?”
“Anh ta đã đến đây! Em gặp anh ta trên đường”.
“Thu không nhìn lầm phải không?”
“Không, em không lầm. Anh ta không thay đổi gì hết. Vì thế em đã tạm thời không đến với anh. Chắc chắn anh ta đi tìm em. Chắc chắn anh ta sẽ tìm thấy em”, Thu nói trong lo lắng.
Rồi nàng vừa nói tiếp, vùa lắc đầu: “Em không muốn trở về trần gian. Em không muốn quay về với anh ta”.
Cả hai bối rối. Họ đã không nghĩ đến chuyện ấy. Ai cũng có thể đến được thế giới này.
“Mình phải làm sao bây giờ, anh?, Thu lo lắng hỏi. Nàng tưởng ở đây, thế giới này, nàng có thể vĩnh viễn rời xa người chồng vũ phu. Đến được đây, nàng nghĩ không bao giờ hắn tìm được nàng. Hơn nữa, đây không những là nơi trú ẩn an toàn mà còn là nơi nàng tìm lại được Phong, tình yêu của đời nàng, lẽ sống của nàng. Nàng nghĩ Phong và nàng sẽ có thể hạnh phục bên nhau mãi mãi.
Phong nghĩ Thu không thể kháng cự được gã vũ phu nếu gã phát hiện ra nàng, tìm đến nhà nàng. Nếu gã ra tay đánh nàng, nàng sẽ rất đau đớn. Chỉ nghĩ đến thôi, Phong đã thấy đau lòng.
“Em hãy đến nhà anh. Nếu hắn biết mà mò đến, anh sẽ cho hắn một bài học. Anh sẽ bảo vệ em. Anh hứa sẽ không để hắn chạm được vào em”, Phong nói quả quyết.
Thu âu yếm: “Em yêu anh!”
Phong đáp lại: “Anh yêu em”
Những lời nói của Phong khiến Thu yên tâm. Ở trần gian, bị hành hạ, Thu không thể tìm đến Phong bởi Phong còn có vợ con bên cạnh.
Rồi cả hai sực nhớ ra họ đã may mắn vì không có người bạn nào của Thu vào nhà nàng lúc này; cũng không có ai ở trước nhà.
“Em nhìn thấy hắn nhưng hắn chưa nhìn thấy em; chưa chắc hắn phát hiện em đã đến đây”, Phong trấn an Thu. Rồi ông đổi đề tài, cho nàng biết ông có 21 người bạn.
“Anh có ít vậy sao? Em tưởng anh là nhà văn tất có nhiều bạn lắm?”
“Anh không thích tụ tập. Nơi ấy bọn nhà văn nhà thơ có thể biến thành gà hoặc khoác vào bộ áo thụng.”
“Em không hiểu.”
“Người ta thường nói giới văn nghê sĩ chẳng khác những con gà trống, ghét tiếng gáy của nhau. Người ta cũng nói họ thường mặc áo thụng vái nhau.”
“Còn những người hâm mộ anh thì sao?”
“Anh không có nhiều người hâm mộ. Anh cũng không cần nhiều người hâm mộ”.
“Anh lạ thật!”
“Lạ sao?”
“Nhà văn nào cũng cần nhiều đọc giả, càng nhiều người thích mình, càng thấy vui.”
“Văn chương không dành cho số đông. Anh không mong chờ được nhiều người thích. Chỉ vài người là vui lắm rồi, là đủ để anh có thêm hứng khởi tiếp tục viết. Chỉ có một người không thể thiếu”.
“Người đó là ai vậy?”, Thu hồn nhiên hỏi.
“Là Thu!”
Thu âu yếm: “Em yêu anh.”
Phong đáp lại: “Anh yêu em.”
“Nếu không có Thu, chắc anh không thể viết được.”
“Anh xạo!”
“Anh không xạo.Thực ra anh vốn ít bạn. Ở Trần thế, anh cũng không có nhiều bạn. Anh không thích chốn lao xao. Còn em, em có bao nhiêu bạn? Anh chắc nhiều lắm?”
Thu ngập ngừng, rồi ngước mặt nhìn Phong ra vẻ tự hào: “Em có 291 người bạn”.
Thốt xong câu nói, Thu chờ phản ứng của người yêu.
Phong im lặng vài giây, rồi hạ giọng:
“Em nên bỏ bớt.”
