Archive for the ‘Ngọc Ánh’ Category

Ngọc Ánh

Đối với tôi, không có con giáp nào hợp lý trong cuộc đời mình, bởi vì sự thật chẳng ai lựa chọn được rủi may trong số phận khi sanh ra, tất cả chỉ là ngẫu nhiên, đứa trẻ ra đời năm nào thì cầm tinh con vật đó như một mặc định từ thời xa xưa của ông bà, nhưng không có nghĩa vận hạn phải bị dính dáng suốt đời tới con giáp mà không ai biết chính xác ra sao. Người ta còn xem Tử Vi để đoán trước tương lai giàu nghèo của đứa bé. Sao không “tâm sinh tướng” mà phải phụ thuộc “tướng sinh tâm”?  nghĩa là dạy đứa nhỏ sống thiện lương để cuộc sống nó tốt hơn là coi bói mơ hồ gieo cho nó tánh ỷ dựa “con vua thì được làm vua …”
(more…)

Ngọc Ánh

Từng tuổi này viết một lá thư cho người yêu cũ. Đối với tôi không phải là chuyện dễ dàng, biết viết cái gì bây giờ? Chuyện xảy ra giữa tôi và em cũng lâu quá rồi, hơn nữa thế kỷ trước.

Tôi học Văn Khoa, em học Dược, tôi sinh viên nghèo, em tiểu thư danh giá, hai đứa gặp nhau trong thư viện, tôi không tin tiếng sét ái tình nhưng đó là chuyện có thật. “Yêu em hồi nào mà tôi không hay.”
(more…)

Ngọc Ánh

Đứa cháu ngoại 6 tuổi cứ mỗi lần facetime là nó hỏi “Ngoại có nghĩ rằng là sẽ lái xe qua đây thăm con không?”Và lần nào tôi cũng lắc đầu từ chối “ không được đâu, ông Ngoại làm sao lái xe từ Cali qua Texas như ba con được.” Nó lại tiếp tục thuyết phục “thì ngoại vừa đi vừa ngủ, hai đêm là tới rồi”Tội nghiệp con bé, nó không hình dung nổi 1400 miles là bao xa với sức già của Ngoại nó, nhưng khoảng cách trái tim thì rất gần, chỉ cần vói tay bấm nút là tới.

Cả nhà nó dọn đi ngay trong thời điểm dịch bệnh và bạo loạn đang rầm rộ khắp nơi. Tụi nhỏ không ngán mấy vụ sanh tử đó mà chỉ tính toán theo kiểu sanh tồn của dân xuyên bang “Cali đắc đỏ, nhà cửa mắc quá mà làm lương không bao nhiêu nên thôi tìm chỗ khác làm ăn”, chọn lúc còn đang hưởng tiền thất nghiệp vì lockdown, tụi nó dọn nhà qua TX, ổn định chỗ ở rồi tìm việc cày lại từ đầu.
(more…)

Mừng sinh nhật 80

Posted: 13/05/2020 in Ngọc Ánh, Thơ

Ngọc Ánh

Tôi viết bài thơ cho người đàn ông không còn trẻ nữa.
Tuổi gần non thế kỷ, tóc bạc trắng như mây
Thời chiến chinh, ba tháng quân trường nhưng chưa một lần ra trận
Thuở trai trẻ vào đời chỉ biết có bảng đen phấn trắng,
cầm cây thước mà đâu nở gõ lũ học trò mặt mũi sáng trưng và trái tim khờ dại
Bạn bè áo thụng vái nhau, ông quan văn, tui quan võ
Sự nghiệp chỉ là người lái đò thầm lặng, mãi miết xuôi dòng lịch sử mấy mươi năm.  (more…)

Ngọc Ánh

Tôi đi mình ên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này, cách đây 2 năm tôi cũng từng liều mạng mang balô dong ruổi đi Tây mà chữ nghĩa tiếng Tây không rành nửa câu, không cellphone wifi để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp, không có quá 200€ trong túi, chỉ theo lời mời thân tình của một gia đình Tây quen biết sơ giao mà hăm hở đi đại với mục đích duy nhất là thăm thằng con tật nguyền đang sống lưu lạc xứ người. Cái đất nước Thụy Sĩ giàu có bậc nhất thế giới này đã cưu mang nuôi dưỡng đứa con trai èo uột tội nghiệp của tôi từ hơn 30 năm nay. Thật lòng tôi nợ những con người ở đây một lời cám ơn vô hạn.
(more…)

