Archive for the ‘Hồ Đình Nghiêm’ Category

Hồ Đình Nghiêm


The writer garden
Kathleen Elsey

Thưa ông Chủ bút,

Đây là lá thư thứ hai tôi gửi tới ông. Tôi có xem qua mục trả lời thư tín đăng trong số báo vừa rồi, có một người tên viết tắc là N.B được ông nhắn cho vài dòng: “Truyện khá lắm, có điều hơi ngắn. Cố viết dài hơn, may ra thành công”. Chắc những dòng chữ này không dành riêng cho tôi? Một lá thư khó mà được xem như một cái truyện ngắn dù được nhìn đọc dưới mắt một người dễ tính. Và tôi tin, người bận lo trăm công nghìn chuyện như ông, một chủ bút thì khó lòng làm chu toàn hết mọi việc. Bức thư kia ông không đọc tới? Hoặc ông thấy chẳng có gì quan trọng để đáng phải hồi âm, làm mất thời giờ và tốn một khoảnh “đất” trên trang báo? Tôi còn nhiều dấu hỏi khác, nhưng không hiểu sao tôi đã dẹp bỏ hết mọi hoài nghi để viết thêm một lá thư nữa cho ông.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Nếu bị sờ gáy, dẫn về đồn, Võ Nguyễn Khát không biết viết lời khai như nào tới mối liên hệ với Phạm Tam Bạc. Người ta sẽ nghi Khát đặt điều, thêu dệt. Đành rằng chuyện cổ tích thì bao giờ cũng hoang đường, nhưng thời buổi này… Đừng nóng, thằng Khát xin thề nói láo hộc máu. Khát này là người bà con thực thụ với Bạc mà! Lật gia phả ra, đốt đuốc năm canh truy tầm lý lịch ba đời mà làm gì khi quê hương liền lạc đã lâu. Nam Bắc một nhà, đừng vu oan Khát thấy nhà sang bắt quàng làm họ.

Hồ Văn Mơ, còn được gọi là cậu Mơ Hồ trách Khát quá lo xa, đại ca đã liệu đường đi nước bước rồi, cứ vô tư thư giãn đi nhá, đời có bao lăm mà trông trước ngó sau. Văn Mơ là tài xế riêng của thủ trưởng Tam Bạc, người Khát chẳng khoan nhượng gọi bằng chú. Và ổng bận chút công chuyện ở cơ quan, đại ca sai tớ đi đón đằng ấy. Trước đó hai chục phút, Hồ Văn Mơ gọi vào di động của Khát: Ra tới rồi à? Hiện ở đâu? Khát giả nhời: Đang đứng ở trường chuyên Trần Phú ấy. Oai, làm thế quái nào mà lạc trôi tới chốn đó, hở ông tướng? Ơ, có người đẹp dắt đi tham quan thôi. Có xa xôi cách trở trái đường không? Ở yên đấy, tớ tới ngay. Hai mươi hai phút, ô tô con mang biển số đầu 15 A sờ tới. Nhanh nhỉ? Đường sá chẳng bị ùn tắc nhỉ? Phố phường cũng bé nhỏ thông thoáng nhẩy?
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Hết, chết trước Tết

quê mình có hồ tĩnh tâm
bữa về ai ngờ chết câm
bên ao nước bùn lâm râm
đạn trổ buồng tim máu đào
viên chì cố tình nước lã
thiếu uý đặc công tác xạ
hình như nghiệp vụ quen tay?
vãi vu vơ cắm hồng tâm
ngọt không lời trăn trối
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Giáng Sinh còn xa, người ta đã ham vui sớm. Một vài ngả tư, trong thương xá chộn rộn, có kẻ nhập vai ông già Noel, tay thỉnh thoảng rung chuông nhỏ, miệng lâu lâu phát tiếng cười hô hô hô. Con trẻ đa số đều nhìn mê đắm, có bà mẹ bồng con lại gần xin chụp ảnh chung thì đứa mười mấy tháng tuổi nằm trước ngực mẹ an ổn kia liền dong tay phản đối, cựa mình khóc thét lên, ba phần thất kinh bảy phần khiếp vía. Mẹ đành đỏ mặt ẵm tiếng khóc khôn nguôi nọ đi xa khỏi hiện trường. Khóc tới độ ngứa cổ phát ho.

Ho đội mũ thành hô. Hô thêm dấu huyền thành hồ. Hồ tới sông, sông ra biển, cũng là thuỷ nhưng có phận nhỏ, nước vừa rồi nước lớn. Phẳng lặng đến lao xao xong chuyển đổi thành sóng gào bất tận đêm ngày. Hồ cũng là danh xưng của một họ (ho thêm dấu nặng). Họ Hồ chẳng mấy nhiều, không phổ thông như Nguyễn Trần Lê Phan… và bị lắm người “ghét ra mặt”. Mình mang ho tới hô rồi hồ, may kết giao bằng hữu chưa thấy ai chê bai. Bạn bè có khi chỉ đùa nghịch gọi “ê chú Hồ kia”. Chú nhỏ thua bác, chú này như kiểu chú em. Mấy bạn trẻ tuổi dùng chữ chú thì chuẩn mực khi phân định ra vai vế, vậy chứ nhiều lúc mình cũng muốn phân trần “xin đừng gọi anh bằng chú”. Có cô nghe lời, đổi cách xưng hô: Anh Hồ! Cô bạn đẹp gái này mang tên Hồng Minh.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

1.
Trước tiên, họ cử người đi tìm Beo. Họ có ảnh Beo và thu thập các sinh hoạt cá nhân của đứa thanh niên 22 tuổi được lấy ra từ laptop của Sóc. Một chi tiết nằm trong bài thơ mới nhất của Sóc khiến cảnh sát quan tâm: Vẽ ra, gợi tới một cánh rừng mở lối cho đôi nhân tình nắm tay vào tự cưỡng chống những oan khuất. Giả thiết đặt ra, dưới mắt nhìn của bạn dân: Chúng vào rừng tự tử.

