Archive for the ‘Ngự Thuyết’ Category

Ngự Thuyết

Khi đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, có người nêu lên thắc mắc rằng phải chăng thi phẩm đó chỉ là một bản dịch trung thực từ cuốn truyện chữ Hán Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân? Và nếu thế, những lời ca tụng tác phẩm trước tiên phải được dành cho nguyên tác Kim Vân Kiều truyện. Hơn nữa khi viết rằng Nguyễn Du là một nhà thơ thiên tài, một đại thi hào dân tộc, vân vân, đấy là nhờ bản dịch trung thực Kim Vân Kiều truyện, người đọc những nhận xét ấy cũng cảm thấy bỡ ngỡ.

Nhiều học giả đã có ý kiến về vấn đề nói trên ngay sau khi Truyện Kiều của Nguyễn Du ra đời cách đây trên 200 năm. Nay ta thử xem lại nhận định của một nhà văn người Pháp viết cách đây gần 100 năm, và của nhà nghiên cứu người Việt viết cách đây gần 20 năm.
(more…)

Rừng sâu

Posted: 29/01/2021 in Ngự Thuyết, Truyện Ngắn

Ngự Thuyết

Người ta lúc mới sinh ra đời tính vốn thiện (Nhân chi sơ tính bản thiện). Hay vốn ác? Câu nói đó đã được đặt ra từ ngàn xưa. Thiện chăng? Rồi vì hoàn cảnh xấu xa mà biến thành ác. Hay ác chăng? Rồi nhờ hoàn cảnh tốt đẹp trở thành thiện. Hay người ta lúc mới sinh ra không thiện, không ác. Môi trường sống, hoàn cảnh sống, trình độ giáo dục, chế độ xã hội, vân vân, sẽ quyết định bản tính của con người? Hay mỗi người là một cá thể riêng biệt trong đó thiện hay ác có tính cách tiên tiên, tiền định. Hoặc do nghiệp duyên như trong giáo lý nhà Phật?

Vậy thì cá nhân tôi nên được sắp vào loại mục nào? Có khá hơn một số loài thú dữ trong rừng hay không về mặt thiện, ác.
(more…)

Ngự Thuyết


Dalat Nostalgia
dinhcuong

Xuống xe tắc-xi đi thêm mấy bước, rời con đường nhựa, ông quẹo trái. Con đường vào khu nhà Thuỷ Tạ hơi nghiêng, lát đá hơi gồ ghề, ông cẩn thận đi chầm chậm từng bước một. Chân yếu, đi đến những nơi lạ, ông thường mang theo cây gậy. Lần này ông quên.

Buổi sáng đầu mùa Đông lạnh. Nhà hàng vắng. Chỉ có một nhóm thanh niên nam nữ đang quây quần quanh một chiếc bàn tròn cuối một dãy bàn ghế ở ngoài trời bên trên có mái che nhưng không có vách tường. Những phòng bên trong ấm cúng, có máy sưởi, thì lại không có một người khách nào. Dù trời lạnh, ông cũng chọn một chiếc bàn ở ngoài trời nhưng cách xa đám thanh niên đó. Ông muốn có tầm nhìn khoáng đãng. Ông muốn tìm lại vài hình ảnh cũ. của cái Nhà Thủy Tạ này. Của cái khung cảnh chung quanh này. Vào cái thời kỳ còn trẻ trung, lãng mạn trong cuộc sống ngày càng phiền toái của ông.
(more…)

Ngự Thuyết

Cách đây hai hôm (Chủ Nhật 28/9/2020), trang mạng Diễn Đàn Thế Kỷ có đăng hai bài viết đặc biệt liên quan đến Đại Dịch, bài Nguyễn Du – Homère và Bệnh Dịch của Phạm Trọng Chánh, và Đại Dịch COVID – 19 của Trịnh Y Thư.

Trong bài của Phạm Trọng Chánh, phần sau có nhắc đến trận dịch tể xẩy ra từ thời cổ đại qua sử thi của thi hào Homère trong trường ca Iliad. Cả 1100 chiến thuyền và 100,000 quân sĩ vây quanh thành Troie bị thiệt mạng  vì trận dịch kinh hồn. Phần trước chỉ ngắn ngủi mấy câu lại gây xúc động nơi tôi hơn khi nói đến trận dịch gây nên cái chết của thi hào Nguyễn Du của chúng ta.

