“…Sông Mê. Bến đò Ô lâu. Chiều ảm đạm núi rừng Yên Bái. Đoàn tù khổ sai cứ 50 người một bước chân xuống phà. Rồi lại cứ 50 người một bước lên toa xe lửa. Những khoang toa nặng mùi phân súc vật và ngai ngái rơm khô. Chuyến xe lửa biến mất trong bóng đêm và rừng rậm. Mùa xuân tu hú kêu từng chập/Đợi chuyến tù đi Hoàng Liên Sơn (thơ Ngọc Phi). Rất nhiều năm về sau, nhiều người tù khổ sai năm ấy, đã từ cõi chết trở về…” ( T.Vấn – Hồi Sinh ).
“Ở trại Long Giao tôi gặp Phạm Ngọc Phi (Ngọc Phi), anh chàng cao to với cặp kính cận và nụ cười luôn nở trên môi, đã cho tôi ấn tượng tốt ngay lần đầu tiên quen biết. Anh hiền lành và luôn chiều bạn, cần cù làm việc không từ nan bất cứ điều gì. Anh có giọng hát hay, khá thích hợp với những bản nhạc buồn và chậm, có điều giọng hát đó không tương xứng với cơ thể anh, người nghe phải “lên giây cót” nhiều lần nhưng âm lượng không to lên được, nó cứ như những lời thì thầm tâm sự. Lúc đó tôi chưa biết mình có bạn là một nhà thơ, cho đến khi cả hai luân lạc ra Bắc, cùng qua những trại tù. Một đêm giáp tết, anh đọc cho tôi nghe bài thơ mà mới chỉ nghe bốn câu đầu tiên, tôi biết rằng trong cái vẻ ngòai hiền lành nho nhã của bạn tôi, là một trái tim rực lửa, một ý chí kiên cường:
Pháo nổ nghẹn dưới chân bầy ác quỷ
Đêm Giao Thừa tráng sĩ mắt rưng rưng
Gươm giáo một thời đành bỏ sau lưng
Trong ngục lạnh lửa căm hờn âm ỉ
Và từ đó, tôi may mắn được anh chia sẻ những bài thơ mới, những ý thơ còn nằm trong ý tưởng, kể cả được đóng góp ý kiến phê bình thơ anh. Ngoài những vần thơ bóng bẩy cả lời lẫn ý, tôi đặc biệt thích những câu thơ giản dị như nói:
Một lũ côn trùng hèn mọn tanh hôi
Làm sao biết được hương thơm trời đất …….
Khỏang năm 1982, tại trại cải tạo Vĩnh Quang, Vĩnh Phú, khi những tin đồn đóan về việc chuyển vào Nam đã trở thành hiện thực, mọi tù nhân đều có cảm giác về sự kiện Trời Sắp Sang Mùa, tôi và Ngọc Phi viết chung với nhau bản nhạc Người Về.” (Trần Lê Việt)
“Tù khúc Thành phố lá me xanh được viết năm 1980 tại trại cải tạo Vĩnh Quang (Vĩnh Phú), thôi thúc từ nỗi nhớ Sài Gòn, cộng thêm những cảm giác ấm ức khi nghe bài “Thành phố hoa phượng đỏ”, tôi nghĩ không lẽ chỉ có kẻ thắng mới được quyền ca ngợi thành phố quê hương của họ, thế là những dòng nhạc đầu tiên của bài “Thành phố lá me xanh” ra đời. Tôi cố ý chọn tựa bài cũng 5 chữ và có ý nghĩa đối chọi: Hoa phượng đỏ / Lá me xanh, như một sự đối kháng… tiêu cực của mình. Tôi chọn hình ảnh từ dinh Độc Lập đến nhà thờ Đức Bà, quãng đường mà tôi nghĩ chắc không có người dân Sài Gòn nào chưa một lần đi ngang qua để làm câu kết bài:
“…được bước giữa phố thênh thang / thảnh thót tiếng hát giáo đường / dù phải thở hơi cuối cùng.” (Trần Lê Việt)
“…Ngựa về gục khóc trường giang lạnh
Gươm súng đưa chàng theo núi sông
(Khúc Minh)
Ngày tàn cuộc chiến, chàng kéo lê cuộc sống tù đầy, mang kiếp những con ngựa già trơ xương vì đói, vì lạnh, vì nhớ rừng xưa, mà ngày thoát cũi sổ lồng cứ xa ngút ngàn và mơ hồ như những câu chuyện cổ tích:
Vàng phai trên thanh gươm,
Người mái tóc điểm sương
Ngựa tung vó trong đêm trường trên quê hương sầu thương
Đường mây vỡ tan thang mộng trong cô đơn còn mơ
Sa trường…
Trong ý nghĩa đó, CHIẾN MÃ CA là chứng từ sống về một thời đại nhiễu nhương, là kinh cầu hồn cho một thế hệ tuổi trẻ Việt Nam tội nghiệp, một thế hệ “tha hương ở ngay trái tim buồn quê hương” (Lê Xuân Nho), một thế hệ ý thức rõ ràng rằng “thời gian qua đi, riêng tôi ngừng lại” (Vũ Cao Hiến).