Tấm bản đồ thành phố được trải rộng, một vùng đất cao gần như bỏ hoang nằm hướng tây bắc được ghim ngay một cây kim đỏ. Theo lời khai từ phía gia đình, Sóc mất tích đã hai hôm, họ xin phép được vào phòng Sóc, mọi vật ngăn nắp chừng như y nguyên. Sóc chẳng mang theo người một thứ gì cả, cái túi đeo vai, thứ mà con gái luôn không quên khi có việc đi ra ngoài vẫn nằm gần cửa. Trên bàn, vuông bạc MacBook Air đặt ngay ngắn và nó trở thành đầu mối duy nhất hòng khai mở được ít nhiều tin tức. Một chuyên viên giỏi về điện toán mất chừng mười phút đã tìm ra được password để vào lùng sục thế giới riêng tư của chủ nhân, họ xem lướt những trang thơ của Sóc, những trao đổi với bạn trai và do vậy họ tình nghi Beo.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Như đa số các căn nhà ẩn mình trong Thành Nội, gia cư Mít có sân trước có vườn sau. Nhà nằm trong kiệt, lối đi nhỏ, hai bên trồng dãy chè tàu thế hàng rào, đôi chỗ có chen cài cây dâm bụt đang nở bông màu đỏ làm vui mắt. Ve kêu vang rân mùa hè, cóc nhái ễnh ương đay nghiến năm canh mùa đông. Hai mùa cứ thế vận hành trôi, dấu chân để lại trên mái ngói đầy rêu xanh và vách tường phải quét lớp vôi mới mỗi độ xuân về.

Mít học lớp đệ Lục trường Nữ trung học Thành Nội. Trình độ ngang nhau, có điều tôi thì học ở trường Hàm Nghi do bởi phân chia rạch ròi chuyện “nam nữ thọ thọ bất tương thân”. Lục Vân Tiên (?) cũng có nói: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai”. Nhà tôi cuối kiệt mà nhà Mít nằm đầu đường, khoảng giữa lọt thỏm căn nhà có treo tấm bảng “coi chừng chó dữ”. Bộ hành đi bên ngoài có rón rén cách mấy cũng bị nghe phải tiếng sủa đột ngột, đe doạ thêm giọng gầm gừ như kiểu nó đang nhe nanh. Ở Huế ưa dùng chữ “không có răng mô” thì nên xét lại giùm cái kẻo có ngày sẽ bị chó cắn. Răng lởm chởm hai hàng, răng lại nói không có răng. Rứa lỡ hắn cắn tui thì o biết tính làm răng?
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Nếu một ngày có hai mươi bốn giờ thì trong cơ thể em cũng nhốt đủ hai mươi bốn cái xương sườn. Một ngày kia, có thể gọi là giờ thứ hai mươi lăm, em gặp phải tai nạn làm gãy mất một cái xương sườn. Vào bệnh viện, chụp quang tuyến X và người ta ra tay giải phẫu, thò tay vào chỗ hóc hiểm để bắt tạm cho em một con vít bằng kim loại, hy vọng đôi ba tháng sau em thôi ca cẩm hát hò bản nhạc “chuyện một chiếc cầu đã gãy”.

Gọi giờ thứ 25 là vì nó đi ra ngoài dự kiến, nó đột ngột hiện tới gây ra bao thảm cảnh nằm mộng cũng chẳng ngờ. Cái iPhone của em văng ra khỏi hiện trường đến bốn thước, va vào lề đường trầy trụa, mặt kính rạn nứt, tuy vậy cảm ứng bén nhạy có ở màn hình chưa mất đi. Một người tốt bụng đã nhặt lên, có thể bà dùng nó để thử bấm số 911 trước tiên. Đang trong sở làm, anh buộc phải ngừng tay để trả lời một cuộc gọi thất thường xuất phát từ phía em nhưng vang bên tai là một giọng nói lạ, ngập ngừng, bối rối. Anh nhìn đồng hồ, còn hơn tiếng nữa mới khép một ngày cày bừa, tuy nhiên anh đã đến gặp thằng cai: Việc bất khả kháng, tao đành phải dông thôi. Ừ, có ở lại cũng đâu còn lòng dạ mà tập trung với công việc, hy vọng bạn ấy không đến nỗi nào, chúc may mắn.
(more…)

Té và rơi

Posted: 08/11/2019 in Hồ Đình Nghiêm, Thơ

Hồ Đình Nghiêm

Té và rơi là hai động từ
chết tới bị thương, không tránh khỏi
dân đen hay cán bộ thường gặp phải
chẳng ai biết cớ gì, tại sao, vì răng
những dấu hỏi luôn hiện ra, quen thuộc
thét đâm lờn, hỏi đầu gối đâu biết trả lời
đang đi khi không tự té
hắn chết vì sơ ý đập mặt vào dùi cui
phó giám đốc ông tiến sĩ này nọ
công tác lầu cao tầng ma đưa lối quỉ bày đường
hốt nhiên làm sầu riêng rụng sau vườn lịch bịch  (more…)

Hồ Đình Nghiêm

Đạm Hạnh gửi thân vào chùa đã hơn mười mùa lũ lụt. Thập niên quét lá ngoài sân, lau chùi vệ sinh ở chánh điện, rót nước dâng hương và canh giữ thùng phước sương nghiêm ngặt, nói chung là làm việc lặt vặt, linh tinh, nhàn nhã. Đêm về, lui hậu liêu gõ mõ tụng kinh qua loa rồi lăn đùng ra chiếu ngủ say. Mười năm trời vô tư vô số tội chưa thông ngộ ra một điều gì cả, lòng hoài nghi và không hiểu cớ sao kinh sách lại có câu “Ta không vào địa ngục thì ai vào?” Thiên đường, địa ngục, ngoài kia bá tánh vẫn kêu trời. Hai cảnh giới đối cực kia sao mãi nhập nhằng, kẻ nói này người nói nọ. Ông nói “đất nước này đáng sống nhất hành tinh”. Bà la “địa ngục đấy, chết đi mày”!
(more…)

Hồ Đình Nghiêm


Thiếu nữ quàng khăn
Đinh Trường Chinh

Nhà mình không nuôi chó, mình thì không giỏi đánh hơi, nhưng trưa đó, do linh tính, qua cửa sổ, mình đứng ngó, ngoài hàng rào, hình như có ai lấp ló. Trời lặng gió, sao mấy nụ hoa dâm bụt đỏ lại lay động? A, một o con gái, thậm thụt dậm cẳng kiểu tiến thoái lưỡng nan. Nắng chan chan, dâm bụt hắt màu đỏ lên mặt o, đôi mắt to, có vẻ đang lo. Mình tròng áo sơ-mi vô một nửa người đang khoả thân. Gọn bân, xong bước ra sân.