Năm 1820, cuối đời Gia Long, đầu đời Minh Mạng, Cần Chánh Học Sĩ Nguyễn Du được cử làm chánh sứ qua Tàu lần thứ hai. Chưa kịp lên đường thì thi hào qua đời vì dịch tễ khi đang ở trên đỉnh vinh quang của sự nghiệp văn chương cũng như trên đường công danh, hoạn lộ.  Lúc ấy Nguyễn Du mới 54 tuổi. Đó là một trận dịch khủng khiếp lan toả từ Á sang Âu có nguồn gốc ở Ấn Độ.
(more…)

Ngự Thuyết

Tuyết! Đấy là cái ám ảnh dai dẳng của tôi trong một thời gian rất dài. Nước tôi không có tuyết, và lẽ dĩ nhiên cũng không có nhiều món đặc trưng khác của Tây, của Tàu, của Châu Phi chẳng hạn, thế nhưng ước mơ của tôi được thấy tuyết tận mắt là tha thiết hơn cả. Nhớ thời còn học Trung Học, gặp đâu đó một câu thơ hay câu hát I’m dreaming of a White Christmas, cái ước mơ đó càng thêm ray rứt, như mơ về một chốn bồng lai tiên cảnh nào đó mà kiếp này mình không bao giờ đến được. Trong những giấc mơ đó, tôi thấy tuyết đẹp vô cùng dù tôi cũng biết có những cơn bão tuyết làm chết người.
(more…)

Ngự Thuyết

Ông thích lái xe chạy ra khỏi thành phố. Với ông, thành phố đồng nghĩa với tù hãm. Nếu được ngồi ghế trước trên chiếc xe đò chạy đường xa, cỡ bự, hơn 60 ghế, để nhìn trời cao đất rộng thì càng tốt. Tha hồ mở mắt. Chứ loanh quanh mãi tại nhà như con gà ăn quẩn cối xay, chán lắm. Nhiều khi muốn khùng luôn. Hết ngó cái vườn hoa cũ, lại nhìn ngôi nhà xưa, ngày này đến ngày khác. Buồn tình ngẩng mặt trông lên, thấy mây cũng “già”. Mây già nua – hình như một thi sỹ nào nói vậy ông tình cờ nghe loáng thoáng qua một thằng sính thơ. Và bỗng nhiên nhớ. Thường ông hay quên những chuyện ruồi bu, nhưng thơ thì cố nhớ. Mà nghĩ cũng đúng, mây bay đã ngàn năm, Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay, hay lâu hơn, lâu hơn là cái chắc, không già sao được.
(more…)

Ngự Thuyết


Nhà thơ Tô Thùy Yên (1938-2019)

Tôi đã viết khá vội vàng về Đêm Qua Bắc Vàm Cống ngay sau khi nghe tin nhà thơ Tô Thùy Yên không còn nữa. Nhưng sự ngưỡng mộ của tôi đối với Tô Thuỳ Yên rất lớn, không khác gì đối với Thanh Tâm Tuyền. Trong khi đó tôi đã “kể lể dài dòng” nhiều lần về nhà thơ sau. Cho nên tôi cảm thấy có bổn phận trở lại với Tô Thùy Yên, Trở Lại với Đêm Qua Bắc Vàm Cống để nói lên “mối tình thủy chung và kín đáo” của tôi đối với bài thơ ấy, và đồng thời nêu vài ý nghĩ về mấy bài thơ đầu đời nhưng rất quan trọng của Tô Thùy Yên.

Đấy chỉ là bước đầu của tôi đối với những bài thơ đầu tiên của nhà thơ. Tôi mong sẽ có dịp đề cập thêm về sự nghiệp thi ca lớn lao mà Tô Thùy Yên đã để lại cho nền Văn Học Việt Nam.  (more…)

Ngự Thuyết

Thế là chúng tôi quyết định thăm viếng tiểu bang Arizona. Trong đó có Sedona. Ô, nhưng tại sao thăm viếng? Không ổn. Làm như thể là bà con thân thích lâu ngày không gặp nay phải đi thăm, hoặc là viếng người bạn trọng bệnh “thập tử nhất sinh”.

Hay dùng chữ du lịch?

