Archive for the ‘Truyện Ngắn’ Category

Lê Quang Thông

Tôi gặp anh Lâm, người đồng hương ở bến đò Ba Bến, vào ngày đầu tiên đặt chân đến Pháp, cách đây non nửa thế kỷ.
Chuyến máy bay Air France từ Sài Gòn đi Paris xuống phi trường Orly sáng sớm. Sau giấc ngủ chập chờn suốt thời gian từ Karachi về Pháp, tôi tỉnh táo nhìn qua cửa máy bay. Quá sức đẹp, ngoài trí tưởng tượng. Chưa biết rõ đâu là đâu, nhưng toàn cảnh Paris nhìn từ trên cao với dòng sông Seine, tháp chuông nhà thờ…và các sân lâu đài, công viên tuyệt đẹp khiến tôi dán mắt suốt vào vuông kính máy bay, cho đến lúc bánh chạm phi đạo.

Ở phi trường Tân Sơn Nhất, không biết vì lý do gì, máy bay trễ cả 2 tiếng đồng hồ. Tôi thắc thỏm lo sợ, không biết còn rủi ro gì nữa, mồ hôi toát ướt áo chemise. Nghe nói đã có những chuyến bay đi ngoại quốc, bị kiểm soát vào giờ phút cuối, và một hành khách được áp giải xuống trước giờ cất cánh, vì một lý do gì đó. Thời chiến mà.

(more…)

Izumi Kyoka (1873-1939)
Phạm Đức Thân dịch từ bản Anh ngữ Osen and Sokichi của Charles Shiro Inouye

Izumi Kyoka (1873-1939) là nhà văn Nhật viết khoảng 300 tác phẩm đủ loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch….) với tính chất lãng mạn, siêu nhiên, huyền ảo….

Osen Và Sokichi (Baishoku kamonanban) là tác phẩm của giai đoạn trưởng thành bao gồm những chủ đề thường thấy trong toàn bộ sự nghiêp: thanh niên trẻ yêu kỹ nữ hơn tuổi; đời kỹ nữ với những ngang trái; vẻ đẹp nhân vật qua mô tả lông mày, mắt, ngực, chân tay…đặc biệt là 2 mầu đỏ trắng tương phản (mà có người cho rằng ám chỉ mầu của ái ân: trắng của tinh dịch, của giấy lụa và đỏ của váy lót trong kimono); cũng như nước, mưa, hoa…là chất liệu để liên kết các hình ảnh huyền ảo; chưa kể vai trò phụ nữ vừa là tình nhân vừa là mẹ (như thấy trong tựa của truyện này mà nghĩa lần lượt từng chữ là mãi dâm và tô mì vịt)..
(more…)

Nguyễn Huy Thiệp

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa qua đời ngày 20/3/2021 tại Hà Nội, Việt Nam. Sáng Tạo đăng lại truyện ngắn Tướng về hưu của ông để chúng ta cùng đọc và tưởng tiếc một văn tài.

I.
Khi viết những dòng này, tôi đã thức tỉnh trong vài người quen những cảm xúc mà thời gian đã xóa nhòa, và tôi đã xâm phạm đến cõi yên tĩnh nấm mồ của chính cha tôi. Tôi buộc lòng làm vậy, và xin người đọc nể nang những tình cảm đã thúc đẩy tôi viết mà lượng thứ cho ngòi bút kém cỏi của tôi. Tình cảm này, tôi xin nói trước, là sự bênh vực của tôi đối với cha mình.

Cha tôi tên là Thuấn, con trưởng họ Nguyễn. Trong làng, họ Nguyễn là họ lớn, số lượng trai đinh có lẽ chỉ thua họ Vũ. Ông nội tôi trước kia học Nho, sau về dạy học. Ông nội tôi có hai vợ. Bà cả sinh được cha tôi ít ngày thì mất, vì vậy ông tôi phải tục huyền. Bà hai làm nghề nhuộm vải, tôi không tường mặt, chỉ nghe nói là một người đàn bà cay nghiệt vô cùng. Sống với dì ghẻ, cha tôi trong tuổi niên thiếu đã phải chịu đựng nhiều điều cay đắng. Năm mười hai tuổi, cha tôi trốn nhà ra đi. Ông vào bộ đội, ít khi về nhà.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Lois dừng chiếc Tercel trước ngõ vào khu chung cư. Ba cao ốc cũ, cao ngất, đơn điệu, nghe nói là housing, giá thuê có thành phố hỗ trợ tuỳ lợi tức. Ở giữa là một vòng quay trơ trụi. Có chứ, trên khoảnh đất rộng đó còn dấu tích hoa viên cây cảnh; vài cây phong sống sót, hắt bóng lên mấy băng ghế xi-măng. Lois tắt máy. Chạy vào đậu trước cửa hẹp đường, bất tiện. Chờ thì chờ ở đây.

Nếu lâu thì nghỉ mắt một lúc. Nước tắm pha oải hương làm Lois thư thái. Hồi nãy pha có đậm quá không. Sao nghe như thoảng hơn trang điểm.

Như vầy là không biết điều? Ông ta lạc điệu nhiều chuyện.
(more…)

Hoàng Quân
Tặng đôi ta

Áo Quần

Du lịch ở Hoa Kỳ, cả ông lẫn bà đều thích “săn” hàng hiệu của sở thú. Nào là con ngựa (Polo Ralph Lauren), con tôm (Tommy Hilfiger). Đến ngay cả con cá sấu (Lacoste), sinh đẻ bên Pháp, mà qua Mỹ cũng có giá “mềm”.