– Xin lỗi anh, có anh Cu nơi không?

– Cu chi? Nhà tui có năm cu lận. Cu Phúc, cu Lộc, cu Thọ, cu Thành, cu Đạt.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Cuối cùng thì tôi cũng chụp hết cuốn phim 24 poses. Thành phố này có nhiều khu phố cổ, kiến trúc lạ. Những con đường hẹp lát đá, những khúc quành uốn lượn khuất lấp, những ngã rẽ bày ra một bố cục đẹp bất ngờ, nhiều khoảng tối giao hòa với từng vạt ánh sáng; sự cân xứng và cái không cân bằng ở vài chỗ làm khung cảnh mang nét quyến rũ lạ thường. Bên chỗ tôi trú ngụ hoàn toàn khác, đó là những hộp vuông vô cảm đứng sát nhau; đồng điệu, tẻ nhạt. Người ta tất bật phóng xe đi làm, lên xuống con đường thẳng tắp và nếu có rỗi trí trong một đầu óc đầy chật cả toan tính, người ta chợt buồn rầu để nhận ra: Có thể mình đang biến dần thành một con robot?
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Tôi gửi tới anh bài thơ, anh không hiển thị. Tôi chuyển cho chị một truyện, chị nói lu bu công chuyện… không đăng. Tôi chẳng hiểu vì răng, chắc tại mình là thằng cha căng chú kiết. Nhưng không vì rứa mà tôi bỏ viết. Cứ mải miết gò lưng, riết cũng nguôi ngoai.

Đọc báo ngày xưa nhắc tới thành phần “dân anh chị”. Sợ lắm! Xử chuyện gì sai bầy em út đi dằn mặt, máu me. Đã nhắn nhe sao nói hổng nghe? Đưa đầu trần biết lấy gì che? Khôn hồn thì liệu sức mà xéo, tay làm dấu chéo lập thệ đường xưa em tránh đi. May thay giữa đường đời muôn vạn nẻo có lối châm chước du di, tôi gửi bài vô tựa về một trang mạng vô danh, đọc thấy đôi ba dòng đồng thanh phản hồi. Ôi, một thanh gươm phải cần tới vỏ bọc, thì tâm sự này phải được sẻ chia. Hậu vận tôi bỏ anh, xa chị tìm đến) với EM, tôi rót cảm động vào lòng rộng, thưa rằng chính em là người cứu bồ. Tôi cần học về bao điều khó hiểu để thồ chữ nghĩa, chừng nào em mỏi mệt thì nhớ dong tay giã từ. Vui thôi mà, em nói, thơ văn việc chi phải gồng mình đong đếm cân đo toan tính thiệt hơn!
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Nhà Mùi chẳng thuộc loại lớn rộng tường cao kín cổng. Hình dáng nó tựa một cái hộp hình chữ nhật thấp té nằm chỏng chơ giữa vuông đất đầy cỏ cháy. Chốn đây thì chán khối, mọc la liệt những cái hộp thường thường bậc trung kiểu ấy, khắp hang cùng ngõ hẹp. Ai sao ta vậy. Mùi kể, mặt tỉnh như ruồi khi phân bua: Nhà mình trước đây “hoành tráng” lắm cơ, nhưng cơn bão “thế kỷ” dạo đó đi ngang và rồi mọi thứ trở thành bình địa. Mình sống sót, mình đứng giữa tan tành với ý nghĩ vật đi thay người. Rồi mình cắc cớ nhớ lại chuyện cổ kể về một tay đại đế: “Hãy chôn tôi xuống đất nhưng chừa hai bàn tay lại, như vậy bọn chúng sẽ thấy là khi chết tôi nào có mang theo được thứ gì đâu!”.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Vào đôi ba thế kỷ trước, ở trời Tây ông Alexandre Dumas (con) khuyên nhủ bọn viết văn làm thơ: “Mỗi ngày nên đi bộ chừng hai giờ, mỗi đêm ngủ bảy tiếng. Ngủ một mình thôi nhé, hễ thức thì dậy liền, chớ nằm nán. Đói mới ăn, khát mới uống. Ăn uống phải từ tốn chậm rãi. Nếu hai mươi tuổi trở xuống chớ gần đàn bà, trên bốn chục cũng nên lánh xa phụ nữ…”

Để làm sáng tỏ, Charles Braibant bàn thêm: “Phải tránh ốm đau, nếu đau thì dưỡng bệnh ở đâu? An dưỡng đường thì dành cho mọi người lao động đủ mọi ngành nghề, trừ nhà văn và nghệ sĩ. Cũng tránh đừng phải chết, bởi ai chịu trả phí tổn đám táng?”
(more…)

Hồ Đình Nghiêm


Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh

Thuở nhỏ, tôi yêu thích chuyện cổ tích. Về cái kết “có hậu”. Về một hình ảnh buộc phải xảy đến: Ra vườn sau ngồi ôm mặt khóc than một mình, thình lình có bà tiên vụt hiện ra, dịu dàng bảo: Nín đi con, con muốn gì ta sẽ trao cho con thứ con thiếu.

Một bà tiên. Suốt đời tôi vẫn thiếu bà. Tôi khóc mút mùa lệ thủy nhưng bà bận việc gì mà chẳng đoái hoài trông thấy tôi đang bưng mặt thổn thức với sầu đau?