Suy nghĩ lại, tôi nhận ra tôi, và có lẽ một số người khác nữa, quả thật không quan tâm lắm đến những gì mang tới cho ta trong chuyến du lịch. Ngồi trên xe, chạy êm êm, ngủ gà ngủ gật. Choàng thức thì mở SmartPhone gọi bạn bè trò chuyện. Hết chuyện thì chúi đầu chúi mũi chúi mắt chơi games. Chơi chán lại ngủ. Cứ thế. Khi đến nơi, xe dừng lại, kẻ ngủ thì giật mình ngơ ngác nhìn quanh, chưa định thần nổi; kẻ đang dán mắt vào Phone thì vội tắt máy, cho vào túi, ngoảnh đầu nhìn ra cửa xe miệng lẩm bẩm, Đây là Hội An ư? Hãy mau mau tới quán cao lầu, mì Quảng, hãy để ý coi có nhiều Tàu khựa như tin đồn hay không; Đây Huế? Kiếm mấy cái nón lá bài thơ, rồi đi tìm quán cơm hến, cơm âm phủ, rồi đi ngủ đò trên sông Hương; Hay đây La Mã? Tìm mua cho được pho tượng cô gái cụt hai tay nhưng có bộ ngực đẹp; Đây Vạn Lý Trường Thành? Thì hãy đi rảo cho hết những cửa hàng lụp xụp phía trước chân thành lựa những bộ lông chồn núi, càng lớn càng tốt, mang về treo giữa phòng khách, coi chừng đồ giả, để chứng tỏ mình đã tới cái thành nổi tiếng đó, chứ hơi sức đâu mà bò càng leo lên, rồi tụt xuống. Trở về từ những chuyến đi xa ấy, đầu trống rỗng, ráo hoảnh.
(more…)

Ngự Thuyết

Đêm Qua Bắc Vàm Cống, một bài thơ ngắn, ra đời cách đây lâu lắm, hơn 60 mươi năm khi tác giả của nó, Tô Thùy Yên, chưa tới tuổi hai mươi. Thỉnh thoảng tôi đọc lại bài thơ ngắn đó, và lại nhớ mấy lần qua cái bắc ấy, trước 1975, trên đường đi về Lục Tỉnh, qua Sa Đéc, Long Xuyên. Lần nào cũng thế, qua đó, cái buồn bỗng dưng ập tới. Tại sao? Tại vì bến bắc hồi đó còn quạnh quẽ lắm, nước sông Cửu Long chảy miên man, lục bình trôi hàng nối hàng như không bao giờ dứt? Thì Tô Thuỳ Yên cùng với bài thơ đó hiện về. Thế là cũng tại vì bài thơ có sức ám ảnh lớn. Đọc lại nó, nghe lại nó, như nghe  lời nguyền của định mệnh.
(more…)

Đêm

Posted: 23/04/2019 in Ngự Thuyết, Truyện Ngắn

Ngự Thuyết

Thông thường phản ứng đối với một hành động sẽ tránh được tính cách nông nổi, bộp chộp, chủ quan, hoặc thiếu bình tĩnh, nếu giữa hành động và phản ứng ấy có một quãng thời gian trống. Phản ứng có thể là một hành động chống lại, hay chỉ là một thế đứng, một nhận định, một góc nhìn. Và quãng thời gian trống có thể được gọi là thời gian làm trái độn, một độ lùi, dài ngắn khác nhau, có thể tính bằng giây phút, hay ngày giờ, hay thậm chí tháng năm, hay nhiều năm, tùy theo tình huống của sự việc. Anh nghĩ đến điều vừa nói và một câu chuyện cũ của mấy mươi năm về trước. Thời gian làm trái độn như thế quả là khá dài, dâu biển đã xẩy ra, nhưng cũng có cái bất biến, hay chưa chịu đổi thay. Thì cứ kể lại, xem như một bằng chứng nhỏ nhoi, một tấm ván chìm nổi trong bão biển.
(more…)

Ngự Thuyết

Từ Quận Cam (Orange County) thuộc Nam California lên hướng Bắc để đến những vùng như Bakersfield, Fresno, Monterey, San Jose, Milpitas, Fremont, v.v…, trước hết phải qua những ngọn đèo khá dài thuộc Quận Los Angeles (Los Angeles County) nằm ven các rặng núi chập chùng.

