Archive for the ‘Nguyễn Bảo Hưng’ Category

Nguyễn Bảo Hưng

Xin thưa ngay rằng bài viết này là để giới thiệu bản dịch ra Pháp ngữ cuốn Mùa hè đỏ lửa của Phan Nhật Nam. Bản dịch do Liễu Trương thực hiện với tựa đề Un été embrasé được nhà xuất bản L’Harmattan phát hành và xếp ngay vào bộ Mémoires du XXème siècle. Đọc tới đây, chắc có người đã thầm nhủ: « Ôi dào! Tưởng cái gì mới lạ, chứ Mùa hè đỏ lửa ai mà chẳng biết tỏng tự hồi nảo tới giờ. Vậy mà cũng bày đặt đem ra giới thiệu; mà lại trịnh trọng giới thiệu một bản dịch cơ chứ. Nỡm chưa. Rõ thật là chán mớ đời ». Nghĩ vậy kể cũng đúng thôi. Chính vì có phần nào đúng mới lại xin thưa thêm rằng tựa sách Un été embrasé không phải là cho quí bác quí chú đâu, những bậc đàn anh đã trưởng thành trong khói lửa của thập niên 70 thế kỷ trước. Giờ này quí bác, quí chú đều ngấp nghé tuổi cập kê thấp tuần, bát tuần cả rồi nên tóc đã ngả màu muối tiêu, đầu óc bắt đầu sền sệt, còn cặp mắt hơi kèm nhèm cũng chỉ nhìn ra chữ nghĩa của một vài khẩu hiệu đấu tranh quen thuộc qua đôi mắt kiếng ngày càng mờ đục với thời gian. Bản dịch ra Pháp ngữ, do đó, là dành cho các thế hệ con cháu quí vị kia đấy, lớp người đã phải theo ông bà, cha mẹ rời bỏ quê hương khi còn nhỏ, hoặc được sinh ra nơi xứ người. Sống lâu năm nơi đất khách, thành phần thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba này không còn quen sử dụng tiếng mẹ đẻ và cũng chỉ có những hiểu biết mơ hồ về quê hương xứ sở, về các biến cố khiến ông bà, cha mẹ đã phải bỏ đất nước ra đi. Với lớp người thuộc các thế hệ sau này, được sống trong môi trường sinh hoạt tự do với tinh thần tìm hiểu khách quan hơn, bản dịch Mùa hè đỏ lửa sẽ là một tài liệu hữu ích, như lời người dịch khi thông báo, giúp họ được « hiểu biết thêm về cái thời khói lửa đau thương, để nhớ ơn những người đã nằm xuống và càng yêu thương đất nước hơn ».
(more…)

Nguyễn Bảo Hưng


Ernest Hemingway (1899–1961)

Đã đăng: Hemingway: Nhà văn, con người và cõi sống – Phần I

Phần II. Hemingway: Con người và cõi sống

Đến với Hemingway ta có thể tìm thú vui thưởng ngoạn qua các tác phẩm của ông dưới nhiều hình thức. Hoặc ta coi các trang sách của ông thuộc loại truyện kể phiêu lưu mạo hiểm hay ái tình diễm lệ. Bằng cách tiếp cận này, Les neiges de Kilimandjiro hay Le vieil homme et la mer sẽ cho phép trí tưởng tượng ta được tự do bay bổng đi chinh phục đỉnh tuyết Kilimanjaro trắng bóc, hay tới bàu bạn với ông già San Diego một thân một mình lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ giữa biển cả sóng gió. Với L’Adieu aux armes hay Pour qui sonne le glas, trái lại, ta sẽ được dịp được dịp chia sẻ niềm đau cô đơn của Patrick Henry sau cái chết của Catherine Baker với đứa con sơ sinh, hay cảm thông với tiếng khóc nức nở của Maria trước sự hi sinh mã thượng của Robert Jordan, người nàng hết lòng yêu thương. Những cảm xúc phiêu bạt hay yêu thương, dẫu sao, cũng chỉ đem lại cho ta vui buồn chốc lát trong tinh thần đọc sách mua vui giải trí. Còn cái thực sự làm nên giá trị văn học nơi Hemingway lại nằm trong ý nghĩa hàm súc ẩn dấu giữa hai hàng chữ, như phần chìm khuất trong lòng đại dương mà ta phải lặn sâu mới thấy được. Có đến với Hemingway bằng cách tiếp cận sau này, ta mới thấy rằng mỗi tác phẩm của ông đều là kết quả của một trải nghiệm trong cuộc sống và mỗi tựa đề chọn lựa còn là một thông điệp Hemingway muốn gửi gấm đến ta. Để bàn về sự nghiệp văn học đa dạng phong phú của Hemingway, có lẽ phải cần tới hàng pho sách, chưa chắc đã nói hết. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới hai cuốn L’Adieu aux armesPour qui sonne le glas mà thôi. Để cho thấy sách của Hemingway không chỉ thuộc loại truyện kể nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí. Trái lại, chúng còn là những tác phẩm có giá trị văn học cao đem lại cho ta cái nhìn nhân bản và sáng suốt về hiện thực xã hội loài người.
(more…)

Nguyễn Bảo Hưng
Gửi D. cô em đã có lời khuyến khích anh nên viết tiếp để nói về Hemingway


Ernest Hemingway (1899–1961)

Phần I. Hemingway: Nhà văn

Ernest Hemingway (1899-1961) là nhà văn Mỹ từng được giải văn học Nobel, nổi danh toàn cầu. Nhưng tôi chỉ biết đến tên ông khoảng đầu thập niên 1960, khi Sài Gòn rầm rộ cho ra mắt các bộ phim phỏng theo một số tác phẩm của ông như Le soleil se lève aussi, L’adieu aux armes, Pour ce qui sonne le glas, Le vieil homme et la mer… Nghĩ mình cũng dân sành điệu xi-nê chẳng thua ai nên hồi đó, mỗi lần nghe quảng cáo có phim mới phỏng theo truyện của Hemingway, thế nào tôi cũng phải đi coi bằng được, cho dù có phải đứng xếp hàng dài nghển cổ, thậm chi có lúc còn phải thúc cùi chỏ để giành giật cho được tấm vé. Sở dĩ tôi chịu khó bon chen đứng xếp hàng như vậy, không phải vì Hemingway mà vì phim nào có dính dáng tới tên ông tôi đều thấy hay cả, nhất là phim nào cũng được sự của đóng góp của các tài tử gạo cội quen thuộc thời bấy giờ. Tới khi biết ông được tặng giải văn học Nobel (1954), tôi có tìm đọc một vài tựa sách của ông. Đọc để ra điều ta đây có đọc, chứ thực tình tôi chẳng thấy có cuốn nào là hấp dẫn, so với những điều được thấy trên màn bạc.
(more…)