Trước khi trở lại Âu Châu, ông bà chia nhau đi “thanh tra” thị trường. Về đến nhà, ông hỉ hả khoe, phút chót đã nhanh tay, tìm ra thương hiệu “xịn” khác: hiệu con hươu (Abercrombie & Fitch) và đã chọn cho bà một món quà, để bà diện với người ta. Bà hớn hở đón lấy cái áo thun màu rêu non, căng lên ngắm nghía. Kiểu áo có vẻ bụi bụi, chỉ lòi lỉa xỉa ở đường lai áo. Nhưng trông không đến nỗi gai mắt, với con hươu thêu màu đen, và chữ in A & F. Bà ướm thử lên người:

– Ui, sao ngắn ngủn vầy!
(more…)

Nguyễn Lệ Uyên

Phải khó khăn lắm ông già mới quyết định chuyển đến chỗ ở mới. Đó là căn phòng nhỏ trên tầng áp mái, rộng tầm hai chục mét vuông, không kể ban-công nhô ra 1,6 mét. Đây chắc chắn là nơi cuối cùng để làm “chỗ đếm thời gian”.

Nguyên mảng tường dài là giá sách, đối diện là giường ngủ, đầu bên kia là chiếc bàn nhỏ lỉnh kỉnh giấy bút, sách báo, điện thoại… như gánh hàng xén thu nhỏ. Cuối cùng là phòng vệ sinh có gắn máy điều hòa phía trên cửa non mét rưỡi. Ngay trên đầu giường là nút chuông phòng khi nhức đầu, sổ mũi, chóng mặt… nhấn chuông báo xuống nhà dưới.
(more…)

Quế Hương

Tôi gặp lão lần đầu trong quán thịt chó của bà Tư béo, nơi tôi đến bỏ rượu gạo hàng chiều sau giờ đi làm. Lão xuất hiện với bộ dạng một người lỡ đường, tay bị, tay mũ cối, gương mặt rỗ hoa lấm tấm bụi đường và mồ hôi. Tưởng lão là người ăn xin, bà Tư đuổi như đuổi tà:

– Đi ra! Để người ta bán, đừng có hãm tài.

– Thưa bà, tôi không xin. Tôi tận Hà Bắc vào đây tìm người quen. Bà cho tôi hỏi… bà có biết người này.

Lão chìa ra mảnh giấy bọc ép nylon như thẻ căn cước, ghi dòng chữ: Hai Xuân, người Bắc Ninh, có chồng tên Tuất. Sau 1975 có người gặp sinh sống ở Đà Nẵng.
(more…)

Kawabata Yasunari
Phạm Đức Thân dịch


Kawabata Yasunari (1899-1972)

“Hokuro no Tegami” (Cái Nốt Ruồi) là tác phẩm của Kawabata Yasunari (1899 – 1972), Nobel Văn Học 1068, ở thời kỳ hoàn toàn thành tựu và cho thấy ông nắm vững tâm lý phụ nữ, điểm nổi bật trong các tác phẩm của ông. Phạm Đức Thân dịch từ bản Engish “The Mole” của Edward Seidensticker.

oOo

Đêm qua em nằm mơ thấy cái nốt ruồi.

Em chỉ cần viết cái tên là anh biết em muốn nói gì. Cái nốt ruồi đó – em đã bao lần bị anh la mắng vì nó.

Nó nằm ở vai phải em, hay có lẽ em nên nói nó nằm cao trên lưng.

“Nó đã to hơn hạt đậu. Cứ tiếp tục nghịch nó, có ngày nó sẽ mọc rễ cho mà coi”
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Niên đưa tay lên gần mắt coi đồng hồ. 12 giờ này phải là 12 giờ trưa. Ghe đã chạy được 14, 15 tiếng. Trong sông. Hầm ghe lờ nhờ, những chút ánh sáng lọt vào đâu đó, trộn với mùi và khói xông ra từ buồng lái thành mờ ảo. Niên không nhìn tỏ mặt những người chung quanh; nhưng biết họ đang ăn uống. Niên ân hận là chiều hôm trước chỉ uống cà phê mà từ chối tô hủ tiếu bự. Hai người bạn chở Honda đưa từ Sàigòn xuống Phụng Hiệp đã phải chia nhau ăn rán. Lúc này chưa ai trên ghe biết Niên sẽ là tài công nên không tự động đi kiếm khoản dừa và mì gói đã dặn dành cho Niên.

Niên bóp hai chân; ngồi bó gối không lúc nào duỗi ra được nên chân Niên ê cứng. Tay đụng xăng đan mới nhớ là mình đã có ý mua nó để khỏi phải lê dép nhựa. Được việc khi cần chạy. Lôi mắt kiếng ra đeo lên mắt, choàng dây thun cột dính hai gọng ra sít sau đầu. Cái kiếng này có một mắt nguyên thủy có cận đúng số đo, mắt kia bể nên Niên kiếm một mắt khác, màu sậm hơn, hình như không độ.

Có tiếng súng nổ chách chách. Ghe tăng ga.
(more…)

Hoàng Quân

Chưa đến ba mươi tuổi, một nách hai đứa con thơ, theo Ba, Mạ phải xa Huế. Từ đó, hơn nửa thế kỷ qua cho đến khi lìa đời, Mạ xuôi Nam, rồi sang Đức. Suốt mấy chục năm, Mạ chỉ còn những lần về Huế đôi ba ngày ngắn ngủi thăm gia đình, chứ Mạ không còn được sống ở Huế nữa. Bầy con Mạ sanh ở Quảng Ngãi, có lẽ đã ngấm giọng ru ngọt ngào của Mạ từ thuở chưa lọt lòng… à ơi, chiều chiều ông Ngự đi câu, cái ve cái chén cái bầu sau lưng… Bởi vậy, đứa nào giọng nói cũng đầy đủ sáu vài, mười hai nhịp.