Năm nay trời lạnh. Hơn nữa, khác với những năm hạn hán trước, có nhiều cơn mưa vào thời gian giao mùa giữa năm 2018 và năm 2019, cho nên tuyết đổ nhiều. Tuyết phủ kín non cao. Tuyết nằm rải rác trên những đỉnh núi, sườn đồi chạy sát hai bên xa lộ 5, nơi thì trắng xóa một màu, nơi thì chen lẫn nhiều mảng màu xanh, đen, đậm, nhạt, của cây cỏ, của đất đá. Nhiều nơi trông như da cóc sù sì, như da ểnh ương nhòe nhoẹt rong rêu.

Nhưng khi xe đổ dốc sắp qua khỏi ngọn đèo cuối cùng, một cảnh tượng hết sức lạ lùng bày ra trước mắt.
(more…)

Rừng

Posted: 04/02/2019 in Ngự Thuyết, Truyện Ngắn

Ngự Thuyết

Trí nhớ của tôi thường bội bạc. Hoặc thiên vị. Trong cuộc sống, có biết bao nhiêu sự kiện đã ghi sâu vào ký ức của tôi. Và cũng vô số sự kiện khác trôi qua đời tôi như nước trôi đầu vịt,  không để lại dấu vết gì. Lại có những chi tiết tôi cho là đáng nhớ, chẳng hạn, khi đã khôn lớn, lần đầu tiên cầm vô – lăng lái chiếc xe hơi, nhưng tôi không thể nào nhớ được đấy là xe hiệu gì, đi đâu, lúc nào, đi với ai, với mục đích gì. Trong khi đó, ký ức về người đàn bà thành phố lỡ bước vào một nơi rừng rú lại thường trở lại với tôi rất rõ nét.

Chiều nay, một chiều cuối năm, ngồi một mình bên tách trà quên uống đã nguội lạnh, tôi lẩn thẩn ôn lại những ngày qua, và hình ảnh người đàn bà ấy lại nổi bật kéo theo nhiều chuỗi hồi ức khác tưởng đâu đã hoàn toàn bị quên lãng.

Chuyện xẩy ra cách đây hơn nửa thế kỷ.
(more…)

Mẹ

Posted: 02/10/2018 in Ngự Thuyết, Truyện Ngắn

Ngự Thuyết

Người đàn bà còn trẻ lắm, khó đoán tuổi. 20 hay 30? Gái quê mà được cái may mắn không quá lam lũ, cực nhọc, sẽ kéo dài thời hoa niên. Không phấn son, không se sua, không chưng diện, hiền khô, dịu dàng, trong veo. Gái một con trông mòn con mắt.

Cô ta ngồi trên chiếc phản gỗ gõ đen nhánh, láng lẩy, tay róc cau lảy lảy. Thật nhanh và cũng thật đều, như cái máy. Cách chiếc phản vài ba bước, người đàn ông, chồng, ở trần, mặc quần xà lỏn, đứng cầm tao nôi ru em nhè nhẹ. Em bé chưa đầy năm nằm trong chiếc nôi đan bằng tre, mây. Trời nóng, đứa bé vẫn được đắp kín nửa người bằng một chiếc khăn lông ố màu. Nó mở mắt nhìn trần thao láo, tay chân đạp chọi liên tục, miệng nút cái nấm vú của bầu sữa đã cạn phát ra những tiếng chùn chụt. Khi nấm vú chệch ra khỏi miệng, nó gù gù trong cổ họng nghe như tiếng chim cu gáy xa xa.

“Ngủ đi, ngủ đi, thằng chó.” Anh chồng có vẻ sốt ruột. “Tau còn phải cho heo ăng.”
(more…)

Ngự Thuyết
Gởi NTH, LVT

Lại có dịp thăm Oregon. Đúng ra, thăm Portland, thủ phủ của Oregon, một số thị xã lân cận, và mấy thắng cảnh nổi tiếng của tiểu bang êm đềm và hiền hoà này. Hay đúng hơn nữa, có hai người bạn ở đó, Nguyễn Trung Hối và Lưu Văn Thăng, thì hãy thăm người trước, rồi thăm chốn cũ sau. Oregon! Oregon! Nước Mỹ mênh mông. Trở lại một tiểu bang rất xa nơi mình sinh sống, mà mình đã từng đến, cũng thấy dậy lên trong lòng ít nhiều nôn nao, háo hức. Như sắp gặp lại người bạn thuở thiếu thời. Như sắp được nghe lại tiếng rao “Phở, Phở” trong đêm khuya.