Nguyễn Bảo Hưng

paris_est_une_fete

« Paris est une fête » là tựa một cuốn sách của Ernest Hemingway bình thường chắc ít ai buồn để ý, thậm chí được nghe nhắc tới. Bản thân tôi cũng không ngờ lại có cuốn sách này trong sự nghiệp đồ sộ của nhà văn Mỹ từng được giải Nobel, nếu đã không xảy ra biến cố đó. Cái biến cố thời sự làm tôi chú ý tới cuốn sách, ấy là vụ việc trong đêm thứ sáu 13-11-2015 quân khủng bố hồi giáo IS đã mở một loạt tấn công khủng bố tại bốn địa điểm khác nhau ở Paris, gây thiệt mạng cho 121 người và hơn hai trăm người khác bị thương. Đợt tấn công khủng bố đã làm thế giới bàng hoàng xúc động vì các mục tiêu tấn công đều là những nơi giải trí công cộng, và đối tượng nhắm bắn đều là thường dân vô tội thuộc đủ mọi thành phần xã hội, mọi quốc tịch, mọi tôn giáo. Lỗi duy nhất của họ, các nạn nhân ấy là dám hẹn hò gặp gỡ nhau vào tối thứ sáu để vui chơi giải trí sau một tuần làm việc mệt nhọc. Chỉ riêng tại Bataclan, một sân khấu trình diễn nhạc rock được giới trẻ Paris ưa chuộng, đã có 81 người bị giết trên tổng số 121 người tử thương. Cảnh tượng xác chết nằm la liệt giữa các hàng ghế, trên các lối đi, thậm chí cả trên sân khấu đã làm lên dấy một làn sóng công phẫn trên toàn nước Pháp. Riêng tại Paris, bên cạnh những cuộc biểu tình phản đối còn có nhiều vụ tụ tập đông đảo đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân hoặc kêu gọi cần tiếp tục cuộc sống bình thường để trả lời thích đáng thách thức đe dọa của quân khủng bố. Tại một buổi tụ tập này, một phụ nữ hẳn là dân parisienne chính cống, bà Danielle 77 tuổi, đã giơ cao trước ống kính đài truyền hình BFM cuốn sách « Paris est une fête » của Ernest Hemingway và lớn tiếng cổ động : « Rất cần phải đem hoa đến tưởng niệm những người quá cố. Rất cần phải đọc, đọc nhiều lần cuốn « Paris est une fête » của Hemingway. Bởi vì chúng ta là một nền văn minh rất lâu đời và chúng ta cần nêu cao các giá trị của chúng ta. » (« C’est très important d’apporter des fleurs à nos morts. C’est très important de voir, plusieurs fois, le livre d’Hemingway « Paris est une fête ». Parce que nous sommes une civilisation trés ancienne et nous porterons au plus haut nos valeurs ».)
(more…)

Nguyễn Bảo Hưng

Đã đăng: Phần [I], [II]

«Il n’est qu’un seul grand luxe, et c’est celui des relations humaines. »
«Chỉ có một sự xa hoa đích thực, và ấy là sự xa hoa tìm được nơi tình người)»
A. de Saint-Exupéry (Œuvres – Terre des hommes, p.158 – Bibiothèque de la Pléïade – Gallimard 1959)

« Ta phải tưởng tượng Sisyphe được hạnh phúc… Ta phải tưởng tượng Sisyphe được hạnh phúc… ». Tôi còn thiêm thiếp với những lời kết này chập chờn trong tiềm thức thì đã vọng lên giục dã hồi kẻng báo thức. Tôi nhỏm dậy, như cái máy lập lại mấy cử chỉ thuộc lòng của một cải tạo viên : gấp mùng mền xếp ngay ngắn trên chỗ gối đầu, lật chiếu phủ lên, lôi lon gô đặt ở chân sạp để chờ được chia phần nước uống tiêu chuẩn. Xong xuôi, tôi phóng ra sân làm công tác thể dục qui định trước khi lo phần vệ sinh cá nhân. Nhưng hôm nay tôi không chỉ có khua chân múa tay làm điệu bộ cho có lệ. Trái lại tôi chăm chú làm đúng từng động tác một và tập thở hít cho thật điều hòa. Bây giờ tôi đã sẵn sàng chờ tập họp điểm danh để lãnh cuốc sẻng đi công tác. Nhưng khác với mọi bữa, hôm nay tôi không cảm thấy phải kéo lê những bước chân nặng chĩu và cũng không phải mang tâm trạng mệt mỏi chán chường. Trên bãi tập họp giờ đây mọi người đã tề tựu hầu như đông đủ. Vẫn những con người đó trong những bộ quần áo đó : những thân hình xanh xao ốm yếu vì lam lũ và thiếu dinh dưỡng trong những bộ trây y tả tơi, vá chằng vá đụp. Nhưng hôm nay tôi mới để ý và thấy họ có vẻ như đang sống cuộc sống bình thường. Tự bao giờ ? Họ, ra trình diện cùng một ngày, cũng phải di chuyển hết trại này qua trại khác. Như tôi. Họ, thuộc đủ thành phần xã hội, động viên hay tình nguyện, nay chỉ là những con chốt thí trong cuộc tranh chấp ý thức hệ giữa hai khối quyền lực quốc tế. Cũng như tôi. Vậy mà nay cuốc, sẻng trên vai, họ bình thản trao đổi với nhau những mẩu chuyện vui nho nhỏ : về thành tich chôm chĩa, về mánh mung qua mặt được mấy anh bộ đội, về một vài bi thuốc lào mới quan hệ được. Họ cũng không quên bàn chuyện nắng mưa, vui vẻ chỉ dẫn cho nhau cách thức lên luống, reo bắp, trồng rau để đạt năng xuất cao như những nông dân thực thụ. Cũng như tôi, họ đã phải trải qua biết bao giờ phút chán nản tuyệt vọng. Và họ đã tự rèn luyện để biết quên đi thân phận của một cải tạo viên mà hòa giải với cảnh sống hiện tại của mình. Tự bao giờ ?…
(more…)

Nguyễn Bảo Hưng

Đã đăng: Phần [I]

« L’homme se découvre quand il se mesure avec l’obstacle. »
« Con người phát hiện được mình khi phải đương đầu với thử thách.»
A. de Saint-Exupéry (Œuvres –Terre des hommes, p.139 – Bibliothèque de la Pléïade – Editions Gallimard 1959)

Trảng lớn, Phú quốc, Long giao, Suối máu !
Ôi ! Những năm tháng sống phấn đấu để khỏi bị nhận chìm trong vũng lầy tuyệt vọng.