“Vâng, em cũng dự tính vậy”, Thu nói rồi cho Phong biết thêm rằng người ta ngỏ lời kết bạn với nàng thì nhiều chứ nàng chủ động xin kết bạn không có bao nhiêu.
6.
“Em có khỏe không?”
“Em khỏe”.
“Hôm nay em còn nhìn thấy hắn không?”
“Em không thấy. Còn anh?”
Phong có thấy, tuy nhiên, ông đáp: “Anh cũng không.”
“Em mong anh ta đã quay về Trần thế”.
“Có thể; nhưng nếu anh ta còn đâu đó, dễ gì anh ta nhìn thấy em. Em biết thế giới này rất rộng lớn mà! Hơn nữa, em lấy tên Lá vàng chứ không phải tên thật”.
“Chúng ta đã quá lo, phải không anh?”
Nhưng niềm vui chóng qua. Vẻ lo âu lại hiện ra trên nét mặt Thu. Nàng nói:
“Nhưng em không thay đổi diện mạo, nhìn thấy, hắn biết ngay chính là em, hắn có thể vào nhà em, hắn cũng có thể vào nhà anh.”
“Nhưng hắn không thể tiếp xúc với chúng ta nếu chúng ta từ chối. Hắn không thể buộc em quay về với hắn”.
Thu im lặng, cảm thấy nhẹ lòng.
“Chúng ta sẽ yên ổn phải không anh?”
Phong muốn nói với Thu rằng nếu kẻ vũ phu ấy vào nhà chàng, hắn sẽ biết những gì họ đã nói với nhau. Nhưng ông không nói, sợ nàng lo lắng.
“Ừ, chúng ta yên ổn. À! em có đọc bài “Kịch tác gia đại tài” của anh không?”
Thu gật đầu:
“Anh tưởng tượng hay ghê! Nhưng anh viết ông ấy vừa chết vùa sống em không hiểu. Chẳng nhẽ ông ấy là quỷ?”
Phong cười: “Em tưởng tượng còn hay hơn anh”, rồi nói tiếp, “Anh từng viết kịch, em nhớ không?”
“Em nhớ từng chi tiết vở “Một thế giới khác ” anh đã dẫn em đi xem”.
Ngừng một lát Thu nói tiếp, đổi giọng: “Nhưng em thích anh viết về bé Aylan Kurdi, về 20 bản nhạc tình, về hoa bồ công anh và nhiều điều ước, về cả một bầu trời, về hình ảnh ghi vào lòng tạc vào lịch sử hơn. Anh không nên chỉ trích, lên án họ nhiều quá!”
“Chúng ta cần tự do ngôn luận. Em biết Michel Templet nói gì không, rằng “Nếu bạn không sử dụng quyền tự do ngôn luận để chỉ trích chính phủ của bạn thì bạn đòi hỏi có quyền đó để làm gì?”
“Em chỉ sợ cho anh”.
“Đây là xứ tự do, ở đây không có chính phủ, quân đội, công an, không có tòa án, nhà tù”.
“Nhỡ công an Trần thế đến đây thì sao? Như anh ta đấy, thì sao?”
Đó là điều Phong chưa nghĩ đến.
7.
Phong yên tâm khi thấy Thu ít nói chuyện chính trị. Thực ra nàng có lập trường chính trị rõ rệt: nàng ghét Cộng sản. Nghe tin nhà cầm quyền tổ chức lễ kỷ niệm quốc khánh, nàng nói “Sao CS hấp hối lâu quá vậy?”, biết tin một lãnh đạo ngả bệnh, nàng nói “Chúc ông mau chết”, nghe một thiếu niên ca ngợi thành tích Cộng sản, nàng nói “CS giống như ma túy”.
Thu nói nhiều về ẩm thực, âm nhạc, hoa, thú vật, gia đình.
Phong thường tặng nàng những ca khúc ông thấy hay. Nàng nói nàng cũng thích những bản nhạc ấy. Khi ông cho biết ông nấu được món đậu phọng kho nước mắm, nàng ngạc nhiên bảo ông dạy nàng. Nàng ngạc nhiên thích thú khi nghe ông kể sự tích bông mua, nói nàng chưa hề biết. Nàng hỏi ông lấy cảm hứng từ đâu để viết truyện ngắn “Buổi chiếu hoa vông”, ông trả lời từ một cậu hề rối. Rồi ông gởi tặng nàng cậu hề ấy.