Ngọc Ánh

Sẽ không công bằng khi tôi nhắc rất ít về nó trong cuốn nhật ký của mình, có lẽ tôi mặc cảm về sự sai lầm đã qua khi bước thêm bước nữa trong cuộc hôn nhân tạm bợ, vội vàng. Nó bất hạnh khi trong tờ khai sanh của nó không có họ tên cha. Tôi thấy mình cứng rắn lúc quyết định chia tay với ba nó… Đành vậy thôi, Má xin lỗi con gái nếu con cảm nhận sự thiệt thòi này. Nhưng thật tình nếu không có nó tôi không biết mình sẽ sống ra sao nữa, nó là đứa bé thông minh lanh lợi, nó đã giúp tôi nguôi ngoai trong những năm tháng cô đơn vò võ một mình.

Mới đó mà gần ba mươi năm, bây giờ nhìn nó chăm chỉ thắt bính cho con bé trong ngày đi học đầu tiên, tôi thấy lại hình ảnh của mình buổi trước, mẹ con nó đều có mái tóc dầy đen mướt như nhau, nhưng hồi đó má nó cắt bum bê, tôi chỉ cài cái nơ con bướm là xong. Nó dạn dĩ hồn nhiên khi bước vào lớp chớ không níu áo mẹ khóc nhè. Tự dưng tôi yên tâm tin vào tương lai của nó.
(more…)

Ngọc Ánh

Má à,

Con viết thư cho Má trong cái lạnh thấu xương của mùa đông nước Mỹ, thỉnh thoảng cũng có vài cơn mưa bất chợt làm con nhớ má vô cùng, cây mai trước nhà Má lặt lá hôm rằm chắc đang chớm nụ, không biết có kịp bung hoa sáng mồng một cho Má vui, tội nghiệp nó cũng suýt bị trộm mấy lần nên Má cột cả gốc lẫn cành bằng dây xích vào cửa sắt cho an toàn, ai thấy cũng cười, cái xứ gì lạ, tới cái cây, con chó cũng bị trộm vặt. Con nhớ vợ chồng ông hai trong hẻm nhỏ của mình sáng nào cũng thức sớm nhúm bếp luộc khoai chuối bán quanh năm mà vẫn không đủ sống, vay nợ bà bảy cứ đến chiều ba mươi là bị bả đứng chửi tới nửa đêm. Con nhớ tiếng rao chè khuya não nuột của cô tư đầu xóm bán ế quảy gánh ngang nhà. Con nhớ bác tám xích lô hay ngủ tạm trước hàng ba nhà mình chờ sáng chở mấy đứa nhỏ đi học kiếm chút tiền cơm…Họ nghèo từ mấy chục năm nay rồi. Tết này họ ra sao hả Má?
(more…)

Ngọc Ánh

Có ai đó nói quê hương là nơi đi xa thì nhớ mà ở gần thì yêu thích luyến lưu, tôi nghĩ điều này đúng với những người có nguồn gốc Việt Nam nhưng đã sinh ra và lớn lên ở một đất nước khác, hoặc khi họ ra đi cùng gia đình theo dòng di tản thì tuổi thơ của họ còn quá bé nhỏ để cảm nhận sự háo hức đọng lại trong hình ảnh của con diều lộng gió trên bầu trời cao, hay con cá lia thia đủng đỉnh trong cái keo thủy tinh trên kệ tủ. họ không có khái niệm gì về vùng đất xa xôi “ chôn nhao cắt rún” của cha mẹ ông bà, mà đôi khi họ cũng có gởi ở đó một chút thịt da của lúc lọt lòng. Cũng có những người ra đi khi tuổi thanh xuân vừa chớm, cái tuổi 18-20 nhựa sống tràn trề để mơ về phương trời rộng mở phía trước mà vô tình quên hẳn lũy tre làng.
(more…)