Năm giờ kẻng báo thức. Tập họp điểm danh. Phần ăn tiêu chuẩn chưa kịp giắt lưng đã nghe tiếng thúc giục cuốc sẻng lên đường. Lại những con đường cỏ ngập lối đi. Lại những mảnh đất sỏi đá chưa hề mang dấu vết khẩn hoang. Thế là một ngày lao động cải tạo lại bắt đầu. Và vẫn chỉ là một động tác liên tu bất tận : cuốc. Hôm nay thứ hai hay thứ bảy ? Cuốc. Đây là Phú quốc hay Long giao ? Cuốc. Mùa hè nắng thiêu đỏ lửa ? Cuốc. Mưa dầm gió bấc lạnh căm ? Cuốc. Cuốc nữa đi. Cuốc mạnh vào. Còn phải phấn đấu cuốc nhiều hơn nữa. Cuốc ! Cuốc ! Cuốc ! Cuốc miệt mài… Cuốc vô vọng…
(more…)

Nguyễn Bảo Hưng

«Il n’y a pas d’amour de vivre sans désespoir de vivre . »
«Không thể biết yêu thương cuộc sống nếu không phải sống qua tuyệt vọng»
Albert Camus (L’envers et l’endroit – Editions Gallimard 1958 – coll. Folio , p.107)

Sài gòn một ngày vào cuối tháng tư 1975.
Một ngày để chấm dứt một thời buổi loạn ly.
Một ngày để mở màn cho những đau thương đổ vỡ mới.
Một ngày để tôi bắt đầu sống thấp thỏm hoang mang chờ đợi một đổi thay sẽ phải tới.
Và một ngày đã tới để tôi lại khăn gói đi trả nợ đời.
Tôi phải đi trả nợ đời bởi vì đã có một ngày tôi được khoác trên thân hình bộ quần áo lính.
(more…)

Nguyễn Bảo Hưng
Viết để ngẫm về ngày biến cố lịch sử 30-4-1975


Albert Camus (1913-1960)

Cái tên Albert Camus hẳn không xa lạ đối với độc giả Việt Nam. Có thể nói ông cùng với J P Sartre là hai nhà văn đương đại Pháp được đọc nhiều hoặc ít ra cũng được nghe nhăc đến nhiều nhất. Nếu như Sartre với nhân vật Roquentin trong cuốn La Nausée được ca tụng là nhà văn của chủ nghĩa hiện sinh, thì tên tuổi Albert Camus, trái lại, được gắn liền với nhân vật Meursault trong cuốn L’Etranger  như là nhà văn của triết học phi lý. Có thể nói L’Etranger là tác phẩm của Camus được ưa chuộng nhấtvà cũng được dịch ra tiếng Việt nhiều nhất. Theo Nguyễn Văn Lục trích dẫn dịch giả Trần Thiện Đạo, riêng cuốn L’Etranger đã lần lượt được các dịch giả sau đây chuyển ra tiếng Việt : Người xa lạ, A. Camus (Võ Lang), nxb Thời Mới 1965. Kẻ xa lạ (Dương Kiền và Bùi Ngọc Dung), nxb Ngày Nay 1965. Kẻ xa lạ (Lê Thanh Hoàng Dân và Mai Vi Phúc), nxb Trẻ 1973. Người dưng (Dương Tường), nxb Văn Học, Hà Nội 1995. Và mới đây nhất Kẻ xa lạ (Nguyễn Văn Dân), nxb Văn Hóa, Hà Nội 2002.(1) Hiện tượng thi dua dịch cuốn « L’Etranger » khiến hình ảnh Meursault, nhân vật người hùng của câu truyện kể, trở thành phổ biến và tên tuổi A. Camus, vì vậy, cũng được gắn liền với cuốn L’Etranger như là nhà văn của ý thức phi lý. Bản thân tôi, trong bài viết « Dịch là phản ? » mới đây, khi nhắc tới nhân vật Meursault ngay trong phần mở đầu, cũng đã vô tình đóng góp vào việc nuôi dưỡng cái khí quyển phi lý bao trùm không gian văn học Camus và tô đậm thêm chân dung nhà văn của phi lý nơi ông. Nhưng mới đây, một biến cố thời sự gây chấn động toàn thể nước Pháp làm tôi sực nhớ tới một bài viết về Camus cho mục văn học nghệ thuật đọc trên đài RFI cách đây khoảng chừng hai chục năm (2).

Biến cố thời sự tôi vừa nhắc đến, là vụ một thanh niên Pháp gốc người Algérie, Mohamet Merah 23 tuổi,  sáng ngày 19/3/12 đã bất ngờ sấn tới nổ súng bắn chết một giáo viên cùng ba trẻ em học sinh trước cửa một trường học  tại Toulouse chỉ vì họ là dân Do Thái. Thành thực mà nói, vụ sát hại này, về mặt tổn thất nhân mạng, cũng chẳng lấy gì làm khủng khiếp cho lắm so với con số hàng chục có khi lên tới hàng trăm người bị chết hoặc bị thương trong các vụ khủng bố hoặc đàn áp dân chúng tại nhiều nơi trên thế giới. Với kỹ thuật truyền thông tiên tiến hiện đại, hàng ngày thiếu gì các tin tức thuộc loại này. Hình ảnh các vụ giết chóc xảy  ra hầu như cơm bũa ấy, đã dần dà tạo nơi ta một thứ phản xạ dửng dưng của người ngoại cuộc được bình chân như vại, nhất là khi những cảnh chết chóc đó chỉ được hình dung bằng các con số khô khan trừu tượng. Tuy nhiên vụ thảm sát tại Toulouse, qua tường thuật của tuần báo Paris – Match số 3279 (22-28 Mars 2012) đã khiến tôi  xúc động kinh hoàng.  Theo bài báo, đúng 7g54 sáng thứ hai 19-3-2012, sau khi lái xe moto tới trước một ngôi trường trung học Do Thái, tên Merah đã dùng súng bắn chết một giáo viên người Do Thái cùng hai đứa con trai lên ba và lên năm đang đứng trước cổng trường. Sau đo tên Merah còn quay súng định hạ sat thêm  bé gái Myriam bảy tuổi, con của vị hiệu trưởng trung học cũng dân Do Thái. Nhưng do súng  kẹt đạn, em Myriam chỉ bị thương nên chạy trốn vào trong sân trường. Nhất định không tha, tên Merah phóng mình rươt theo nắm bắt em, rút trong người ra một khẩu súng khác và hạ sát em. Tôi rùng mình khi tưởng tượng ra cảnh  em bé ngây thơ vô tội đó hai tay ôm mặt, thân hình co quắp lại vi sợ hãi, trong khi tên sát nhân, bất chấp tiếng rú thất thanh và khuôn mặt rúm ró của em đã lạnh lùng  bắn vào màng tang em. Tôi còn kinh hoàng hơn nữa khi được biết động cơ của hành vi sát nhân dã man này, theo lời tự thú của đương sự trong mọt cuộn băng vidéo thu sẵn định nhờ truyền thông phổ biến, là nhân danh chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và để trả thù cho các trẻ em Palestine nạn nhân của người Do Thái. Mấy chi tiết sống sượng này đã ám ảnh tâm trí tôi, làm tôi thắc mắc tự hỏi :  Sự thật có đúng như vậy không ? Nếu quả là đúng, bước vào kỷ nguyên tin học ở thế kỷ 21 này chúng ta thực sự đã ra khỏi tình trạng dã thú để có thể tự hào là  thuộc về nhân loại  văn minh tiến bộ hay không ? Hay là những phát minh khoa học diệu kỳ đem lại cải thiện đời sống vật chất đáng kể, nhưng không đi kèm với tiến bộ của lương tri, chỉ dẫn đến hủy hoại tâm hồn mà thôi, như lời báo động của Rabelais đã vang vọng ngay từ đầu  thế kỷ thứ 16. ( « Science sans conscience n’est que ruine de l’âme », Rabelais, Gargantua, Livre I,17)). Tôi thắc mắc tự hỏi không phải riêng vì Merah là người gốc Ả Rập và y đã ra tay hành động nhân danh các chủ thuyết tôn giáo và chủng tộc. Chưa đầy một tháng sau vụ thảm sát tại Toulouse thì tại Oslo, thủ đo xứ Na Uy lại dội lên vụ án Anders Breivik, một thanh niên Na Uy theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan, ngày 22-7-2011 đã thẳng tay hạ sát 77 nhân mạng cùng làm bi thương hàng chục người khác tới dự một cuộc họp biểu tình của các nhóm thiên tả, trong đó có nhiều người theo đạo Hồi. Ra tòa, Breivik  chẳng những không hề tỏ vẻ ăn năn, mà còn cho việc làm của mình là hành vi tự vệ chính đáng để bảo vệ đất nước Na Uy khỏi sư xâm nhập và bành trướng của đạo Hồi. Cả Merah lẫn Breivik, trong hai vụ này, đều tự cho mình cái quyền sinh sát nhân danh các chủ thuyết hay tín ngưỡng của họ. Chinh thái độ cuồng tín ấy làm tôi chợt nhớ tới nhân vật Kaliayev trong vở « Les Justes » của Albert Camus, khiến tôi muốn tìm đọc lại vở kịch này. Nhưng giữa hành động khủng bố của Mahomet Merah và nhân vật Kaliayev trong vở « Les Justes » có sự liên hệ nào ? Trước khi đi vào trả lời, có lẽ ta cần tìm hiểu qua nội dung và ý nghĩa vở kịch của Camus.