Nhiều người chê cách dựng chuyện hoang đường kiểu ấy. Nhưng tôi thì không. Tôi vụng nghĩ, bạn nên tìm đến niềm hy vọng cho dù chân bạn không bước tới đường cùng. Đại diện cho nỗi khát khao chẳng có gì dễ thương cho bằng một hôm bạn nhìn thấy một bà tiên. Tiên cũng chẳng ngại ngần kề cận khi tóc bạn đã hai màu. Không phải sao, trong văn chương vẫn mãi tụng chữ thiên thần? Họ viết thêm: Khi em đến, xin hãy đóng cánh cửa sau lưng, khóa lại và ném mất chiếc chìa ấy đi.
(more…)

Cà-na-điên

Posted: 04/09/2019 in Hồ Đình Nghiêm, Thơ

Hồ Đình Nghiêm

lão vào nhà
thương
rồi ra
khu kia vực nọ
người
ma
mặt lờn
sáu dây
bốn sợi níu đờn
ghi ta ghì tớ ngậm hờn ngũ cung
lão điên vận sự kiết hung
cà na tuy lạnh đụng chung kẻ lành
phương này tử tế thập thành
rộng lòng gia hạn phép dành tháng năm
trở trời khó ở vào nằm
năm sao khách sạn chả nhằm nhò chi
không nghe ra tiếng bấc chì
đi tàu suốt hở? lão thì chậm chân
bệnh tình tha thứ xác thân
lá phong đỏ thắm lần khân vui cành
lão chẳng có gì để dành
mang đi trả nợ ơn thành người điên
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Bạn tôi năng buồn, buồn mang nặng. Để trám lấy, mong khinh khoái, bạn làm thơ. Tơ lơ mơ thôi cũng gặt được gần hai chục cái like. Ai đó nói, bữa nay hắn sinh đổ đốn, bạn nghe, bỏ ngoài tai. Đẹp trai không bằng chai mặt. Bạn kêu ngặt, làm thơ khó mà tìm đứa hiểu ta, lại càng khó hơn. Tôi vỗ vai bạn, một ngày kia rồi sẽ ngộ, chẳng hạn có kẻ tâm đầu ý hợp lò dò quá bộ lại tìm quen.

Tính bạn tôi chướng, ưa cãi bướng, thích Bùi Giáng ở câu “Suốt đời phải thức trắng đêm, suốt ngày ngủ nướng mới nên con người”. Mày chưa đắc đạo thì chớ cười. Tao nào phải dân chây lười. Lại đọc thơ Tô Thuỳ Yên “thức cho xong bài thơ, mai sớm ra đi, cài hờ lên cửa tặng”. Nghe đã mặn chưa? Có khi thức dậy ban trưa, chưa lại thần hồn đã phán: Mày mần cho tao cái bìa, đôi ba bữa nữa tao gom thơ đi in thi tuyển. Chừng trăm quyển cũng đủ trôi cơn hạn. Đã là bè bạn, không phải nói trạng hãy đợi chạng vạng cùng bá cổ nhau đi đánh chén. Xem như ăn mừng trước đi, hén?
(more…)

Lễ vang lu

Posted: 21/08/2019 in Hồ Đình Nghiêm, Thơ

Hồ Đình Nghiêm

Ngày xưa ở lỗ tắm mưa
Còn lu hứng nước để trưa mẹ dùng
Trời giông sấm giận đì đùng
Bạn mình tên Bẹn vô cùng hoảng kinh
Toàn thân thấy thiếu linh tinh
Một vài bộ phận riêng mình đong đưa
Quả cau đã tượng hình chưa?
Da gà nổi hột lưa thưa tóc thề
Xô qua đẩy lại lề mề
Ưa hun một miếng môi trề nỏ ưa
Ai sinh đứa thiếu kẻ thừa
Nít ranh bày đặt cặp vừa lứa đôi
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Mùa Vu Lan mà để lòng xiêu, chỉ ngêu ngao về vợ mình thì nghĩ cũng không phải. Nhưng có lắm hoàn cảnh trớ trêu đã bày ra những nghịch tử, chúng hiện diện ở đời mà mãi trách cứ song thân, đẻ tui ra làm chi rồi vất tui vào cõi trầm luân này. Trách cứ về lương duyên thành tựu vợ chồng bố mẹ, cứ vùi đầu tác hợp mà chẳng chịu liệu cơm gắp mắm trông trước ngó sau. Đói cho vàng mắt mờ người mà còn chí thú chuyện “hạnh phúc” lứa đôi. Chẳng chịu mua bánh trung thu để được khuyến mãi tặng không một lố bao cao su chưa qua sử dụng. Càm ràm với bất hiếu cũng một nghĩa như nhau. Tôi không càm ràm, tôi giận bà con cứ quen dùng điệp ngữ “trăm năm hạnh phúc” làm quà cưới đến nhà hàng đặc sản, mang trao cho đôi trẻ ý hợp tâm đầu. Trăm năm có dài không? Nghe đâu tới chừng bảy chục cổ lai hy thì người ta đã đầu bạc răng long, sống đây cũng như chết rồi. Riêng bố mẹ tôi thì xuội lơ đi gặp bác khi vào độ tuổi sáu chục. Bác ta nào ở xa xôi, sắp hàng một chốc hỡi ôi ba đình.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Ở xứ lạnh dai dẳng ai cũng mong hè về, thế rồi khi nó tới, như chân đi một lữ khách đã mỏi mòn cần tìm nơi ngồi nghỉ. Nó ở tạm chẳng lâu, hiện ra mà không cần phải đón nghe những thành tâm đưa lời cầu xin quá bộ. Nó nóng quắt quay và khiến lắm kẻ lại manh tâm quay mặt khước từ. Họ bày ra những chia tay, họ đi xa, họ bảo cần thay đổi không khí.