Ngọc Ánh


Giáo sư Nguyễn Văn Sâm

Khi nói đến một lớp học như thế, ai cũng đều tròn mắt ngạc nhiên. Có thật là lớp chữ Nôm mở ra giữa thành phố này, chỉ duy nhất trong tiểu bang này, nơi mà người ta nói đủ thứ tiếng như Nhật, Hàn, Anh, Pháp, Tàu, Nga, Ấn Độ, Á Rập…. Khi mà chữ Nôm như bóng mờ trong quá khứ hàng mấy trăm năm của người Việt cổ, thì ông Đồ già còn cắm cúi bên bàn gõ hàng ngày với mớ ngôn ngữ nét dọc nét ngang, mà mới nhìn qua thấy hao hao như chữ của “cắc chú”một thời đô hộ VN. Công việc chăm chỉ và lòng kiên nhẫn tuyệt vời của con ong thợ nhỏ nhoi với hoài bảo to lớn là muốn giữ lại chút di sản còn có thể giữ được trong phần văn hóa nguyên thủy của cả một dân tộc. Đây chính là tấm lòng đáng quý mà chúng ta nên trân trọng khi nhắc đến tên Ông.
(more…)

Ngọc Ánh


Vợ chồng tác giả

Tôi biết anh từ sau 1975 chừng vài tháng, khi mà mấy ông Thầy bị sàng lọc và đuổi ra khỏi trường mà không cần biết lý do, để đưa những tên cán bộ chính trị của Đại học Pắc Pó từ miền Bắc vào giảng dạy. Cộng Sản là thảm họa của cả miền Nam kể từ dạo ấy và đối với riêng anh việc bị đuổi ra khỏi trường Văn Khoa là một biến cố đau buồn nhất trong đời, nó thường xuyên ám ảnh đến cả giấc mơ đầy ác mộng của anh sau này. Anh là bạn thân của ông Thầy dạy tôi thời Trung học, hai người bạn thất nghiệp đi lang thang và ghé vào căn phòng trọ của cô học trò nhỏ, cả Thầy trò đều xác xơ đến tội nghiệp, tôi loay hoay nấu cơm bằng cái nồi nhỏ xíu với chút rau luộc và cái trứng vịt dầm nước mắm, buổi cơm đạm bạc nhưng chân tình. Tôi ấm ức kể cho Thầy nghe những bực bội trong cuộc sống mới mà tôi phải chịu đựng, những bất mãn hậm hực trong chế độ XHCN nói một đàng làm một nẻo này, tức mà không biết nói với ai. Tôi viết nhật ký và in roneo cả xấp, không biết để làm gì nữa nhưng chắc cũng đở buồn đôi chút. Thời buổi này biết tin ai bây giờ ngoài Thầy, tôi không có dịp học với anh dù nửa chữ, nhưng tôi kính anh như thầy mình. Tôi đưa bản nháp cuốn nhật ký cho hai ông, coi như có người để chia sẻ tâm sự. Năm 1978 Cuốn nhật ký được một người thân lén chuyển qua Mỹ, và được in làm nhiều kỳ trong bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và đầu năm 1979 tôi vào tù, tôi nghĩ chuyện tới đó là chấm hết.
(more…)

Ngọc Ánh

Mỗi nhà mỗi cảnh, thời trẻ tôi có tới 2 Ba, 2 Má, 2 bà Ngoại… Chuyện là cô Sáu em của ba tôi sanh được anh con trai thì bệnh sao đó không sanh được nữa, trong khi Má tôi mần một hơi 2 đứa con gái và đang mang bầu tôi. Thời chiến tranh giặc giã ở quê ai cũng nghèo, nhưng cô Sáu ham con quá bèn dặn Ba tôi “Nếu kỳ này chị Năm đẻ con gái nữa, anh cho tui nuôi nhe” Tưởng ai xa lạ chớ em ruột của mình, cho cổ có mất đi đâu, chắc Ba nghĩ vậy nên gật đầu liền, Má tôi vì nể chồng nên hổng dám cải, chớ bà cũng xót ruột xót gan, khi tôi vừa sanh ra còn đỏ hỏn là Cô Sáu lật đật ôm về làm khai sanh, lấy họ Dượng tính đặt tên là Trần Ngọc Nuôi, nghe đâu thời đó có cô đào cải lương cũng tên là Ngọc Nuôi tài sắc vẹn toàn, chắc ông bà cũng muốn tôi giống như vậy nhưng nghĩ bụng phân vân “Rủi sau này nó biết nó là con nuôi thì sao? không đựợc đâu, phải dấu biệt vụ này để lớn lên nó không mặc cảm mà mình dạy dỗ nó cũng dễ” và họ đặt tôi cái tên khác nghe cũng sáng láng và quyết chí dọn nhà lên chợ Sóc Trăng ở để bà con dưới quê khỏi xầm xì này nọ, họ hàng ai mà nói động tới con nuôi con ruột là Má tôi chửi tắt bếp!
(more…)

