Gom góp tết quê nhà…

Posted: 28/01/2020 in Tùy Bút / Tản Văn / Ký Sự, Trần Huy Sao

Trần Huy Sao

Tôi giờ nương náu chốn quê xa…

Nhân Tết Tây vừa, mới qua đâu chừng gần tháng, Tết Ta lại nhón bước tìm về, sớm hơn thì thời bao năm…trôi giạt.

Ngồi dưới hiên trăng mải mê ngó Rằm tháng Chạp [là tháng Chạp quê nhà chớ quê xa giờ đang cạp tháng Giêng]. Rồi, cũng, ngồi dưới hiên trăng ngó mấy cụm Thủy Tiên phô bày vẻ dáng. Thiệt là “đến hẹn lại lên”. Thời tiết giao hòa. vừa đúng độ cho Thủy Tiên nở nụ khai Xuân. Mọi năm thì lầm lì chưa khai nụ. Năm ni…

Còn tuần nữa là đón Tết quê nhà (nơi chốn quê xa). Quá vội!.

Thiệt tình quá là vội thời gian lo toan mùa Tết.

Khởi đầu tiên là tiễn đưa hai Ôn (một) Mệ Táo về Trời báo cáo chuyện nhà cửa, cơm lành canh ngọt, thịnh suy gia đạo suốt năm qua…

Rồi bày bàn thiên địa quá cảnh Tất Niên (đón Tân Niên) vái cô hồn các đẳng coi lại giùm, có điều chi mô (tới) phạm thì xin hỉ xả bỏ quá cho để còn lo đón mừng Năm Mới.

Rồi mâm giỗ cỗ đầy rước Ông Bà (Cô Dì Chú Bác hai bên Nôi Ngoại) tuổi già xua tay không thèm ưng sống dai. Có Anh Chị Em ưng sống đai mà đành (đoạn) xa lánh cuộc phong trần…về với gia đình chia vui ba ngày Tết…

Rồi bày cỗ trông trời tối thui đêm ba-mươi-tết đón Giao Thừa đúng thời thì Năm Cũ đi qua Năm Mới tới…

Thứ tự lớp lang đâu đó đàng hoàng chớ quơ quàng lộn xộn. Thiệt là quá bận cho Năm Mới…

Thêm nữa, là nghiệp chướng Văn(g) Thơ cứ đèo queo đòi theo…ăn Tết….

Ý là khi ngồi dưới hiên trăng ở chốn quê xa chờ Tết quê nhà, gom góp đâu chừng vài vuông kỷ niệm mà viết lại cho vui thôi!… Tết mà….

Thiệt. Vái chạy mấy tay thày lay viết lách….

Ba tôi, ôn Cai Hoành, mở màn tiếng Chiêng.

Bác Hai Cận, tiếp hồi dập dồn nhịp trống.

Chiêng Trống cộng hưởng vươn xa nhắn bà con làng xóm tin vui: Tết tới rồi…

Thím Miêng vội vàng mở vung nồi “nước sáo” ngậy mỡ hành lều bêu trôi nổi lênh đênh rồi ngó quày qua o Cẩm nhắc chừng giữ đúng lửa đừng cho nguội. Nguội là mất ngon…

Khác với chú Thứ, mồ-hôi-mồ-kê lo quạt lửa bén rơm cho trở màu vàng um giòn rụm da bò thui trong thì chín tới mà ngoài thì (cũng thấy tới) mà chưa bắt mắt độ vàng, giòn…

Khác với dượng Tuần đang lăng xăng hối mấy tay trợ thủ cẩn thận rót rượu đầy vô chai (có ngó chừng coi thằng mô láo liêng uống lén) . Uống lén là phạm thượng, nghen bây.