Kaliayev là một nhân vật có thật và vở kịch « Les Justes » cũng dựa trên một sự kiện lịch sử có thật : vụ ám sát quận công Serge, nhân vật tiêu biểu cho chế độ độc tài sắt máu Nga Hoàng tại Moscou ngày 17-2-1905. Là thành viên của một tổ chức khủng bố thuộc Đảng Xã Hội Cách Mạng Nga thời đó, Kaliayev được giao sứ mạng liệng bom vào xe chở quận công Serge đê sát hại ông ta. Âm mưu ám sát lần đầu không thành vì bữa đó trên xe, ngoài quận công Serge, còn có  hai đứa cháu nhỏ đi cùng. Kaliayev đã không ra tay hành động vì thấy không thể bắt hai trẻ em vô tội phải hi sinh vô ích. Hai ngày sau, khi chỉ còn mình quận công Serge, Kaliayev đã hoàn thành sứ mạng và bị bắt. Nhất định không khai đồng đội, Kaliayev chịu bi hành quyết khi còn là sinh viên mới hai mươi sáu tuổi. Trong vở kịch, Camus đã giữ nguyên cái tên Kaliayev cùng một vài nhân vật khác, cũng như ông đã tôn trọng diễn biến của hành động khủng bố ám sát. Nhưng Camus đã mượn tên các nhân vật và sự kiện lịch sử này không chỉ cốt để dựng lại lịch sử hay luận về lịch sử, mà chủ đích là để nêu lên một vấn đề nóng bỏng ngày càng được đăt ra ở thời đại chúng ta : Vấn đề phương tiện và cứu cánh trong hành động cách mạng. Hay, cụ thể hơn : Để thực hiện lý tưởng phục vụ con người, ta có quyền tự cho phép làm bất cứ điều gì, kể cả hành động sát nhân, hay ta không thể, vì chủ nghĩa lý tưởng và nhân danh chủ nghĩa lý tưởng, mà cướp đoạt quyền sống tha nhân ? Trong vở kịch, hai nhóm nhân vật đại diện cho hai quan niệm hành động khác nhau đã nói lên quan điểm của Camus về vấn đề này.

Một bên là Stépan đại diện cho nhóm người cách mạng khủng bố chuyên nghiệp, lấy việc xây dựng một trật tự xã hội mới làm cứu cánh và thù hận làm động cơ hành động. Ta có thê gọi họ là những con người cách mạng tha hóa (des révolutionnaires aliénés). Là những robot cách mạng, những con người chỉ có cái đầu mà không có trái tim, họ không tin rằng tham gia cách mạng còn có thể là những con người bình thường và vẫn có thể sống  như một con người bình thường. Bởi vậy ngay buổi hội kiến lần đầu, Stépan đã tỏ vẻ khó chịu trước một vài biểu hiện lạc quan yêu đời của Kaliayev và nghi ngờ về khả năng đi làm cách mạng nơi anh. Rồi tới khi nghe nói Kaliayev tự phong mình là nhà thơ và cho rằng « thơ cũng là cách mạng », y đã lạnh lùng đáp : « Chỉ có bom đạn mới cách mạng » (« Seule la bombe est révolutionnaire. »A.Camus  – Les Justes, p.21.- Folio, Editions Gallimard 1950). Tiếp đến, khi thấy Kaliayev lủi thủi quay về chỉ vì trên xe còn có hai trẻ nhỏ, Stepan đã không ngần ngại quả quyết : « Ngày nào chúng ta quyết định quên đi những đứa trẻ, ngày đó, chúng ta sẽ làm chủ thế giới và cách mạng sẽ thành công. » (Quand nous nous déciderons d’oublier les enfants, ce jour-là, nous serons maitres du monde et la révolution triomphera. » – Sđd. tr. 59). Rồi khi nghe Dora, người yêu của Kaliayev, phản biện :« Ngay cả trong hủy diệt, cần có một trật tự, cần có những giới hạn.» (Même dans la destruction, il y a un ordre, il y a des limites.)  y liền hung hăng kết tội : « Không cần có giới hạn. Sự thật là mấy người không tin vào cách mạng. » (« Il n’y a pas de limites. La vérité est que vous ne croyez pas à la révolution » ; Sdd. tr. 62). Qua một vài mẩu đối thoại trên, ta có thể xếp Stepan thuộc loại con người cách mạng tha hóa. Với những con người như vậy ta không lạ gì nếu, sau khi cách mạng thành công, họ đã khư khư bám lấy quyền hành, dựa vào chủ nghĩa để củng cố quyền hành, để rồi cuối cùng sự đam mê quyền hành đã biến họ trở thành những bạo chúa tha hóa. (3).Ta có thể coi những Staline, những Mao Trạch Đông, những Kim Jong Il hay Polpot đều là những khuôn mặt cách mạng tha hóa thuộc diện này.