Ở Quảng Ngãi, ở Sài Gòn, đi đâu chăng nữa, lời ăn tiếng nói của Mạ luôn xếp đặt mọi việc ổn thỏa ba bên, bốn bề. Mạ vào Sài Gòn đặt sách báo cho tiệm sách. Mạ đi mua trang thiết bị cho quán cà phê. Mạ đến những công sở ở Quảng Ngãi để tham dự đấu thầu cung cấp bút chỉ văn phòng. Mùa hè đỏ lửa, Ba không thể rời nhiệm sở ở miền Trung, Mạ dẫn bầy con nhỏ vào Sài Gòn chạy loạn. Thời gian này, một cảnh hai quê, lòng Mạ lo lắng ngổn ngang trăm mối. Tuy vậy, Mạ vẫn sắp xếp dắt bầy con nhỏ đi đó đây khắp Sài Gòn. Mạ muốn đưa mấy đứa con đi Chợ Lớn. Mạ hỏi đường, người Sài Gòn ngẩn người, không biết “Chợ Lợn” ở đâu. Nhưng rồi, Mạ vẫn tìm đến được những địa điểm như ý muốn. Người bạn của Mạ ở gần chợ Cầu Muối. Bác diễn tả, nhà bác có lát gạch bông đàng trước. Bình thường, với thông tin như vậy, có lẽ ai cũng phải lắc đầu, từ bỏ ý định tìm kiếm. Mạ lặn lội hỏi quanh và cuối cùng Mạ cũng đến thăm được người bạn.
(more…)

Trần Lý Lê

Năm ấy Giang qua Á Châu trong ba tháng hè, cô làm việc cho một tổ chức bất vụ lợi của tư nhân, mục đích chính là tìm cách trợ giúp nông gia, từ việc chọn giống lúa đến việc chăn nuôi.

Làng quê của những vùng đất nông nghiệp nào trông cũng khá giống nhau, cũng nhà tranh vách đất, chuồng trâu bò, gà vịt và đồng ruộng bát ngát. Giang làm quen và thân thiết với gia đình ông bà Choen, đôi vợ chồng trong tuổi bốn mươi và ba đứa trẻ con, tuổi từ 10 đến 15. Ngoài thửa ruộng mấy mẫu, họ nuôi gia súc để phụ việc, trồng thêm mấy liếp rau và có con chó đốm. Đứa con gái lớn nhất, Suchin, ngày dẫn trâu ra đồng nhơi cỏ; chiều về hun khói đuổi muỗi, chăm lo con trâu mẹ đang nuôi con thơ. Thằng con giữa được cắp sách đến trường làng. Con bé út chăn đàn gà chạy quanh sân trong khi cha mẹ cấy cày ngoài ruộng… Cuộc sống của họ vất vả nhưng đầm ấm và giản dị.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Hồi đầu chung quanh vườn sau trồng rau các loại. Góc đất đó là một phần của luống rau thơm. Sát chân hàng rào gỗ dựng thêm ván bề ngang ba tấc để chắn đất vun. Rau thơm lá nào lá nấy to, xanh mởn. Nó lớn nhanh, mạnh, ăn không kịp. Nó cao lớn đến mức có thể tự ngắt thành nhiều cành, vương vãi đầy sân. Nói vậy cho đở tức, chớ hai vợ chồng thắc mắc không biết con gì phá, chỉ có thể là raccoon -gấu mèo.

Chúng nổi tiếng phá vườn rau, đánh đuổi chúng, chúng còn biết quay lại trả thù.

Té ra nó chui dưới ván chận qua vườn hàng xóm, ngóc đầu lên; hay bông nó bay qua khe hàng rào, đáp xuống; rau thơm đã xâm phạm riêng tư người ta. Vợ chồng hàng xóm là dân gốc, ra vô gặp nhau chào hỏi lịch sự. Garage của họ đủ các thứ đồ nghề, cần gì cứ mượn xài vui vẻ. Cùng là dân thuốc lá, bên này tằng hắng, ho khan thì bên kia cũng có tiếng hộp quẹt xẹt xẹt.
(more…)

Hoàng Quân


Hình minh họa Nguyễn Đức Tuấn Đạt

Người bán hàng ở siêu thị

Tôi dần dà để ý đến một cặp vợ chồng Á Châu. Không hiểu tại sao, tôi đoan chắc họ là vợ chồng, chứ không thể là tình nhân, hay hàng xóm. Họ đến mua hàng hầu như mỗi ngày ở siêu thị tôi đang làm việc. Tất nhiên, trong con mắt người Âu Châu, chúng tôi thường đoán sai, sai rất xa, tuổi của người Á Châu. Riêng đối với cặp vợ chồng này, tôi hoàn toàn mù tịt, không thể nói họ bao nhiêu tuổi. Bề ngoài, tôi nghĩ họ dưới 40. Nhưng kiểu coi hàng hóa trong chợ, tẳn mẳn, chậm chạp, làm tôi nghĩ đến những người trên 60.
(more…)

Trương thị Kim Chi


Glass of Water
Rosemary Lewis

Một buổi chiều, chị mệt rã rệu, đến nổi cứ phải ngồi há miệng thở dốc, bèn gởi lớp cho bạn, lên văn phòng xin phép về sớm.