Thế là đã gần 20 năm mới trở lại nơi này. Oregon có già đi hay vẫn thế, khó biết quá, nhưng người hai người bạn của tôi, cũng như tôi, đã “sa sút” nhiều lắm. Nguyễn Trung Hối từng chủ trương Tập San Chủ Đề trước 1975 tại Sài Gòn, qua Mỹ tỵ nạn vẫn nỗ lực cho tái tục Chủ Đề được trên mười mấy số, nay đã tỏ ra mệt mỏi, không còn muốn theo đuổi giấc mơ vá trời, lấp biển bằng văn chương, chữ nghĩa. Lưu Văn Thăng, tốt nghiệp trường đào tạo Sỹ Quan Không Quân tại Salon, Pháp, chàng thanh niên hào hoa ấy hẳn đã từng “tung cánh” bay đến nhiều chân trời xa lạ, nay bằng lòng làm một ông già cùng vợ ngày qua tháng lại chăm sóc khu vườn nhà xanh mướt trồng nhiều loại hoa quả của quê xưa. Các thứ rau xanh, rau thơm, bầu, bí, mồng tơi, nhiếp cá, húng quế, húng lủi, ớt … Tôi hỏi đùa, Tươi tốt như thế kia chắc bán được giá lắm đó. Trả lời, Sức mấy, cho mà người ta còn bắt phải mang đến tận nhà.
(more…)

Trận cuối

Posted: 10/05/2018 in Ngự Thuyết, Thơ

Ngự Thuyết
Nhớ Trương Như Thung
Nhớ trận cuối Xuân Lộc
Nhớ chiến sỹ Sư Đoàn 18

Anh ngó lên tháp canh
khi bóng đêm vừa đổ
phòng tuyến đứng lặng thinh
hỏa châu rừng rực lửa.

Địch điệp điệp trùng trùng
hàng ngàn đàn kiến cỏ
giẫm nát hết ruộng đồng
ta không hề khiếp sợ.
(more…)

Ngự Thuyết

Bay về ổ chín tầng cao
Con chim vĩnh biệt quên chào mái hiên
Bùi Giáng

Thế là vợ chồng chúng tôi đã sống nơi đây gần bảy năm sau khi rời bỏ căn hộ hai tầng mà tôi gọi là “Ngôi Nhà Lý Tưởng.”

Thời gian vùn vụt trôi. Tôi không nhớ đã dọn nhà bao nhiêu lần. Sáu hay bảy lần chưa kể lấn cuối dọn đến căn gác nhỏ này? Lẽ dĩ nhiên không phải vì chúng tôi là người ưa kén chọn khó khăn, mà vì hoàn cảnh, vì phải chạy theo công việc làm ăn. Nhớ lại lúc còn ở trong nước, gần nửa thế kỷ, chỉ dọn nhà vài ba lần.

Khi bỏ nước mà đi, chúng tôi không hình dung nổi cuộc sống mới sẽ như thế nào. Nó sẽ tốt, hoặc xấu. Mặc. Nhưng chắc chắn không xấu hơn đời sống mà chúng tôi đã trải qua từ ngày Miền Nam mất. Con cái có thể ráng sức tiếp tục học hành, khởi công xây dựng tương lai, nhưng vợ chồng chúng tôi thì sao? Chắc chắn không thể trở lại nghề nghiệp cũ. Có thể nào làm lại cuộc đời lúc tuổi trẻ không còn? Sẽ chấp nhận tất cả. Hái trái cây, phụ việc tại các nông trại, làm vườn, đánh cá, chăm sóc người già, … nếu ở miền quê. Gác gian, bồi bàn, bỏ báo, phụ bếp, bưng phở, làm khuy nút, cắt chỉ … nếu sống tại thành thị. Còn chỗ ở? Nhà trọ, chung cư, hay chỗ trú ẩn mà người ta gọi là shelter. Đủ che mưa nắng là tốt rồi. Không ngờ xứ Mỹ cứu trợ chu đáo. Người dân Mỹ, nói chung có máu lạnh nhưng hào hiệp. Chúng tôi dần dần có việc làm qua ngày. Lũ con thì khá hơn.
(more…)