Khác với Stépan, ta có thể gọi Kaliayev cùng người yêu Dora là những nhà cách mạng nhân bản (des révolutionnaires humanistes). Họ đến với cách mạng không chỉ với cái đầu  mà còn bằng  trái tim, nghĩa là họ vẫn là những con người còn biết yêu : yêu bản thân, yêu người yêu, yêu đồng loại, yêu cái buồn cái vui, cái thương cái ghét, cái làng cái xóm, cái hoa cái bướm, cái nắng cái mưa… tất cả  những cái bình thường nhưng ý vị  đem lại ý nghĩa cho đời sống trên thế gian này. Đó mới là động cơ thúc đẩy họ gia nhập cách mạng. Ta hãy nghe Kaliayev tâm sự với Dora : « Anh yêu cái đẹp, anh yêu hạnh phúc ! Chính vì vậy anh mới ghét bỏ sự chuyên chế áp bức… Làm cách mạng, dĩ nhiên rồi ! Nhưng làm cách mạng là để vun trồng sự sống, là để tạo thêm cơ hội cho cuộc sống, em có hiểu không ? » (« J’aime la beauté, le bonheur ! C’est pour cela que je hais le despotisme. La révolution bien sûr ! Mais la révolution pour la vie, pour donner une chance à la vie, tu comprends ? » ; Sdd. tr 36). Cũng bởi vậy, nên khi bị Stépan chỉ trích là anh có thể làm hỏng cơ đồ cách mạng chỉ vì muốn buông tha hai trẻ nhỏ, Kaliayev đã thẳng thắn trả lời: « Nhưng tôi, tôi lại yêu mến những con người đang sống trên cùng một  trái đất như tôi. Họ mới là kẻ  tôi muốn chào đón. Vì họ tôi mới đấu tranh, vì họ tôi mới chấp nhận hi sinh. Và tôi không thể nhân danh một thiên đường xa vời không lấy gì chắc chắn để mà đạp lên mặt những  người anh em tôi. Tôi không thể nhân danh một nền công lý chết mà hành động để làm tăng thêm những bất công hiện tại. » (Mais moi, j’aime ceux qui vivent sur la même terre que moi, et c’est eux que je salue. Et c’est pour eux que je lutte et que je consens à mourir. Et pour une cité lointaine, dont je ne suis pas sûr, je n’irai pas frapper sur le visage de mes frères. Je n’irai pas ajouter à l’injustice vivante pour une justice morte. » Sdd, tr. 65). Bởi dấn thân làm cách mạng do yêu mến con người và yêu chuộng công lý  nên Kaliayev đã nhiều lúc bức xúc trăn trở với ý nghĩ phải ra tay sát hại kẻ khác. Nhưng rồi anh cũng tìm ra được giải đáp qua phần thố lộ dưới đây với Dora : « Một ý tưởng làm anh trằn trọc : chúng đã biến chúng ta thành những kẻ sát nhân. Nhưng đồng thời anh nghĩ là anh sẽ chết, thế là tâm hồn anh lắng dịu. Rồi anh mỉm cười và ngủ lại, như một đứa trẻ thơ. » (Une pensée me tourmente : ils ont fait de nous un assassin. Mais je pense en même temps que je vais mourir, et alors mon cœur s’apaise. Je souris, tu vois, et je me rendors comme un enfant.  Sdd. tr, 39)

Về phần Dora, người yêu của anh, tuy chưa phải sống cái bi kịch của con người công chính đi làm cách mạng như Kaliayev, nhưng lại có những âu lo khắc khoải khác. Trước hết là âu lo của một đồng đội. Gia nhập hàng ngũ cách mạng trước Kaliayev và cũng lớn tuổi hơn, Dora đã nhìn sự nhiệt tình hăng say của Kaliayev bằng cặp mắt đùm bọc âu  lo  của người chị với đứa em còn non trẻ . « Ồ ! Yanek. (4) Anh nên biết, anh cần phải được cảnh báo. Một con người dẫu sao cũng là một con người. Quận công (lúc đó) có thể đang có tia nhìn cảm thông. Có thể anh sẽ thấy ông ta đang gãi tai hay cười nụ vui vẻ. Biết đâu trên mặt ông ta  lại chẳng có một vết xước dao cạo. Và biết đâu lúc đó ông ta lại chẳng nhìn anh… » (Oh ! Yanek, il faut que tu saches, il faut que tu sois prévenu !Un homme  est un homme. Le grand-duc a peut-être des yeux compatissants. Tu le verras se gratter l’oreille ou sourire joyeusement. Qui sait, il portera peut-être une petite coupure de rasoir. Et s’il te regarde à ce moment-là… Sdd ; tr.42). Cũng tham gia cách mạng như Kaliayev, nhưng từng trải hơn, kinh nghiệm hơn, nên Dora biết nhìn ra cái cạm bẫy mà Kaliayev có thể gặp phải : Khi ta trừu tượng hóa đối tượng đấu tranh bằng một ý niệm, bằng một biểu tượng cho sự bát công áp bức ta có thể chém giết không gờm tay. Nhưng khi phải đối diện một con người bằng xương bằng thịt với một vài điệu bộ của một con người bình thường – như ta – thì chính những biểu hiện bình thường ấy đã làm ta phải ngần ngại. Cái tuyệt tác của văn chương Camus là thế đó. Là ở chỗ ông đã khéo chọn thể loại kịch để khai thác khả năng truyền đạt của ngôn ngữ kịch trong những trạng huống đặc biệt. Chỉ bằng một vài mẩu đối thoại nho nhỏ, đôi ba chi tiết cỏn con, ông cũng cho ta thấy được khoảng cách vời vợi giữa những kẻ đầu cơ cách mạng để thực hiện tham vọng ngông cuồng của họ, và  những con người chân chính đến với cách mạng chỉ vì tha thiết với cuộc sống và qui trọng con ngừoi.

Nhưng Dora không chỉ có là đồng đội mà, trước hết, còn là một người đang yêu và được yêu. Bởi vậy nàng mới phải sống một thảm kịch riêng. Nếu như Kaliayev, bằng  hi sinh tính mạng, đã có thể an tâm lên đường làm Kinh Kha tráng sĩ hề một đi không trở lại, thì Dora, trong cương vị người yêu bất lực, lại phải sống thấp thỏm lo âu trước viễn ảnh cuộc tình có thể vĩnh viễn dở dang. Bởi vậy tuy không muốn làm cho Kaliayev phải anh hùng khí đoản, Dora cũng có lúc không trấn áp nổi cái nhi nữ thường tình của mình : « Máu đã đổ nhiều quá, bạo lực cũng nhiều quá. Những kẻ thực tình yêu công lý lại không được quyền hưởng lạc thú yêu đương. Họ phải đứng đậy như em, cái đầu ngửng cao, cặp mắt nhìn thẳng. Liệu có chỗ đứng nào cho tình yêu trong những trái tim kiêu hãnh này ? Tình yêu làm cho cái đầu mềm mại cúi xuống, Yanek. Vậy mà anh và em, chúng ta cứ phải ngửng cổ cao. » (Il y a trop de sang, trop de dure violence. Ceux qui aiment vraiment la justice n’ont pas droit à l’amour. Ils sont dressés comme je suis, la tête levée, les yeux fixes. Que viendrait faire l’amour dans ces cœurs fiers ? L’amour courbe doucement les têtes, Yanek. Nous, nous avons la nuque raide. Sdd. tr,84). Rồi khi nghe Kaliayev tìm lời an ủi : « Nhưng chúng ta yêu nhân dân… (Vì nhân dân) chúng ta cho hết, hi sinh hêt mà không hi vọng được đền bù, đó chính là tình yêu » (Mais nous aimons notre peuple… Mais c’est cela l’amour, tout donner, tout sacrifier sans espoir de retour. Sdd ; tr.84), nàng đã trút hết nỗi lòng bằng những lời hầu như nức nở : « Có thể. Đó chính là tình yêu tuyệt đối, niềm vui tinh khiết và cô đơn, và đó cũng là cái đang nung nấu trong em. Tuy nhiên cũng có lúc em tự hỏi liệu tình yêu có thể là một cái gì khác thay vì chỉ là những lời độc thoại (5)  và liệu, đôi khi, cũng có được câu trả lời. Anh biết không, câu trả lời đó em mường tượng như sau : ánh nắng lung linh, đôi mái đầu từ từ cúi sát, con tim từ bỏ niềm kiêu hãnh, những cánh tay mở rộng. Ôi ! Yanek, nếu chúng ta có thể quên đi, dù chỉ là một giờ thôi, quên đi những thống khổ trên thế gian này để được cùng nhau sống buông thả. Quên đi để được sống ích kỷ với nhau chỉ trong một giờ ngắn ngủi thôi. Anh ! anh có nghĩ như vậy không ? » (Peut-être. C’est l’amour absolu, la joie pure et solitaire, c’est celui qui me brûle en effet. A certaines heures pourtant, je me demande si l’amour n’est pas autre chose, s’il peut cesser d’être un monologue, et s’il n’y a pas une réponse, quelquefois. J’imagine cela, vois-tu : le soleil brille, les têtes se courbent doucement, le cœur quitte sa fierté, les bras s’ouvrent. Ah ! Yanek, si l’on pouvait oublier, ne fût-ce qu’une heure, l’atroce misère de ce monde et se laisser aller enfin. Une seule petite heure d’égoïsme, peux-tu penser à cela ? Sdd. tr,84-85).