8.
“Chúng ta có tương lại không anh?”, Thu hỏi.
Phong hiểu Thu nói gì. Dĩ nhiên tình yêu của hai người tồn tại mãi mãi, bất diệt, dù ở thế giới nào. Nhưng nàng muốn họ được bên nhau, sống cùng nhau như những người yêu nhau trên thế gian, muốn được nhìn thấy nhau, nghe giọng nói của nhau, ngắm hoàng hôn ngày tàn, trăng sao đêm tối, cùng thức giấc cạnh nhau, cùng ngắm bình minh.
9.
Đến thăm bạn, quay về, Phong nhận được những giòng chữ lạ:
“Mày là thằng phản động, sao mày còn được ăn cơm, uống nước ở nhà?”
Phong nghĩ đây là một lời cảnh báo. Nó nghiêm trọng hơn lời cảnh cáo ông nhận được ở Trần thế.
Kẻ để lại những giòng chữ này chỉ có thể là Công an văn hóa. Họ đã đến đây. Họ đã nghe những gì ông nói, đọc được những gì ông viết.
Ở quê nhà Phong bị gọi là Ngụy quân, Cách mạng tha được sống nhờ đạo đức của Lãnh tụ. Ông đã suýt bị quân Cách mạng bắt ngay trong những ngày đầu họ chiếm thành phố. Họ ghép ông anh 2 tội: Không tôn kính lãnh đạo Mao Trạch Đông khi chỉ gọi tên họ mà không có tiếng Chủ tịch đứng trước và nói xấu ông ta khi bảo ông ta đốt sách trong cách mạng văn hóa. Sau đó, ông bị theo dõi, ghi vào sổ bìa đen khi truyện ngắn của ông được đăng báo. Người chọn đăng bị sa thải và từ đó không tờ báo nào đăng truyện của ông nữa. Ông phải gởi đăng tác phẩm của mình ở các website văn chương hải ngoại. Ông bị theo dõi hộp thư, khi 2 lần từ chối khai lý lịch cá nhân mà không có lý do. Gần đây nhất, ông được mời đi quán uống cà phê để cảnh cáo đừng “cực đoan”; từ giã, gã công an còn nói thòng theo một câu “Bữa nay tôi mời chú uống cà phê ở quán, tôi mong sẽ không mời chú uống trà ở sở” .
Phong quyết định không nói cho Thu biết.
“Mình phải làm gì?”, Phong tự hỏi.
Ông quyết định đến nhà Đỗ. Đỗ đến thế giới này lâu hơn ông, tất hiểu nhiều chuyện.
“Bạn đã nói ở thế giới này không có chính quyền, quân đội, công an, không có tòa án, nhà tù. Bạn nói đây là nơi người ta thực sự tự do phát biểu chính kiến?”, Phong nói với người bạn thân.
“Không ai bị bịt miệng, bị bắt ở đây cả. Chính nhà cầm quyền các quốc gia độc tài trên Trần thế đã đưa người xâm nhập vào đây để theo dõi, phát hiện và bắt người phản đối họ”, Đỗ thở dài..
Đỗ cho Phong biết thêm nhà cầm quyền Việt Nam có cả ngàn người chống lại những người đấu tranh ôn hòa. Đã có một số người bị bắt.
Lời Đỗ nói khiến Phong nhớ lại có 2 người bạn của ông đã đột nhiên biến mất.
10.
Cùng nghe ca khúc “Kiếp nào có yêu nhau”, Phong và Thu cảm nhận họ không có tương lai.
Nhỡ hắn phát hiện ra em thì sao, Họ có cả ngàn người, đã có một số người bị bắt. Câu hỏi ấy, câu nói ấy ám ảnh tâm trí Phong, tâm trí Thu.
“Kiếp nào có уêu nhau, Thì xin tìm đến mai sau, Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ…” (*)
Phải chăng tình cảnh ấy là số phận của hai người?
Ở đâu không có sự sợ hãi? Ở đâu tình yêu có cơ hội?
Thu Phong
Tháng 10, 2020)
(*) Ca từ “Kiếp nào có yêu nhau”, nhạc Phạm Duy, phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh.
Nguồn: Tác giả gửi