Cô ta đang nằm tênh hênh trên giường ngủ (chiếc giường đã từ lâu có thể gọi là của riêng chị), chân bắt chéo, tay cầm điếu thuốc, chu môi thổi ra những cụm khói tròn xoe điệu nghệ. Chị chẳng lạ gì cô ta, nhưng cái kiểu nầy thì quá lạ đi chứ! Hơn năm nay, chuyện cô ta dan díu với chồng chị đã ngấm ngầm được chấp thuận. Nhưng, không phải tại đây- ngay trong ngôi nhà nầy!

Cô ta quay lại, thấy chị, không buồn chào hỏi. Chị nhíu mày kinh tởm. Cô ta giương mắt khiêu khích nhìn chị!
(more…)

Nguyễn Hoàn Nguyên

Mùa xuân đã về phủ một màu vàng tươi quanh ngôi chùa nằm giữa rừng mai. Ngôi chùa nhỏ, đơn sơ nhưng vẫn toát ra vẻ uy nghi. Chiếc mái cong nhô lên bầu trời xanh cùng những tấm vách và cột gỗ đen chống đỡ bên dưới vẫn còn vững chãi trước vô thường. Các phiến đá trên lối đi vào đóng một lớp rêu dày, ngôi chùa tựa hồ bị bỏ quên ở nơi hẽo lánh này.

Rừng mai nằm nghiêng nghiêng dọc theo vách đá, rồi trải dài xuống hướng chân núi tuởng chừng như vô tận.Trong những ngày xuân đẹp trời, sau thời khóa kinh buổi sáng và một tuần trà, sư cụ bỏ dở công việc thường nhật, bước ra khỏi chùa chuẩn bị đi dạo trong rừng mai. Lúc đó nắng ấm cũng vừa chan hòa, thời tiết đã bớt giá lạnh nhiều. Cũng như thường lệ sư cụ không cất bước ngay mà hãy còn đứng yên giây lát ở sân chùa. Người nhìn lên bầu trời, nhìn xuống nền đất, nhìn cả những cây cỏ dại bên các phiến đá. Sau đó người bắt đầu dạo từng bước vào rừng mai.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Anh Hiếu cúi thấp người, siết ga. Chiếc SS phóng trên xa lộ mới. Chưa đầy nửa tiếng đã gần nửa đường Nha trang Ba ngòi. Tôi úp mặt lên lưng anh, gió tạt khóe mắt chảy nước.

Gần khoảng chùa Thiên Bình, tôi không nín được, nói:

– Sắp tới cua bà đầm, Honda bay xuống ruộng hà rầm. Xe hơi lạ đường cũng chết.

Anh Hiếu nghe không rõ:

– Cái gì bà đầm?
(more…)

Rừng sâu

Posted: 29/01/2021 in Ngự Thuyết, Truyện Ngắn

Ngự Thuyết

Người ta lúc mới sinh ra đời tính vốn thiện (Nhân chi sơ tính bản thiện). Hay vốn ác? Câu nói đó đã được đặt ra từ ngàn xưa. Thiện chăng? Rồi vì hoàn cảnh xấu xa mà biến thành ác. Hay ác chăng? Rồi nhờ hoàn cảnh tốt đẹp trở thành thiện. Hay người ta lúc mới sinh ra không thiện, không ác. Môi trường sống, hoàn cảnh sống, trình độ giáo dục, chế độ xã hội, vân vân, sẽ quyết định bản tính của con người? Hay mỗi người là một cá thể riêng biệt trong đó thiện hay ác có tính cách tiên tiên, tiền định. Hoặc do nghiệp duyên như trong giáo lý nhà Phật?

Vậy thì cá nhân tôi nên được sắp vào loại mục nào? Có khá hơn một số loài thú dữ trong rừng hay không về mặt thiện, ác.
(more…)

Hoàng Quân

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay xa
(Xuân Diệu)


Vào Thu –  Tranh của Hoàng Thanh Tâm

Với kết quả quý ba thành công vượt khỏi dự đoán, hội đồng quản trị gởi email cám ơn và mời toàn bộ nhân viên dự tiệc giáng sinh tại Câu Lạc Bộ P1, Munich. Đây là chốn lui tới của những nhân vật vừa có tiếng, vừa có miếng, từ sân khấu truyền hình đến sân cỏ bóng đá. Ngoài ra, hãng sẽ có một món quà rất độc đáo, đúng nghĩa dành riêng cho từng người. Tôi chẳng tưởng tượng món quà sẽ là gì. Tôi nhớ, ở hãng cũ, quà thường là cổ phiếu của hãng. Hồi đó, nếu kiên nhẫn, chờ đến lúc mệnh giá lên cao, sẽ rủng rỉnh tí tí, đi chơi loanh quanh. Còn nóng ruột bán ngay, trong trương mục ngân hàng thay đổi chút chút. Cũng như gió vào nhà trống, niềm vui len lén đến, rồi rón rén đi, không trống, không kèn.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Toàn tỉnh có tới 400 người chết trong tuần, tôi quen biết với 2.

Một là thông gia gốc Đông Âu. Phần bản lãnh của ông thì không ai nói vì những thất bát của đời ông cộm quá, chúng lại là bên thắng cuộc. Gọi là tương lân, tôi đoán ông thèm bia rượu thuốc lá trong những ngày tháng cấm đoán của bệnh viện, của phổi hụt hơi, của họng đơ cứng. Con ông kể ông vẫn giữ được máu khôi hài trong những thì thào cuối.