Thím Miêng thì chỉ việc mở vung nồi “nước sáo” coi lại mỡ màng bơi lội tới đâu, thịt thà có hít hà thấm đượm chưa hay còn đang lưa thưa chưa vừa độ dậy hương thơm lựng danh bất hư truyền : tô nước sáo bún bò hằng năm thím thiện nguyện tay nghề dành riêng cho làng xóm…

(Nói dỏ dỏ. Thím hằng ngày kiếm sống từ gánh bún-bò-giò-heo danh bất hư truyền. Nay làng xóm khai hội mừng Xuân, mời thím làm ơn phụ trách nồi bún bò nhưng mà không có lấp ló chi tới giò heo. Heo bò ngày thường thì thím lo cho đâu đó mặn mòi. Nghiệt cái bốn cái giò heo thì chú Đính đang loay hoay quay tròn ngó lửa. Heo thì nhỏ. Bò thì to. Lấy bốn móng giò heo cho thím trổ tài thì heo mất chưn mất cẳng…

Thím đành thôi không có giò heo, cứ việc bò. Tại. bởi. vì bò hắn to hơn heo, xẻo chút râu ria bỏ vô nồi nước lèo, nêm nếm thêm kinh nghiệm quang gánh bún bò gia giảm…Cũng là tô bún bò dẫu không có giò heo. Cứ trơn miệng thơm râu bà con là đặng, được rồi…

Thiêt, ngưỡng mộ thím Miêng, tô bún bò làng xóm…

Tôi đứng rình lâu, có thằng Tường thằng Phủ có con Mai con Lý thêm mấy đứa nữa cũng chờ…tô bún bò Làng Xóm.

Có thím Huê, giờ còn nhớ, tới xoa vai tôi, nói: “ Tội nghiệp thằng ni. Chớ chờ chi cho mệt. Tô đũa mô mà có phần cho con…”

Thím nói mới lưng chừng, tôi không hiểu, chỉ thấy thím nháy mắt ra hiệu tôi theo thím ra đàng sau, chỗ khuất lấp đông người. Ngó quanh quẩn rồi thím cầm tô bún để sẵn hồi mô không biết, đưa cho tôi, nói:

– Ăn mau nghen con, tô đũa cứ bò đó đừng đem vô trong nớ…

Lớn lên chút rồi tôi mới hiểu tiếp lời thím nói lưng chừng.

Là tôi thấu được câu “miếng giữa làng cao hơn mâm cỗ”.

Hồi nớ tôi không thấu đáo lời thím Huê, bởi nhỏ mẫu giáo thì có biết chi mô ngoài thèm bưng tô bún bò nước sáo…

Ôn tiên chỉ thì có tô to sóng sánh mỡ hành, đầy thịt, bún.

Rồi tới mấy ôn nhỏ vai vế hơn thì có tô cũng to mà bún thịt co cụm dè chừng. Miếng giữa làng không màng tới răng trơ hàm hay răng càng ngày (bày) thưa thớt. Răng cỏ thì rụng ai nấy chịu, cứ việc tô đầy bày hàng giữa làng lớp lang thứ bậc lễ nghi.

Tôi nhớ hoài lúc thím Huê lén lút xóm làng đưa tận tay tôi tô bún. Không có thịt xương bò chi trơn, chỉ mỡ màng mơn trớn (nói thiệt có lơn tơn mấy cọng hành).

Còn nhớ, nỗi nhớ mang theo suốt dặm dài cuộc sống, nhắc tôi chớ quên ơn ai sớt bớt cho mình. Lời thím nói: “Tô bún ni là của ôn Cai”.

Ôn Cai là Ba của tôi. Thím Huê, người đưa tận tay tôi tô bún chắc.tại.vì hồi thím chưn ướt chưn ráo bỏ xóm nghèo ngoài nớ tìm vô cái xóm ni, cũng xóm nghèo mà nghèo thua một chút. Chỗ mô hơn chút thì mình tìm vô. Nghe người ta nói là tha hương (hay phương) cầu thực.