Ngọc Ánh

sai_gon_mua_ngap-2016

Đứng đâu đó trên thành phố lạ, nhìn mưa giăng bốn bề êm ả. Hạt mưa nhẹ nhàng rơi trong dòng xe hối hả của buổi sáng đầu tuần. Hạt mưa trên đất nước “người dưng” thanh thản đến lạ lùng mà sao lòng mình xót xa, ướt lạnh khi biết tối hôm qua mưa đã biến vài thành phố quê mình thành trở thành dòng sông, thành thác lũ với bao nỗi uất ức phẫn nộ tuôn trào.

Mà đâu phải mới mưa hôm qua, mưa từ mấy mươi năm trước, mưa từ lúc “Mùa xuân trên thành phố HCM quang vinh” ra rả trên loa phát thanh phường sau tháng 4/75 đáng ghét kia kìa.
(more…)

Ngọc Ánh

thieu_nu_ngoi_buon-ng_tu
Tranh minh họa của Nguyễn Tư

Mất ngủ, một triệu chứng suy nhược của cơ thể, một hiện tượng mệt mỏi của tuổi già – Ừ, chắc có lẽ vậy! khoảng thời gian gần đây người cứ trăn trở thế nào ấy, thức khuya dậy sớm, công việc vất vả trong cải tạo là chuyện đã đành, nhưng vấn đề vẫn là nỗi bâng khuâng ray rứt trong cuộc sống nội tâm qua từng ngày, từng tháng.

Mười năm trong tù!

Tôi rùng mình khi nhìn lại quá khứ, chặng đường đầy nước mắt, mồ hôi, đầy gian nan, khốn khó mà tôi đã từng bước vượt qua, kiên trì chịu đựng (cũng có lúc mỏi đuối và muốn buông xuôi).
(more…)

Ngọc Ánh

thieu_nu_ngoi_buon-ng_tu
Tranh minh họa của Nguyễn Tư

Định vào nhà nhưng thoáng thấy bóng tên Công an đứng đầu hẻm, tôi linh tính có gì đó bất thường, vội rẽ xe hướng khác đạp một mạch ra ngã bảy, quanh quẩn hàng giờ trên đường mà không biết đi đâu, lòng bồn chồn khó chịu khi nghĩ tới VyDân ở nhà một mình, chắc thằng bé đang đói sữa, trái tim tôi như nghẹn lại khi nghĩ đến những bất trắc sắp xảy ra, phải về thôi dù biết sẽ bị bắt với mớ tài liệu và cây AK dấu trong bếp, (trời dung đất rủi anh mới mang về tối hôm qua, chúng tôi chưa kịp đem đi). Căn nhà im lặng đến ngột ngạt, giọng Má Sáu khe khẻ “Công an kêu nó lên phường có chuyện gì đó không biết”, Má không biết nhưng tôi biết, chấp nhận vào cuộc là đối đầu với rủi ro mà, tôi đưa VyDân cho Má và vội chạy lên lầu đốt tài liệu, không nhiều lắm nhưng có khói, đang tháo cuộn phim ra thì nghe tiếng chân chạy rầm rập lên cầu thang, bọn chúng đã tới, tôi đá cuộn phim vào gầm giường. Thế là hết!
(more…)