Tiển ông tôi sém thẩy xuống huyệt gói thuốc mới rút một điếu, châm được trong trời xám, ẩm, âm mấy độ, gió giật buốt cở âm 10, lẻ loi không có đồng hành.
(more…)

R.K. Narayan
Phạm Đức Thân dịch từ nguyên tác Trail of the Green Blazer của tác giả

R.K. Narayan (1906-2001) là nhà văn Ấn Độ hiện đại (viết truyện English) nổi tiếng nhât cùng với M. R. Anand và R. Rao. Tốt nghiệp đại học 1930, ông đi dạy có 5 ngày, bỏ ngang, chuyển sang viết văn. Nhưng lận đận mãi đến khi nhờ Graham Greene giúp đỡ mới in được tác phẩm đầu tay Swami and Friends (1935). Sau đó ông nổi tiếng, được S. Maugham, J. Updike… ngưỡng mộ, cũng như được nhiều giải thưởng. Năm 1982 là tác giả Ấn đầu tiên được làm hội viên danh dự của American Academy of Arts and Letters.

Các truyện ông diễn ra trong bối cảnh là thành phố tưởng tương Malgudi, mô tả những đặc thù của liên hệ con người, các trớ trêu của đời thường ở Ấn, cho thấy tồn tại của đô thị hiện đại đụng chạm đến truyền thống cổ xưa. Phong cách đơn giản, nhẹ nhàng, dí dỏm. Ông thường được ví với N. Gogol, A. Chekhov, O. Henry… cũng như với W. Faulkner (cùng tạo thành phố tưởng tượng, khám phá cái năng lực của đời thường một cách dí dỏm, nhân tình) và G. de Maupassant (cùng có tài cô đọng thuât sự trong truyện ngắn).
(more…)

Hoàng Quân

Chuyện hoa

Thuở còn là tình nhân, chàng chạy xe mấy trăm cây số đến thăm nàng. Chàng đem tặng nàng một cành hoa. Chỉ hoa thôi, không có lá. Thật ra, nàng thấy hoa giống cái lá màu đỏ. Hình như nàng chưa thấy loài hoa này bao giờ. Chàng nói:

– Anh chọn hoa này vì cô hàng hoa bảo hoa này lâu tàn và… Chàng cười cười – Giá cũng phải chăng.

Dạo ấy chưa có Google, nên nàng phải “truy cập” thông tin ngoài chợ. Đảo qua nhiều hàng tiệm, cuối cùng nàng biết, đó là Anthurium. Mãi sau này, tình cờ đọc trong tờ báo Việt, nàng mới nghe thêm tên Việt của hoa: hồng sơn môn.
(more…)

Dị tật

Posted: 08/01/2021 in Truyện Ngắn, Đỗ Trường

Đỗ Trường

Đã gần chín giờ, vậy mà trời vẫn còn mù sương. Cái rét kéo dài từ lễ Giáng sinh vắt qua tháng ba, vẫn như những mũi kim chích vào da thịt người. Lác đác vẫn còn những chiếc xe hàng đến muộn bật cả đèn gầm, lẫn pha vén màn sương lầm lũi vào sân. Chợ trời tuần họp một buổi bắt đầu nhộn nhịp, làm cái thị trấn miền núi này chợt tỉnh giấc. Tôi dựng ô, và bày hàng xong, vừa hơ hai bàn tay lạnh cứng vào cái lò sưởi Gas, chợt có tiếng chân người rượt đuổi nhau vòng sau lưng. Tôi ngơ ngác đứng dậy, thì nghe tiếng chửi:

– Đ.m, cái thằng tinh trùng dị tật.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi


Cup of Coffee
Lutz Baar

Thể chất không xếp loại “ĐSK” (hồi trước Trung tâm nhập ngũ khám xong mà đóng dấu này là Đời Sẽ Khổ, nghĩa tếu của Đủ Sức Khỏe), nhưng bù lại tôi được ba cái tốt: không biết nhức đầu, đau lưng, đái đêm là gì. Thiên hạ ganh tỵ hết biết…Còn ngủ thì một giấc tới sáng, đã không?

Người trong nhà mới biết cái ngủ suốt đó đầy mộng mị, vì mớ, la, thậm chí khóc và xoay trở quằn quại; nhìn mền gối buổi sáng như một bãi chiến trường, ai sống sót là may.
(more…)

Trần Quang Thiệu

Chiều thứ Hai đi làm về Bill nhận được lá thư của gia-đình từ Việt-Nam. Vừa bóc thư Bill vừa lầm bầm:

– Không biết kỳ này ông già lại ca bản gì nữa đây.

Những hàng chữ viết nắn nót trên tờ giấy mỏng như đập vào mắt Bill:

Bân con,

Bố suy nghĩ mãi rồi mới viết lá thư này trong lúc buồn buồn nhớ tới các con. Bố đặt tên con là ‘Bân’, chữ ‘Bân’ (斌) có nghĩa là ‘lịch thiệp’ và có chữ ‘Văn’ đứng cạnh vì bố hằng mong mai sau lớn lên con sẽ theo con đường văn chương, làm rạng danh dòng họ Nguyễn Hữu, một giấc mơ mà bố ôm ấp nhưng biết đời mình không thể đạt thành.
(more…)

Hoàng Quân


Hình minh họa Nguyễn Đức Tuấn Đạt

À à ơi tiếng ru muôn đời… (1)

Đám bạn đồng nghiệp lao xao hỏi nhau, có nên đi Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ chăng. Ban đầu, nhận được thư mời đi dự hội nghị nhân viên tài chánh của hãng, ai nấy vui như hội. Ba ngày sẽ họp hành liên miên. Nhưng buổi tối, sẽ có những màn tiệc tùng chiêu đãi rất xôm tụ. Trước khi đi một tuần, tình hình an ninh của Istanbul có nhiều biến động, do cuộc họp của Khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Có những biểu tình phản đối, có xô xát đụng độ giữa cảnh sát và các nhóm quá khích. Hội đồng quản trị của hãng thông báo gấp, nếu nhân viên nào cảm thấy không yên tâm, có thể hủy chuyến đi, mặc dù cuộc hội nghị mang ý nghĩa quan trọng cho tất cả thành viên.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Giờ bận rộn buổi sáng của cantin xong, chỉ còn vài lao động trại ngồi phì phèo. Tứ khoá ngăn kéo, bước ra ngoài hút thuốc, nhìn mông lung. Toàn trại không thấy bóng người. Trại không có cây lớn, mương chia từng khu, từng khu lán. Đằng xa kia, sân hai bên có hai con gà. Tư vừa trở lại quầy, tính mở ngăn kéo. Hai công an bảo vệ trại xộc vô, một người nói to với Tư:

– Tư, bàn giao tiền bạc. Đi làm việc.