Như vậy, nghỉ hè mang ý nghĩa của những cuộc lên đường. Vé máy bay lên giá, lập luận rằng tại rơi vào mùa cao điểm. Người ở núi cao bay về vùng biển, người ở phố phường tìm ra bình nguyên vắng tiếng động. Sống nơi cô quạnh bèn vượt biên mong quây quần chung đụng tiếng cười hiền hữu. Tựu trung họ tìm nhặt sự quân bình, bồi đắp những thiếu hụt, hoán đổi một môi trường, một cảnh sắc. Quen, lạ.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Ngày xưa em xuống ngồi đò
Qua con nước đục lờ, cò, vạc, nông
Lòng sâu cạn vệt mây hồng
Hào năm xu lận mấy đồng quá giang
Đầu để trần bọc áo mang
Quần rách lai mặc với gan tày trời
Bên cầu gãy nhịp ru hời
À ơi cầm chén cơm thời thảo thơm
Ba hột dằn bụng cũng hơn
Lỡ làm ma đói quên hờn tiễn đưa.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Con đường mang tên một vị thánh. Saint Nicholas. Thành phố này có không dưới ba mươi vị. Ông thánh, bà thánh nằm đó đây, cắt ngang nhau, chồng lên nhau, nối tiếp nhau và đa số quần tụ trên vùng đồi cao.

Xe buýt nặng nề leo dốc, máy nổ lớn và cảnh vật bên ngoài trôi qua từ tốn, quen mặt. Những ngọn đèn luôn thắp sáng trước một tảng màu diêm dúa có treo hình cô gái khỏa thân đứng cheo leo trên mái che, những bậc cấp uốn lượn dẫn lên một dãy sân tennis có rào lưới chắn bên ngoài. Xe sẽ dừng ở trạm đổ, nơi ngã tư luôn tụ gió và cái bảng đường mang tên St-Nicholas đứng run chân dưới ụ đất vun nhiều cỏ dại với hoa vàng lưa thưa.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

1.
– Nếu mày có vợ, người ta câm lặng. Nếu mày ở chung với một người con gái, người ta xí xọn rêu rao: Thằng ấy có mèo.

Quân nâng ly cà phê đen đá lên, tợp một hớp. Xong nói tiếp: Khi đã có vợ mà còn vụng chùng, còn đèo bồng thêm một nhan sắc, đối tượng kia được mang hỗn danh bồ nhí.

Sĩ thắp một điếu thuốc, thở khói:

– Mày chúa lý sự lôi thôi, luôn áp đặt những từ không chính xác. Mèo với bồ nhí là cái thá gì? Cơm với phở cũng thuộc dạng hồ đồ. Bà kia là vợ chính thức, bà nọ là người tình, đơn giản là thế, minh bạch là thế. Mày có mèo rồi à? Hay mày đang thậm thụt cùng bồ nhí?
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Sơn cùng thuỷ tận. Hình ảnh ấy mang đủ sự đe doạ. Như ngày xưa người ta sợ hãi khi bị dồn đẩy lên vùng kinh tế mới, lạ nước lạ cái, đưa đầu trần, tay không tấc sắt, chống đỡ và đương cự với bao oan nghiệt vây bủa, thập tử nhất sinh.

Nhưng ngày nay, vì hoàn cảnh riêng tư đã xúi đôi kẻ chẳng ngần ngại lập ngôn “ta không vào địa ngục thì ai vào?”. Thiên đường thì mãi hiếm chứ địa ngục, ôi thôi nó bày ra nhan nhãn đó đây. Rừng rậm không dấu chân người thì bỏ qua đi nha, núi cao muôn trượng tuyết phủ ngàn năm cũng rứa; chúng không phải và không đúng với tâm trạng “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”. Thưa vắng khác với đèo heo hút gió, chó ăn đá gà ăn muối. Địa ngục cũng có năm bảy tầng, đừng dại thăm thú tầng quá sâu. Chúng ta đi là đi vậy chứ lòng chúng ta mong lắm ngày trở về. Cô dâu chú rể thường khởi đầu cuộc sống lứa đôi bằng tuần trăng mật. Họ đồng lòng chọn lựa một nơi chốn cực kỳ thú để đánh dấu kỷ niệm về sự kiện quan trọng trong đời. Qua rồi thời vàng son, mình bây chừ chuyện sống chết đến sát bên lưng hồi nào chẳng hay. Cần lắm một lần thay đổi không khí.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Mỗi khi đi làm, Gia đều ra đứng ngoài đường lớn, sắp hàng đợi chuyến xe buýt chạy lên hướng phố. Mất khoảng hai chục phút, Gia bước xuống trạm dừng kề bên một công viên thoáng rộng có lắm cây xanh. Cuối tầm nhìn, chận đứng bằng dãy nhà màu gạch nâu tựa bức tường cổ xưa mãi thi gan cùng tuế nguyệt. Đằng sau nó là nơi Gia sẽ bước vào, lạc thần hồn trong tám tiếng mà đồng hồ thì biếng nhác di dời hai cây kim, có vẻ đình trệ. Thứ lập trình quen thuộc ấy gần như bào mòn cảm xúc của Gia, tiếng chim ríu rít lắm cung bậc mất dần giá trị, không lặng người như phút đầu được nghe giọng lãnh lót, việc chúng muốn chia sẻ niềm hân hoan. Ngoài chim kêu rộn ràng, đầy ứ mỗi sáng mai khi đi băng qua công viên, Gia thường quen đặt mắt vào một hình khối trắng đục, như kiểu muốn kiểm chứng là nó còn đó hay đã bỏ đi. Từ bao lâu rồi, người ta trồng dựng một bức tượng thạch cao đúng với tỉ lệ con người có kích thước bình thường, cỡ 1 mét 68. Gia độ chừng vậy vì ngay cả thước tấc 1 m 70 của bản thân được in sau tấm căn cước bọc nhựa chứng thực công dân Gia Nã Đại cũng không hẳn là chính xác. Một tài liệu nào đó xác chứng, càng về già cơ thể con người sẽ chịu co cụm, lùn xuống, thấp đi. Thời gian vô tình, rồi nó âm thầm quất roi vào Gia một dấu huyền. Gia huyền già. Nhưng nói vậy thôi, Gia tự lượng sức mình vẫn còn lưu luyến, dùng dằng với hai chữ thanh niên.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Như thường lệ, Huỳnh Thị Giáng Thu về nhà lúc bảy giờ. Hai mùa mưa nắng sẽ làm thay đổi độ sáng tối nhưng đang hè, từ ngoài lộ xuống con đường đất đâm thẳng tới cổng nhà, mặt trời tuồng như vẫn còn gửi lại ánh dương quang. Nắng tuy yếu nhưng độ nóng chưa giảm sút, ẩm thấp, hầm hập. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, dán vào da Thu sít sao. Nực nội.