Vở kịch, như chúng ta đã biết, kết thúc bằng cái chết của Kaliayev. Hành động hi sinh quả quyết của anh đã làm thay đổi cách nhìn của Stépan khiến y biết cảm thông. Bởi vậy tuy được chỉ định thi hành sứ mạng kế tiếp, nhưng trước cái đau  khổ tuyệt vọng của Dora, y đã nhường vinh dự ấy cho Dora để nàng có cơ hội được gặp lại người yêu ở một thế giới tốt đẹp hơn. « Les justes » do đó không chỉ có là bi kịch lịch sử, mà còn là bi kịch con người trong lịch sử hay, đúng ra, là bi kịch của thân phận những con người còn là người. Những con người biết thương biết ghét, biết vui biết buồn, biết sướng biết khổ, biết yêu biết hờn… nghĩa là tất cả những gì đem lại  ý nghĩa cho đời sống con người trong một thế giới còn mang chiều kích con người. Riêng với những con người ở tuổi thanh xuân, thử hỏi có bi kịch thân phận nào bi đát hơn là bi kịch  tình yêu ? Bởi vậy Camus đã không quên mượn câu thơ của Shakespeare trong vở  Roméo et Juliette  : « O love ! O life ! Not life but love in death » (Ôi tình yêu ! Ôi cuộc sống! Không phải sự sống mà là tình yêu trong cõi chết.)  để mở đầu cho vở kịch của ông . Với câu thơ này phải chăng Camus còn muốn nhắc nhở ta rằng sau mỗi biến động lịch sử, nếu như –  vâng nếu như – đời sống xã hội có được phần nào cải thiện thì những người đang sống hôm nay chớ nên quên rằng những gì họ đang thụ hưởng đã được tạo nên bằng máu và nước mắt của những Dora, những Kaliayey, những con người công chính (les justes) quảng đại, không biết sống cho mình nhưng sẵn sàng dâng trọn tuổi thanh xuân để mong vun xới cho cây đời thêm được xanh tươi. (6)

Hai mươi năm đã trôi qua sau bài viết đầu tiên nói lên những cảm nghĩ của tôi khi được đọc vở “Les justes” của A. Camus. Hai mươi năm sau, khi đọc lại tôi càng thấm hơn và, với ánh sáng của các biến cố thời sự hàng ngày, tôi phát hiện  được rằng  Camus không phải nhà văn chỉ có luận  về phi lý. Trái lại ông còn là nhà văn nhân bản mà những suy tư về các vấn đề con người vẫn luôn luôn hiện đại. Và nhờ có đọc lại, tôi phát hiện thêm rằng : Văn chương không chỉ là sản phẩm của trí tuệ và cảm xúc chỉ nhằm phục vụ nhu cầu giải trí. Nó lại càng không phải  là công cụ để phục vụ cho những chế độ theo chủ nghĩa hay những tham vọng quyền lực. Văn chương đích thực chính là nỗ lực vươn lên không mệt mỏi của ý thức để tìm kiếm những giá trị mới đem lại một ý nghĩa mới cho dòng đời không hề ngưng đọng.Và văn chương càng có giá trị cao chừng nào khi nó càng được bám rễ sâu vào thực tại cuộc sống chừng nấy. Hàn Lâm Viện Thụy Điển quả đã không lầm  khi trao tặng Camus giải văn chương Nobel 1957 như là để tưởng thưởng “một công trình văn học đã đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt cho lương tri con người ở thời đại chúng ta” (… pour couronner une oeuvre qui met en lumière les problèmes se posant de nos jours à la conscience des hommes. Theo Lagarde & Michard, XXè siècle, p. 616) Tôi mong sẽ còn dịp  trở lại với Camus để nói về một vài tác phẩm khác của ông. Tôi cũng mong sẽ có những đóng góp khác của các vị học giả uyên bác, các nhà phê bình chân chính, các bậc giáo sư tiến sĩ có thẩm quyền để cùng độc giả ra khỏi những lối mòn lầy lội và tạo điều kiện cho chúng ta được hiểu sâu hơn, hiểu rộng hơn về một nhà văn mà giá trị tư tưởng đã được thế giới công nhận.

Nguyễn Bảo Hưng
Nguồn: Tác giả gửi

(1) Nguyễn Văn Lục: “20 năm văn học dịch thuật miền Nam 1955-1975”–  Hợp Lưu số 79 Tháng 10&11 năm 2004, tr.69

(2) Bài viết mang tựa đề “Cách mạng bạo động và cách mạng nhân bản qua vở Les justes của Albert Camus”, đọc khoảng đầu năm 1992 hay 1993, vì đã lâu ngày tôi không nhớ rõ. Bài viết ngắn hơn, thuần văn học hơn, ít mang tính chất thời sự hơn.

(3) Tôi chỉ mượn hình ảnh của Stépan trong phần đầu của vở kịch dùng làm biểu tượng cho con người cách mạng tha hóa mà thôi. Thực ra trong vở kịch Stépan không hoàn toàn như vậy.

(4) Dora quen dùng tên này để gọi thân mật Kaliayev.

(5) Độc thoại của những kẻ khủng bố ôm bom chờ đợi trong bóng tối miệng lẩm bẩm với những câu hỏi, những hồi hộp, những lo âu của mình.