– Cái gì dữ dzậy mấy anh! Giỡn phải hôn?
(more…)

O. Henry
Đinh Yên Thảo dịch từ nguyên tác The Gift of the Magi của tác giả.

Một đồng tám mươi bảy. Chỉ chừng đó thôi. Và hết sáu mươi xu là những đồng bạc cắc. Từng đồng xu một, chắt mót mỗi lần mua rau, mua thịt. Della đếm lại ba lần. Một đồng tám mươi bảy. Và ngày mai đã là lễ Giáng Sinh.

Della ngồi phịch xuống chiếc ghế bành cũ kỹ mà sụt sùi, ngẫm nghĩ về đời sống với những nụ cười và tiếng thổn thức ngự trị trong mỗi người mà tiếng thổn thức bao giờ cũng bao trùm. Nhưng hãy để nàng ngồi đó mà nhìn lướt qua căn nhà. Ðó là căn nhà trọ tồi tàn thuê tám đồng một tuần. Không phải để than khổ, nhưng đó là từ ngữ để diễn tả chính xác cảnh ăn mày. Ngoài cửa gắn hộp thư không có thư gởi và chuông điện chẳng ai bấm kêu. Phía dưới gắn thêm bảng tên “Ngài James Dillingham Young” mà chữ lót “Dillingham” đã bị gió thổi đi bay theo cái thời thịnh vượng mà chủ nhân của nó còn lãnh được ba chục đồng mỗi tuần. Còn bây giờ trông nó nhạt nhòa thảm hại theo mức lương chỉ còn hai chục đồng. Nhưng bất cứ khi nào “Ông James Dillingham Young” đi làm về nơi anh được gọi âu yếm bằng “Jim” và được bà chủ nhà là “Bà James Dillingham Young”, mà ta đã biết là Della, ôm hôn, thì nói chung mọi chuyện đều rất tốt đẹp.
(more…)

Ngọc Ánh

Từng tuổi này viết một lá thư cho người yêu cũ. Đối với tôi không phải là chuyện dễ dàng, biết viết cái gì bây giờ? Chuyện xảy ra giữa tôi và em cũng lâu quá rồi, hơn nữa thế kỷ trước.

Tôi học Văn Khoa, em học Dược, tôi sinh viên nghèo, em tiểu thư danh giá, hai đứa gặp nhau trong thư viện, tôi không tin tiếng sét ái tình nhưng đó là chuyện có thật. “Yêu em hồi nào mà tôi không hay.”
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Nhà thờ Thánh Vinh Sơn nằm bên kia cống Mỹ Lợi, đường đi Tây Lộc. Trong non hai trăm học trò trường này, hình như chỉ có mình tui là bên lương. Tui biết mình không phải bên giáo khi trong thánh lễ, mấy đứa bạn thì lên sắp hàng rước bánh thánh, tụi nó nghiêm trang dằn tui ngồi yên; dù tui quỳ, làm dấu và thuộc kinh không thua ai. Tui còn là học trò cưng nhất của Xơ!

Tụi tui nhà ở xa, tuốt bên Khu Canh Nông. Đi một mạch cũng hơn tiếng, vừa đi vừa chơi thì cả buổi. Được cái ba mạ nhà mô cũng đằm, cứ kệ; trễ lắm mới có người đội nón đi tìm con. Đầu tụi tui là đầu vịt, răn đe cho dữ cũng như xối nước cho mát thôi.
(more…)

Hoàng Quân


Soi bóng
Tranh Hoàng Thanh Tâm

Càng cay

Xong đại học, tôi ngoài 35 tuổi. Như trúng số độc đắc, tôi nhận việc ở tổng hành dinh của một ngân hàng lớn trên nước Đức. Sếp cũng như đồng nghiệp, ngỡ tôi cùng tuổi với sinh viên (bình thường) mới ra trường, tức là ngấp nghé 25 tuổi. Bởi thế, họ chăm sóc tôi theo hàng con cháu. Tuổi không trẻ, tài không cao, là người Á châu duy nhất trong nhóm, tôi rét, đi đứng khép nép. Đồng nghiệp hướng dẫn điều gì, tôi ghi chép cẩn thận. Tôi để ý, bà Becker trong nhóm rất có uy. Tiếng nói của bà nặng ký lắm, có gang, có thép hẳn hoi. Nghe đâu, bà là dân kỳ cựu, chung vai, sát cánh với ngân hàng gần ba chục năm. Vì vậy, lúc nào được bà dạy dỗ, tôi nhất nhất khắc cốt, ghi tâm. Việc gì bà chỉ bảo tôi làm, sếp yên tâm, chẳng cần phải bới lông tìm vết. Sau vài tháng tôi gia nhập Phòng Tín Dụng Quốc Tế, tôi được dự sinh nhật của bà. Bà tròn năm mươi tuổi. Sếp nhỏ, sếp lớn đến chúc tụng. Mọi người cười nói vui vẻ, je oller, desto doller, càng già, càng gân.
(more…)

Ngự Thuyết


Dalat Nostalgia
dinhcuong

Xuống xe tắc-xi đi thêm mấy bước, rời con đường nhựa, ông quẹo trái. Con đường vào khu nhà Thuỷ Tạ hơi nghiêng, lát đá hơi gồ ghề, ông cẩn thận đi chầm chậm từng bước một. Chân yếu, đi đến những nơi lạ, ông thường mang theo cây gậy. Lần này ông quên.