Dù gì thì đường đất tuy gồ ghề mấp mô chút đỉnh nhưng nó ít thu giữ nhiệt lượng so với đường nhựa dài hơn mười cây số mà Thu vừa đạp xe băng qua, chưa kể hàng cây khuynh diệp mọc cách khoảng với cây vú sữa đứng bên đàng đang xôn xao gửi trao cho Thu chút giò vờn quanh thân. Thu thấy dễ chịu. Bao giờ cũng vậy, càng gần tới nhà nỗi nhọc mệt cứ từ tốn rời khỏi người Thu. Thu nghĩ tới cái lu sành đựng nước đặt bên chái bếp, nước chứa đựng trong đó sao nó mát ngọt cách gì đâu. Thò lon vô múc, dội từ tốn xuống đầu, mình và tứ chi, nghe khoái cảm đâm gai trên da thịt. Lại thần hồn. Nhưng mà nói vậy chứ giờ này hẳn còn thanh thiên bạch nhật, đợi trăng lu Thu mới thầm lặng ra ngồi bên cái lu, có vậy mới tìm đúng sự thư giãn, khỏi trông trước ngó sau như đứa tội phạm có mưu đồ bất chính, tắm hối tắm hả.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

1.
Em bơi như thể kình ngư
lên bờ nghe lạnh mỏi nhừ suối khe
mặt nghiêm hàng lộ không che
ma-dzê-in nọ ai dè china

bá tánh không ngớt kêu la
đặc khu bành trướng mả cha sự đời
một bức ảnh nói ngàn lời
tội danh phảm cảm nắm nhời ninh tinh
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Từ ngã tư chú Ía đi vô đường cụt, bà con đứng lố nhố, láo liên tụm năm tụm ba luân phiên góp chuyện, chuyện nọ xọ chuyện kia bày ra toàn cả nghi vấn, khó hiểu. Lối đi vốn hẹp té giờ tìm không ra một khoảng hở, thuật ngữ báo chí buổi nọ dùng chữ “sự cố gây ùn tắc giao thông”.

Có đội ngũ công an la hét nhằm giải toả đám đông. Trung tá Mộc, trưởng ban điều tra chuyên án xuống xe, được hai ông bảo vệ dang tay vạch lối vào hiện trường nơi xẩy ra thảm kịch. Một anh mặt non trẻ nhưng đeo lon Đại uý trình bày cho “sếp” nghe chút khái niệm ban đầu: Theo lời khai của bà Hai, ngụ ở căn hộ sát vách thì hôm qua, tầm chín mười giờ tối nghe tiếng cãi lộn…
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Nắng hung huê héo
đó tề
Huế chưa nóng đít
lề mề
khu xa
Ghế mô
mông toạ bàn tra
Đít lạnh hàn khí mà ra
lộn hồn

Hai mui miếng
ngậm cái
lon
Mô tê noái mãi cũng lờn nết na
Mềnh đi ma bắt quỉ tha
Rứa chơ ngoái lại mạ cha cũng ngầy
ngà thêm vận sự bầy hầy
Đã tra có hột
chưa đầy nhân
sâm
Nắng cực chui tìm bóng dâm
Đứng chặp xớ rớ tà tâm chộ
nghèo.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Một tháng trôi qua nhanh không ngờ tới. Ba mươi ngày tuần tự lật giở sang trang, cuộc đời cứ thế vẫn lạnh lùng trôi đi, nhưng ở một vài bộ môn, đôi ba xứ sở, ngày 7 tháng 7 vừa qua đã đánh dấu một sự kiện khó quên. Ngày có trận chung kết Women’s World Cup diễn ra ở sân vận động Stade de Lyon, cầu trường chứa hơn 59.000 người. Lyon này chẳng mắc mớ gì tới ga Lyon đèn vàng “lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế”.

Tôi buồn vì tôi chia tay với môn football (soccer) hết được theo dõi trực tiếp những trận đá banh. Và tôi cũng chia buồn với đội tuyển nữ Hoà Lan (Oranjeleeuwinnen), họ đã bị USA soán đoạt lấy giấc mơ ngàn năm một thuở. Cần nhìn lại sự có mặt của đội bóng màu da cam với các lần thi đấu (toàn thắng) đầy thuyết phục: Thắng New Zealand 1-0. Thắng Cameroon 3-1. Thắng Canada 2-1. Thắng Japan 2-1. Thắng Italy 2-0. Vào bán kết (lần đầu tiên trong lịch sử Dutch) để gặp Sweden và thắng 1-0 ở extra-time; mở toang cánh cửa nhằm đụng đầu địch thủ Mỹ lần cuối cùng.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Mỗi lần hẹn hò gặp mặt ở quán ăn, ông Hoan không quên mang bia theo. Bạn già kể cả quý bà khi đưa cay họ thảy đều mặn rượu chát, nhâm nhi, sành điệu. Thứ này “ăn” với hải sản, hiệu nọ hợp với thịt bò và nói chung “uống rượu chát rất tốt”. Vô tình, ông Hoan thành đứa nhà quê, lạc loài và mãi chung tình với anh “Tôn Thất Bia”.