Ngược dòng

Posted: 18/06/2016 in Hồi Ký, Ngọc Ánh

Ngọc Ánh

thieu_nu_ngoi_buon-ng_tu
Tranh minh họa của Nguyễn Tư

Ba tôi là một người Cộng Sản, ông đã tham gia cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp chống Mỹ, các chị em tôi lớn lên ở Sàigòn, nằm trong lòng “địch” nhưng cả nhà đều là những chiến sĩ xung kích trên khắp các mặt trận ở miền Nam cho đến ngày “giải phóng”. Má thì nuôi dấu cán bộ Việt Cộng, các chị em thì làm giao liên… Sau 30/4/75, ba và chị tôi được đón về từ nhà tù Côn Đảo như những người vinh quang nhất trong ngày vui đại thắng, gia đình tôi là một địa chỉ đỏ của thành phố với nhiều huân chương kháng chiến chống Mỹ được treo đầy tường .. Còn tôi, tôi đã vào tù với cái tội chống kháng chiến chống Mỹ, sự đời có những điều trớ trêu và đau lòng trong cảnh nồi da xáo thịt! Câu chuyện kể ra thì dài, nhưng đại để như lời khai trong tờ lý lịch của ba tôi “…do thời buổi chiến tranh gia đình ly tán, ba tôi gởi tôi cho cô em nuôi ăn học, nay đất nước hoà bình, ba tôi mang tôi về xum họp …”
(more…)

Ngọc Ánh

hai_me_con-vu_cao_dam
Hai mẹ con
Vũ Cao Đàm

Tôi có hai đứa con mà đứa nào cũng mồ côi cha rất sớm.

Khi thằng con trai đầu lòng được hơn một tuổi thì bất hạnh xảy ra, vợ chồng con cái nhà tôi kéo nhau vào trại giam không hẹn ngày về… Thật ra câu chuyện đáng buồn này nếu nhìn theo góc độ nào đó cũng không có gì bi thảm, bụng làm thì dạ ráng chịu vậy. Bất cứ ai còn có tấm lòng với quê hương đất nước khi nhìn thấy cảnh trái tai gay mắt, áp bức bất công xảy ra trong cái gọi là xã hội chủ nghĩa mà cộng sản miền Bắc xâm chiếm và thống trị miền Nam sau ngày 30/4/75 thì cũng làm như chúng tôi thôi, dù sự phản đối được thể hiện bằng cách này hay cách khác. Vợ chồng chúng tôi bị bắt về tội phản động, nhà cửa bị niêm phong và tôi chỉ kịp mang theo mấy gói gạo lức Bích Chi cùng ít khăn tã cho con.. Ngoài ra tất cả đều mất hết, kể cả tính mạng của chồng tôi.
(more…)

Ngọc Ánh

Tôi và nó bà con với nhau, nó con nhà cậu, còn tôi nhà cô, hai đứa xuýt xoát vài ba tuổi nên chơi  thân từ nhỏ, mỗi lần nghĩ hè thì nó theo “mợ Năm” về thăm quê, ngang chợ ST mợ luôn ngũ lại một đêm với tôi lấy cớ đường xa nghĩ mệt, và lần nào vô mùng mợ cũng ôm tôi muốn ngộp thở, tôi nghĩ là mợ thương cháu gái vậy thôi. Sóc trăng của tôi chẳng có gì để khoe với nó ngoài cảnh đẹp ở “Hồ nước ngọt”nên tôi rủ nó lội bộ ra đó đi thơ thẩn rồi về ngang cầu Bon tôi đãi nó ly sâm bổ lượng, lần nào nó cũng ăn lẹ để “lấn” qua nửa ly còn lại của tôi…Rồi hôm sau mợ xin Má tôi dẫn luôn hai đứa vô Xẻo gừa chơi, vì là “dân chợ” nên bọn tôi thấy cảnh quê cái gì cũng lạ nên thích lắm khi theo mấy đứa hàng xóm lội ruộng bắt cá lia thia đá chơi hay bứt cọng năng ăn cái lõi trắng dòn dòn… Lâu lâu thì Má tôi dẫn lên Sàigòn thăm bà con, nhà ai cũng nghèo chỉ có cậu Tám làm ăn khấm khá nhờ có cái xe lam chở hàng bông đi bán dạo, nghĩ hè cậu chở hết cả bầy con cháu ra “Cấp” chơi, khỏi nói là đứa nào cũng náo nức để được giởn sóng biển xanh, đối với bọn tôi thời đó đi Vũng Tàu là một mơ ước xa xỉ.
(more…)