Về đâu

Posted: 04/07/2017 in Ngự Thuyết, Truyện Ngắn

Ngự Thuyết

Sáu người, trong một căn phòng rộng rãi, ngồi quanh cái bàn lớn đầy thức ăn. Chủ nhân khao đồ biển, cua, ghẹ, sò điệp, ốc, tôm hùm, cá dứa; khách mang đến thịt heo quay, vịt luộc, cà ri dê, cà ri gà. Lẽ dĩ nhiên không thể thiếu bún, bánh hỏi, bánh tráng, bánh mì. Rồi nào là nước mắm ớt tỏi, mắm nêm, xì dầu, xà lách, rau thơm, dưa leo, cà chua, khế chua, chuối chát, trái vả xắt mỏng. Bia lon Tiger sắp thành hàng, hai chai rượu chát, một trắng, một đỏ, một chai Champagne. Trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh có chưng bình hoa hồng là mấy trái sầu riêng, mít tố nữ. Mấy chồng khăn giấy được đặt cuối bàn ăn.
(more…)

Ngự Thuyết

“Kỳ này đi Seattle nghe anh.”

Ông nghĩ bụng cái cô này sẵn tiền muốn quăng qua cửa sổ chắc. Mới đi rất xa về phía Đông Nam của Mễ Tây Cơ, khu du lịch Cancún, nay lại đòi đi Tây Bắc nước Mỹ. Không biết mệt? Chưa đã? Rồi mình lại cũng phải mệt nhọc làm theo, đó là chưa kể phải tung tiền cho tương xứng. Phải tính toán chứ. Mới quen biết nhau, mới tìm hiểu nhau, mà cứ “bắt địa” người ta, sẽ sớm đổ vỡ. Thôi thì cứ bước đầu sòng phẳng thử xem. Ông nhớ câu, Vạn sự khởi đầu nan. Thế nghĩa là thế nào, ông nghĩ tiếp. Nghĩa là khi đã sống với nhau trong một thời gian cần thiết nào đó, thấy cô ta dễ dãi, thì mình sẽ hết sòng phẳng, sẽ xài tiền của người ta một cách vô tư, cô này giàu có mà, còn tiền của mình thì thủ kỹ, như “mọi giữ của”? Ông tự cảm thấy mình quá so đo hơn thiệt. Bần tiện. Lúc còn trẻ đâu có thế. Nay già sinh tật? Hay là vì mình không có con cái, không có người nối dõi, nên nhiều lúc bỗng nhiên lo sợ cho cái tuổi già bơ vơ? Và hình ảnh những người già cả không nơi nương tựa ở quê cũ sống trong khốn khổ, tủi hổ thỉnh thoảng vẫn ám ảnh. Trong những giấc mơ mệt nhọc, ông cũng gặp cái ám ảnh đó. Mệt mỏi, nhọc nhằn, chán nản, ngao ngán, phiền toái, … những chữ tiêu cực đó độ rày hay xuất hiện.
(more…)

Ngự Thuyết

cay_phong_la_do

Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay
(Nguyên Sa)

Một tiếng động làm anh giật mình mở choàng mắt nhìn ngơ ngác. Thế ra anh đã ngủ trên xe một giấc ngon lành. Tiếng gì đấy? Mấy con chim hải âu vừa bay vừa há mỏ quang quác đánh thức anh dậy, hay tiếng sóng biển rì rầm đằng kia bỗng dưng gào to thảng thốt trong giấc ngủ lơ mơ, chập chờn, hay tiếng còi xe chữa lửa thét lên giật giọng quanh đâu đây, hay cái âm thanh khô cứng phát ra do một nhánh cây nhỏ rơi ngay xuống trần xe? Anh điều chỉnh lại lưng ghế ngồi trở về vị trí cũ, nhìn đồng hồ tay. Gần hai giờ chiều. Trễ giờ làm việc rồi! Đi làm việc mà trễ cả tiếng đồng hồ coi chướng quá. Anh chắc lưỡi, OK, call in sick vậy.
(more…)

Ngự Thuyết

bui_bao_truc_4
Nhà báo Bùi Bảo Trúc (1944-2016)

Tôi được tin anh Bùi Bảo Trúc bị bệnh đã khá lâu. Gần đây, anh vẫn thực hiện mục Điểm Tin và Ngày Này Năm Xưa từ 10 giờ đến 10 giờ 30 mỗi buổi sáng, từ Thứ Hai đến Thứ Sáu mỗi tuần. Tuy nhiên thay vì tới Đài Little Sài Gòn, anh làm việc tại nhà, dùng điện thoại nhà liên lạc. Không những thế, chương trình của anh thường bị cắt hoặc gián đoạn, giọng nói của anh có phần yếu ớt, chứng tỏ rằng bệnh tình của anh không thuyên giảm.