Ông Hoan người Huế, chẳng dân hoàng phái, nghe bạn già đặt cho ngoại hiệu kia cũng nên ngậm cười sương sương chút vui thú. Máu ông Hoan thuộc nhóm gì? A, B hay O? Cái đó Hoan (không có g nằm đằng sau) chẳng bận tâm, chỉ biết là đổ bia vào người thì không răng cả, rứa chơ rượu chảy qua cuống họng, trôi xuống bao tử thì bỗng phừng phừng nóng nảy tợ Trương Phi, mặt đỏ hơn Quan Công và phát ngôn có đôi phần giống Tào Tháo: Phàm muốn tựu thành việc lớn trong thiên hạ trước tiên phải về nhà vấn kế vợ, vợ bảo sao cứ thế mà làm ngược lại, ắt thành công.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm
tặng Nguyễn Trần Diệu Hương.


Megan Rapinoe, tiền đạo đội bank Mỹ

Thứ Sáu, ngày 28 tháng 6, nhiệt độ ở Montréal lên tới 29oC trong khi ở Paris, cọng thêm độ ẩm, nhiệt kế ghi con số nằm chênh vênh bên lằn mức đỏ: 31. Nực nội dồn về, dường như có sự hừng hực khác thường đang bao trùm lấy sân vận động Parc des Princes, Paris. Nắng nôi mà nói làm gì, chẳng qua là chủ nhà có chút căng thẳng khi phải dàn trận tiếp đón so giày đọ sức với 11 tuyển thủ USA, đội banh từng lập nên kỳ tích “chưa bao giờ chịu dừng chân trước bán kết”.

Hôm đó, anh em cầm bút ở địa phương Mộng Lệ, theo hẹn hò vào lúc 6 PM, cũng sẽ “dàn quân” tới một quán ăn nhằm đón chào nhà thơ Trần Mộng Tú đi cùng phu quân từ Seatle mát mẻ sang thăm Bắc Mỹ đứng gió đôi ngày. Từ hướng cực Tây bay tới mút phía Đông tính theo bề rộng lãnh thổ đôi đàng. Sáu giờ sẽ gặp mặt người thơ nữ tiếng tăm, nhưng ba giờ thì ngồi nhìn trái banh da bắt đầu lăn trên sân cỏ. Đồng hồ Paris chạy trước chốn này những 6 tiếng, có nghĩa là “trông trăng trăng lặn nhìn sao sao mờ”, chờ đèn thắp lên vào lúc 9 giờ tối (kêu bằng đá đèn) đợi giờ đó nai nịt ra quân những mong cơ thể khỏi bị phát sốt và cầu thủ thôi viện dẫn lý do “ta thua là do bởi trời hành cơn hạn đó thôi”.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Sự bất quá tam? Câu này không phải là định luật đúng đắn. Để đả phá nó, có vẻ khuyến khích cho việc trì chí, người ta lập luận: Thua keo này bày keo khác.

Sau ba lần “có âm mưu trốn ra nước ngoài” thất bại, đổ bể, bị tó, nhập kho. Lần thứ tư, bày keo khác, ơn trời chúng tôi vượt biển thành công. Nếu thất bại, vĩnh viễn chúng tôi không thể làm đứa mang tội danh “phản bội tổ quốc”. Đó là sáu cây vàng cuối cùng nhằm đặt vào canh bạc sau chót, cá cược luôn cả tính mạng bọt bèo vào sự rủi may. Nói theo cách của mấy anh lính “chế độ cũ”: Một xanh cỏ, hai đỏ ngực.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Không bận tâm ngày Phụ Nữ Quốc Tế đã qua hay chưa tới? Đang tháng 6, lịch in ngày 16 là Father’s Day. Làm cha, ai cũng ít nhiều gặt hái hạnh phúc. Tôi không ngoại lệ, cậu con út âm thầm “đi đêm”, ký hợp đồng với đài TSN để bảo chúng trực tiếp truyền hình toàn bộ các trận đấu Fifa Women’s World Cup 2019 cho bố ngồi mát mà rửa mắt cảnh đờn bà so giày hì hục nguyên tháng. Ngày lễ cha mà được ngắm các loài kỳ hoa dị thảo trên thế giới về khoe sắc, toàn thân ướt đẫm mồ hôi việc vờn bóng kéo áo giật quần tại mọi đấu trường ở Pháp, há chẳng đã con mắt sao? Cho bố cảm ơn con một tiếng gọi là… trọn đạo làm cha (con lo cho tròn chữ hiếu chí ít cũng bằng trái banh da Adidas). Và cha hoài nghi có phải là con đưa ra đấu pháp muốn cột chân cha tại gia, chẳng cho ổng vui chân mò đi xem “đánh ba” ở những tụ điểm bia không ôm rậm rật gái xinh ở khu tiểu Ý Đại Lợi mãi rù quến?
(more…)

Hồ Đình Nghiêm


Nude
Hồ Hữu Thủ

1.
– Cô đưa tay ra. Nam tả nữ hữu, bàn tay phải ấy.

Mộng nghe lời. Như số đông, Mộng thuận tay phải, thử nắm bút tay trái chữ viết xuống xấu tệ nét run như gà bới. Con dao gọt hoa quả cũng vậy, láng cháng sẽ khiến cho mấy ngón ở tay phải đổ máu. Mộng không rõ cớ sao vận mệnh con người lại chỉ định riêng lối: Con trai nằm ở bàn tay trái mà ẩn khuất lại bày ra trên bàn tay phải của con gái, đàn bà, phụ nữ. Có gì khác nhau giữa trái, phải?