(6) Dora trong vở kịch này làm tôi nhớ tới bác sĩ Đặng Thùy Trâm với tập nhật ký của chị, đặc biệt doạn văn sau đây trong thư gửi người yêu :”…Em nghe rồi, nhưng vẫn có lúc nào đó trong hai tràng tiếng nổ em nghe tiếng thì thầm của trái tim… Đó là khuyết điểm không thì tùy người đánh giá… Anh có khỏe không? Mong anh được bình an và khỏe, mãi mãi là người giải phóng quân cầm súng mà tâm hồn không phải chỉ có lửa đạn…” (Trích đoạn lấy lại trên trang mạng “Tin tức Bình Phước- www.binhphuoc.org.). Về phần Kaliayev, được chết trong niềm tin tưởng lạc quan, tôi cho rằng Kaliayev đã có số phận may mắn hơn nhân vật Kiên trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh : Sống sót sau những hi sinh mất mát, những cái chết bi thảm của đồng đội, rồi còn phải chứng kiến những cảnh đời phơi bày sự khoe khoang hợm hĩnh xấc xược trong thời hậu chiến, Kiên chi biết đi tìm an ủi và niềm vui bằng ẩn náu trong quá khứ, “ bởi vì nhờ thế mà anh vĩnh viễn được sống trong những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người (in đậm do tôi, NBH), những ngày mà chúng ta biết tõ vì sao chúng ta cần phải bước vào chiến tranh, chúng ta cần phải chịu đựng tất cả. Ngày mà tất cả đều còn rất son trẻ, trong trắng và chân thành.” (Bảo Ninh : “Nỗi buồn chiến tranh” – Nhà Xuất Bản Hôi Nhà Văn 1991, tr. 283)

Nguyễn Bảo Hưng
Viết để tưởng niệm nhà thơ bất hạnh quá cố


Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992) – Tranh Đinh Cường

Sau ngày 30-4-1975, thời gian còn kẹt lại ở Việt Nam, Nguyễn Tất Nhiên đã sinh sống ra sao ? Tôi nào có biết. Lo lắng cho số phận mình chưa xong, tôi đâu có thì giờ quan tâm đến chuyện người khác, nhất là giữa anh và tôi chẳng có một mối liên hệ thân tình nào. Mãi sau này tôi mới biết anh đã vượt biên trốn khỏi Việt Nam vào năm 1978. Thời gian ba năm kẹt lại ở Việt Nam anh có phải đi cải tạo như tôi, hay may mắn không thuộc diện phải ra trình diện học tập ? Nhưng dẫu có thế nào chăng nữa, tôi cũng phỏng đoán là anh không thể thích nghi với khung cảnh sống đột ngột đổi mới này. Bản chất con người thơ chân phương, chắc chắn anh cảm thấy bị chết ngộp trong cuộc sống khuôn đúc chỉ đòi rập ra một loại tình cảm đơn điệu. Làm sao anh tìm ra được cảm hứng trước cảnh người người buộc phải đeo mặt nạ để làm bộ nhảy múa reo mừng. Bởi vậy bất chấp gian nan hiểm nghèo, anh quyết định tìm đường ra đi. Anh tìm đường ra đi do thôi thúc của hồn thơ sáng tạo, như cánh én tìm về phương nam nắng ấm theo tiếng gọi của bản năng. Phương nam, với anh, là không khí tự do trong lành, điều kiện phát triển hồn thơ anh. Và ước mơ của anh trở thành hiện thực : Sau bao gian nan trắc trở, cuối cùng anh được đặt chân lên đất Pháp, quốc gia đầu tiên tiếp nhận anh là dân tị nạn.
(more…)

Nguyễn Bảo Hưng
Viết để tưởng niệm nhà thơ bất hạnh quá cố


Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992) – Tranh Đinh Cường

Ca khúc: Thà như giọt mưa; Thơ: Nguyễn Tất Nhiên; Nhạc: Phạm Duy; Tiếng hát: Duy Quang

Bản nhạc « Thà như giọt mưa » là một tình khúc như mọi người đều biết. Thế nhưng từ « tình yêu » chỉ được nhắc đến một lần (Ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu). Và nó cũng chỉ được sử dụng theo nghĩa thông dụng, như khi ta nói cái bằng tú tài, cái nhà, cái tủ… Còn lại, ta không hề thấy nào là : đẫm lệ, ướt mi, xót xa, đắng cay, mặn chát…, toàn là những lời lẽ rên rỉ rất được tán thưởng trong giới mộ điệu ưa nghe kể lể những mảnh tình. Chính nhờ vậy mà bản tình ca mới ướt đẫm một không khí yêu đương.
(more…)

Nguyễn Bảo Hưng
Viết để tưởng niệm nhà thơ bất hạnh quá cố


Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992) – Tranh Đinh Cường

Tôi không hề quen biết Nguyễn Tất Nhiên và cũng chẳng một lần được tiếp xúc với anh. Lần đầu tôi được biết đến tên anh là khi quanh tôi bỗng vang vang một số câu ca chẳng mấy chốc bỗng trở nên quen thuộc : « Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa… » hoặc « Thà như giọt mưa vỡ trên tương đá !…, Có còn hơn không, có còn hơn không… ». Đó  là mấy câu thơ phổ nhạc, lời lẽ dung dị nhưng hình ảnh độc đáo, vần điệu tự nhiên lôi cuốn, dễ thấm sâu tâm thức người nghe. Hồi đó, đang mang tâm sự buồn vì mới phải khoác bộ đồ lính và bị chôn chân tại một nơi đèo heo hút gió, những lúc buồn tình tôi hay buột miệng nhâm nhi mấy câu thi nhạc này. Có lúc tôi còn nghịch ngợm đổi câu : « Ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn chân » ra thành : « Ta chạy vòng tròn, ta chạy vòng quanh » rồi khoái chí cười thầm tự nhủ : « Đúng là thơ với thẩn, đúng là thẩn với thơ. Cái anh chàng Nguyễn Tất Nhiên quả khéo chọn cho mình cái tên tiền định. Khi không được ông Phạm Duy nổi hứng phổ nhạc cho một vài bài thơ, thế là bỗng dưng đâm nổi tiếng. »
(more…)

Nguyễn Bảo Hưng
Traduttore, traditore (châm ngôn Ý)