Hôm Thứ Năm tuần vừa qua (15/12/2016) bà Võ Phiến và tôi đến thăm anh, không báo trước. Khi đến trước cửa nhà anh chúng tôi mới gọi điện thoại, được anh trả lời bằng cell phone rằng bạn anh đã chở anh đi Irvine. Tôi ngạc nhiên. Giọng nói của anh còn đầy sinh lực, khác hẳn khi anh nói qua Đài Phát Thanh. Tôi nói một cách thành thật, chứ không phải để trấn an: “Giọng nói của anh mạnh rồi. Thanh hơn sắc. Anh sẽ bình phục nay mai đấy. Tôi mừng lắm.”
(more…)

Ngự Thuyết
(Trình bày tại Viện Việt Học ngày 31/7/2006)

phan_chu_trinh
Phan Chu Trinh (1872-1926)

Kính thưa quý vị, kính thưa quý bạn,

Tôi xin trình bày vài ý kiến về nhà chí sỹ Phan Chu Trinh.

Trước hết là tóm lược tiểu sử của Cụ.

Phan Chu Trinh sinh ngày 9/9/1872 tại Tây Lộc, Tam Kỳ Quảng Nam, cha là Phan Văn Bình, một vị quan võ của Nam Triều, từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp, mẹ là Lê Thị Trung, con nhà vọng tộc. Thuở bé Cụ học võ tại quê nhà, nên vào trường tỉnh hơi trễ, nổi tiếng học giỏi, tranh biện giỏi. Khoa Canh Tý 1900 Cụ đậu cử nhân, năm sau đậu phó bảng cùng khoa với tiến sỹ Ngô Đức Kế. Hai năm sau, năm 1903 Cụ được bổ đi làm quan tại Bộ Lễ, Thừa Thiên, Huế.
(more…)

Ngự Thuyết

thieu_phu_ngoi_buon

Hồi còn cắp sách đến trường, những năm cuối tiểu học và đầu trung học, tôi mê đọc vô cùng. Mê đọc chứ không phải mê đọc sách – chữ “đọc sách” nghe quá trịnh trọng và lớn lao so với mớ tuổi bé con của tôi. Thời đó đã có chiến tranh, sách vở thiếu thốn, vồ được cuốn nào là ngốn ngấu cuốn ấy, không phân biệt, không chọn lựa. Những cuốn sách cũ của ông chú có nhiều cuốn mất khúc đầu thì đọc khúc đuôi, mất khúc đuôi thì đọc khúc đầu, mất cả đầu đuôi thì đọc khúc giữa. Trang mất trang còn cũng không sao, đọc tuốt. Y như sau này những năm tháng đầu tiên trong tù cải tạo ngày nào cũng bị nhồi nhét lý thuyết với chủ nghĩa lỗi thời, rỗng tuếch, thế là nhặt được một miếng giấy gói muối, gói mắm, hay những mảnh giấy ố vàng rách rưới nhỏ bằng vài ngón tay – xin lỗi – tức là giấy “vệ sinh” sau khi dùng đi cầu đã khô, hễ có vài hàng chữ cũ là phủi phủi rồi banh ra đọc một cách say sưa. Hàng chữ cũ? Vâng, tức là từ những tờ báo, những trang sách “Ngụy” bị xé rời làm giấy gói đồ, làm bao bì v.v…, trạm chót là làm giấy “vệ sinh”. Về sau, Cách Mạng biết được điều đó cho nên những thứ giấy ấy cũng không kiếm đâu cho ra. Thế là những người tù chúng tôi không còn cái hạnh phúc đọc những chữ “thối” ấy nữa.
(more…)

Ngự Thuyết

thieu_phu

Hai người đàn bà ngồi cạnh nhau chuyện trò mà tay thì thoăn thoắt gọt, cắt cà rốt, khoai tây, su su, su hào, bầu, bí ngô, bí đao, v.v… Họ và một số người khác, phần đông là nữ giới, đang chuẩn bị cho bữa cúng chay nhân dịp vía Quan Âm cùng với lễ thất tuần của những người quá cố. Thật ra, dù không có lễ lạc gì, chùa này cũng, trong mỗi cuối tuần, thứ bảy hoặc chủ nhật, hoặc cả hai, làm các món ăn trưa cho thực khách.
(more…)

Ngự Thuyết

vo_phien_9
Nhà văn Võ Phiến (1925-2015)

Ông Võ Phiến đã qua đời. Tôi và vợ tôi đến thăm ông tại Santa Ana Rehab Center, Nam Cali, lúc 5 giờ chiều ngày 28/9/2015, tức là đúng 2 giờ trước khi ông vĩnh viễn ra đi. Sau đó tôi được biết Lê Tất Điều và cuối cùng là Nhã Ca và Phan Tấn Hải đã đến.