Thím vốn người cùng xóm làng ngoài nớ với Ba tôi, nay bỏ ngoài nớ vô đây gặp nhau cũng là nghĩa tình làng xóm, nối dài.

Ba tôi hết lòng lo liệu cho thím từ dạo đó.

Tôi nhớ chú Ngạnh, chú là học trò học nghề thợ mộc của Ba tôi, chịu nghe lời Thầy (hay là thấy thím đẹp người đẹp nết) ưng cùng thím gá nghĩa trăm năm.

Như rứa là thím từ bơ vơ trơ trọi một mình linh đinh không biết phận mình ra răng lại đặng trọn đời…lăng quăng… với chú Ngạ.

Hèn chi tô bún thím đưa tận tay tôi, là nguyên khởi nguyên do nguyên đán từ đó. “Tô bún ni là của ôn Cai”… Tôi còn nhớ ánh mắt thím nhìn ngó thương tôi, nhớ bàn tay mũm mỉm một thời con gái…

Tô bún ngày Tết hồi xưa, tôi vẫn cất trong kệ hoài niệm, chừ đem ra phủi bụi thời gian, lau lại kẻo không thôi đục mờ nỗi nhớ thím Huê, nhớ chú Ngạnh…

(Trở lại chuyện hồi nớ). Còn riêng mấy o bạn gái mấy chú bạn trai của tôi, thôi làm ơn tụi bây cứ đứng ngó thèm tới trơ răng sún, tới nhô mỏ nhọn, tới trớt mỏ dài cũng không mó được tô mô!.

Tau thì khác lạ tụi bây, bởi còn nương nhờ… bánh ít trao đi bánh qui trao lại.

Té ra là tôi húp dòng đời phong long nuốt dòng trôi ơn nghĩa.

Chừ, Ba tôi trống chiêng khua khánh kiệt, thím cũng bỏ đi biệt dạng đường trần…

Tô-bún-bò-xưa còn rượt bắt được chiều ni, ngồi nhớ lại mà bò càng bò ngửa bò tới bò lui bới tìm nỗi nhớ xóm làng xưa…

Thật tình thì có quá nhiều nỗi nhớ, đâu chỉ tô bún bò…

Tô bún-nước-sáo-bò-làng-xóm đâu có bằng những lần quyết giành hơn thua tranh lượm pháo xì, những lần (thè thẹ) lấn nhau đứng gần cho kịp nhận trước tiên phong bao lì-xì-ngày-tết, những lần nao nức được mặc bộ áo quần mới năm mới, những lần…

Ôi, những lần…hồi xưa, và, nhiều lần…hồi nay…

Tôi đã có những lần lượm lại nhiều lần trong suốt chặng đừng đời chạy đôn chạy đáo chạy Tào Tháo thời tam quốc, e thua. Thương hải tang điền mà!. Nếu không kịp chạy liền e là… hô biến…

Thiệt mừng năm nay còn kịp chụp được rồi đem được theo cây bút (hồi xưa) mà gom góp Tết quê nhà…

Giờ, vẫn đều tay gỏ đặn, đặng, được như vầy thiệt là Chúc Mừng (thêm) Năm Mới.

Một mai (không hẹn một mốt) …

Dòng hoài niệm đắp mô dọc đường dài tha p (h) ương cầu thực…

Thời quá cảnh lần lựa qua, thời quá giang tìm ghé…

Cũng đặng, mấy mươi năm rồi, mổi năm mổi ngoái quê nhà qua từng trang gỏ (mỏ tụng kinh) khai thông huyệt đạo (đường) nhớ về ngày tháng…

Mổi năm mổi đều đặn có bài, khi thì Thơ khi thì Văn dặm ngoài ngoái Tết. Năm lên Báo Xuân năm lên Trang Web năm vô Trang Nhà.

Nói chung, năm mô cũng Tết…

Trần Huy Sao
San Diego, mùa Xuân 2020.
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh

Đã đóng bình luận.