Yoko Ogawa
T.Vấn dịch nhân kỷ niệm 75 năm ngày hai quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang cúi đầu trước đài tưởng niệm sau khi đọc bài diễn văn nhân kỷ niệm lần thứ 75 tưởng nhớ các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử tại công viên tưởng niệm Hòa Bình ở thành phố Hiroshima hôm thứ Năm 6-8-2020 (Ảnh: Philip Fong/Agence France-Presse — Getty Images)
Ngày 6 tháng 8 năm 2020, thế giới kỷ niệm lần thứ 75 ngày hai quả bom nguyên tử được ném xuống hai thành phố lớn của Nhật bản: Hiroshima và Nagasaki. Tưởng không cần phải nhắc lại những thiệt hại về người, của và tinh thần người dân Nhật Bản và những hệ quả tai hại khôn lường từ 75 năm qua. Điều cần nói đến là sự quên lãng của nhân lọai về một tai họa nhãn tiền, một tai họa đã xẩy ra cách đây 75 năm, nhưng cũng có thể xẩy ra lần nữa vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Sự quên lãng vốn là điều không thể tránh khỏi của con người. Nhưng quên lãng đi những nguyên nhân gây nên những cái chết tập thể, chết lần chết mòn vì nhiễm thể, vì môi trường sống chung quanh bị hủy họai, lại là một thái độ vô trách nhiệm với chính mình, với đồng lọai, với các thế hệ mai sau. Một cuộc khảo sát mới đây của hãng truyền thông quốc gia Nhật Bản NHK (Nippon Hoso Kyokai -Japan Broadcasting Corporation) cho biết chỉ có 30 phần trăm dân số Nhật Bản nhớ được chính xác ngày, tháng và năm quả bom nguyên tử được ném xuống thành phố Hiroshima. Đó là một báo động đỏ cho những người còn quan tâm đến sự sinh tồn chung của nhân lọai. Đã đành, 75 năm là một quãng thời gian không phải ngắn nhưng mỗi năm, cứ đến ngày đầu tháng 8 là những nạn nhân còn sống sót của vụ nổ hai quả bom nguyên tử lại rủ nhau về tụ họp ở thành phố Hiroshima, nơi tọa lạc của viện bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima để cùng nhau nhớ đến hơn 200 ngàn nạn nhân đã thiệt mạng vì cuộc ném bom và nỗi thống khổ của những người còn sống sót dù đã nhiều năm trôi qua. 75 năm qua là 75 lần người ta được nhắc nhở. Và nhớ đến những thảm kịch quá khứ không phải chỉ để ngồi khóc thương những người, những gì đã mất mà quan trọng hơn, nhớ để mỗi người tự nỗ lực bằng cách riêng của mình không để cho thảm kịch xẩy ra thêm một lần nữa. Đó là lý do chính cho con người chúng ta cần đến trí nhớ. Nhưng, buồn thay, như đã nói, quên lãng là một thuộc tính của con người.
(more…)