Trong căn phòng nhỏ, bà Phiến, vốn đã gầy nay còn da bọc xương, và chị Nga (vợ của Vũ Đình Minh, tức nhà văn Mai Kim Ngọc) đang ngồi thì thầm với nhau trên hai chiếc ghế đặt cạnh cái giường bệnh trên đó ông Võ Phiến như đang nằm chờ ai, chờ cái gì. Tôi mong, như mấy lần trước ông bị khẩn cấp đưa vào bệnh viện, ông lại được đưa về nhà sống thêm tuổi thọ với bà. Tôi bước tới chân giường. Vẻ mặt của ông rất thanh thản, nghiêm nghị, khác hẳn trước kia thường điểm một nụ cười nhẹ trên ánh mắt, trên khóe miệng, toát ra một phong thái bình dị, thân mật, nhưng đằng sau cái bề ngoài xuề xòa đó vương vấn một nỗi bất an khó tả. Nước da ông xanh xao, mái tóc như thưa đi và hơi phờ phạc, bạc phơ, đôi mắt sâu nhắm nghiền dưới hai chân mày nhô lên và cũng bạc trắng, mũi và miệng vướng đầy dây nhợ. Toàn thân, tay chân, được bọc kín trong lớp chăn màu trắng. Ông thở nặng nhọc, hơi giật giật.
(more…)

Ngự Thuyết

mua_thu_tim-dinh_cuong
Mùa thu tím
dinhcuong

Bài viết này muốn nói về vài vấn đề trong Thơ, nhưng xin được mở đầu bằng một mẩu chuyện nhỏ trong văn xuôi có liên quan.

Tác phẩm Vang Bóng Một Thời (Tân Dân – Hà Nội, 1940 ) của Nguyễn Tuân ra đời cách đây trên 70 năm, cho đến nay vẫn được nhiều nhà phê bình văn học đánh giá cao. Vũ Ngọc Phan, đồng thời với Nguyễn Tuân, trong Nhà Văn Hiện Đại (Tân Dân – Hà Nội, 1942) nhận xét về tập truyện Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân như sau: “Tác phẩm đầu tay của ông là một văn phẩm gần tới sự toàn thiện toàn mỹ.” Quả thế, những truyện ngắn, bút ký trong Vang Bóng Một Thời đều có giá tri, và, cũng theo Vũ Ngọc Phan, “Tập bút ký này của Nguyễn Tuân thật là một tập rất qúy. Cái quý giá ấy sẽ còn tăng lên nữa với thời gian, như một thứ đồ cổ vậy.”
(more…)

Ngự Thuyết
Bài tham luận của tác giả trong Hội thảo Hai mươi năm Văn học miền Nam 1954-1975.

thanh_tam_tuyen-dinh_cuong
Thi sĩ Thanh tâm Tuyền
dinhcuong

Kính thưa quý vị, tôi rất hân hạnh trình bày đề tài “Thanh Tâm Tuyền, Nhà Thơ Tiên Phong”. Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13/3/1936 tại Vinh, Nghệ An, viết văn, làm thơ, thỉnh thoảng viết về phê bình, và lý luận văn học khi còn rất trẻ. Tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc, xuất bản năm 1956 tại Sài Gòn khi Thanh Tâm Tuyền mới 20 tuổi. Tám năm sau, năm 1964, Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy ra đời. Theo lệnh động viên, ông nhập ngũ năm 1962, giải ngũ năm 1966. Năm 1968 tình hình chiến sự căng thẳng, ông tái ngũ và phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho đến khi Miền Nam thất thủ năm 1975. Ông ở tù bảy năm dưới chế độ Cộng Sản. Năm 1990, theo diện HO, ông sang định cư tại Hoa Kỳ, cho in tập thơ cuối cùng, Thơ Ở Đâu Xa, và qua đời ngày 22/3/2006 tại Minnesota, Hoa Kỳ.

Hôm nay tôi chỉ đề cập đến lãnh vực sở trường và độc đáo nhất của ông, đó là thơ.
(more…)