Ngọc Ánh

Buổi sáng ngồi ở hàng hiên nhìn ra cái hồ bé tẹo, xem mấy chú cá vàng nhởn nhơ đớp bóng dưới tán lá sen nhỏ xíu bằng bàn tay, lá xanh thì thấy nhưng chờ hoài không biết bao giờ mới thấy bông trắng chen nhụy vàng giữa cái nắng hè gay gắt trên sa mạc này, nhưng dù sao tôi cũng hả lòng với công trình của mình suốt mấy tháng trời chăm chút, nói cái hồ cho oai chứ nó nhỏ cở vũng trâu nằm, nhưng với sức già sỏi cát cũng thành ao, tôi hì hục cả buổi trời để mong biến giấc mơ mỗi sáng mỗi chiều hai vợ chồng ra đàng sau huê viên bẻ hoa bắt bướm, ngồi nhâm nhi tách trà ngó cây cối xanh ..xao cho đở nhớ quê mình.

Chợt tôi ngẩn người khi thấy cái màu tím non nhô lên từ vũng trâu nằm “Ôi, hoa lục bình”, tôi reo lên khi nhìn thấy nó, cái màu tím mà lâu lắm rồi tôi mới gặp kể từ khi rời quê lên chốn thị thành, nó càng đáng giá hơn nữa khi nó nở ra ở đây, trên sa mạc xứ người, cách quê hương hàng mấy chục ngàn cây số, cái màu tím đơn sơ, mộc mạc trong buổi sáng hôm nay bổng làm tôi xúc động như gặp lại người bạn cũ thiếu thời,  bao nhiêu kỹ niệm hiện về nhắc tôi một khỏang đời bình yên tuổi nhỏ, ngày xưa còn bé cùng lũ bạn ra sông vớt lục bình chơi bán hàng, cuống lá tròn xốp giống như ổ bánh mì mà đứa nào cũng dành lấy để xẻ ra nhét vào đó vài cọng lá giả bộ thịt xá xíu(!) bán cho mấy thằng hàng xóm khoái chơi nhà chòi chung với con gái, để rồi trả tiền bằng lá mít, lá khoai..
(more…)

Ngọc Ánh

Đến cái tuổi nào đó, tự nhiên hết thích .. ô mai (sẽ có đứa kêu lên “lãng nhách! lứa tuổi thích ô mai qua mất tiêu 40 năm về trước rồi bà ơi, bộ ngủ gục thấy ác mộng hay sao mà bây giờ mới giật mình nói mớ), tự nhiên hết thích lên mạng .. tán líu lo, tự nhiên hết thích rủ ren lại nhà đứa này đứa kia để ăn bún nước lèo, nhắc chuyện xưa.., tự nhiên hết thích gọi phone í ới cuối tuần cho lũ bạn phương xa, nói tới thiếu điều cháy máy.. và tự nhiên tui buồn hổng hiểu vì sao tui buồn khi đến cái tuổi “hai mươi lần hai mươi”., ủa là bao nhiêu vậy ta? Chắc là tuổi đá buồn!
(more…)

Ngọc Ánh

Có người cả đời không nhớ về ngày sinh của mình, không nhớ một chút gì về quá khứ, họ cứ lầm lũi đi tới tương lai và không bằng lòng cái hiện tại mà mình đang có.. Cuộc sống như vậy thật là bất hạnh, bởi vì cuộc sống vốn ngắn ngủi, mà mỗi người chúng ta có bao nhiêu năm tháng để hưởng thụ, để cống hiến cho đời, mỗi phút giây tồn tại cần phải trân trọng, cho dù là hạnh phúc hay khổ đau, sự tồn tại đó cũng có nghĩa là chúng ta còn thở, còn sống.

Tôi cứ tâm đắc hoài 2 câu thơ của ai đó.

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
 Ta có thêm ngày mới để yêu thương”
(more…)

Ngọc Ánh

Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về VN, riết rồi cũng quen , không về thì thấy ray rức bồn chồn, mà về thì “trăn trở bức xúc” đủ thứ chuyện. Biết vậy mà cũng về!

Sàigòn đầy bụi và nắng nóng, thành phố lúc nào cũng hầm hầm như cái mặt tên Hải quan ở cổng phi trường TSN, taxi chạy qua những con đường lớn chật cứng xe và người ngột ngạt. Thú thật tôi chỉ muốn về nhà thật nhanh, ít ra ở đó tôi cảm thấy sự bình yên hơn trong không khí thoải mái của gia đình, người thân.
(more…)