Buổi sáng đầu mùa Đông lạnh. Nhà hàng vắng. Chỉ có một nhóm thanh niên nam nữ đang quây quần quanh một chiếc bàn tròn cuối một dãy bàn ghế ở ngoài trời bên trên có mái che nhưng không có vách tường. Những phòng bên trong ấm cúng, có máy sưởi, thì lại không có một người khách nào. Dù trời lạnh, ông cũng chọn một chiếc bàn ở ngoài trời nhưng cách xa đám thanh niên đó. Ông muốn có tầm nhìn khoáng đãng. Ông muốn tìm lại vài hình ảnh cũ. của cái Nhà Thủy Tạ này. Của cái khung cảnh chung quanh này. Vào cái thời kỳ còn trẻ trung, lãng mạn trong cuộc sống ngày càng phiền toái của ông.
(more…)

Lê Quang Thông

Bấy giờ vào khoảng một vài tháng trước khi vào năm học mới 1975-1976. Cả trường đang rộn ràng thi đua lập thành tích chào mừng năm học đầu tiên sau ngày giải phóng, như nội dung tấm băng giăng ngang cổng.

Lập thành tích bao gồm nhiều việc, tuỳ theo sáng kiến của từng lớp. Loanh quanh có những chuyện vệ sinh phòng ốc, trồng hoa trước phòng học, đi tràm trên núi Truồi về nấu dầu… Nói chung có một lớp làm là các lớp khác làm theo. Sáng kiến chết yểu, nhưng không sao, lại biến thành phong trào.

Không khí cuối năm học 74-75 hay đúng ra cuối năm không học, thay vì rộn ràng tổng kết, liên hoan chia tay nghỉ hè, lại rầm rập quang gánh, cuốc xẻng lao vào lao động.
(more…)

Hoàng Quân


Hình minh họa Nguyễn Đức Tuấn Đạt

Bạn học của Mẹ gặp Bê lần đầu, cười, nói với Mẹ:

– Thấy thằng Bê, khỏi hỏi, biết ba nó là ai liền.

Người bạn khác tiếp lời:

– Nghe Bê nói một câu, cũng biết đích thị mẹ nó là ai.

Bê đã học giọng Huế từ khi còn trong bụng Mẹ. Mẹ đã ru Bê bằng những bài học thuộc lòng khi Mẹ ở tiểu học:

Trường em xây ở ven sông
Bóng in đáy nước, nhòa trong cát vàng.
Xưa đây là bãi cỏ hoang,
Nay ngôi trường đẹp với hàng cây xanh


(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Từ đường cái mới lái vô, thấy khu nhà liên kế, mấy ngõ qua lại thước thợ, những chỗ đậu xe riêng trước từng nhà, Niên tưởng mình lạc. Chưa biết tính sao thì may khi quá đường ngang cuối thấy bảng xây gạch tên “Manorcare” nhô lên bên kia dốc. Thì ra nhà dưỡng lão nằm khuất sau khu gia cư kia. Trên dốc nhìn xuống có vườn hoa cảnh, đây đó mấy băng ghế; nhìn phía trong là cửa chính, lái xuôi dốc vòng sâu qua phải là bãi đậu xe, rộng, bao ra phía sau khu nhà.

Đi bộ ngược ra, Niên không vô thẳng cửa, ngồi xuống băng đá đặt lưng chừng dưới dốc, khoảng giữa cổng và cửa, châm thuốc.
(more…)

Hoàng Quân


Hình minh họa Đỗ Tuấn Huy

Stefan thao thao, say sưa dệt mộng:

– Hãng sản xuất bia này đang phát triển với tốc độ kinh hồn. Năm kia, họ chiếm 15% thị phần nội địa. Sau hai năm họ đã đạt đến 35%. Ngân hàng mình nhận được thương vụ này là bước một bước thật dài vào thị trường Thái Lan. Khu vực Á Châu tụi mình xem như ăn ngon ngủ yên. Không cuống cuồng lo đạt được những con số đã đưa ra. Chẳng cần phải làm ăn với đám khách hàng èo uột của Nam Dương. Khỏi phải quỵ lụy những công ty kênh kiệu của Mã Lai…

Ông xếp Peter quét mắt một vòng đám nhân viên:

– Sao, các vị khác nghĩ thế nào?

Daniel gật gù:

– Ngon quá đi chứ. Mối sộp như vậy, đâu dễ gì gặp hoài.

Rolf tiếp lời:

– Tụi tôi có lời khen Stefan đó. Anh đúng là con gà đẻ trứng vàng cho nhóm Á châu tụi mình.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Bác gái tôi dẫn hai đứa tới chiếc xe đò đề chữ “Nha Trang – Ba Ngòi”. Anh lơ xe vồn vã chào đón, bác tôi nhìn người ta ngồi đầy xe. Anh lơ luôn miệng nói “còn chỗ mà… có ba chỗ tốt cho bà ở hàng trên”. Anh mở cánh cửa của hàng ghế nệm thứ ba, cũng là hàng ghế ngang cuối cùng, phía sau đó là khoang xe có hai ghế gỗ dọc hai bên. Anh la những người kia “ép dzô, ép dzô”. Họ nhìn bác tôi rồi dồn nhau về bên phải. Bác tôi lên trước, anh Hòa lên theo, tới tôi thì rõ ràng là không còn đủ chỗ, dù tôi ốm nhách.