Sáng 12-8-2011, khi vào trang Thư Viện Sáng Tạo trên máy vi tính tôi cảm thấy hứng khởi khi thấy giới thiệu ở ngay dòng đầu : “Người khách lạ (Truyện ngắn; Albert Camus; Võ Công Liêm chuyển ngữ)” và định bụng sẽ mở đọc liền. Hứng khởi, vì trước tình trạng sinh hoạt văn học Việt Nam hầu như dậm chân tại chỗ hiện nay, việc cho quảng bá một tác phẩm có giá trị văn học quốc tế của một nhà văn từng được giải thưởng Nobel tôi cho là một việc làm rất hữu ích và cần thiết. Thoat đọc cái tựa “Người khách lạ”, tôi nghĩ ngay tới nhân vật Meursault và cuốn “L’Etranger” (1942) của A.Camus. Nhưng chỉ sau mấy dòng đầu, tôi đã ngỡ ngàng vì không gặp mấy câu văn để đời nói lên thái độ dửng dưng, hầu như vô cảm của một đứa con có bà mẹ mới chết (mà tôi đã thuộc nằm lòng) : “Aujourd’hui maman est morte. Ou peut-être hier, je ne sais pas.»(Hôm nay mẹ mất. Mà cũng có thể là hôm qua, tôi không biết nữa). Rồi, chỉ cần đọc thêm không đầy nửa trang, tôi liền nhận ra đây là bản dịch truyện ngắn mang tựa đề « L’hôte » trong tập truyện « L’Exil et le Royaume » (1957). Tiếp tục đọc tới dòng cuối tôi mới biết người dịch đã không dựa trên nguyên tác, mà dịch lại theo một văn bản đã được dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Anh. Rút kinh nghiệm những lần gặp phải một số bản dịch không được dịch từ nguyên tác, mà lại dựa trên bản dịch lại bằng một ngôn ngữ khác, tôi vội đem đối chiếu bản dịch tiếng Việt với nguyên tác « L’hôte » của Camus trong tập « L’Exil et le Royaume » sẵn có. Và tôi đã phải thất vọng với những mong muốn hứng khởi ban đầu.
(more…)

Nguyễn Bảo Hưng


Soleil levant [1872; huile sur toile; 48 × 63 cm.]
Claude Monet (1840-1926)

Ngày 15-4-1874 tại cơ sở của nhiếp ảnh gia Nadar số 35 đại lộ Capucines – Paris đã khánh thành cuộc triển lãm tranh của một nhóm họa sĩ ly khai khoảng 30 người trong đó có Monet, Renoir, Degas, Berthe, Morisot, Pissarot… Gọi là ly khai (dissidents) nghe cho xôm tụ, chứ thời bấy giờ họ bị liệt vào nhóm họa sĩ bị khước từ (les refusés) vì tranh của họ không được nhận trưng bày tại Phòng Triển lãm chính thức. Phòng Triển lãm chính thức, được biết dưới tên gọi Le Salon officiel và đặt trụ sở  tại Viện bảo tàng Louvre, là nơi hàng năm  tổ chức trưng bày các tác phẩm nghệ thuật hội họa hoặc điêu khắc được đánh giá là có mỹ thuật. Đây chính là cơ hội để tác giả được quần chúng biết đến và đem lại cho họ danh vọng tiền tài. Nhưng muốn vậy họ phải có tác phẩm lọt được vào mắt xanh của  một Ban Giám Khảo mà thành viên  hầu hết đều là hội viên của Học Viện Mỹ Nghệ (Académie des Beaux-Arts). Tiêu chuẩn đánh giá và chọn lựa, cho tới giữa thế kỷ 19, vẫn là dựa trên mỹ học kinh viện (académique) và truyền thống Phục Hưng La Mã (La Renaissance romaine). Bởi lẽ cách sử dụng màu sắc và đường nét cách tân của nhóm không hợp nhãn Ban tuyển trạch nên tranh họ đã bi loại bỏ. Đó cũng là lý do khiến bọn họ đứng ra tổ chức riêng cuộc triển lãm  từ 15-4 đến 15-5-1874 đúng hai tuần trước ngày khai mạc Phòng Triển lãm chính thức. Với kỳ vọng sẽ cạnh tranh được với Phòng triển lãm kỳ cựu, một thành viên đã không ngần ngại phát biểu một câu xanh rờn : « Cuộc triển lãm lưu vong này là một thắng lợi lớn và tranh của bọn ta sẽ là một cạnh tranh chí tử với đám khứa lão đui chột ngốc nghếch ấy… ». Nhưng cuộc trưng bày của họ lại hầu như là một thất bại. Suốt một tháng trời mở cửa chỉ có khoảng 3500 khách vãng lai, chưa bằng một phần mười tổng số người kéo đến coi Phòng Triển lãm chính thức. Về phần giới phê bình chính thức cũng chỉ bình phẩm qua loa hoặc nhắc chiếu lệ về phòng tranh mà thôi. May thay, một vài nhà phê bình thuộc loại nghiệp dư, không mấy tiếng tăm lại « đánh hơi » được tính khai phá cách tân của đường lối hội họa mới này, như nhận xét của nhà phê bình nào đó trên tờ  RAPPEL : « Bạn hỡi, khi tới đây bạn hãy vứt bỏ mọi thành kiến cổ lỗ sĩ đi. Hẳn một thời đã có những họa sĩ khờ khạo cứ tưởng rằng khi muốn cho ta ý niệm về một cái cây là phải vẽ đúng một cái  cây đủ cả thân lẫn cành và lá.  Tội nghiệp thay, họ đâu biết răng hội họa phải đem lại cho ta trước hết « ấn tượng » về các sự vật, chứ không phải cái chúng là hiện thực. » (… Vous qui entrez, laissez tout préjugé ancien. Il fut un temps sans doute où des peintres naïfs, lorsqu’ils voulaient donner l’idée d’un arbre, peignaient un arbre en effet avec un tronc, ses branches et ses feuilles. Ils ignoraient que la peinture doit donner avant tout « l’impression » des choses, non leur réalité même .» Theo J.J LÉVÊQUES – Les Années Impressionnistes _ 1870 – 1889, ACR Éditions Internationales 1990, tr. 284)
(more…)

Nguyễn Bảo Hưng


Quan họ – Tranh Bùi Xuân Phái

Lời giới thiệu:

«Ngôn ngữ là công cụ của nhà văn, nhà thơ cũng như búa, đục, cây đinh chạm trổ với nhà điêu khắc. Nhà điêu khắc, dẫu thiên tài, nếu thiếu công cụ tinh vi, cũng không thể hiện được tài năng sáng tạo của mình. Ngược lại, một nghệ sĩ nghiệp dư, cho dù có sắm được bộ đồ tinh xảo nhất, cũng chỉ làm ra những tác phẩm tầm tầm mà thôi. » Liệu tiếng Việt có thể là công cụ đắc dụng cho nỗ lực sáng tạo văn học hay không ? Đó là vấn đề cấp thiết mà chúng tôi cho rằng đã đến lúc cần đặt ra và mong được sự tham gia góp ý đông đảo. Tên người viết dường như còn xa lạ ; nhưng xa lạ chưa hẳn đồng nghĩa với non kém vì tác giả, trước 1975, đã từng cộng tác với Đài Tiêng Nói Tự Do tại Sài Gòn và, mới đây, với Ban Việt Ngữ Đài RFI ở Pháp. Bên cạnh những lập luận vững vàng có giải thích, có phân tích, có chứng minh và chỉ thuần dựa trên văn bản, bạn đọc cũng nên để ý tới cách dùng câu chữ của tác giả. Hình thức văn phong ở đây cũng có thể là một dạng biểu hiện cho « thiên tài ngôn ngữ » Việt : hàm súc, hóm hỉnh, ý vị trong cách diễn tả, nhưng cũng có thể rất trí tuệ khi cần diễn ý.

Đỗ Bình

(more…)