Thầy bói là một gã trung niên, dĩ nhiên hai con mắt còn lành lặn, long lanh soi mói là đằng khác. Nếu mù, gã đã chẳng hành nghề việc xem chỉ tay. Tay gã nóng khi mân mê trăn trở bàn tay Mộng, cầm lên đưa gần mắt rồi đặt lại xuống bàn. Bàn nhỏ, trải tấm khăn đỏ chỉ bày ra một bộ bài tây có 52 lá cơ rô chuồn bích đã chất chồng dồn xếp lại nguyên trạng. Không hiểu do đâu Mộng mọc lên cái ý nghĩ, rằng nếu chia bài ra sát phạt xì-lát, cát-tê, xì-phé, xập xám chướng… ắt Mộng sẽ sớm cháy túi trước gã thầy bói. Đứng ngoài mép bàn là cái ly đựng gạo dùng để cắm nhang, nãy giờ cây nhang thắp từ phút trước đang cháy ngún gần hết chiều dài nó mang, cà kê dê ngỗng gì thì cũng sẽ đến hồi chung cuộc.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm


Quân tử dùng dằng
Bùi Xuân Phái

Tôi yêu thơ của bà Hồ Xuân Hương, nói tội trời vì “mềnh cùng một họ”. Nhiều người ghét họ Hồ, tôi hiểu được, nhưng không chối cãi rằng có lắm người mến chuộng nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Trong bài “Thân Phận Người Đàn Bà” có hai câu thần sầu qủi khóc:

“Bố cu lổm ngổm bò trên bụng
Thằng bé hu hơ khóc dưới hông”.

Tuyệt! Khơi mở ra hình ảnh lắm ẩn dụ, giàu liên tưởng. Xưa từ hồi nảo hồi nào, hình như bà Hồ Xuân Hương là người đi tiên phuông, lén phén bàn qua chuyện cấm kị và lên giọng thoải mái khi đụng tới những vùng “nhạy cảm”. Những Đánh Cờ, những Cái Quạt, những Đánh Đu… Nhiều bài lắm, tạm đưa ra bài Quả Mít dẫn chứng:

“Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì múi nó dày
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó nhựa ra tay”.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Tuy đi qua cuộc chiến đã lâu, hơn nửa đời người chú Bê vẫn còn sống với những ám ảnh, với bất mãn, với hằn học khôn nguôi. Cũng dễ hiểu và nên thông cảm cùng chú ấy, ngoại hình chú bị mất một cánh tay còn trong lòng thì thu gom biết bao đổ vỡ chất chồng, khó lành lặn, vô phương cứu chữa.

Tôi đi Việt Nam, xuống tới Sài Gòn, khi hay tin, chú Bê từ Hà Nội lật đật bay từ thủ đô vào thăm tôi. Ông bà nội tôi đẻ ra ba người con: Ba tôi, bà o xong đến chú Bê. Cả ông anh bà chị đều ở trong nam, riêng chú từ hồi bé nhỏ dại khờ đã bốc đồng đi theo cách mạng, có khi nổi trôi ra tận Cao Bằng Lạng Sơn để rồi đụng độ với bọn bành trướng Trung quốc, xém chút là mất mạng, hồn du địa phủ. Trước đây chú từng lên án tôi về việc bỏ trốn quê hương để chạy đi bám đít bọn thực dân xơi bơ thừa sữa cặn. Sau này chú thay đổi tư duy, lập ngôn kiểu phản động tựa như “cột điện mà có chân cũng biết tháo chạy như ai”.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Hắn đè vợ tôi ra đòi xeo-phì. Áp má xong lại đòi hun miếng. Hắn có hai lý do chính đáng: Một, mới bóc tem cái iPhone X. Hai, mai đã là ngày Mẹ. Lý do không chính đáng khác là: Để con đăng lên phây, tỏ bày chút tâm trạng.

Tôi nghĩ bụng: Có thương thì để trong ruột chơ việc chi phải rình rang “bày hàng” giữa thế giới ảo rứa bây? Vợ tôi nói: Ngày xưa khi chưa đẻ mi, muốn hôn hít bậy bạ với ba mi, bốn mắt phải nhìn trước ngó sau coi thử có ai dòm lén không, tốt nhứt là tìm nơi vắng vẻ; dại khờ mà, mô có khôn lanh tìm tới chốn lao xao.
(more…)

Hồ Đình Nghiêm

Bạn còn nhớ Truyện Kiều của Nguyễn Du không? 3254 câu lục bát khởi đi khúc đoạn trường bằng vào cuộc dạo chơi của ba chị em trong tiết tháng ba, Thanh Minh là dịp lễ tảo mộ, xúi gặp phải nấm mồ lạnh tanh của Đạm Tiên không nhang khói, thế một điềm báo trước về kiếp hồng nhan, vận vào nhân vật chính: Thuý Kiều.

Sè sè nắm đất bên đường
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

Cỏ là cỏ. Nguyên trạng, mọc thấp lè tè, ngứa ngáy, tràn lan (xanh tận chân trời), không mắc mớ gì tới đám cỏ mịn màng kín đáo nằm trong hai câu của Bùi Giáng (1926-1988):

Bây giờ em đứng nơi đâu
Cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao?

(more…)

Hồ Đình Nghiêm


Từ trái: Tô Thùy yên, Hồ Đình Nghiêm và Đinh Cường

Thắp Tạ là tập thơ thứ hai của thi sĩ Tô Thuỳ Yên phát hành vào năm 2004.

mây bay bay như những vẫy biệt…
nàng đứng cho tàn như một nén nhang.

Với tôi, người đại diện cho hội hoạ: Hoạ sĩ Đinh Cường. Đại diện cho thi ca: Thi sĩ Tô Thuỳ Yên. May mắn là có khi tôi được ngồi chen vai thích cánh với nhị vị. Và còn buồn đau nào hơn khi, hai người tôi ngưỡng mộ đã lần lượt kẻ trước người sau bỏ tôi ở lại với bóng tối. Mới hưởng lấy hơi ấm từ thân nhiệt toả lan, giờ lạnh ngắt như “Lúc tàn khuya. Nhà hương hoả tối mốc. Còn ai không, có gọi chỉ thêm buồn…

Tranh Đinh Cường nhốt chặt sự thơ mộng, thì thơ Tô Thuỳ Yên mở rộng một cảnh quang hiu quạnh, rờn rợn đến thắt lòng: Đánh mất trong đành đoạn, tang thương trong bể dâu, vắng bặt nụ cười khi nhìn lại. Sau cùng là một lìa xa.

Cái chết tru rân giờ nguyệt tận…
Máu bung từ mỗi lỗ chân lông,
Mọi người nghe chính mình kêu rú…
Liệu sáng mai còn ai nữa không?

(more…)