Anh lơ lướt qua sự ước lượng sai của mình, đề nghị liền “hay em ra trước đứng sau lưng tài xế”, nhìn cái giò khẳng khiu của tôi, anh xoay “hay em ra phía sau, có ghế ngồi đàng hoàng”. Bác gái nhìn ra sau, không nói gì; anh tôi ngơ ngác. Tôi lui xuống, đi vòng đầu xe; anh lơ bước theo, mở cửa trước bên phải cho tôi leo lên, chỉ chỗ cho tôi đứng. Chỗ ấy sát bên lưng ghế tài xế, ngay sau cần số; không vướng bận ai, có một cột sắt để vịn rất tiện nghi.
(more…)

Trần Mộng Tú

Anh bước vào giai đoạn lú lẫn (Alzheimer) ở cuối đời. Mấy năm nay anh đã thay đổi rất nhiều. Bắt đầu anh quên quên nhớ nhớ, tiếp đến là anh dễ xúc động, anh hay khóc. Mấy năm trước, nghe cô bạn đọc Thơ của anh, anh cười, anh nhớ lại, đọc tiếp theo, chỉ độ một năm sau đó, anh không đọc theo nữa, anh chỉ nghiêng đầu lắng nghe, rồi bật khóc.

Hình như anh biết được người kia vừa nói ra những câu gì rất thân yêu, rất thân thuộc với mình và điều đó làm anh xúc động, anh khóc rưng rức.

Chị lại nhỏ nhẹ dỗ anh:

– Nín đi, nín đi, Thơ của anh, cô ấy nhớ đấy mà, phải vui chứ.

Anh nghe chị, ngoan như em bé, lau nước mắt, bằng mấy ngón tay, rồi cười, một nụ cười rất thơ trẻ.
(more…)

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

Sống ở Bắc Mỹ lái xe nhiều. Hàng ngày từ nửa tiếng tới có khi 3 tiếng hoặc hơn để làm ăn. Lại còn những chuyến đi xa, năm mười tiếng lái một mình hay đổi tài để chạy thâu đêm suốt sáng, một hay vài ngày. Xa lộ chằng chịt, thênh thang; đất trời bao la, cảnh trí hùng vĩ; một ngày đàng một sàng khôn; du hành thích thú nhưng có thể cầm chắc là ai cũng đều cảm thấy thân thuộc, an tâm, khi xe về lại gần thành phố, vùng mình sinh sống, người ta có cảm tưởng như về quê. Ngựa bon chân mỏi chứ quê quán gì. Quê quán thường là chỗ khác.
(more…)

Hoàng Quân


Khung Cửa Hẹp – Tranh Hoàng Thanh Tâm

“Cơ cấu tổ chức” trong bếp gia đình anh chị có vài thay đổi từ khi chính phủ ban hành những biện pháp phòng ngừa bệnh dịch. Trước đây, chị thường đi làm về trễ. Bởi thế, anh đảm trách khâu nấu nướng. Chị lo bày bàn và dọn dẹp. Bây giờ, cả hai vợ chồng cùng đóng đô ở nhà. Cho nên, chị chuyển sang bầu bạn với ông Táo.

Chiều nay, trong khi chị bận rộn bên bếp, anh bày chén đũa ra bàn. Chị đặt dĩa rau xào xuống. Liếc qua hai cái chén anh dọn sẵn, một trắng, một xanh. Chị nghĩ, con cái đã ra riêng, nhà giờ chỉ còn chóc ngóc hai vợ chồng. Làm gì, cũng cố gắng giống nhau, cho ra vẻ… sắt cầm hảo hợp. Chị đổi chén, để cặp chén… đẹp đôi. Anh hỏi trổng:

– Sao vậy?
(more…)

Phạm Thành Châu

Vừa rồi, chúng tôi, những người bạn chí thân từ thời còn đi học ở Việt Nam trước 1975, rủ nhau qua Canada thăm mấy ông bạn khác. Chúng tôi đến thành phố Montreal vào mùa hè nên không lạnh lắm. Ở Mỹ hay Canada, nhà cửa, cách sinh hoạt không khác nhau mấy. Và việc đi thăm bạn bè thì cũng chẳng có gì đáng kể ra đây nếu không có một câu chuyện, mà nếu bạn nghe được, chắc cũng sẽ ngạc nhiên, đặt nhiều câu hỏi. Chuyện hơi dài dòng, xin bạn kiên nhẫn.

Chúng tôi gồm ba cặp vợ chồng, được gia đình người bạn tiếp đón rất thân tình. Ông ta còn gọi các bạn khác ở gần đó, kéo đến, nên buổi họp mặt thật đông vui. Khi bữa cơm gia đình đã mãn, các bà lo dọn dẹp chén bát để pha trà và các ông đang chuyện trò sôi nổi, thì ông bạn chủ nhà đổi đề tài:

“Có một chuyện thực, xảy ra ở Việt Nam, khoảng năm 1982. Một chuyện kỳ lạ mà bà chị tôi vừa là người trong cuộc vừa là nhân chứng. Lúc còn ở Việt Nam, chị tôi dấu kín vì sợ đến tai công an thì sẽ bị tra hỏi, có thể bị tù cũng nên. Nay chị tôi đến xứ tự do, sẽ kể thoải mái. Trong câu chuyện, có gì thắc mắc, xin cứ hỏi chị tôi.”
(more…)